KHOA HỌC VÀ TIÊN TRI
(Bài này viết từ năm 2008 cho trang web vietlyso để góp ý một số anh chị em cho rằng, một khoa học thật sự phải có khả năng tiên tri. Đã bổ sung thêm nhiều phần. Vì thì giờ có hạn, nên chưa hoàn chỉnh nhiều mặt, xin người đọc lượng thứ. )

Xét cho cùng, khoa học ngày nay thoát thai từ những quan niệm siêu hình của loài người và hình thành hai dòng chảy lớn. Ngoài dòng chảy nổi chiếm ưu thế trong xã hội là những ngành được gọi là khoa học chính thống còn có một dòng chảy thứ hai có gốc rễ vững chắc hơn trong nhân loại nhưng luôn bị ngược đãi vùi dập bởi khoa học chính thống như vẫn thấy trong cạnh tranh sinh học đời thường. Ta tạm gọi dòng chảy này là các học thuật phi chính thống. Sự hình thành hai dòng chảy này xuất phát từ tính lưỡng diện của con người. Một mặt con người cổ sơ gắn bó và thông cảm với tự nhiên vẫn còn trong tiềm thức của chúng ta khiến chúng ta trong những hoàn cảnh nhất định dễ dàng công nhận những sức mạnh siêu nhiên, những khả năng huyền bí chi phối hành sử, số phận con người kèm theo những tín điều hay những định luật không thể suy diễn bằng lý trí. Việc vận dụng những tín điều, những quy luật siêu hình (siêu hình hiểu theo nghĩa rộng không bắt buộc phải công nhận thần quyền) thành công trong một số trường hợp được xem là những thực chứng có tác dụng tăng cường lòng tin của con người đối với những quy luật kia. Vậy mà lòng tin của con người thực sự quyết định số phận mọi Sai/ Đúng: Chứng minh có Thượng đế làm gì khi ta không tin vào Thượng đế. (Quả thật vậy, dùng phương pháp gì đi nữa để chứng minh là không có Thượng đế cũng vô ích khi người ta vẫn tin có tồn tại một đấng tối cao.) Mặt khác, con người nhờ óc thực tế dựa vào quan sát, suy diễn, xây dựng lý thuyết này nọ và cuối cùng dựng nên cả hệ thống khoa học nhằm tận dụng và cải tạo thế giới vật chất của tự nhiên và nhờ vậy đã bành trướng trên khắp trái đất đến ngày nay. Như sẽ trình bầy dưới đây, khoa học chính thống không công nhận sử dụng những thực chứng của cá nhân hay một nhóm cá nhân để kết luận tính xác thực của một hiện tượng hay tính chính xác của một quy luật, một lý thuyết. Khoa học chính thống có tên như vậy vì các ngành này dành được ưu thế trong các hệ thống chính trị, kinh tế có quyền quyết định đối với phát triển xã hội. Khoa học kỹ thuật, niềm tự hào của con người, chính là cái đem lại cho con người phương tiện, tiền của, quyền lực. Dễ hiểu là trong cuộc đời vật chất của xã hội loài người khoa học chính thống phải có vai trò chính thống.
Mệt mỏi với cuộc sống vật chất, con người có thể sẽ tìm về hòa mình ít nhiều trong dòng chẩy thứ hai vốn chìm sâu trong bản ngã của mình nhưng đó lại là câu chuyện khác. Một đặc điểm của con người trên bình diện cá nhân cũng như xã hội là bao giờ cũng muốn biết trước tương lai. Về mặt xã hội, thế giới có nhiều viện nghiên cứu lớn đang cố gắng phát hiện phát triển của nhân loại cho từng ngành chuyên môn, về dân số cũng như về chính trị xã hội cho nhiều năm sau này. Người ta căn cứ vào những kết quả nghiên cứu đó để hoạch định chiến lược tương lai. Vì thế nếu cá nhân từng người mong muốn biết trước số phận mình cũng không có gì là lạ. Một kẻ thành công liên tục có thể tỏ ra khinh mạn khi nói đến số phận, nhưng nếu cũng kẻ ấy khuynh gia bại sản nhiều năm hẳn sẽ mong mỏi được biết bao giờ mình thoát cảnh khốn cùng. Đó là chuyện thường tình. Khoa học chính thống tuyên bố dứt khoát là không (và không có khả năng) giúp cá nhân thấy trước chắc chắn tương lai riêng mình, do đó cứu cánh tinh thần của cá nhân không thể có gì khác hơn là các học thuật phi chính thống quen thuộc tự ngàn xưa. Người ta vẫn tin rằng các thuật này có thể được ứng dụng để tiên đoán hoặc tiên tri về số phận con người. Liệu khoa học chính thống có khả năng tiên tri hay không? Để trả lời câu hỏi này trước hết ta phải hiểu khoa học chính thống (hoặc khoa học nói chung) được quan niệm như thế nào trong thời hiện đại cũng như phương pháp tiếp cận thực tại và những hạn chế trong bản chất của khoa học.