Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    kết quả từ 1 tới 4 trên 4
      1. #1
        Tham gia ngày
        Jun 2009
        Bài gửi
        905
        Cảm ơn
        801
        Được cảm ơn: 898 lần
        trong 448 bài viết

        Default Lương y Nguyễn Hữu Khai

        Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai sinh ngày 08/01/1953 (tức ngày 23/11 năm Nhâm Thìn, tại Thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ của ông đã trải qua nhiều thiếu thốn như những đứa trẻ chăn trâu khác trong làng với những củ khoai, củ sắn thay cơm hàng ngày. Tuy nhiên, tư chất thông minh, sáng tạo, ham học hỏi và không hề biết khuất phục trước những khó khăn đã sớm có trong con người ông. Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sau đó, ông được chuyển về học Đại học Kiến trúc. Định mệnh dành cho ông không phải là một kiến trúc sư mà là một thầy thuốc Tâm - Đức cứu người, giúp đời. Không thể đành lòng thấy bà nội bị đau bụng kinh niên, chữa chạy mãi không khỏi, đứa em gái mắt bị kéo màng, rồi anh em họ hàng cùng bà con làng xóm ốm đau bệnh tật nhiều, hao tán hết gia tài mà bệnh vẫn không lành…ông đã lẳng lặng bỏ nhà, vượt biên sang Trung Quốc quyết tâm tìm thầy thuốc giỏi để học nghề. Gần 10 năm kiên trì bên xứ người, học thuốc và luyện võ, năm 1982 ông đã trở về quê hương dành hết tâm huyết khám bệnh và chế thuốc, cứu chữa cho hàng trăm người trong vùng khỏi bệnh. Tiếng lành đồn xa, không chỉ dân các vùng lân cận mà cả người từ Hà Nội lặn lội tới xin ông chữa bệnh. Nhưng với “lý lịch xuất ngoại không bình thường” lại khám chữa bệnh trong điều kiện không có văn bằng, chứng chỉ nên ông đã bị đình chỉ hành nghề. Người thường có thể suy sụp nhưng ông càng không thể đầu hàng số phận, đó cũng là khoảng thời gian quý giá để ông tiếp tục nghiên cứu y, dược lý từ những cuốn sách cổ, kinh nghiệm chẩn trị bệnh của các bậc thầy và kiểm chứng kiến thức qua thực tế chữa trị bệnh cho nhân dân. Tháng 8/1984, ông đã quyết định xa quê lập nghiệp, theo đoàn kinh tế mới vào Nam và làm việc tại Trạm Y tế Công ty Cao su Dầu Tiếng - Sông Bé.

        Năm 1984 Lương y Nguyễn Hữu Khai từ khu kinh tế mới vào TPHCM hành nghề xem mạch, kê đơn, châm cứu và tham gia hội Đông y Quận I. Tại Câu Lạc bộ quận I, Lương y Nguyễn Hữu Khai đã được Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Đông y trọng dụng giao cho việc tổ chức các buổi thuyết trình về y lý để bổ túc kiến thức cho thành viên câu lạc bộ, đồng thời xem mạch kê đơn tại trạm y tế phường 18 quận I, sau đó chuyển về phòng chẩn trị quận I xem mạch kê đơn.

        Năm 1985 Hội chữ thập đỏ quận 5 mời về làm trưởng phòng chẩn trị y học cổ truyền và mở lớp bồi dưỡng kiến thức y học cổ truyền cho hội viên.Năm 1987, Bệnh viện Y học dân tộc TP. *** mở lớp mạch lý phương dược để bồi dưỡng kiến thức cho các thầy thuốc y học cổ truyền. Tại đây Lương y Nguyễn Hữu Khai đã có cơ hội bộc lộ khả năng trình độ của mình được đồng nghiệp và học sinh mến phục, từ khắp các tỉnh lân cận TP. *** kéo về dự lớp. Khi khai giảng chỉ có 30 học sinh nhưng sau một tháng số học sinh tăng lên 400 người, phải chia thành 2 lớp và chuyển lên hội trường lớn để học. Sau đó lương y Nguyễn Hữu Khai được các tỉnh, thành phố mời về tham gia giảng dạy cho các trường, các lớp về kiến thức mạch lý phương dược. Số học sinh tốt nghiệp - nhiều người có điều kiện đã mở phòng chẩn trị riêng. Một số học viên không có điều kiện mở phòng mạch thường theo thầy Khai phụ việc. Để hỗ trợ cho các học viên đã mở phòng chẩn trị và tạo việc làm cho những học viên không có việc làm, lương y Nguyễn Hữu Khai đã tổ chức sản xuất thuốc hoàn tán tại 535/24 đường Nguyễn Tri Phương (nhà riêng của bác Hà Quốc Khánh – cán bộ công an. TP. Hồ Chí Minh). Bài thuốc đầu tiên ra đời đó là thuốc phục hồi chức năng gan, trị mẩn ngứa, dị ứng, viêm gan… thuốc được giới thiệu và bán theo hình thức “sơn đông mãi võ” và chủ yếu phục vụ tại các bến tầu, bến xe. Khi được thị trường chấp nhận, doanh số tăng, anh em đề nghị thầy Khai đặt tên thuốc. Vì thuốc được ra đời vào năm 1988 (Mậu Thìn) là năm con rồng và chữa bệnh gan (thuộc hành mộc) nên thầy Khai đặt tên là thuốc “Mộc long”. Nhờ Hội Chữ thập đỏ quận 5 giúp đỡ, cơ sở chuyển về 64 đường Trần Phú – TP. ***, sau đó phát triển thêm 4 loại nữa:

