PDA

View Full Version : VÔ NHẤT ĐẠI SƯ - THÍCH THIỀN TÂM - MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI sống giữa loài rắn



hoa mai
06-01-11, 22:51
Xin mạn phép trích và sưu tầm từ sách Vô Nhất Đại Sư – Hoà Thượng Thích Thiền Tâm
Tác giả Phật tử BẢO ĐĂNG



Hòa thượng Thích Thiền Tâm sinh năm 1924. Tại làng Bình Xuân, quận Hoà Đồng, Gò Công, xuất gia từ năm 13 tuổi.

Năm 1964 Hoà thượng là Viện Trưởng Sáng Lập Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Hoà Thượng Thích Thanh Từ, vị Thiền sư nổi danh tại Việt Nam hiện nay, và Hòa thượng Thích Bửu Huệ, lúc đó là hai vị phụ tá của Hoà thượng Thiền Tâm.

Trong khi điều hành Phật học Viện Huệ Nghiêm, Hoà thượng Thiền Tâm còn giảng dạy Phật pháp tại Phân Khoa Phật học Viện Đại học Vạn Hạnh, làm Giáo thọ tại các Ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm, phiên dịch và trước tác nhiều Kinh sách giá trị, hiện vẫn đồng được dùng cho việc tu học.

Năm 1964-1965, hoàn thành công việc soạn thuật bộ sách “Phật Học Tinh Yếu”, gồm 3 cuốn, dài trên 1200 trang.

Năm 1965-1966, Ngài hoàn tất việc biên soạn quyển Niệm Phật Thập Yếu” gồm 10 chương, dài gần 400 trang (kể luôn các phần bổ túc sau này, trên 50 trang (1979-1980). Năm 1966-1967, Ngài hoàn tất hai quyển Kinh sách:

Duy Thức Học Cương Yếu, gần 300 trang. Sách giảng dạy hầu hết các phần quan yếu trong Bộ Môn Duy Thức Học.

Đại Bi Tâm Đà Ra Ni Kinh, còn gọi là “Thiên Thủ Thiên Nhãn,Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni Kinh” trên 150 trang.

Đây là quyển Kinh Mật Tông, giảng dạy và xiển dương về oai lực của chú Đại Bi, một thần chú rất phổ thông đang được dùng trong hầu hết các khóa lễ hiện nay nơi Phật tự.

Năm 1974, Hoà thượng Thiền Tâm xin từ chức Viện Trưởng Phật học Viện Huệ Nghiêm, vào núi ẩn tu giữa hàng ngàn rắn độc.

Năm 1992, nhằm này 14 tháng 12 dương lịch. Hoà thượng viên tịch, thọ 68 tuổi. Ba ngày sau trong lễ khai mộ của Ngài, mọi người hiện diện đều trông thấy một đôi kim xà màu vàng rực rỡ dài khoảng hai thước Tây bò đến trước đầu mộ của Đại Sư nằm im một chốc, đoạn cất đầu ngó lên Ni Sư trưởng tử Thanh Nguyệt, gật đầu ba lượt. Các hình ảnh về đôi Kim Xà này đều đã được ghi nhận đầy đủ bằng hình chụp và video.

Phú An là một thôn nhỏ, nằm trong Tổng Đại Ninh, thuộc xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng (Tuyên Đức – Đà Lạt). Dân số nơi đây vào năm 1968 chỉ có chừng 50 nóc nhà, mà trong đó khoảng 10 nhà là người Kinh (người Việt), số còn lại là người Thượng (dân tộc thiểu số). Đa số nhà người Kinh thì ở gần bên quốc lộ Đà Lạt – Sài Gòn (tức là quốc lộ số 20), còn nhà sàn của người Thượng thì nằm sâu trong rừng, cách quốc lộ khoảng chừng 3,4 cây số. Thôn này nằm trên bờ sông Đại Ninh, còn gọi là sông Đa Nhim, vì ở thượng nguồn của con sông này trên Đà Lạt, có đập thủy điện cao thế Đa Nhim. Chiều ngang của con sông rộng chừng 300 thước, chảy từ hướng Tây của ấp, qua hướng Nam, Đông Nam của vùng Đại Ninh với một giòng nước ngọt êm đềm, hiền hòa và mang nhiều chất phù sa mầu mỡ đã làm cho đất đai của vùng nầy, từ lâu trở nên vô cùng phong phú.

…”Hương Quang tịnh Thất” là nơi của cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm ẩn tu không nằm sát ngoài quốc lộ như đa số nhà của các người Kinh khác trong thôn, mà lại là nằm sâu bên trong, sát với khu vực của người Thượng, cho nên muốn vào đến chỗ trú xứ của Ngài thì phải đi bộ một khoảng đường rất xa, mất gần cả giờ đồng hồ mới tới.

Vùng Phú An này (vào thời gian 1968, đặc biệt là chỗ của cố Hòa thượng tịnh tu, vì là nơi rừng núi, ít người lai vãng và có lẽ, cũng vì ở gần sông, suối nên có rất nhiều loại rắn khác nhau.

Theo lời Ngài kể lại thì trong gần nửa năm đầu tiên về ẩn tu nơi đây, Ngài gặp nhiều thứ rắn độc khác nhau, to có, trung bình có, nhỏ có. To thì cỡ bằng cột nhà, trung trung thì bằng bắp vế, nhỏ thì bằng bắp chân, cườm tay trở xuống v.v… Có đôi lúc sau khi làm vườn xong, đến khi trở vào Thất thì thấy rắn nó quấn đuôi trên ngạch cửa thòng mình xuống, hả miệng, le lưỡi thở khè khè. Ban đầu thì Ngài cũng có ý sơ, chần chờ không dám bước qua, nhưng rồi nghĩ không lẽ đứng ở ngoài sân hoài, hay là dùng cây đập đuổi thì gây thù oán khó lòng. Thôi thì cứ niệm Phật mà bước ngang qua đại, rủi có bị nó cắn chết thì mình cũng quy Tây, càng tốt chớ sao. Rồi Ngài nhiếp tâm niệm Phật và nghĩ đến phép “từ bi quán” đoạn nhắm mắt, đi ngang qua cửa. Con rắn “đánh đu mình qua bên nầy, bên kia phạm vào mắt, vào cổ lạnh ngắt, mà Ngài vẫn cứ làm tỉnh bước đi. Đến khi vào trong Thất xong rồi, mới mở mắt nhìn lại thì nó cũng vừa buông mình ra, rớt xuống đất nghe một cái đụi rồi bò ra ngoài rừng đi mất.

Lại có lần khác, sáng sớm thức dậy (để sửa soạn vào khóa lễ). Vừa bước chân xuống “đơn” (tức là cái đi văng nhỏ, bề ngang khoảng 8 tấc, bề dài khoảng 2 thước rưỡi của người tu) thì Ngài có cảm giác như là đạp trúng phải vật gì tròn tròn và mềm mềm. Ngó xuống, té ra đó là một con rắn hổ đen thui, to bằng bấp chân đang nằm khoanh một đống ở dưới chân giường! Ngài nghĩ: Cha chả, mình đạp trúng nó một cái mạnh như vậy, chắc nó cắn mình quá. Liền niệm A Di Đà Phật năm bảy câu rồi đứng chết trân tại chỗ chớ không dám nhúc nhích. Còn con rắn kia dù bị Ngài đạp trúng mà nó cũng không có phản ứng gì hung hăng hết, y từ từ cất đầu lên. nhìn Ngài một hồi rồi le cái lưỡi đỏ lòm ra khè khè mấy cái đoạn nằm im trở lại. Lúc đó Ngài mới dám bước đi, vừa mở cửa ra vừa niệm Phật mà bảo với y ta rằng: Thôi sáng rồi, đạo hữu cũng nên về đi để cho Thầy còn niệm Phật nữa. Tưởng đâu nói khơi khơi vậy rồi thôi, không dè y ta dường như biết nghe nên y mới từ từ bung mình ra dài cả mấy thước, chầm chậm bò đến cửa một cách êm ái hòa bình, rồi ra ngoài rừng mất dạng.

Thêm một lần khác, đêm đó Ngài niệm Phật và trì chú Đại bi đến khuya mới xong, vừa bước một chân xuống cầu thang thì đạp phải lên một đống gì đó đen thui, to tướng, Ngài biết, chắc là rắn (quen với mấy người quá xá rồi!) nhưng cũng làm tỉnh niệm A Di Đà Phật một hồi, đoạn bước đến bàn viết, vặn đèn lên cho tỏ để xem thì thấy một con rắn quá to (không biết làm sao mà nó lọt vào nhà được, trong khi cửa nẻo đã đóng kín rồi – sau này mới biết chúng nó là các loại rắn thần) đang cuộn tròn một đống bên cạnh đôi dép của mình. Nó nhìn Ngài, Ngài nhìn nó. Hai bên làm thinh ngó nhau một chặp, Ngài vừa niệm Phật vừa hỏi, có phải đạo hữu vào đây để nghe Kinh, nghe niệm Phật không? Nếu phải vậy thì gật đầu ba cái cho Thầy biết đi. Rắn ta liền gật đầu 3 cái. Cố Hòa thượng biết rằng đây là loại rắn linh cũng ưa tu niệm chớ không có ý gì muốn làm hại mình. Cũng như các lần trước, Ngài mở cửa ra bảo thôi đạo hữu hãy về đi, và y ta nhìn Ngài với ánh mắt hiền lành rồi từ từ bò ra ngoài đi mất.

hoa mai
06-01-11, 22:54
Từ đó trở đi, mỗi lần làm vườn hay tình cờ gặp phải các “người bạn dài thòn”, thấy dễ sợ này thì Ngài niệm Phật cho nó nghe một hồi, rồi mạnh đường ai nấy đi, việc ai nấy làm chớ không có xảy ra chuyện gì khác lạ cả.

Biết vùng này có nhiều loại rắn linh mến mộ tu hành như vậy, nên Ngài mới làm pháp “Du già thí thực”, hồi hướng công đức tu niệm của mình để bố thí đến cho loài rắn và nói rằng: (nói khơi khơi một mình nhưng dùng tâm tưởng và tác ý cho loài rắn được nghe). Vì khác loài nhau, nên từ nay nếu như quý vị muốn nghe Kinh chú và niệm Phật. v.v… để tu theo thì cứ ở ngoài sân chớ đừng có vào trong Thất của Thầy nữa. Sau vài lần “truyền lịnh” như thế rồi thì từ đó về sau tuyệt nhiên không còn có một con rắn nào vào trong cốc nữa.
Nơi miền rừng núi cao nguyên này thường thì có rất nhiều gò mối lớn đặc biệt của miền sơn cước. Chính chỗ Thất mà Ngài đang ở (Phương Liên Thất) cũng nằm trên một gò mối lớn. Hầu hết gò mối đều là ổ hang của rắn cả (rắn làm hang trong đó để ăn mối) gò mối càng lớn bao nhiêu thì rắn ở trong đó càng nhiều và càng to bấy nhiêu. Như vừa lược qua căn Tịnh Thất của Ngài ở, Thất được xây cất trên một gò mối lớn (đã được san bằng) vì vậy nên có nghĩa là trên mặt đất thì cố Hòa thượng ở, còn dưới mặt đất là rắn ở. Hòa thượng đã vô tình “sống chung hòa bình” với cả đống rắn độc mà không hay biết chi hết. Sở dĩ các con rắn này nó không làm hại chi đến Ngài là vì cứ mỗi tối, khi Ngài niệm Phật trì chú, hoặc lễ bái, sám hối, tụng Kinh v. v… thì các “y ta” nằm im ở dưới nền nhà, hoặc là bò lên mặt đất, rồi an bình nằm tại chỗ để nghe và tu theo. Đây là lý do vì sao mà khi Ngài mới dọn về – như đã có lược qua trong phần trước – là ở dưới chân giường, cầu thang, bỗng nhiên có rắn xuất hiện, con nào con nấy cũng dài đến cả mấy thước, to bằng bắp vế, nằm một đống đen thui trong cốc mà Ngài không hiểu vì sao nó lại vào Thất được, trong khi Ngài đã đóng cửa nẻo kỹ lưỡng hết rồi. Nhờ tu theo bằng cách “dựa hơi” Hòa thượng “các ông dài” này dần dần trở nên linh thông biến hóa được. Do vì thầm cảm cái ơn trọng đại đó, cho nên các “Y ta” kính lễ cố Hòa thượng như bậc cha, Thầy, còn các “Y ta” thì giữ bổn phận của con, cháu hay đệ tử. Vì thế nên từ đó về sau các loài rắn này trở nên hiền hòa – chẳng những nó không làm cho Ngài bực bội hay gây thương tổn chi, mà trái lại còn âm thầm theo bảo vệ cho “Sư Phụ” nữa. Sau đây là một vài chuyện liên hệ mà khi còn sanh tiền, cố Hòa thượng đã tự thân kể lại cho Ni sư Thanh Nguyệt và cháu là Đại Đức Thích Hải Quang nghe: Có lần, cố Hòa thượng đang ngồi làm cỏ tranh và xới đất bên cạnh một gò mối lớn ở phía sau Thất (Phương Liên) của Ngài, lúc Ngài quơ tay ra sau lưng để cầm cuốc thì Ngài lấy làm lạ mà nói trong bụng rằng: Ủa, sao bữa nay cái cán cuốc có vẻ là lạ và bự quá vậy? Ngài quay đầu ngó lại, thì té ra là mình đang nắm nhằm cần cổ của một con rắn to bằng bắp chân người lớn, màu đen có sọc vàng. Rắn ta vì bị nắm cổ nên hả miệng, le lưỡi ra khè khè năm sáu tiếng làm cho Ngài hết hồn vội vã buông tay ra và bước lùi lại phía sau, niệm Phật cả mấy chục câu rồi mới định thần được. Xong rồi, Ngài đứng ngó y ta một lúc và nói rằng: Ủa nhà ngươi ở đâu mà ra đây, nằm sau lưng ta hồi nào vậy? Thôi hãy đi đi, Ngài lấy tay xua, khởi ý đuổi đi. Rắn ta cũng ngó Ngài một hồi, gật đầu mấy cái (giống như xin lỗi) rồi bò ra phía sau gò mối. Ngài đứng ngó theo xem nó bò đi đâu cho biết, nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy tăm hơi gì hết, mới nghĩ: Ủa, bộ nó còn nằm gần đây sao mà không thấy bò đi đâu hết vậy kìa? Ngài đi vòng quanh gò mối tìm kiếm mấy lần mà cũng không thấy y ta đâu hết. Khuya lại, sau thời khoá trì niệm (gần 4 giờ sáng) Ngài đang ngồi trên ghế bên cạnh bàn viết nghỉ mệt, định bụng chút nữa sẽ pha cà phê uống thì nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa. Ngài lấy làm lạ, trong bụng nghĩ rằng: Ủa, giờ này còn sớm quá mà sao mấy người Thượng lại tới gõ cửa vậy kìa? (Bởi vì mỗi buổi sáng mấy người Thượng ưa tới gõ cửa Thất của cố Hòa thượng để hỏi việc làm như là cuốc đất, phát cỏ hoang và lên giồng trồng khoai, sắn v.v… Ngài mới đứng lên, đi ra mở cửa thì thấy bên ngoài, trước Thất của Ngài là hai người Thượng một nam, một nữ, tuổi chừng 50, dung mạo rất đơn sơ, mặt mũi sần sùi, da dẻ đen đúa, cả hai đều mặc quần áo màu chàm trông cũng rất sơ sài, đầu hơi nhọn, đi chơn đất (không có dép, giày gì hết), bàn tay nhám nhúa giống như cò vảy, đang chắp tay cúi đầu chào Ngài, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Ngài nghĩ bụng: Ủa, hai người Thượng này ở đâu đến mà thấy lạ mặt, mình ở đây cũng đã lâu rồi mà chưa quen với hai vợ chồng này. Phải hai vị đến xin việc làm hôn? Hai người ấy đáp: Mô Phật, kính bạch Hòa thượng không. Uả, vậy chớ có chuyện gì cần không mà gọi cửa tôi sớm quá vậy? Người đàn ông đáp: Bạch Hòa thượng, hai vợ chồng con đến đây để xin lỗi Hòa thượng về chuyện đáng tiếc ban trưa, có đứa cháu nội đã làm cho Ngài giật mình. Xin Hòa thượng từ bi tha lỗi và cho vợ chồng con sám hối. Cố Hòa thượng lấy làm kỳ, nên Ngài mới hỏi: Cháu nội của hai vị hả, hồi nào, nó bao nhiêu tuổi? Tôi nhớ suốt cả ngày hôm qua có gặp đứa cháu nào đâu? Người đàn bà đáp: Kính bạch Hòa thượng, cháu trai của con là đứa bé hôm qua mặc áo quần đen có sọc vàng nằm hầu phía sau lưng của Ngài lúc Ngài làm vườn đó. Ngài mới hỏi (mà trong bụng cũng chưa nhớ rõ ra là ai, bởi vì đã có đứa nhỏ nào mặc áo quần đen, sọc vàng, theo hầu sau lưng mình suốt ngày hôm qua đâu?) Vậy hả, cháu bé bao nhiêu tuổi? Người đàn bà đáp: Kính bạch bạch Hòa thượng cháu được 95 tuổi. Cố Hòa thượng của chúng ta giật mình, sửng sốt hỏi tiếp: Ủa, cháu nội mà được 95 tuổi thì hai vị đây bao nhiêu tuổi? Người đàn ông đáp: Dạ con được 842 tuổi và vợ của con 760. Đến đây thì Hòa thượng đã biết rõ họ là ai rồi, nên Ngài mới hỏi tiếp: Hai vị ở đâu tới đây? Người đàn ông thưa: Bạch Hòa thượng, chúng con ở Huỳnh Xà Thôn nằm về phía Đông của thôn Phú An này cách nơi đây khoảng 9 cây số, gia đình con có khoảng một ngàn người… Vừa nói tới đây thì người đàn bà nắm lấy tay của ông chồng đập mấy cái như ra hiệu đừng nên nói nữa (chắc sợ bị lộ tông tích) làm cho người chồng mới nói đến câu khoảng một ngàn người… thì làm thinh luôn. Cố Hòa thượng gật đầu nói: Thôi hai vị yên lòng về đi không sao đâu. Nghe Ngài bảo nbư vậy thì hai vợ chồng người này đồng chấp tay cúi chào rồi quay lưng đi vòng ra sau Thất của Ngài. Hòa thượng mới nom theo xem họ đi đâu và làm thế nào cho biết, thì Ngài thấy khi họ ra đến phía sau rồi, cả hai người đồng hóa ra hai luồng ánh sáng màu vàng nhạt lớn bằng cườm tay, bay bổng lên không về hướng Đông đi mất (giống như ông đi, bà xẹt vậy). Do đó nên Ngài biết rằng: Đứa bé 95 tuổi mặc áo đen, sọc vàng là con rắn đen có vằn vàng ngày hôm qua đã làm cho mình hết hồn! Hai vợ chồng này là rắn Chúa (chúa động). Hang ổ chánh của bọn chúng nằm về hướng Đông của ấp Phú An, cách đây 9 cây số có tên là Huỳnh Xà Động” (động rắn vàng). Chắc có lẽ họ mới biết biến hình nên dung mạo còn thô sơ chớ chưa đẹp người. Và hơn nữa chắc mỗi đêm họ ít nhiều gì đó cũng có đến đây nghe Kinh và tu theo mình nên mới có vẻ kính trọng mình và biết chắp tay niêm Phật như vậy…

Nguyên gần 10 năm về trước, lúc cố Hòa thượng còn nhập Thất ở Bến Tre. Ngài có quen với một vị tu sĩ tên là “ông Sư Mỏ Cày”. Sở dĩ, gọi là ông Sư Mỏ Cày vì vị này tuy có hình tượng một nhà sư Phật giáo, nhưng thật ra là một người đạo sĩ tu tiên, luyện điển theo phương pháp xuất hồn, địa danh (tên của vùng đất) nơi ông Sư này ở tu tên Mỏ Cày, không ai biết được tên thật của ổng là chi hết. Ông Sư này rất kính quý cố Hòa thượng qua phong cách và đạo hạnh của Ngài, nên thỉnh thoảng cũng có đến viếng thăm. Hòa thượng cũng có chỉ dẫn thêm cho Sư một vài pháp tu bổ túc, vì vậy mà Sư có một sự mang ơn ở nơi cố Hòa thượng. Lúc Ngài về Sài gòn và làm Đốc giáo ở Phật học Viện Huệ Nghiêm rồi thì Sư cũng có đến thăm một lần, đến khi cố Hòa thượng lìa Huệ Nghiêm để ẩn tu thì hai đàng biệt nhau. Mãi đến mấy năm sau. Sư mới tìm được lên Đại Ninh (trước sau hai lần) để thăm cố Hòa thượng, và rồi Sư qua đời vào mấy năm sau. Lần đầu tiên Sư lên thăm cố Hòa thượng vào năm 1970, lúc đó thì Ngài không còn ở Hương Quang Thất nữa, mà đã dời về Thất mới là Phương Liên tịnh xá rồi) và được Hòa thượng cho phép ở lại Thất của Ngài vài ba hôm để đàm đạo giáo lý và tu tập (Sư thọ giáo mật tông từ nơi cố Hòa thượng).

Qua đêm đầu tiên, sáng lại, Sư có thưa với cố Hòa thượng rằng Thất của Ngài đang ở tu nằm trên miệng hang của một động rắn “Kim Xà” rất lớn và xin Hòa thượng hãy cẩn thận, vì đây là các loại rắn thần, con nào con nấy cũng sống trên mấy trăm năm hết. Cố Hòa thượng gật đầu, nói với Sư là Ngài đã biết việc đó từ lâu rồi và cũng có kể lại cho Sư nghe về vài ba chuyện của các Kim Xà. Qua ngày kế đó, Sư nằm ngủ và xuất hồn ra đi thăm “xà động” này, khi thức dậy Sư có thưa cùng Ngài như sau: Nguyên từ mặt đất của nền Thất Phương Liên đi thẳng xuống dưới (lòng đất) sâu 800 thước có một động rắn lớn, trong đó có khoảng 200 “ông dài” đều sống từ hơn 100 cho đến gần 1000 tuổi hết. Động này có đường (hầm) thông qua 3, 4 động khác nữa. Chúa tể của tất cả các động rắn này là một đôi Xà Vương (rắn chúa) màu nửa đen, nửa vàng và đều đã được trên một ngàn tuổi rồi. Cặp Xà Vương này hiện đang ở ngay dưới nền Thất của cố Hòa thượng cùng với các con cháu, mỗi đêm đều nghe Ngài niệm Phật trì chú và tu theo, cho nên biết biến hóa và đồng thờ cố Hòa thượng làm Thầy để nương theo tu tập.

(Trích sách Vô Nhất Đại Sư – Hoà Thượng Thích Thiền Tâm)

hoa mai
06-01-11, 23:02
Sư kể tiếp rằng, khi sư xuất hồn ra gặp hai vị Xà Vương động chúa này rồi thì mấy vị đó có nhờ sư về thưa lại với ngài là họ muốn được quy y Tam Bảo để cho được sớm thoát khỏi kiếp rắn, họ cũng nói rằng trước kia họ chỉ có sống lâu thôi chớ không biết phương cách tu hành (vì rắn lột da cho nên sống lâu lắm), cứ ban ngày thì ngó mặt trời, ban đêm thì ngó theo trăng, sao (tu theo phép luyện âm dương nhị khí) nên mặc dù sống hơn cả ngàn năm rồi mà vẫn không sao biến hóa được. Từ khi cố Hòa thượng về ở đây tu, mấy năm trôi qua cũng nhờ nương theo oai lực chú ẩn và câu niệm Phật của Hòa thượng mỗi đêm, cho nên nay đã bắt đầu biến hóa được rồi và thân mình cũng đã đổi từ màu đen ra màu hơi vàng (tức là từ Hắc xà vương chuyển dần qua Kim xà vương). Hiện thời thì hai vị đó đang cùng với các quyến thuộc đều ẩn hình ở tại đây để tu và ngầm bảo vệ cho ngài là bậc đại sư của họ.
Hòa thượng gật đầu và nhờ sư xuất hồn ra chuyển lời lại cho các vị Xà thần này biết là hôm sau Hòa thượng sẽ truyền phép Tam Quy (Quy y Phật, Pháp, Tăng – Tam Bảo) để cho họ được dự vào hàng Phật tử.

Và sư làm theo lời ngài dạy:

Hôm sau, Hòa thượng đắp y, hậu ngồi trên pháp tòa bày sẵn giữa tịnh thất, trì chú và bất ấn Triệu thỉnh, chỉ đích danh 2 vị Xà vương chúa động Huỳnh xà thôn (với sự hiện diện của sư Mỏ Cày) gọi về.

Liền sau đó ngài thấy trước mắt mờ ảo ẩn hiện ra hai vị xà thần bò vào và hiện hình ra hai người một nam, một nữ trong lứa tuổi khoảng ngoài 60, cả hai đều mặc áo ngắn màu vàng luốc, quỳ trước mặt chắp tay cúi đầu phụng mạng.

Hòa thượng mới thuyết Tam quy cho nghe và kế đó là quy y cho họ cùng các quyến thuộc, đốt chú ấn (mà ngài đã vẽ sẵn trên giấy vàng) để pháp thí cùng rải nước cam lồ sái tịnh, chú nguyện cho họ sau khi thoát kiếp rắn đều được sanh thiền, y như Phật pháp tu hành.

(Kể từ đây ngoài các đệ tử thuộc về nhơn đạo ra, ngài còn có thêm các đệ tử thuộc về thần đạo và súc đạo nữa – việc làm này những tăng ni (lục lục thường tài) chỉ biết tụng kinh niệm Phật, cầu phước qua ngày, không lòng tin, không tu Mật tông và không có cảm ứng đạo giao với cảnh giới vô hình đều không thể nào hiểu thấu được cả).

Ngoài ra cố Hòa thượng cũng còn có quy y cho chư thần địa phương như thổ thần, sơn thần, thọ thần v.v… Các vị này cũng đều đồng nương theo ngài để tu tập hết …

Đến năm 1974, Sư Mỏ Cày có lên thăm cố Hòa thượng một lần nữa và ở cùng với ngài một tuần lễ. Sư có thưa cùng với cố Hòa thượng mấy điều sau:

1. Về tình hình đất nước vào năm tới (1975) sẽ có một sự “đổi đời” rất lớn, vô số người chết. (tức là biến cố tháng 4 năm Ất Mão 1975).

2. Sư có xuất hồn ra gặp lại các xà thần, điều đặc biệt nhất mà sư thưa cùng với cố Hòa thượng là cặp Xà vương Động chúa Huỳnh xà thôn, mấy năm qua nhờ được quy y Tam Bảo và tu theo phép của ngài truyền cho (đốt nghi thức tu để pháp thí) khi trước nên bây giờ đều được biến hóa linh thông, từ nơi Hắc xà vương này đã chuyển ra thân Kim xà vương (Rắn chúa màu vàng) và thường hay biến thành hình sư tăng mặc áo vàng, mỗi đêm đều có đi kinh hành niệm Phật chung quanh thất của Hòa thượng hầu hạ và bảo vệ cho ngài trong tất cả mọi hoàn cảnh (để báo đức tôn sư).

Mấy đêm sau, qua sự trung gian của vị sư Mỏ Cày, ngài mới cho triệu hai vị Chúa động này về. Đêm đó, cố Hòa thượng chiêm bao, thấy như sau:

- Bên ngoài có hai vị, một tăng, một ni đều mặc áo vàng đi theo sư Mỏ Cày vào trong thất quỳ xuống cung kính đảnh lễ. Ngài hỏi là ai và từ đâu đến?

Hai vị ấy thưa:

- Bạch tôn sư chúng đệ tử là động chúa Huỳnh xà thôn, nghe lịnh triệu thỉnh nên về phục mạng.

Hòa thượng truyền cho đứng dậy thì thấy hai vị ấy thân tướng cũng quang minh, thần sắc sáng sủa, nghiêm chỉnh, trên trán mỗi người đều có chữ Vạn màu đỏ, trước ngực mang một xâu chuỗi lóng lánh hào quang.
Ngài hỏi vì sao hai con lại có được các môn pháp bửu này?

Hai vị ấy thưa:

- Bạch tôn sư, chữ Vạn này là nhờ nơi quy y Tam Bảo mà có, còn xâu chuỗi này là do công tu tập mà thành. Bất cứ người nào (ý nói là xà thần) ở gần và tu theo tôn sư 3 năm đều cảm hiện ra được cả. Trong hàng quyến thuộc của con hầu hết đều được chuỗi này. Kể từ khi chúng con có 2 môn bửu bối này (chữ Vạn là một, xâu chuỗi pháp bảo là hai) trên người rồi thì mỗi khi chúng con đi dạo chơi đến nơi nào cũng đều được chư thần ở địa phương đó kính trọng, nhường đường và gọi chúng con là Phật tử.

Hòa thượng gật đầu thuyết pháp cho nghe cùng khuyến nhắc tu hành. Các vị ấy đều lạy tạ ơn và biến mất.

Mấy hôm sau “Sư ông Mỏ Cày” ra về và có thưa với cố Hòa thượng rằng:

- Lần này là lần cuối cùng gặp nhau. Sang năm (1975) sư sẽ dời về vùng núi Thất Sơn ẩn tu và sẽ tịch vào năm 1980, không còn có dịp gặp lại ngài được nữa.

(Còn Hòa thượng thì tịch 18 năm sau. Ngày mở cửa mả của ngài, hai vị Kim xà đệ tử này có đến hiện hình ra là hai con rắn màu vàng rực rỡ bò lại trước đầu mộ của ngài một chốc rồi mới bò vào trong đám cỏ tranh và biến mất, tất cả mọi người hiện diện trong buổi lễ hôm đó đều thấy rõ ràng.)

Bên Việt Nam chỉ trừ độc nhất một mình ni sư trưởng tử Thanh Nguyệt (và bên Mỹ là Đại đức bổ sư Thích Hải Quang) là biết rõ căn cội của cặp rắn này mà thôi, ngoài ra không một ai hiểu thấu vì sao mà lại có đôi kim xà này xuất hiện đúng vào ngày “mở cửa mả” của cố Hòa thượng – nên đều có ý nghi ngờ. Đây là chuyện sau).

hoa mai
06-01-11, 23:05
Sau năm 1975, có một vài vị tăng sinh của Phật Học Viện Huệ Nghiêm lên Đại Ninh thăm cố Hòa thượng và ngủ ở ngoài tu viện Hương Nghiêm, nửa đêm thức giấc (đi tiểu) ở phía sau (nhà cầu), sáng dậy nói với mấy thầy nơi tu viện rằng:

- Cha chả, ông già của tụi mình tu hành tinh tấn ác ôn!

Mấy thầy Tu viện hỏi:

- Sao biết là ông già tu hành tinh tấn?

Khách tăng trả lời rằng:

- Hồi hôm này lúc 2 giờ khuya, tôi thức dậy đi tiểu, lúc trở vào, ngó qua bên thất của ông già thấy ổng vẫn còn mặc hậu đi kinh hành ở ngoài lan can trên lầu thất của ổng, nên biết rằng ông già tu hành suốt cả đêm, tụi mình thiệt không bằng (nhưng thật ra thì người mặc áo vàng đi kinh hành chung quanh lầu đó không phải là ngài đâu, mà chính là một trong hai vị Kim xà vương đệ tử hiện hình tăng tướng đi vòng quanh thất để bảo vệ cho “Sư phụ” của mình được an lành nghỉ ngơi và tu niệm).

Đến đây, trước khi qua một chương khác, Bảo Đăng tôi xin kể hầu quý vị thêm một vài chuyện ngắn khác nữa (trong số rất nhiều chuyện mà Bảo Đăng được nghe từ nơi Đại Đức Bổn sư) như sau:

- Một lần khác, quý thầy bên Tu viện (Hương Nghiêm) dọn đất trồng lúa, bắp – nên gom các cỏ tranh, chà, bổi vừa mới làm xong … lại thành một đống lớn để trên gò mối gần đó, đốt bỏ. (Hôm ấy cố Hòa thượng ngó qua, thấy thế ngài mới rầy, bảo là đốt như vậy lỡ chết côn trùng mang tội. Sau này Đại Đức Bổn sư cũng bị ngài rầy hết mấy lần (về việc tương tự như vậy) vì đốt rác ẩu ở trên gò mối).

Khuya lại, sau khóa lễ (gần 1 giờ sáng) ngài chuẩn bị đi ngủ nghe có tiếng khóc ở phía trước cửa. Ban đầu ngài tưởng đâu vì mình sớn sác nên nghe lầm, nhưng khi lắng tai nghe kỹ lại thì rõ ràng là tiếng con nít khóc chớ không sai chạy chút nào hết, ngài mới mở cửa ra đứng bên ngoài nhìn chung quanh để tìm, đêm đó nhờ có trăng tỏ cho nên chỉ một chút sau thì ngài thấy ở dưới gốc mít phía trước thất có một đứa nhỏ đang ngồi khóc và có vẻ đau đớn lắm. Ngài lại gần hỏi con là ai, sao ngồi khóc vậy, lại đây thầy biểu coi, (ghê quá).
Đứa nhỏ đứng dậy bước ra, đó là một em bé trai khoảng 5, 6 tuổi gương mặt cũng dễ coi, mặc áo màu xanh (chắc là rắn lục), lại gần cố Hòa thượngnói con bị phỏng hết cả lưng, đau rát lắm.

Ngài hỏi vì sao mà bị như vậy?

Bé đáp:

- Hồi trưa này con đang nằm ngủ thì bị lửa ở đâu đốt cháy, vì ngủ mê nên không hay, đến khi nóng quá, giật mình thức dậy thì chạy không kịp nên cả lưng bị phỏng hết (lửa của mấy thầy đốt gò mối), xin tôn sư từ bi cứu độ.
Cố Hòa thượng vừa nghe nói vậy thì ngài biết “Bé” này thuộc về giống gì rồi, nên ngài có lòng thương, dẫn nó vào trong cốc, lấy chung nước cúng Phật trên bàn thờ xuống trì chú (A Di Đà Cam lộ Chơn ngôn) vào nước một hồi rồi rải trên lưng của nó, xong ngài mới bảo bé rằng thôi con về đi, không sao đâu mai sẽ lành.
“Bé” lạy tạ ơn, ra khỏi cửa rồi biến mất.

Đêm sau ngài nằm chiêm bao thấy có một người đàn bà chắc là “má mi” dắt nó đến cám ơn, trong mơ thấy nó hết khóc rồi và cười nói vui vẻ.

Một câu chuyện khác:

- Nơi cốc Phương Liên 2 (có hai thất Phương liên, thất 1 là của cố Hòa thượng ở – thất 2 là của ni sư Thanh Nguyệt cất cho thân phụ ở. Còn ni sư thì ở tại thất Bạch Vân), phía sân trước có một gò mối lớn bằng 5, 6 chiếc đệm, trên có tre gai mọc, choán cả một khoảng đất rộng. Đã mấy lần ni sư muốn đốn bỏ, dọn dẹp cho có đất trống để trồng bắp, đậu, nhưng hễ ai vừa tới gần gò mối, định đốn cây, phát cỏ thì đều cảm thấy xây xẩm mặt mày và nhức đầu hết. Riết rồi mấy người Thượng (làm mướn) sợ quá, đứng ngoài xa chắp tay xá xá vào gò mối thôi, chớ không dám đến gần nữa. Họ nói chúng tôi không dám đâu, trong đó có thần thánh ở đừng đụng chạm đến mà chết.


Mấy năm trôi qua rồi mà gò mối cũng không sao phá được. Cuối cùng ni sư mới đem chuyện này trình lên cố Hòa thượng xin giúp đỡ vì rất cần đất trống để trồng trọt hoa màu. Lúc ấy cố Hòa thượngchưa bế quan, nghe vậy nên ngài mới vào xem tự sự. Sau khi làm phép và chú nguyện xong rồi, đêm đó ngài nằm mơ, vía thấy đi vào trong thất Phương Liên 2, lại gần chỗ gò mối, chỉ tay vào trong bụi tre, bảo:

- Vị nào trong đó hãy đi nơi khác ở, để đất trống cho ni sư trồng trọt, sinh sống và tu hành. Nói xong một lát sau thì ngài thấy từ trong gò mối và bụi tre gai có một con rắn màu đỏ, to bằng cây cột nhà (chắc là rắn lục lửa) bò ra ngó ngài một hồi, đoạn gật đầu mấy cái rồi xuống sông đi mất.

Sáng ra ngài nói cho ni sư nghe và bảo rằng gò mối nay đã phá được rồi. Trước sự hiện diện của ngài mấy người Thượng mới dám đến đốn tre và bang bằng gò mối. Bấy giờ mới khám phá ra một việc hi hữu, ấy là…trong gò mối này có một bụi “Đơn quy” rất lớn (là một vị thuốc bắc đặc biệt bổ máu – bồi bổ tổng quát) rất quý báu, củ to bằng bắp tay, bắp chân (mấy trăm năm rồi nên củ mới lớn như vậy) – nhiều đến nỗi đem về phơi cả mấy chiếc đệm mới hết.

Cố Hòa thượng nói với ni sư rằng:

- Hèn chi mà không ai phá được cái gò mối này hết. Té ra trong đó tàng ẩn vị thuốc quý này nên mới có rắn thần canh giữ. Đây cũng là cái duyên của con đó, hãy giữ kỹ mấy củ đơn quy này mà dùng từ từ. Sau này con còn nhờ nó lắm. (Quả thật vậy, nhờ uống đơn quy này mà ni sư từ từ hết bịnh phong thấp và sốt rét rừng – sau phát ra tướng mập mạp, to con và hồng hào tựa như Di Lặc Bồ tát. Đây là lời của một phật tử từ bên Mỹ về thăm ni sư, khi trở qua kể lại cho Bảo Đăng nghe như vậy).

Còn nhiều chuyện lạ lùng kỳ bí khác nữa nhưng vì giới hạn của quyển sách nên Bảo Đăng xin được ngưng lại ở nơi đây để chuẩn bị bước qua một chương kế tiếp
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

hoa mai
06-01-11, 23:18
Có một vài lần, giữa ni sư trưởng và các bác sĩ đã lén dấu ngài, đồng ý (nghéo tay nhau) ở bên thất của ni sư (cách thất của Hòa thượng trên 100 thước tây) là chích thuốc ngủ cho Hòa thượng (mà nói dối là thuốc khỏe) để làm cho ngài mê đi rồi sau đó khiêng đại ra xe, chở thẳng về bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn cho có đầy đủ tiện nghi để (dễ bề) điều trị hơn. Bàn tính và cụ bị thuốc (ngủ) kim chích v.v... Đâu đó xong xuôi hết rồi mới cùng nhau kéo qua thất của Hòa thượng định bụng rằng sẽ giả bộ xin khám bệnh rồi nói là cần phải chích thuốc bổ để cho Hòa thượng được mau sớm khỏe mạnh. Nhưng khi tất cả bác sĩ vừa mới ngồi xuống, chưa kịp mở lời “mại hơi” thì ngài đã nói trước rằng:

- Các vị đừng nên làm như vậy, chớ gạt chích thuốc ngủ cho thầy mê đi mà đem ra khỏi thất chở về Sài Gòn. Thầy không đi đâu hết, bởi thầy đã nguyện nhập thất tịnh tu trọn đời rồi, thì dầu cho có sống chết gì đi chăng nữa cũng quyết lòng ở lại tại đây mà thôi. Tuy nhiên thầy cũng xin cám ơn lòng hảo tâm của quý vị.

Sau khi nghe Hòa thượng nói xong những lời đó rồi thì ai nấy cũng đều ngạc nhiên và hết hồn cả, không hiểu vì sao mà ngài lại biết rõ ràng cái “âm mưu bí mật” của chúng mình (mới vừa bàn) như vậy?

Sự việc tính toán không thành và sau đó mọi người đều rù rì với nhau là Hòa thượng có thiên nhĩ (lỗ tai thần) đó, nói gạt ổng không xong đâu vì ổng nghe biết hết.

Và đây cũng lại là một sự ly kỳ nữa (trong số rất nhiều việc lạ lùng khác) của cố Hòa thượng vậy...
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

hoa mai
06-01-11, 23:27
Bảy ngày trước khi viên tịch, cố Hòa thượng có dặn ni sư một điều rất quan trọng là:

- Sau khi thầy viên tịch rồi, ngày khai mộ (mở cửa mã) của thầy sẽ có hai vị Kim xà vương đệ tử đến thọ tang, hai vị này sẽ biến hình ra thành hai con “Kim Xà” (rắn vàng) bò đến trước đầu mộ. Con nhớ trông chừng và bảo vệ cho hai vị ấy yên lành trong thời gian họ thọ tang, đừng để cho ai đụng chạm đến nơi thân mình của họ. Phải nhớ đừng quên.

Còn về việc chùa và tượng Tỳ Lô Giá Na thì sau này sẽ có người từ ngoại quốc về giúp con xây dựng, mọi việc rồi cũng sẽ viên thành trong thời gian chừng hai năm trở lại mà thôi.

Ngày 20 tháng 11 Âl năm Nhâm Thân, ngài gọi ni sư trưởng tử vào và dặn bảo thêm các lời di chúc tối hậu. Trong di cảo của ngài để lại, nơi trang chót còn có ghi một bài thơ cuối cùng như sau:

BÀI TỰ CẢM CUỐI CÙNG

Sáu tám năm qua việc đáng kinh,
Thăng trầm vùi dập, lắm tai tinh.
Chẳng qua một giấc mơ dài ấy,
Mà kiếp phù sinh tạm múa hình.
Hai bốn năm ròng chuyên NHỨT NIỆM,
DI ĐÀ sáu chữ phóng quang minh.
Hôm qua tin tức trời TÂY báo,
GIỜ MẸO MAI ĐÂY TẠ THẾ TÌNH.

Vô Nhất Tăng.

Liên Du - Thích Thiền Tâm

(Bài lưu hậu cuối cùng - Năm Nhâm Thân

ngày Quý Hợi 20-11 Âl - (13-12 Dl-1992))

Bảo Đăng xin lược khái quát ý nghĩa của bài thơ này như sau:

Đại ý ngài nói:

- Sáu mươi tám năm qua sống trên cõi thế này, đời ngài đã lãnh chịu không biết bao nhiêu nạn tai và thăng trầm vùi dập... cả một kiếp đời trôi qua như thế, nghĩ lại cũng giống như là một giấc mơ dài (ác mộng) mà thôi. Cái kiếp phù sinh như bào, như ảnh cùng với xác thân tứ đại này đây, chẳng qua cũng giống như một cái hình nộm múa máy tay, chân, … đứt hết giây rồi, té nhào xuống thì thành ra một đống vô dụng (chết).

- 24 năm về ẩn tu tại đây, ngài chỉ ròng rặc chuyên trì nhứt niệm A DI ĐÀ PHẬT, nay công đã thành, quả đã mãn. Hôm qua (19-11 Âl Nhâm Thân), Đức A DI ĐÀ Thế tôn đã có đến báo tin rằng:

- Giờ Mẹo ngày mốt (6 giờ 15 phút sáng ngày 21/11 Âl năm Thâm Thân) là ngài sẽ vĩnh biệt cõi Ta bà này và trực chỉ thẳng về nơi An dưỡng.

Suốt hai hôm sau cùng của Tôn sư trên cõi thế, tất cả đại chúng nơi Phương Liên Tịnh xứ vi thảy đều đau buồn trong cảnh con sắp mất cha nên không một ai chợp mắt được cả. Riêng phần vị sư trưởng tử thì lòng nóng như lửa đốt, tâm trí rất mực bi ai, giả sử như lúc đó nếu có người nào bảo rằng hãy lấy thân mạng của nhà ngươi để chuộc lại sự sống còn cho Hòa thượng, thì chắc chắn là ni sư cũng sẽ chịu liền!

Đêm đó (20 rạng 21) Hòa thượng ngồi trước bàn Phật (ở trên lầu) trì niệm suốt buổi. Đến 3 giờ sáng, ngài biết thời khắc vãng sanh sắp đến nên mở mắt ra, truyền lịnh cho ni sư trưởng tử triệu chúng vào trong tịnh thất hộ niệm. Kế đó Hòa thượng bước xuống lầu rửa mặt, nghiêm chỉnh y hậu xong ngài an tọa vào trên chiếc ghế nơi mà ngài vẫn thường ngồi để tịnh niệm thường nhật, tay trái kết ấn “Di Đà định”, tay mặt lần chuỗi niệm Phật.

Trước mặt Đại sư là ni sư trưởng từ và các đồ chúng nơi Phương Liên tịnh xứ vân tập đầy đủ. Đồ tôn là tỳ kheo Thích nữ Bảo Đàn thỉnh bức tượng tranh của đức A DI ĐÀ Thế tôn đứng trong vị thế tiếp dẫn đặt nơi trước mặt ngài. Các môn đồ, pháp quyến vừa rơi lệ khóc thầm, vừa cất cao tiếng hộ niệm …

Đại sư mỉm cười thốt lời an ủi rằng:

- Hãy bình tâm lại, đừng có khóc nữa. Ta được về Tây là điều hân hạnh, các con hãy theo đó mà cố gắng niệm Phật chuyên cần. Nếu được như vậy, ắt một ngày kia sẽ cùng hội ngộ nhau nơi miền An dưỡng.

Còn các việc thành, bại, vinh hư trên cõi đời này, chẳng phải là chỗ quan tâm đến của ta.

Đoạn ngài đọc bài kệ rằng:

Đời ta chỉ gởi chốn Liên trì,
Trần thế vinh hư sá kể gì.
Bốn tám năm dài chuyên lễ niệm,
Mừng nay được thấy đức A DI.

Tuyên xong lời kệ sau cùng này, ngài ngồi yên trên ghế, nhắm mắt như vào trong định. Đại chúng biết chắc. Đại sư sắp sửa quy Tây, nên đồng cất cao tiếng hộ niệm, mỗi lúc càng thêm khẩn thiết.

Đến 6 giờ 15 phút (giờ Mẹo) Đại sư bỗng mắt ra, chấp tay nói:

TA ĐI ĐÂY – ĐẠI CHÚNG NÊN BẢO TRỌNG

Đoạn nhắm mắt lại, tay trái ngài vẫn kết ấn DI ĐÀ Định, tay mặt buông xuôi xuống, xâu chuỗi từ trên tay ngài rơi xuống chiếu và ngài lặng im, an nhiên thoát hóa ngay trên bản tọa.

Ni sư trưởng tử và các môn đồ pháp quyến cố gắng dằn lòng xúc động, nén nổi bi thương, vẫn để yên di thể ngài ngồi trên bản tọa như vậy và tiếp tục hộ niệm thêm hơn hai giờ đồng hồ nữa. Đến 9 giờ sáng mới cùng nhau nhẹ đỡ pháp thể ngài lên, đặt nằm ngay ngắn trên đơn (của ngài), đắp mền lại kỹ lưỡng trông y như ngài vẫn còn đang ngủ vậy.

Toàn thân của Đại sư vẫn mềm, ấm, dịu dàng và dung sắc vẫn còn hồng hào, tươi nhuận y như còn sống. Đỉnh đầu ngài nóng hực như tưới nước sôi.

Sách có câu:

Đảnh sanh cõi thánh, mắt sanh trời

Bụng nóng ngạ quỷ, tim nóng người.

Bàng sanh thần thức ra đầu gối,

Nóng ở bàn chân, địa ngục thôi.

Chiếu theo các hiện tượng trước và sau khi viên tịch cùng với ý câu đầu của:“Đảnh thánh, mắt sanh trời” trong bài kệ này thì biết chắc rằng:

ĐẠI SƯ ĐÃ ĐẠT XONG NGUYỆN VỌNG CỦA MÌNH VÀ ĐƯỢC VÃNG SANH VỀ NƠI CỰC LẠC.

Đại sư hưởng thọ tuổi đời được 68,tuổi đạo 48 (Tăng lạp 42)

hoa mai
06-01-11, 23:31
Về phần của các chúng nơi Phương Liên tịnh xứ thì sau khi an pháp thể của Đại sư ở trên đơn xong rồi, đồng nhau khấn đầu lễ tứ bái vĩnh biệt, kế đó đóng cửa thất của ngài lại, cùng bước ra ngoài để chuẩn bị lo tiếp các phần hậu sự.

Đến 9 giờ 30 phút, đại chúng ở ngoài Hương Nghiêm Tịnh viện hay tin, đồng nhau kéo vào, dùng đa số và cường lực phá cửa thất ra “thỉnh ngang” di thể của ngài đưa thằng về chùa.

Lễ di quan, nhập tháp hoàn tất vào khoảng 8 giờ sáng ngày 25-11 Âl năm Nhâm Thân (18-12-1992 dl) tại Hương Nghiêm Tịnh viện.

Đại sư là một cao tăng đắc đạo và được vãng sanh Cực lạc duy nhất trong thời buổi cận đại này, ngài là một bậc thạc sư về Phật học, là một vị đại tăng chói rực phần danh đức trong vòm trời Phật giáo Việt Nam và là một đại tôn sư hoằng dương cả hai pháp môn TỊNH ĐỘ cùng MẬT TÔNG lừng lẫy nhứt của Giáo hội từ trước đến giờ.

Sự hoàn nguyên của ngài là một mất mát cực kỳ lớn lao cho Giáo hội và để lại vô vàn nhớ nhung, thương tiếc cho toàn thể tăng, ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Đại sư có lưu lại một viên NGŨ SẮC KIM CANG NHA XỈ XÁ LỢI (một răng cắm năm màu còn nguyên vẹn) cứng như kim cương, được bảo toàn kỹ lưỡng.

Ba ngày sau (21/12 dl 1992), trong lễ khai mộ của ngài, tất cả mọi người hiện diện đều trông thấy có một đôi kim xà màu vàng rực rỡ dài khoảng hai thước tây bò đến trước đầu mộ của Đại sư, nằm im một chốc, đoạn cất đầu ngó lên ni sư trưởng tử Thanh Nguyệt, gật đầu ba lượt rồi bò đi vào trong đám cỏ tranh gần đó biến mất. (Các hình ảnh về đôi Kim xà này đều đã được ghi nhận đầy đủ bằng hình chụp và video).


Khắp nơi trong quốc nội hay được tin Đại sư viên tịch, thảy đều đồng cử phái đoàn về để chịu tang và kính lễ.

Đại lược được ghi nhận như sau (sơ khởi):

- Linh Sơn tự (và phái đoàn tăng ni Phật tử Đà Lạt).

- Đại diện Phật giáo của các tỉnh Đồng Nai, Phan Rang v.v...

- Đơn vị Phật giáo của tất cả các tỉnh miền Trung và miền Nam.

- Viện Nghiên cứu Phật học.

- Các tự viện khắp nơi trong toàn quốc.

- Vĩnh Tràng tự (Mỹ Tho) – Sắc tứ tự (và phái đoàn chùa tổ).

- Các ban giám hiệu, ban giảng huấn của các viện Trung và Cao đẳng Phật học Phan Thiết, Phan Rang, Đồng Nai, Huệ Nghiêm, Thủ Đức, Long An và các trường Phật học khác trong toàn quốc.

- Các Tăng ni sinh đệ tử thuộc các trường Phật học Huệ Nghiêm, Dược sư, Từ Nghiêm v.v...

- Tất cả các môn đồ, pháp quyến khắp nơi trên toàn quốc.

- Phật tử tỉnh Tuyên Đức và các Niệm Phật đường tại Phú An, Đại Ninh, Thiện Chí (do ngài sáng lập) v.v...


NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

(Xin mạn phép trích và sưu tầm)