Việt sử ghi chuyện Nguyễn Biễu ăn cỗ đầu người, kinh dị, hào hùng. Liên Xô có một đại tiệc rất đặc biệt trong đó các món ăn làm bằng thịt khổng tượng (mammoth) đã bị chôn vùi trong băng giá khoảng mười ngàn năm trước.

Trên thế giới có hàng ngàn bữa tiệc sang trọng, lạ lùng, tốn kém.

Nhưng khi nói đến chuyện ăn uống, tiệc tùng, phải kể người Trung Hoa dẫn đầu, cầu kỳ nhất. Thế gian có câu "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật ".

Và trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại cho đến ngày nay, chưa có yến tiệc nào linh đình, trọng thể, vĩ đại... bằng tiệc Xuân năm Canh Tý (1874) do Từ Hi Thái Hậu (Tây Thái Hậu), đời nhà Thanh Trung Hoa, tổ chức để khoản đãi phái đoàn Sứ Thần, tướng lãnh các quốc gia Tây phương. Tiệc được chuẩn bị 11 tháng 6 ngày trước, sử dụng 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu hoa viên thời đó tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và đại tiệc kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu từ giao thừa (12 giờ đêm) Tết nguyên đán Canh Tý.

Bối cảnh lịch sử:

Lịch sử Trung Hoa vào thế kỷ thứ 19 là giai đoạn rối ren. Triều đình Mãn Thanh một mặt đương đầu với các phong trào đấu tranh trong nước nhằm "Hưng Hán Diệt Mãn" cùng nội loạn Thái Bình Thiên Quốc ở phương Nam, mặt khác phải chống trả sự xâm lăng từ bên ngoài của quân đội Anh Pháp và liên minh. Thêm vào đó tại triều đình sự tranh chấp quyền lực trong nội bộ gần như lúc nào cũng gay gắt.

Trong các sự rối ren hàng đầu vừa kể thì mặt quan trọng nhất là nạn ngoại xâm. Thanh triều đã liên tiếp mang lấy những đại sĩ nhục trước sức mạnh vũ bão của võ khí tối tân đến từ phương Tây, bao nhiêu thành quách kiên cố bị triệt hạ, vua tôi phải bôn đào, hòa ước phải buộc lòng ký kết.

Ðể giải quyết vấn đề, nhà Thanh phải một mắt hòa dịu với tây phương, cùng lúc khẩn cấp Âu hóa đất nước. Chỉ trong vòng mười năm, quốc gia này đã xây dựng công xưởng hạm Hoa Châu, chế tạo chiến hạm hải quân và huấn luyện nhân tài ngành này, không ngừng mua súng ống Âu Tây, chỉnh đốn lục quân, gởi học sinh du học, lập Thiên Tân cơ khí chế tạo cuộc, Thượng Hải Giang Nam chế tạo cuộc, Thượng Hải chiêu thương cuộc...

Ðại tiệc đầu năm Canh Tý để khoản đãi các giới chức ngoại giao và quân sự Tây phương được tường thuật trong bài này là một trong những cố gắng quan trọng của Thanh triều thuộc lãnh vực ngoại giao.

Thực Ðơn

Gồm tất cả 140 món. Theo chiếu chỉ của Tây Thái Hậu, mỗi tỉnh tuyển lựa mười đầu bếp tài giỏi. Các đầu bếp này họp nhau ở thủ đô từ ngày rằm tháng hai năm Kỷ Hợi (1873) nghĩa là 11 tháng 6 ngày trước đại tiệc để cùng nhau soạn thảo các món ăn ngon, lạ.

Sau gần hai tháng thảo luận, một thực đơn gồm 140 món được hình thành, trong số này có 7 món thật bổ dưỡng, thật đặc biệt, thật lạ lùng, mỗi ngày chỉ thiết đãi một món, thực khách ăn vào chẳng những không thấy đầy bụng mà sự mệt mỏi, bực bội như tan biến đi, tinh thần sảng khoái gấp bội.



Sâm Thử

[IMG]http://images.yume.vn/blog/201101/03/1294059145_bnhnngthtchut.jpg[/IMG]
Sâm thử là chuột sâm, chuột nuôi bằng sâm.

Trong quyển Món Lạ Miền Nam, tác giả Vũ Bằng tường thuật món sâm thử như sau:

"Chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để cho sinh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới nầy vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, chuột mới thực là "Thập Toàn Ðại Bổ", người ta mới lấy những con chuột bao tử của thế hệ mới nầy ra ăn và ăn như thế tức là ăn tất cả cái tinh hoa, bén nhậy, khôn ngoan của giống chuột cộng với tất cả tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sinh, tráng dương bổ thận của cây sâm vốn được y lý Ðông phương đặt lên hàng dầu thần dược từ cổ chí kim trong trời đất.

Nguyên Ðại sứ Tây Ban Nha thuật lại rằng đến món ăn đặc biệt ấy thì có một ông quan đứng lên giới thiệu trước rồi quân hầu bưng lên bàn tiệc cho mỗi quan khách một cái đĩa con bằng ngọc trong đó có một con chuột bao tử chưa mở mắt, đỏ hon hỏn hãy còn cựa quậy - nghĩa là một con chuột bao tử sống. Bao nhiêu quan khách thấy thế chết lặng đi bởi vì nếu phải theo giao tế mà an cái món này thì... nhất định phải... trả lại hết những món gì đã ăn trước đó.

Mọi người nhìn nhau. Tây Thái Hậu cầm nĩa xúc con chuột bao tử ăn để cho mọi người bắt chước ăn theo. Con chuột kêu chi chí, người tinh mắt thấy một tia máu vọt ra... Hoàng đế Trung Hoa thong thả vừa nhai vừa suy nghĩ như thể muốn kéo dài cái thú ăn tuyệt diệu ra để cho cái thú ấy thấm nhuần trí óc và cơ thể. Và Ngài nói:

- Mời chư vị.

Nhưng không một vị nào đụng đũa, cứ nguồi trơ ra mà nhìn. Tây Thái Hậu bèn cười mà nói đùa:

- Tôi tiếc không thấm nhuần được cái văn minh Âu Mỹ của các ngài, nhưng riêng về cái ăn thì tôi thấy quả các ngài chậm tiến, không biết cái gì là ngon, là bổ. Về món đó, các ngài có lẽ còn phải học nhiều của người Á Ðông.

Không một ông nào trả lời vì có lẽ các ông đại diện ấy đến lúc ấy đều bán tín bán nghi không biết ăn chuột bao tử như thế là văn minh hay man dã. Tuy nhiên người ta có thể chắc chắn là chưa có một nước nào trên thế giới lại có một món ăn tinh vi, quí báu, cầu kỳ đến thế bao giờ.

Chính cái ông Ðại sứ Tây Ban Nha nhắm mắt lại thử ăn nhưng ông thú thực rằng vừa cho vào miệng cắn một cái thấy chuột con kêu chi chí, ông ta vội vàng chạy ra ngoài, lè ra, và một tháng sau còn sợ.

Sau này, đem câu chuyện đó nói với mấy vị đông y sĩ, ông ta biết rằng người Âu Mỹ không biết ăn cái món ấy quả là "Chậm tiến" và mấy ông già con cho biết thêm rằng chuột thường nuôi bằng sâm đã bổ hết sức rồi, nhưng nếu tìm được giống chuột chù mà nuôi bằng sâm theo cách thức nói trên thì còn bổ gấp trăm lần nữa..." (Vũ Bằng)