        - Kim long (trị viêm mũi, viêm xoang).

        - Thủy long (trị sỏi thận).

        - Hỏa long (trị phong thấp viêm khớp).

        - Thổ long (cốm bổ trẻ em).

        Đủ bộ Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ). Lúc này các sản phẩm đã có thị trường. Nhân viên tiếp thị đề nghị thầy Khai đặt tên cho cơ sở sản xuất. Do sản xuất 5 loại thuốc có tên là “Long” nên cơ sở được đặt tên là: “Nhà thuốc Ngũ Long”. Sau này phát triển thêm hơn chục sản phẩm mang tên con rồng nên đã đổi tên là: “Nhà thuốc Bảo Long”.

        Lúc này nhà thuốc Bảo Long bị nhiều đối thủ cạnh tranh tiêu cực và đã phải ngưng hoạt động, sau đó lương y Nguyễn Hữu Khai được Xí nghiệp Đông Nam dược quận 3 – TP. Hồ Chí Minh mời về hợp tác để sản xuất các sản phẩm Bảo Long tại 168 Cách mạng tháng Tám, sau đó chuyển sang 63 đường Nguyễn Thông – TP. ***, sau đó lại phải chuyển sang thuê cơ sở của Xí nghiệp dịch vụ Sở Nhà đất tại 83 Lý Chính Thắng. Rồi một lần nữa lại bị phản phúc, thầy trò Nguyễn Hữu Khai lại phải dạt vào nhờ thế lực quân đội và trở thành một phân xưởng Đông dược của Xí nghiệp Dược phẩm Quân khu 7 tại đường Tô Hiến Thành. Sau đó do quy chế của Quân đội không cho hợp đồng với cơ sở ngoài lực lượng vũ trang nên Bảo Long lại phải ra đi…

        Năm 1990 trung tá Hà Quốc Khánh được Ban giám đốc Công an TP. *** ủng hộ, đã mời thầy trò Bảo Long về xây dựng xí nghiệp đời sống chuyên sản xuất thuốc y học cổ truyền. Ngày 01/6/1990 Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long được thành lập tại số 4 đường Nguyễn Cảnh Trân TP. Hồ Chí Minh (cổng sau của Công an TP. ***). Khi phát triển xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long đã phải thuê mặt bằng của trường Hành chính Quốc gia (đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp). Sau đó lại chuyển đi thuê cơ sở của Xí nghiệp đời sống thuộc trường Đại học Sư phạm (280 An Dương Vương, TP. ***). Năm 1992, Công an TP. Hồ Chí Minh đã giao toà nhà cao tầng tại 126 Hải Thượng Lãn Ông cho Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long. Đây là một cơ sở bề thế nhất. Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long lúc này do Trung tá công an Hà Quốc Khánh làm giám đốc, Ds Nguyễn Tuấn Khanh làm phó giám đốc Kỹ thuật; Lương y Nguyễn Hữu Khai làm phó giám đốc điều hành sản xuất. Nhưng một năm sau (năm 1993) nhà nước có chủ trương hạn chế lực lượng vũ trang làm kinh tế nên xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long phải chuyển thành Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long và phải chuyển về Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hốc Môn.

