Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    kết quả từ 1 tới 1 trên 1
      1. #1
        Tham gia ngày
        Dec 2010
        Bài gửi
        847
        Cảm ơn
        752
        Được cảm ơn: 627 lần
        trong 350 bài viết

        Default Người Việt và tiếng Việt tại Úc

        Người Việt Nam đến Úc khá sớm. Trước năm 1975. Trước cả năm 1954. Và trước cả năm 1945 nữa.

        Những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Úc là từ năm 1920, nghĩa là, cách đây gần một thế kỷ.

        Họ, gồm 38 người đàn ông Việt Nam, đến Úc không phải để tị nạn. Cũng không phải để tìm vàng như đa số người Tàu đến Úc trước đó. Họ, ngược lại, đến Úc một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Đúng ra, họ không định đến Úc. Họ được chở trên một chiếc tàu thủy của Pháp đến New Caledonia để làm… cu-li. Chẳng may, trên đường đi, tàu gặp bão. Cuối cùng, nó đành phải tấp vào một địa điểm gần Townsville, Queensland, Úc.

        Giới nghiên cứu Úc hoàn toàn không tìm ra tông tích của 38 người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Úc ấy. Chỉ biết một số người bị chết vì bệnh tật một thời gian ngắn sau khi cập bến. Số còn lại có sống sót được hay không và nếu được, thì trôi giạt đến đâu, thân phận ra sao, không ai biết cả.

        Mãi đến gần 40 năm sau, vào năm 1958, mới có đợt người Việt đầu tiên sang Úc. Lần này họ đến Úc một cách đàng hoàng và vinh dự hơn hẳn: Đó là toán du học sinh Việt Nam đầu tiên đến Úc dưới chương trình Colombo do chính phủ Úc tài trợ. Tuy nhiên số lượng du học sinh không nhiều. Mỗi năm vài chục người. Tổng cộng, mười mấy năm, hơn 300 người. Đến đầu năm 1975, toàn bộ số du học sinh này cùng với những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Úc và trẻ em Việt Nam mồ côi được các gia đình Úc nhận làm con nuôi chỉ hơn 1000 người.

        Đã ít, họ lại sống rải rác ở nhiều tiểu bang và thành phố khác nhau. Thèm từng hạt cơm đến giọt nước mắm.

        Cộng đồng người Việt tại Úc, do đó, chỉ thực sự hình thành từ sau năm 1975. Chủ yếu là từ 1978, khi chính phủ Úc mở cửa chào đón làn sóng người tị nạn; và từ năm 1982, khi chính phủ Úc tiến hành chương trình Ra đi trong Trật tự (ODP).





        Theo kết quả cuộc điều tra dân số mới nhất vào năm 2006, tại Úc có tổng cộng 159,850 người sinh ra ở Việt Nam, chiếm 0.8% dân số Úc. Đó là cộng đồng di dân lớn hàng thứ năm tại Úc, chỉ sau những người sinh đẻ tại Anh (856,939 người), Tân Tây Lan (389,463 người), Trung Quốc (206,591 người) và Ý (199,121 người). Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi Á châu thì cộng đồng người Việt chỉ đứng sau cộng đồng người Hoa.

        Thống kê trên, căn cứ vào sinh quán, chỉ bao gồm thế hệ thứ nhất. Chúng ta không biết rõ có bao nhiêu người Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai, tức con cái của cha mẹ người Úc gốc Việt. Con số thống kê căn cứ trên ngôn ngữ sử dụng trong gia đình phần nào tiết lộ điều đó, tuy chắc chắn là không đầy đủ: năm 2006 có 194,855 người nói tiếng Việt ở nhà, đứng hàng thứ bảy tại Úc, sau tiếng Anh (15 triệu), tiếng Ý (316 ngàn), tiếng Hy Lạp (252 ngàn), tiếng Quảng Đông (244 ngàn), tiếng Ả Rập (243 ngàn) và tiếng Quan Thoại (220 ngàn).



        Có thể ước lượng tổng số người Việt hiện đang ở Úc, bao gồm thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai và cả thế hệ thứ ba, là khoảng trên dưới 250 ngàn người. Như vậy cộng đồng người Việt tại Úc chỉ đứng sau Mỹ (khoảng một triệu rưỡi) và Pháp (khoảng 300 ngàn). Có lẽ ngang ngửa với cộng đồng người Việt ở Canada.

        Người Việt tại Úc thường sống ở đâu?

        Có lẽ giống với hầu hết các quốc gia khác, người Việt tại Úc thường có khuynh hướng sống tập trung ở các tiểu bang lớn, đông dân cư và có mức đô thị hóa cao.


        Như vậy, khoảng 80 phần trăm người Việt Nam tại Úc sống tại hai tiểu bang đông dân cư nhất của Úc: New South Wales và Victoria. Hai chục phần trăm còn lại phân tán trên bốn tiểu bang và hai vùng lãnh thổ còn lại.


        Ở các tiểu bang lớn, người Việt Nam lại có xu hướng sống tập trung ở các thành phố lớn nhất. Ví dụ, tại New South Wales là Sydney (trên 73 ngàn người); tại Victoria là Melbourne (trên 72 ngàn người); tại Queensland là Brisbane (trên 15 ngàn); tại South Australia là Adelaide (trên 13 ngàn); tại Western Australia là Perth (trên 12 ngàn), v.v…

        Nhưng ở những thành phố lớn và có mức đô thị hóa cực cao ấy, phần lớn người Việt Nam sống ở các khu vực tương đối nghèo, thu nhập bình quân khá thấp. Ví dụ ở Sydney, phần lớn người Việt Nam sống ở Fairfield (trên 30 ngàn người), Bankstown (trên 14 ngàn), Liverpool (trên 6 ngàn), và Marrickville (3 ngàn). Ở Victoria, phần lớn sống ở Brimbank (15 ngàn), Dandenong (10 ngàn), và Maribyrnong (6 ngàn), v.v…

        Đặc điểm nổi bật nhất ở các khu vực đông dân cư người Việt là các trung tâm thương mại Việt Nam, bao gồm chợ, quán xá, các văn phòng dịch vụ của người Việt. Đến đó, hầu như không thiếu cái gì cả. Phở, có. Bún bò Huế, có. Mì Quảng, có. Có từ các chai mắm ruốc, mắm nêm đến cà muối, dưa muối, hột vịt lộn, sầu riêng, mít, húng, quế, xoài, ổi, v.v… Nhiều người từ Việt Nam sang còn khen hàng hóa ở các khu chợ ấy còn phong phú và đa dạng hơn các khu chợ tại Việt Nam.

        Sống tập trung như vậy vừa hay lại vừa dở. Hay và dở ở nhiều phương diện, nhưng dễ thấy nhất là ở phương diện ngôn ngữ.

        Tại Úc, trong các cuộc điều tra dân số, ngoài mục ngôn ngữ chính được sử dụng trong gia đình, còn thêm câu hỏi về trình độ tiếng Anh: “Người này nói tiếng Anh: Rất giỏi / Giỏi / Không giỏi / Không biết chút nào cả?” Có đến 43 phần trăm người Việt tự xếp vào hạng “Không giỏi” (not well) và “Không biết gì cả” (not at all). Nhiều hơn hẳn số người Hoa nói tiếng Quan Thoại (29.5%) và người Hoa nói tiếng Quảng Đông (29.9%).

        Trong cuốn Dynamics of Language Contact, English and Immigrant Languages do Cambridge University Press xuất bản năm 2003, Michael Clyne đưa ra tỉ lệ những người nói tiếng Anh “Không giỏi” và “Không biết gì cả” trong các cộng đồng di dân chính tại Úc


        Michael Clyne không cho biết là ông dựa theo kết quả cuộc điều tra dân số vào năm nào. Tuy nhiên, căn cứ trên cuộc điều tra dân số mới nhất, vào năm 2006, thì riêng tại tiểu bang Victoria, tỉ lệ những người Việt nói tiếng Anh kém hoặc không biết gì cả cũng không có gì thay đổi: Vẫn 43 phần trăm. Chỉ có 36.6% người Việt tự xếp mình vào hạng nói tiếng Anh giỏi (tỉ lệ này ở người Ý là 59%, người Tây Ban Nha là 59.8%, người Hy Lạp là 62.6%, người Đức là 76.8%, người Ấn Độ là 83%, v.v...)

        Thật ra, cũng không có gì khó hiểu.

        Trong hoàn cảnh sống tập trung như vậy, nhiều người, nhất là những người cao niên và phụ nữ làm việc tại nhà, hoàn toàn không cần đến tiếng Anh. Chợ búa ư? Thì đã có các khu chợ Việt Nam. Khám bệnh ư? Đã có các bác sĩ Việt Nam. Cần luật sư ư? Đã có luật sư Việt Nam. Hình như dịch vụ nào cũng có người nói tiếng Việt. Bởi vậy không hiếm người sau khi sống tại Úc năm, mười năm, tiếng Anh không những không phát triển mà còn thụt lùi, kém hơn cả lúc mới chân ướt chân ráo đến Úc.

        Bù lại, tiếng Việt của người Việt tại Úc lại giỏi.

        Người Việt được đánh giá là cộng đồng bảo vệ tiếng mẹ đẻ tốt nhất tại Úc. Thế hệ thứ nhất nói tiếng Việt ở nhà, đã đành. Cả thế hệ thứ hai, tức những người sinh ra và lớn lên tại Úc, cũng vẫn nói tiếng Việt ở nhà. Bởi vậy, mặc dù chỉ có 159,850 người sinh ra ở Việt Nam, số người nói tiếng Việt trong nhà ở Úc khá cao: 194.855 người.

        Theo kết quả điều tra dân số Úc năm 2001, đến 95.9% người Việt Nam nói tiếng Việt ở nhà (Tỉ lệ này ở người Hoa chỉ có 79.6%; ở người Hy Lạp 68.8%; người Ý 42.3%, người Đức 9.8%)

        Theo kết quả cuộc điều tra dân số năm 2006, 89% trẻ em Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai vẫn giữ được thói quen nói tiếng Việt trong gia đình, có lẽ chủ yếu là với bố mẹ. Đây là tỉ lệ cao nhất trong tất cả các cộng đồng di dân tại Úc.




        Nguồn: http://www.abs.gov.au/ausstats/abs@.nsf/mf/2070.0



        Những thành tựu lớn trong việc bảo tồn tiếng Việt tại Úc như vậy không phải chỉ xuất phát từ điều kiện sống tập trung hay từ ý thức duy trì truyền thống văn hoá của cộng đồng mà còn từ một nguyên nhân quan trọng khác nữa: chính sách hỗ trợ các ngôn ngữ cộng đồng của Úc.

        Tuy nhiên, đó là một đề tài khác. Từ từ bàn sau.

        Tài liệu tham khảo:

        Michael Clyne (2003), Dynamics of Language Contact, English and Immigrant Languages, Cambridge: Cambridge University Press.

        Victorian Multicultural Commission (2007), Victorian Community Profiles: 2006 Census, Viet Nam – Born, Victoria: Victoria Multicultural Commission
        thay đổi nội dung bởi: hoa mai, 21-01-11 lúc 13:25
        Thân chào
        Hoa Mai

      Đề tài tương tự

      1. Tuổi Già Xứ Người
        By vân từ in forum Xã Hội - Con Người
        Trả lời: 8
        Bài mới: 23-11-10, 22:46

      Tags for this Thread

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •