Hiện nay, ngày càng có nhiều bậc cha mẹ Việt Nam tin rằng, việc cho con mình nghe nhạc cổ điển ngay từ khi chưa ra đời có thể làm tăng trí thông minh của chúng. Thị trường băng đĩa cũng rất nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu này: hàng loạt bộ đĩa “collection” nhạc cổ điển với quảng cáo là “giúp trẻ thông minh” được bày bán khắp nơi. Vậy cơ sở khoa học và lợi ích thực tế của việc này như thế nào?
[IMG]http://img1-photo.apps.zing.vn/upload/original/2010/07/31/14/12805602221270348594_574_0.jpg[/IMG]
Sự ra đời của “Hiệu ứng Mozart”

Mối liên quan giữa âm nhạc cổ điển và sự phát triển của trí não con người được đề cập lần đầu tiên bởi một nhà nghiên cứu người Pháp tên là Alfred A. Tomatis trong cuốn sách Pourquoi Mozart? (Tại sao Mozart?) xuất bản vào năm 1991. Cuốn sách trình bày quá trình khảo sát khả năng sử dụng âm nhạc của Mozart dựa trên các kết quả đạt được trong ba mươi năm làm việc của chính tác giả với các trẻ em bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh.

Tiếp đó, vào năm 1993, khái niệm “Hiệu ứng Mozart” được giới truyền thông Mỹ biết đến qua một tài liệu của nhà tâm lý học Frances H. Rauscher thuộc Đại học Wisconsin và nhà vật lý Gordon Shaw thuộc Đại học California -Irvine. Họ đã cho một nhóm sinh viên nghe 10 phút đầu tiên của bản Sonata Đô trưởng viết cho hai đàn piano của Mozart, một nhóm nghe một đoạn băng thư giãn thông thường và một nhóm không được nghe gì hết. Sau đó bằng phương pháp kiểm tra IQ của Stanford-Binet, kết quả thu được cho thấy ở những sinh viên đã được nghe nhạc Mozart có sự tăng tạm thời khả năng tư duy về không gian trong khoảng 10 phút và có thể coi sự gia tăng đó tương đương với 8 đến 9 điểm IQ.

Từ đó đến nay có rất nhiều công trình nghiên cứu nhằm chứng minh cũng như kiểm định khả năng thực sự của “Hiệu ứng Mozart” nhưng vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Luồng ý kiến 1: Hãy cho con bạn nghe nhạc ngay từ khi còn trong bụng mẹ!
Năm 1995, Rauscher và Shaw tiếp tục thực hiện thí nghiệm trên 79 sinh viên nhưng thay đoạn băng thư giãn ở thí nghiệm năm 1993 bằng bản nhạc của một nhà soạn nhạc hiện đại tên là Philip Glass. Một lần nữa kết quả cho thấy chỉ có nhóm sinh viên được nghe nhạc Mozart thể hiện sự tăng chỉ số IQ về lĩnh vực không gian.

Đến năm 1997, cũng chính Rauscher và Shaw thông báo rằng họ có bằng chứng khoa học chứng tỏ sự giảng dạy về piano và hát có hiệu quả cao hơn là về máy vi tính trong việc nâng cao kỹ năng tư duy trừu tượng của trẻ em. Hai người cũng đã thành lập Viện Phát triển Trí thông minh Âm nhạc (The Music Intelligence Neural Development Institute).

Các nhóm nghiên cứu khác cũng tiến hành những thí nghiệm giống như của Rauscher và Shaw rồi đi đến kết luận ủng hộ “Hiệu ứng Mozart”. Họ còn cho rằng việc cho trẻ nghe nhạc khi còn ở trong bào thai hay vào những năm đầu tiên của cuộc đời sẽ giúp tạo ra các cầu nối thần kinh vốn là nơi thông tin lưu thông qua lại và kích thích sóng alpha của não dẫn đến cảm giác bình tĩnh.

Bên cạnh những khuyến cáo tích cực từ một số nhà nghiên cứu, “Hiệu ứng Mozart” ngay từ khi ra đời đã được giới truyền thông phổ biến mạnh mẽ đến công chúng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều bậc phụ huynh - những người luôn cố gắng làm mọi điều vì tương lai của con em mình. Cũng chính vì điều này mà các ấn phẩm liên quan như sách hướng dẫn, CD và băng cassette chứa các bản nhạc chọn lọc đã có được một thị trường thật sự lớn mạnh trên toàn thế giới.

Tiêu biểu cho trào lưu ủng hộ này là việc Don Campbell cho xuất bản cuốn sách thu hút được nhiều sự chú ý: Hiệu ứng Mozart: Sử dụng sức mạnh của âm nhạc để có một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần vững chắc và để khai thông trí sáng tạo (The Mozart Effect: Tapping the Power of Music to Heal the Body, Strengthen the Mind, and Unlock the Creative Spirit). Cuốn sách ra đời vào năm 1997, nói về lý thuyết cho rằng việc nghe nhạc Mozart có khả năng làm tăng tạm thời chỉ số IQ và tạo ra nhiều lợi ích khác cho các chức năng của trí não. Trong đó tác giả cũng khuyến khích mọi người hãy cho trẻ em dưới bảy tuổi nghe nhạc cổ điển để chúng có thể thông minh hơn.

Một sự kiện khác cũng gây chú ý không kém đó là vào năm 1998 khi đích thân Thống đốc bang Georgia, ông Zell Miller, quyết định trích 105 ngàn USD từ ngân quỹ để thực hiện album Xây dựng trí tuệ của con bạn bằng sức mạnh của âm nhạc (Build Your Baby"s Brain Through the Power of Music). Album này đã được in thành đĩa và băng rồi phân phối tới các bệnh viện của bang như một món quà cho những bà mẹ mới sinh con.

Luồng ý kiến 2: Chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào!

Mặc dù đã trở nên phổ biến thực sự và được một bộ phận công chúng đón nhận nồng nhiệt trên toàn thế giới nhưng “Hiệu ứng Mozart” không tránh khỏi những sự nghi ngờ, thậm chí là phủ định từ phía các nhà khoa học.

Một thí nghiệm tại Đại học Aukland (New Zealand) nhóm nghiên cứu của Stough, Kerkin, Bates và Mangan thực hiện vào năm 1994 đã thất bại trong việc tìm kiếm sự gia tăng chỉ số IQ trên những người vừa được nghe nhạc. Có người cho rằng đó là do phương pháp kiểm tra IQ tại New Zealand khác với phương pháp mà Rauscher và Shaw đã sử dụng. Tuy nhiên một cuộc thí nghiệm khác của Kenealy và Monseth đã sử dụng lại phương pháp kiểm tra IQ-Stanford-Binet nhưng cũng không phát hiện được “Hiệu ứng Mozart”.

Năm 1995, các nhà nghiên cứu Newman, Rosenbach, Burns, Latimer, Matocha và Vogt của Đại học New York thực hiện lại thí nghiệm giống như của Rauscher và Shaw với 114 người có độ tuổi từ 18 đến 51. Kết quả là không tìm được dấu hiệu của sự gia tăng chỉ số IQ về mặt không gian ở những người đã được nghe nhạc Mozart đồng thời cũng không tìm thấy mối liên hệ của sự tăng chỉ số này với những lớp học âm nhạc mà một số người đã tham gia trước đó.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng các cuộc nghiên cứu cho kết quả ủng hộ “Hiệu ứng Mozart” đã phạm phải một số sai lầm trong quá trình thí nghiệm. Thứ nhất, những cuộc thí nghiệm như của Rauscher, Shaw - 1993; Rideout và Taylor - 1997; Rideout, Dougherty và Werner - 1998; Steele, Bass và Crook - 1999; Steele, Brown và Stoecker – 1999; Hughes - 2001 đã không sử dụng lợi ích của việc tạo ra một nhóm đối tượng được kiểm soát độc lập để có thể so sánh và phân biệt giữa “Hiệu ứng Mozart” với sự cố gắng đơn thuần trong việc tư duy về không gian.

Thứ hai, phần lớn kết quả của các cuộc thí nghiệm đều thu được từ một phương pháp duy nhất là kiểm tra IQ theo Stanford-Binet về mặt suy luận không gian (ví dụ như sự dự báo hình dạng của một mảnh giấy sau khi được mở ra hay là việc đọc bản đồ...) rồi lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá cũng không mang tính thuyết phục. Cuối cùng là không một báo cáo nào cung cấp thông tin liên quan đến những người tham gia thí nghiệm như chủng tộc, giới tính hay tình trạng kinh tế xã hội..., mặc dù đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.

Tóm lại, dưới góc độ khoa học thì “Hiệu ứng Mozart” hiện thời mới chỉ được xem như một ví dụ về sự pha trộn giữa khoa học và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc sống của chúng ta.
Theo_Thanh_Nien