        Công ty Đông Nam dược Bảo Long lúc này do lương y Nguyễn Hữu Khai làm giám đốc, Cử nhân Huỳnh Văn Hải (nguyên giảng viên của trường Đại học Sư phạm TP. ***) làm phó giám đốc. Sau đó Bảo Long đã phát triển thị trường ra các tỉnh phía Bắc, lập chi nhánh ở Hà Nội cũ và Hà Nội…
        thay đổi nội dung bởi: htruongdinh, 14-11-10 lúc 18:09
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      2. Danh sách Hội Viên đã cảm ơn "htruongdinh" về bài viết có ích này:

        sonthuy (14-11-10)

      3. #2
        Tham gia ngày
        Jun 2009
        Bài gửi
        905
        Cảm ơn
        801
        Được cảm ơn: 898 lần
        trong 448 bài viết

        Default

        Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự đã dựa vào chất liệu sống cuộc đời thực của Nguyễn Hữu Khai viết nên tiểu thuyết “Nợ đời” gây được tiếng vang lớn. Nhà văn Thùy Linh và nhà văn Trung Trung Đỉnh đã chuyển “Nợ đời” thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập “Đường đời” do Trần Quốc Trọng và Trần Hoài Sơn đạo diễn, được hàng triệu người Việt Nam yêu thích. Dù thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ Nguyễn Hữu Khai, vẫn được anh mời dự những sự kiện quan trọng của Bảo Long, tôi vẫn bâng khuâng, vẫn ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy nhà văn Tôn Ái Nhân tập hợp tới trăm bài báo đã đăng về anh và hàng trăm bài báo, văn thơ, truyện ngắn do anh viết đã được các báo đăng tải để tuyển chọn cho xuất bản cuốn sách mang tên: Nguyễn Hữu Khai với sức phát triển của Tập đoàn Y dược Bảo Long. Bỗng nhiên tôi muốn giải mã con người Nguyễn Hữu Khai. Điều gì đã giúp anh thành đạt, điều gì đã khiến anh làm được nhiều việc tốt đẹp không phải chỉ cho dòng họ mình, quê hương mình và còn tạo dựng biết bao niềm vui cho những người xa lạ. Không đếm nổi những người đã được anh cứu chữa, được anh dạy nghề Đông y, dạy võ thuật, lo công ăn việc làm, cưu mang lúc cơ hàn hoạn nạn. Hầu hết những công nhân, cán bộ đến Bảo Long từ buổi đầu nay đều đã có bằng cấp, có tri thức, có nhà cao cửa rộng, có hạnh phúc gia đình bền vững.

        Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét về Nguyễn Hữu Khai qua tác phẩm truyện thơ “Tình quê” của anh do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1999 viết: “Cứu người không chỉ bằng thuốc, bằng võ nghệ mà bằng cả tấm lòng nhân ái và văn chương”. Chỉ trong hơn 10 năm Nguyễn Hữu Khai đã nghiên cứu và sản xuất thành công trên 200 sản phẩm thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm thảo dược được đông đảo người tiêu dùng trong nước và thế giới tín nhiệm ưa dùng.

        Tiểu thuyết “Nợ đời” của nhà văn, nhà báo Hoàng Dự với hơn 400 trang, phần kết thúc xa hơn phần kết thúc của phim truyền hình: Từ đoạn Yến Nhi sau khi phẫu thuật lấy được đứa con trai ra thì vĩnh viễn ra đi …! Hải trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con” và có sự giúp đỡ sớm tối của Thơm để cùng chăm lo cho cháu bé. Khi ấy họ nghèo khổ lắm, kể cả nhịn ăn để nuôi con mà có hôm cả nhà chỉ còn một gióng mía nhai mớm cho thằng bé mỗi khi nó khóc. Đúng là: “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Khi thằng bé biết đi, biết nói Hải gửi về nhờ bố mẹ nuôi cháu thì họ cũng đã có với nhau một cháu gái.

        Thế nhưng sau này chính Thơm đã tự nhận ra rằng: Họ sống với nhau chỉ vì nghĩa mà thực chất không có tình yêu. Thơm tự nói với Hải: “Cuộc đời anh đáng được hưởng hạnh phúc! Nhưng rất tiếc em không thể đem lại hạnh phúc cho anh được”. Thơm khóc nhiều… rồi nói trong tiếng nấc: “Em sẽ tự đi tìm và chắp nối người khác xứng đáng cho anh!…” Rồi họ tự nguyện “buông tha” nhau. Hải lại một thời cô quạnh… Thế rồi được bạn bè và anh chị em trong Công ty “gán ghép” Hải với một cô nhân viên kế toán thông minh, xinh đẹp của Công ty do Hải làm giám đốc. Và rồi, họ trở nên vợ chồng. Điểm kết thúc của tiểu thuyết là đám cưới của họ. Tiểu thuyết dừng lại ở thời điểm so với bối cảnh thực ngoài đời vào tháng 1 năm 1998 (cách đây 8 năm). Kịch phim do nhà văn Trần Thuỳ Linh, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết thì dừng lại ở bối cảnh thực là năm 1988 cách đây 18 năm. Cháu Thiện (con Yến Nhi) hiện nay đã 18 tuổi, cháu theo nghiệp bố, hiện đang du học ở Trung Quốc. Như vậy kịch phim mới sử dụng tiểu thuyết khoảng 2/3. 1/3 còn lại cho tới nay đã 18 năm trời. Các nhà viết kịch và đạo diễn đều có nhận định rằng: Cuộc đời, công danh, sự nghiệp, tình yêu, lòng nhân ái… của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai từ đó tới nay ăm ắp những dữ kiện độc đáo, ấn tượng. Nếu như xây dựng “Đường đời” phần II thì sự hấp dẫn của nó chắc chắn không thua kém gì phần I.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      4. Danh sách Hội Viên đã cảm ơn "htruongdinh" về bài viết có ích này:

        sonthuy (14-11-10)

      5. #3
        Tham gia ngày
        Jun 2009
        Bài gửi
        905
        Cảm ơn
        801
        Được cảm ơn: 898 lần
        trong 448 bài viết

        Default

        Thuốc anh bào chế từ dược liệu thiên nhiên. Bản thân anh đã tự mày mò đi tìm cây thuốc từ rừng núi của quê hương mình, từ khảo sát, đánh giá, tổng hợp rồi thông qua các cơ sở khoa học của Bộ Y tế để xác định rồi lập quy trình sản xuất trình Hội đồng thẩm định thuốc của Bộ Y tế cấp giấy phép. Anh đã chứng tỏ được tiềm năng vô giá về dược liệu trên núi rừng của quê hương Mỹ Đức - Hà Nội. Rồi lại đắn đo, trăn trở khi nguồn dược liệu của nước nhà phải lệ thuộc và thường phải mua đến 85% từ Trung Quốc. Anh đã thành lập một Công ty Dược liệu trên cao nguyên Sìn Hồ – Lai Châu – nơi mà xưa kia chuyên trồng thuốc phiện để phát triển nguồn dược liệu sẵn có trong nước chủ động trong công việc sản xuất thuốc Đông dược. Việc làm này đã được dư luận ca ngợi (Báo Sức khoẻ Đời Sống – Bộ Y tế đã có một bài viết với một tít rất ấn tượng: “Phá cây giết người – trồng cây cứu người”.

        Sản phẩm thuốc tới được tay người bệnh với Nguyễn Hữu Khai là cả một quá trình anh cùng cộng sự mày mò gian khổ. Từ tài năng thể hiện qua những sản phẩm Đông dược Bảo Long lưu hành trên đất nước Nga và với nhân cách cao đẹp của anh, các bạn hàng cùng với các nhà khoa học người Nga đã giúp anh hoàn thiện luận án khoa học từ công trình thực tiễn nghiên cứu ra những sản phẩm Đông dược đặc hiệu. Và rồi Viện Hàn lâm khoa học Xêchênốp – Liên bang Nga đã phong tặng học vị tiến sĩ danh dự cho anh năm 2002. Các bạn Nga muốn anh “nhập làng khoa học” với họ. Đáp lại thiện cảm ấy, anh đã đầu tư thời gian, trí tuệ cùng với Giáo sư, Viện sĩ KROPOTOP A.V và Giáo sư, Tiến sĩ MOROZOV I.X thuộc Viện Nghiên cứu khoa học Dược lý Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga nghiên cứu thực nghiệm đề tài tăng khả năng miễn dịch cho người từ thảo dược thiên nhiên để chống lây nhiễm virút Herpes và chống bệnh cũ tái phát. Đề tài đã được thành công xuất sắc đăng trên Tạp chí y học Liên bang Nga và Tạp chí Dược học Bộ Y tế Việt Nam số 305 tháng 9 năm 2001; 306 tháng 10/2001; 307 tháng 11/2001). Sau đó anh lại kết hợp với Giáo sư, tiến sĩ Lê Đăng Hà và phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Hiền - Viện bệnh học lâm sàng nhiệt đới Việt Nam phát triển đề tài tăng khả năng miễn dịch để thực nghiệm điều trị bệnh nhân nhiễm HIV bước đầu đã có kết quả khả quan. (Tạp chí dược học số 321 tháng 1/2003). Có thể nói sự trăn trở khi bệnh tật đang đe dọa cuộc sống của cộng đồng đã thôi thúc anh nghiên cứu thành công những công trình đầy tính sáng tạo và nhân văn. Là một Tổng giám đốc của một Tập đoàn với 7 công ty, trường học, bệnh viện, trung tâm thể thao… và với gần 1.000 công nhân lao động, công việc điều hành quản lý đã chiếm hết thời gian vậy mà mỗi buổi sáng anh đều dành ra 4 tiếng để làm một công việc mà anh cho là quan trọng nhất. Đó là khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Từ tài năng độc đáo, với tấm lòng nhân hậu cao quý của một lương y đã giúp anh chữa khỏi hàng trăm căn bệnh hiểm nghèo và anh đã trở thành ân nhân của bao cảnh đời bất hạnh. Không chỉ say mê y võ, xây dựng môn phái “Bảo Long Y võ” nhằm mục đích nâng cao thể lực, sức đề kháng của con người, Nguyễn Hữu Khai còn đam mê văn chương nghệ thuật và thể thao, đến mức bỏ hàng tỷ đồng xây dựng Nhà thi đấu, các sân bóng, thành lập Trung tâm y học thể thao Bảo Long và xây dựng thành công đội bóng chuyền nữ đẳng cấp Quốc gia ghép với tên quê hương của mình: “Bảo Long – Hà Nội”.

        Anh đã xuất bản truyện thơ “Tình quê” và tập thơ “Lửa tình” với khá nhiều bài đã được phổ nhạc. Anh còn là cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo như “Báo Văn nghệ”, “Sức khỏe và Đời sống”, “Thể thao Việt Nam”, “Tạp chí Y dược”... với nhiều bài viết sâu sắc về con người Việt Nam và những chứng bệnh cần lưu tâm. Anh cũng đã từng thử sức mình trong lĩnh vực truyện ngắn và có hàng loạt truyện dí dỏm, bi hài đã in trên nhiều tờ báo. Gần đây anh đã cho xuất bản hai bộ sách luyện võ, luyện khí công và nhiều bộ sách về y học. Suy cho cùng biết võ, biết văn đều đắc dụng cho nghề làm thuốc cứu người, cho việc điều hành Bảo Long đi đúng hướng.

        Sáng ở Sài Gòn, chiều ra Hà Nội, đêm đã đến Nam Ninh dự hội thảo... Anh đã từng lang thang trên đất Trung Quốc, đất Nga, đất Mỹ, đất Pháp để khảo sát, học hỏi và mở rộng thị trường. Có lúc nhẵn túi anh phải đi dạy võ để kiếm tiền về, lại được các bạn nước ngoài tin cậy muốn giữ lại làm thầy, sẵn sàng kiếm cho cô vợ “mắt xanh, tóc vàng”. Nhưng Nguyễn Hữu Khai nặng tình với quê hương lắm, cho dù một số người quê anh chưa hiểu anh, nên không thiện chí, có lúc đã xử sự với anh như “chùm khế chát đắng”, phá đi của anh tiền tỷ đã đầu tư cho vùng trồng dược liệu Thung Cống. Người ta bảo số anh, mệnh có Thiên tướng, Đào hồng được lắm người giúp, người thương, “kẻ tiểu nhân không đủ sức làm hại”, dù có ném ra hoang đảo cũng thành Rôbinsơn, thành An Tiêm, có quả dưa đỏ gửi về cho quê hương. Có lẽ Nguyễn Hữu Khai đã nếm trải quá nhiều đắng cay, cơ cực nên anh hiểu người, hiểu giá trị cuộc đời, hiểu nghĩa vụ mình phải giúp đỡ mọi người. Anh đã chọn cho mình một nghề “cứu người” cao quý và mọi đam mê của anh đều nhằm giúp con người hoàn thiện hơn, khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Thực ra cuộc đời thăng trầm của Nguyễn Hữu Khai đã có lần xô đẩy anh xuống tới đáy của vực thẳm. Anh đã gặp nhiều kẻ xấu hãm hại, gặp bao sự đố kỵ, chèn ép, lừa đảo, xâu xé, kiếm chác, “moi ruột”, “chọc mắt”... Nhưng bên cạnh nghị lực và sức chịu đựng phi thường, anh đã gặp được nhiều người tốt sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ, dạy cho anh kiến thức, lẽ phải, khơi dậy trong anh những năng khiếu sẵn có, định hướng cho anh những bước đi đúng đắn. Ngoài những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và các nhà khoa học trong Hội đồng khoa học của Tập đoàn Y dược Bảo Long, Nguyễn Hữu Khai có rất nhiều bạn hữu thân thiết trong giới văn nghệ sĩ và nhà báo nổi tiếng. Anh luôn biết lắng nghe, biết học hỏi mọi chuyện, biết tiếp thu tức thì và chắt lọc, gom góp mọi điều hay. Việc nâng cấp Tổng công ty Y dược Bảo Long thành Tập đoàn Y dược Bảo Long. Mở Bệnh viện đa khoa, tiến tới mở Trường đại học Đông y đầu tiên ở Việt Nam... là những việc làm phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước lâu dài, được nhiều người đóng góp, khích lệ anh.

        Tiền vận khổ cực, hậu vận thành đạt, hiển vinh ắt phải giàu sang, sung sướng... Hiển vinh thì đúng rồi, nhưng Nguyễn Hữu Khai chưa thể giàu sang, sung sướng khi mà còn phải tất bật lo nghĩ, nhọc tâm suốt ngày, suốt năm. Ít khi người ta thấy anh ăn ngon, ngủ yên. Lúc nào trong anh cũng đầy ắp suy tư, lo nghĩ. Có lẽ với Nguyễn Hữu Khai, khái niệm giàu sang, sung sướng cũng khác lắm! Ấy là làm được nhiều điều tốt đẹp, đem lại sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc cho thật nhiều người. Hóa ra cái tên “Nợ đời” của Hoàng Dự đặt cho tiểu thuyết là đúng với Nguyễn Hữu Khai nhất.

        “Nợ đời trả mãi chẳng xong

        Leo bao nhiêu núi vẫn mong cứu người”

        ------------------------------------------------------------ ---------

        Tổng hợp các dữ liệu đáng chú ý:

        1.Số làm nghề Y dược.
        2.Làm giầu từ hai bàn tay trắng,Bạch Thủ Thành Gia.
        3.Tiền vận trắc trở,hậu vận rất thành đạt,giàu có,có địa vị cao.
        4.Số đa thê (4 vợ)
        5.Có con nhiều dòng.
        6.Được nhiều người yêu quý giúp đỡ nhưng cũng nhiều lần bị tiểu nhân ám hại (trong đó có cô vợ thứ 3 của đương số)
        7.Từng Bị ở tù thời gian 1979 đến 1982.
        8.Nhiều lần Phá Sản,trắng tay.
        9.Có võ công và hay làm thơ.
        10. Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long đã gặp rắc rối với pháp luật vào năm 2009. Vào khoảng gần cuối năm ngoái, chương trình "Truyền hình vì An ninh Tổ quốc" có đưa tin là Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long đã chiếm dụng quá thời hạn hơn 1000m2 mặt bằng đất công của Bộ Công an để làm cơ sở sản xuất và bào chế thuốc rồi không trả lại. Do đó, Bộ Công an buộc phải thi hành cưỡng chế và giải phóng mặt bằng để xây dựng Viên Y học cổ truyền trực thuộc Bộ Công an. Sự kiện này chắc chắn sẽ tác động khá mạnh đến con đường sự nghiệp còn đầy hoài bão của Lương y Nguyễn Hữu Khai.

        Nguồn : tuvilyso.net
        thay đổi nội dung bởi: htruongdinh, 14-11-10 lúc 18:13
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      6. Có 2 Hội viên đã cảm ơn đến "htruongdinh" về bài viết có ích này:

        hoa mai (14-02-11),sonthuy (14-11-10)

      7. #4
        Tham gia ngày
        Jan 2011
        Bài gửi
        5
        Cảm ơn
        0
        Được cảm ơn: 2 lần
        trong 2 bài viết

        Default

        Bây giờ bác Khai đang bị hạn lớn! Không biết thế nào!
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      Đề tài tương tự

      1. Phong Thuỷ Là Môn Học Cổ Có Giá Trị
        By ASVN in forum Phong thủy II
        Trả lời: 2488
        Bài mới: 17-02-23, 09:23
      2. Trả lời: 28
        Bài mới: 09-09-15, 16:54
      3. Trả lời: 86
        Bài mới: 18-06-13, 15:20

      Tags for this Thread

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •