PDA

View Full Version : Âm trạch



htruongdinh
08-09-09, 08:38
Một công việc làm thêm của HTD là viết gia phả các dòng họ. Việc này lại liên hệ nhiều đến mồ mả, đất cát. Đây là chuyện rất quan trọng trong sự hưng thịnh, hay suy bại của cá nhân, 1 gia đình, hay 1 dòng họ, người xưa thường hay tìm đất có long mạch tốt để đặt mồ đặt mả. Tuy nhiên với mức độ ô nhiểm, tàn phá môi trường hiện nay thì các thế đất có long mạch bị tàn phá rất nhiều. Cải cách ruộng đất sau 1954 cũng đã san bằng, hủy đi nhiều ngôi mộ kết phát. Thêm nữa các chương trình quy hoạch đất đai và chính sách quy tập mồ mả của nhà nước hiện nay đang làm hư hại các cụm mồ mả của các dòng họ. Bây giờ chuyện mồ mả chỉ có thể mong cầu vào hướng đất thôi.

Một người bạn cùng viết gia phả với HTD vừa qua có sang Trung Quốc, khi về cho biết hầu như các ngôi mộ Tổ của các dòng họ Trung Quốc là theo hướng Bính tọa Nhâm. Vậy thì hướng này có lợi hại gì? Bên cạnh đó, theo địa lý Tả Ao thì hướng Dần Thân là hướng đại kỵ khi an táng mồ mả.

Mời mọi người góp ý kiến nhé.

tom
08-09-09, 09:02
Hi chị htruongdinh
chị có thể nói thêm về nghề viết gia phả các dòng họ là việc tư hay việc làm của các nhà sử gia ,chị có phải là sử gia không? hì hì .chắc chị giỏi về Hoa ngữ

htruongdinh
08-09-09, 09:21
Hi chị htruongdinh
chị có thể nói thêm về nghề viết gia phả các dòng họ là việc tư hay việc làm của các nhà sử gia ,chị có phải là sử gia không? hì hì .chắc chị giỏi về Hoa ngữ

Chào tom, từ xưa các dòng họ VN đã lập và lưu truyền các bộ gia phả của dòng họ mình. Người lập phả thường là người giỏi chữ và có vị trí trong họ. Nước có Sử, Nhà có Phả là vậy. Có những điều thật trong Sử không viết thì trong Phả có ghi lại. Qua thời gian và chiến tranh, nhiều dòng họ bị mất gia phả hoặc những người con lưu lạc xa xứ bị mất gốc gác. Hiện nay nhu cầu dựng lại Phả ngày càng lớn nên cần những người viết phả dòng họ. Việc làm này do những người yêu thích và nghiên cứu gia phả tham gia thực hiện.

Khi lập phả, HTD thấy rằng vai trò của mồ mả ảnh hưởng rất nhiều với sự phát triển dòng họ. Có những họ ngày cảng đông con cháu, có những họ ngày càng lụi tàn. Xu hướng ngày nay đất chật người đông nên người ta thực hiện hỏa táng rất nhiều. Nếu hỏa táng thì không còn gì để nói, lúc đó con cháu phát hay không thì tùy phước đức bản thân. Nếu thổ táng thì việc ảnh hưởng rất lớn. Qua các gia phả mà HTD thực hiện thì nhiều "ông lớn" bây giờ có những ngôi mộ Tổ kết phát rất đẹp. Ngoài ra do chiến tranh loạn lạc ly tán, có những người thất lạc mồ mả hay là cha ông chết nơi nào không tìm thấy được. Có những người có phúc phận được Thiên táng nên con cháu được phát đạt sau này.

htruongdinh
13-09-09, 10:50
Hoa trung hữu đột

Theo phái Loan đầu, Hoa trung hữu đột là cách cục ngôi gò cao ở giữa, xung quanh là đồng ruộng. Mộ táng trên gò này được cách tốt, nhưng còn phải kết hợp hướng mộ.

Nghiệm chứng của một dòng họ : ông Tổ không rõ gốc từ Trung hay Bắc vào đất Gò Công khoảng đầu thế kỷ XIX. Đất đai lúc ấy còn hoang vu, sông rạch, rừng ngập mặn chằng chịt um tùm, nhiều lam chướng thú dữ. Một hôm ông cùng nhiều người vào rừng xóm Tựu – Gia Thuận để đốn củi. Đến giờ ra về tới bìa rừng, ông sực nhớ để quên cái rìu (có người nói là rựa, búa) tại chỗ đốn củi. Ông quay lại để lấy, nhiều người ngăn cản (bởi việc đốn củi đã làm động rừng, cọp dữ sẽ tới rình rập sau khi thấy vắng người), ông không nghe, vì vậy khi ông vào tới nơi thì bị cọp dữ vồ chết. Nhóm người đốn củi, chờ lâu, không thấy ông trở ra, cùng trở vào, đến nơi thì cảnh tượng hãi hùng bày ra : Ông đã chết, mình mẩy máu tươi ràng rụa, cái đầu bị cọp tha đi mất ! Vừa kinh hoàng vừa đau xót, họ cấp tốc mang thi thể ông ra bìa rừng, vội đào huyệt chôn thật sâu đắp mô cao, cài phủ cây rừng chắc chắn (chống cọp dữ kia hăng máu theo mồi có thể moi thây). Ngôi mộ đất, cách bờ biển khoảng 5 km ở xóm Chủ ngày nay.

Sau khi ông qua đời, vợ ông đã gởi đứa con trai duy nhất lại cho chòm xóm, trở ngược về quê qua ngã Vũng Tàu, lâu ngày không thấy trở vào - gặp gì chăng hay đã chết trên đường về quê, trở vào Nam với con(?) - biệt vô tăm tích từ đó. Bà con xóm Dinh, xóm Thích đùm bọc, cưu mang đứa trẻ cho đến ngày khôn lớn. Người con trai mồ côi khôn lớn lập gia đình và có nhiều con cháu. Ông được xem là ông Tổ đời thứ hai. Từ đời thứ hai sang đời thứ ba, thứ tư, thứ năm, con cháu đều làm tá điền, rất nghèo khổ, nhưng thật thà trung hậu, hay giúp người hoạn nạn.

Trước đây ngôi mộ thấp nằm ở bìa rừng hoang vu, nhưng hàng năm con cháu đều đến viếng mộ Tổ. Vì dòng họ nghèo nên không có khả năng xây mộ, mỗi người con cháu khi đến đều mang một cục đất để bồi đắp mộ cho cao dày. Qua 200 năm, những cánh rừng trước đây đã trở thành đồng ruộng tươi tốt. Ngôi mộ ông Tổ nhờ công sức bồi đắp của con cháu nên đã trở thành một gò cao vút nằm giữa đồng ruộng bao la. Đến đời thứ sáu thì dòng trưởng bắt đầu phát. Một người cháu đời thứ bảy làm đến Phó Chủ tịch Nhà Nước VN, có lẽ do mộ mất đầu nên không thể phát lên hơn chức vị Phó được.

Ducminh
13-09-09, 14:22
Chủ đề này hay đấy, em cũng nghĩ là có sự ảnh hưởng của âm trạch tới sự hưng thịnh của con cháu trong dòng họ sau này, bản thân em cũng nghe nhiều về truyện này qua lời kể của của các bậc tiền bối

htruongdinh
13-09-09, 16:03
Người xưa cho rằng xem và nghiên cứu phong thuỷ phải trên cơ sở : HÌNH LÝ KHÍ SỐ MỆNH

Người viết sẽ lần lượt đi qua các cấu phần của HÌNH- LÝ KHÍ-SỐ-MỆNH

HÌNH : Phái hình thế ra đời từ rất lâu tại Trung Quốc mà người đại diện là Dương Quân Tùng với luận thuyết nổi tiếng "âm dương thư hùng". Người viết xin trích một đoạn trong sách của ông " Thư (giống cái ) là âm, Hùng ( giống đực ) là dương có hai khí . Nói về thư hùng cũng giống như vợ chồng vậy, vợ chồng giao hợp thì sinh ra con cái. Thư hung giao hợp thì sinh ra vạn vật, đó là đại cơ – cơ hội lớn hoá sinh của trời đất. vì vậy trước tiên phải xem thư hung của long gia". Qua đây ta có thể rút ra cơ sở của phái hình thế chính là "dương hoá khí âm tạo hình","nhìn hình đoán khí". Hình và khí như bóng với hình như vợ với chồng quấn quít bên nhau không rời đan xen chia xẻ động dục mà sinh con đẻ cái.
Phái hình thế đã xây dựng được một khối lượng lớn các luận thuyết tương đối hệ thống đồng thời đưa các quan niệm "tôn tộc ", "thiên phụ, địa mẫu" và hình tượng người phụ nữ. Họ coi quả đất là mẹ của muôn vật và hình tượng hoá khu vưc kết huyệt bằng hình tượng của người phụ nữ ( huyệt ví như nơi sinh sản của phụ nữ): " Núi non vạn dặm, nơi nào cũng có tổ tông, nếu gặp cha mẹ dực dục,thai tức sau đó hình thành. Nhận hình lấy huyệt, biết rõ nơi cha sinh thành, nơi mẹ dưỡng dục.Thiên môn tất phải mở ra sơn thuỷ sẽ đến. Địa hộ tất phải đóng lại sơn thuỷ sẽ về.Thiên môn là nơi nước đến, địa hộ là nơi nước đi. Huyệt ở nơi đó, không ở nơi khác. Trong chỗ nhô lên vẫn có hang hốc, ở nơi cao có thấp,trong hang hốc vẫn có chỗ nhô cao, trong chỗ thấp vẫn có chỗ cao…" " Đạo lý của thiên hạ, âm dương ngũ hành không thoát ra ngoài một cái vòng. Vòng này là huyệt của sinh tử. Giữa trời đất có vòng nhỏ, vòng lớn, hiểu được vòng này đâu đâu cũng là vòng. Trời đất xoay chuyển, ai hiểu được trăm ngàn điều lý thú trong vòng này là tiên giữa trần gian….. Vòng này là vòng thiên vòng địa, tròn cùng không tròn, vuông cũng không vuông, dẹt cũng không dẹt, dài cũng không dài, ngắn cũng không ngắn, rộng cũng không rộng, nhọn cũng không nhọn, trọc cũng không trọc, trong ý thức con người như có như không đó là vòng tự nhiên. Âm dương đứng ở trong đó, ngũ hành sinh ra ở trong đó. Trong vòng hơi lõm xuống như nước mà không phải nước. Ngoài vòng hơi nhô nên như cát mà không phải cát.."
Để có thể nghiên cứu sâu và chi tiết phái hình thế đưa vô vàn khái niệm như Long, thuỷ, huyệt, án, sa, thanh long , bạch hổ, huyền vũ, chu tước, thai tức, thiềm ,cầu , hà tu , hợp khâm, , ỷ chi, sứ huyệt tất , thiên tâm thập tự…. Từ đó lại phân loại nhiều loại long , thuỷ…. Ôi! Vô cùng công phu và phức tạp nhưng nguyên lý xét cho cùng không ngoài đưa chúng về hai hệ cơ sở âm dương ngũ hành và hệ cửu tinh như đã đề cập để dễ bề nghiên cứu. Tuy vậy cũng không quên nhắc nhở hậu học rằng thực tế thì vô cùng phức tạp hình thù là muôn hình vạn trạng (Vì không phải là khí thuần nhất), nên khi nghiên cứu khảo sát thần lực phải tinh tường chớ có nhầm lẫn. Người viết và các đồng đạo khác đã bỏ ra rất nhiều công sức để đi tìm cũng như xem lại các cuộc đất trứ danh phải thừa nhận rằng thực tế khác xa với sách vở nó đòi hỏi một sự nhậy bén trong tâm trí một thần lực tinh tường và quan trọng là chữ " Ngộ" của đạo. Có lẽ vì vậy mà học địa lý bị ngừơi ta cho là khó chăng? Nhưng có đủ "căn, duyên và nghiệp" thì chắc chắn sẽ thành công.

Xét cho cùng mục đích của phái hình thế là tìm ra ngũ quyết địa lý bao gồm Long , huyệt, sa, thuỷ, hướng tức là nghiên cứu địa khí của khu vực cần phải khảo sát hay nói rộng ra là đi tìm trung tâm "phát sóng"

LÝ KHÍ : Trái với phái hình thế nhấn mạnh "Khí hành tuỳ theo thế đất", phái lý khí cho rằng vạn vật, thiên địa đều do khí sinh ra " tất cả mọi vật đều là khí", "núi sông thuỷ thổ đều có chứa khí là đại trạch của tạo hoá vì vậy khí lưu hành đầy trong vũ trụ. Thiên địa vạn vật đều là một thể". Vạn vật của thiên địa đều là một thể do vậy giữa chúng phải có một điểm chung, đó chính là "lý". "Lý" tồn tại hiện thực nhưng lại vô hình, sự kết hợp của "lý" và "hình" chính là tượng của khí. "Lý" sinh ra từ khí, "lý" của vạn vật trong tự nhiên có quan hệ mật thiết với loài người đó chính là qui luật của thời gian và không gian, qui luật của vũ trụ về phương vị của thời gian và không gian. Dựa trên cái "lý" đó phái lý khí đã xây dựng một khối lượng đồ sộ các hệ thống lý thuyết trên cơ sở của ngũ hành sinh khắc, âm dương bát quái, cửu tinh, bát môn, thập nhị bát tú, thập nhị tứ sơn, 72 long xuyên sơn, 60 long thấu địa, 24 huyệt châu bảo….với hai trọng điểm lý luận

- Lấy phương vị là chính tức khí ở phương vị khác nhau thì tốt xấu khác nhau
- Lấy thời gian làm chủ tức cùng một phương vị thì tại các thời điểm khác nhau thì tốt xấu khác nhau

Xét cho cùng mục đích của phái lý khí là tìm ra hướng và thời gian tức là nghiên cứu thiên khí của cả một vùng hay nói rộng ra là nghiên cứu làm sao có thể nhận sóng tốt nhất ngòai trung tâm phát sóng

Xét về tổng thể hai phái "hình thế" và "lý khí" là không thể tách rời, mặc dù cả hai phái đều xây dựng trên cơ sở lý luận riêng của mình. Phái lý khí so với phái hình thế có cơ sở lý luận tương đối hoàn chỉnh hơn. Phái hình thế từ rất sớm đã lựa chọn địa hình, địa thế và điều kiện môi trường làm điểm xuất phát xây dựng nên hệ thống học thuyết của mình. Phái lý khí xuất phát từ quan hệ của khí, số, lý mong muốn tìm được qui luật và mối liên hệ nào đó giữa con người và "thiên lý" nhằm đạt được sự thông đạt của khí, lý giữa con người và môi trường, từ đó tìm ra môi trường lý tưởng có lợi cho nhân sinh. Nhìn trên tổng thể có thể nói sự truy tìm chiều sâu lý luận của phái lý khí cao hơn phái hình thế. Tuy vậy ranh gới giữa chúng là không rõ ràng, hai phái đều có những điểm chung về thực chất đó chính là "khí", "sinh khí" và người xưa cũng đã dần dần nhận rõ điều này xin trích một đoạn sách cổ : "Người không biết về loan đầu không thể nói đến lý khí. Người không biết về lý khí không thể nói đến loan đầu. Người tinh thông loan đầu cuối cùng sẽ tự hợp với lý khí. Người tinh thông lý khí cuối cùng sẽ tự hợp với loan đầu. Loan đầu không chỉ có long, huyệt, sa, thuỷ đó mới chỉ là nội dung sơ lược. Cần phải tìm hiểu rõ về địa thế cao thấp , nguồn nước tụ tán, hướng thế của sa pháp, long khí dầy mỏng, thời khắc hưng vượng …". Điều này càng nói rõ lên rằng hình thế và lý khí là một tổng thể, là hai mắt xích không thể tách rời. Câu chuyện này cũng giống câu truyện dài và ly kỳ của khoa học phương tây đưa dến kết luận : " Ánh sáng vừa có tính chất sóng vừa có tính chất hạt" tức vừa là hình (hạt) vừa là khí (sóng)

SỐ : Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi (hệ cơ số 2 âm và dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái có thể biểu diễn mọi sự kiện, sự vật từ nhỏ vô cùng đến lớn vô cùng. Phong thuỷ là một môn khoa học nghiên cứu về phạm trù "khí và hình" nên đương nhiên không vượt qua sự chi phối của qui luật phổ biến với hệ cơ số 2 do vậy việc áp dụng kinh dịch vào phong thuỷ đã được người xưa chú ý và theo người viết đây chính là phương pháp nhiên cứu phong thuỷ đỉnh cao mà ít người biết tới. Điểm lại sách cổ của phái hình thế ta bắt gặp nhiều đến quái, tượng trong việc luận đoán cát hung cho một cuộc đất. Tuy vậy về mặt lý luận vẫn còn sơ sài so với phái lý khí đã hình thành một hệ thống lý luận áp dụng kinh dịch đến độ tinh vi thể hiên ở ba điểm sau :

Một là : Về mặt phương hướng người xưa đã tiến hành đưa quẻ vào từng phương vị của lục thập thấu địa long, thất thập nhị xuyên sơn hổ và địa nguyên qui tàng quái phân kim sau đó tiến hành đưa quẻ vào đến từng long khí rồi dựa trên hai nguyên tắc "Có động mới có dụng" và "cùng tất biến" để diễn quái kết hợp với mệnh chủ biến theo không gian, thời gian cùng hoạ phúc của họ mà luận cát hung…

Hai là : Về mặt thời gian trên cơ sở của huyền không phi tinh kết hợp với huyền không đại quái đã mang lại đỉnh cao cho huyền không học – Môn môn phong thuỷ bí truyền mới được phổ biến ra dân gian từ đời Thanh

Ba là : Việc ứng dụng của Mai hoa dịch số, Bốc phệ, quẻ Khổng Minh … vào phong thuỷ tạo thêm một cơ sở kiểm chứng cũng phát triển mới đưa phong thuỷ nên một tầm cao mới nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay

MỆNH (Người viết tự thấy cần đưa vào) : Con người là chủ nhân của quả đất, là tinh hoa của vũ trụ, là linh trưởng của van vật. Tất cả những gì mà con người nghiên cứu là nhằm mục đích phục vụ cho chính họ. Vì vậy không nằm ngoài - con người cũng là một đối tượng nghiên cứu chính của phong thuỷ.

Con người từng giờ từng phút đều chịu ảnh hưởng tốt xấu của các nguyên tố, tín hiệu và năng lượng của thiên nhiên bao la là quả đất và vũ trụ. Thêm nữa con người còn chịu ảnh hưởng của các tín hiệu,năng lượng… của các thành viên trong gia đình, dòng họ,banh bè, cộng đồng… nên việc nghiên cứu qui luật ảnh hưởng của những năng lượng, tín hiệu ấy đối với sinh mệnh con người từ đó tìm ra phương pháp cầu lợi bỏ hại, tìm cát bỏ hung là điều tối cần thiết

Theo người viết con người là một sinh mệnh hữu cơ cao cấp nhất do nhiều nguyên tố hoá học cấu thành, bản thân cơ thể con người cùng sinh ra các tín hiệu và năng lượng hữu cơ. Những tín hiệu và năng lượng này phải hiệp đồng, đồng bộ với tín hiệu, năng lượng của thiên nhiên, môi trường mới có thể đạt tới hiệu ứng cùng rung động, con người mới càng phát triển. Nhìn lại phong thuỷ cổ ta thấy người xưa cũng đã tiến hành nghiên cứu mệnh trong phong thuỷ (cung phi, yếu tố phúc đức, tâm linh…) tuy vậy có thể nói là sơ sài hoặc không viết ra hết. Tuy vậy các bạn vẫn có thể tìm ra hướng đi cho mình trong quá trình nghiên cứu phong thuỷ tín hiệu sinh mệnh con người ( mà sau này có thể mở rộng ra cho dòng họ, dân tộc..) trên cơ của đông y học ( Linh qui bát pháp, thời châm học, ngũ vận lục khí..), Cảm xạ học (Cơ chế của rung động), Mệnh học ( Tửvi, Tử bình, Tướng học..), Khí công học, Đạo lão, Phật học…

(Thiếu Lâm- http://www.vuiveclub.net)

htruongdinh
13-09-09, 16:18
Địa lý Âm trạch thường có mấy phần :

1.Định Loan Đầu :

-Việc định Loan đầu tức là việc xem xét hình thể để tìm ra cho được HUYỆT KẾT. Để tìm cho được Chân Huyệt, Chân Long thì cần thiết phải xem xét từ gốc tới ngọn, người ta gọi là TẦM LONG TRÓC MẠCH, tức là phải tìm từ nơi khởi phát của long mạch đến cái chỗ tận cùng của nó là nơi LONG ĐÌNH-KHÍ CHỈ (mạch dừng lại, Khí tụ lại để kết huyệt). Việc xem xét một cách tổng thể như vậy nhằm mục đích biết được Hình Tích, Cát Hung, Hư Thực, Cường Nhược…của một Cuộc Đất. Và có như vậy mới có thể xác định được chân long, huyệt đích. Loan Đầu là THỂ, là cái vốn có của núi sông, của trời đất sinh ra. Nơi khởi tổ của mạch gọi là Tổ Sơn, Tổ Sơn là nơi phát tích của mạch, từ đó khí mạch đổ xuống, tạo nên các Thế, Cục khác nhau. Mạch từ Tổ Sơn chuyển xuống xa gần, dài ngắn khác nhau đến vị trí thuận lợi thì dừng lại gọi là KẾT HUYỆT (nôm na thường gọi là Long Làm Tổ). tại vì trí này khí mạch tụ lại, việc định Loan đầu không có gì khác ngoài ý tìm ra vị trí này. Nếu không có việc Tầm Long-tróc mạch, chỉ nhìn vị trí tại một khu đất thì dễ bị nhầm lẫn.

-Tại vị trí Huyệt kết, phải có đầy đủ các chứng tá cần thiết để khẳng định. Thông thường một cuộc đất phải có các thành phần : Thanh Long, Bạch Hổ, Minh Đường, Án, Sa v.v.. Địa lý gia phải căn cứ vào các Chứng tá này để xác định được vị trí Huyệt. Các chứng tá này hợp lại làm thành các Cách Cục khác nhau, thiên hình vạn trạng, có Xấu có Tốt, có Cát có Hung…

2.Luận Lý Khí :

-Luận lý khí là DỤNG, từ kết quả của Loan đầu sau khi đã khẳng định được đấy là Huyệt Kết. Thì tiếp theo phải xem xét, nghiên cứu để vận dụng cái Lý của Địa Lý vào mà định ra Cát Hung. Cơ sở của Lý Khí cũng chỉ là dựa trên các nguyên lý của Âm Dương, Ngũ hành, Trường sinh v.v.. mà ra. Luận về Lý khí bao gồm việc luận về Sơn-Thủy, Long-Hổ, Huyền-Vũ, Chu-Tước, Quan-Quỷ, Sơn-Sa, Thác-Lạc v.v.. tức là vận dụng cái lý thuyết của Âm Dương, Ngũ hành để xác định xấu tốt đối với các thành phần của Huyệt Kết. Sách nói rằng : Địa Lý đa đoan, Lý quy nhất yếu…nghĩa là Địa Lý thì nhiều mối, nhưng cái lý của nó thì chỉ có một. Cái Lý đó không ngoài việc “thu minh sinh – phóng ám tử”, tức là làm sao phải thu được cái tốt mà bỏ đi cái xấu của Khí Mạch. Thu được Vượng - Tướng, mà bỏ đi Cô – Hư - Không vong. Kết quả của việc luận Lý Khí này là lập được Tọa-Hướng sao cho tốt nhất, sao cho đúng với cái ý của Địa lý gia. Các động tác trong giai đoạn này là Phân Kim, Điểm Huyệt, Tiêu Sa, nạp thủy, án định Long mạch, lập Hướng v.v...

3.Táng Cốt Pháp :

-Táng cốt Pháp là phép thực thi động tác đặt hài cốt vong nhân vào huyệt mộ. Mục đích là phải làm sao cho thu được khí mạch tốt nhất, thu được SINH, tránh được SÁT, ví dụ : Huyệt đào sâu vừa phải, tránh cho khí mạch trực nhập đấu đầu, tránh Đấu Sát. Việc táng cốt pháp thường là bao gồm : Định thời, khu thần tróc quỷ, khai huyệt, nhập quan, táng cốt, an thần, cố vị…

tuetvnb
Nguồn : lyso.vn

Ducminh
14-09-09, 09:11
Đành rằng chuyện kết phát mồ mả là quan trọng trong sự hưng suy của con cháu trong dòng họ, nhưng cổ nhân cũng có câu rằng
"Tiên tích đức, hậu tầm long"
Cho thấy rằng, việc ăn ở phúc đức, lương thiện của tiên tổ mới là gốc rễ cho sự thành bại của con cháu sau này
"Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con"
Nếu nhà không đủ phúc, thì khó mà có duyên tìm được nơi đắc địa đặt mộ, nếu có cố tình đặt thì cũng bị phá ra hoặc phải trả những cái giá rất đắt theo kiểu: "Sát rồi mới phát"
Nhà có phúc có đức thì mồ mả tiên tổ có khi không cần cố công tìm đất cũng được đất đắc địa, có thể có cả trường hợp thiên táng nữa


"Tiền bạc một kho chứa chất đầy
Ở đời người thế có ai hay
Đức nhân quý báu hơn tiền bạc
Muôn kiếp vững bền chẳng đổi thay
Tích ngọc, tích châu, tích bạc vàng
Của nhiều rồi cũng phải tiêu tan
Ai mà tích được nhiều âm đức
Ấy mới thực giầu, ấy mới sang"

htruongdinh
05-10-09, 09:12
Giai thoại phong thủy: Phong thủy - Tầm long tróc mạch

Bác sĩ Phạm văn An

www.viettribune.com

Ngồi chung chuyến bay chúng tôi một già một trẻ không hiểu thân nhau tự lúc nào. Chúng tôi trao đổi cho nhau từ chuyện này qua chuyện khác. Tôi là một kỷ sư điện toán phần mềm còn ông lại không ngờ là một Thầy Ðịa lý. Tôi vốn thích Tử Vi và cũng có dịp đọc qua các sách Phong Thủy nhưng thực tình sự hiểu biết còn ở bậc sơ học. Còn ông cũng đã có dịp may học Tử Vi với một chân sư nhưng nay ông chỉ chuyên về Bát Quái Cửu Cung Hà Ðồ Lạc Thư.

Trong đó ông nghiêng hẳn về Phong Thủy Ðịa Lý trên hai khía cạnh Dương Trạch-Âm phần để nhằm tạo sự hài hòa giữa con người và các vũ trụ tuyến. Ông cho biết gốc của Tử Vi là Bát Quái Cửu Cung nhưng nay các sách Tử Vi lại chỉ nói đến phần ngọn là an sao đoán số. Ông nghĩ rằng Tử Vi luận số mạng của một người và có tính cách tiêu cực vì ít ai thay đổi được số mạng cả còn Ðịa lý nếu làm được có thể thay đổi số mạng cả một gia đình hay cả một giòng họ. Do đó Ðịa Lý có tầm quan trọng lớn và thiết thực hơn. Tôi được biết ông là học trò cụ Dương Thái Ban, một danh sư Ðịa Lý và ngoài ra ông cũng đã có dịp qua Ðài Loan tham khảo thêm về môn này.

Tôi rất thích nghe chuyện Ðịa lý của ông nên cố gắng khơi chuyện về mồ mả kết phát. Ông bảo các tài liệu về mồ mả kết phát có nhiều trong “Nam Hải Dị nhân” hay “Công Dự tiệp ký”. Tuy nhiên ông cũng không ngại kể cho nghe một câu chuyện mới về Ðịa lý mồ mả do chính ông thực hiện. Một ngôi mả mà ông nghĩ con cháu của phúc chủ sau này sẽ hơn cha mẹ vì chính ông khi làm nhận thấy như được Thần linh dẫn dắt nên mọi việc êm xuôi như trở bàn tay. Tôi xin ghi lại câu chuyện theo lời kể của ông.

htruongdinh
05-10-09, 09:16
Sau nhiều ngày dong duổi tầm long tróc mạch tuy đã tìm ra một số cuộc đất với những huyệt kết rõ ràng minh bạch. Nhưng tiếc thay có huyệt vận thời chưa đến lúc dùng được như được Hướng mà không được Sơn gây ra cảnh tổn đinh tuyệt tự; sơn thủy đảo điên chỗ nên có sơn thì lại có thủy và chỗ nên có thủy thì lại có sơn rất nguy hại cho tiền tài và con cái; có nơi huyệt quá gần nơi dân cư đã cất nhà không tiện cho việc đặt mồ mả. Trước khi nhận giúp gia đình này tôi đã khấn trước bàn thờ chư Tổ và được các ngài tiết lộ “Ðịa hữu Thần, Thậm uy linh …” nên trong lòng chắc chắn gia chủ thuộc cảnh “Tiền Nan hậu dị” do đó vẫn yên trí tìm thêm.

Một hôm vào buổi chiều trời đã xế nắng sau khi lội bì bõm qua một cánh đồng lúa xanh vì và phập phồng vin tay qua cầu khỉ cheo leo chúng tôi đặt chân lên một cuộc đất với giòng nước ôm quanh. Nơi đây là một cái gò nằm giữa cánh đồng cây cối um tùm xum xê, nào vườn táo, nào luống bắp, nương ngô, kia rặng chôm chôm, nọ luống xoài cát v.v… Cũng may chúng tôi gặp ngay người chủ vườn và sau khi trò truyện khoảng 1 giờ thì trời sắp tối. Chúng tôi xin hẹn ngày mai sẽ trở lại và được họ chỉ cho về bằng lối bờ ruộng trước mặt để tránh lầy lội. Chúng tôi vừa đi vừa ngoái trông lại cái gò đất mới phát hiện lòng như lưu luyến chẳng muốn về. Bất giác một tia sáng lóe ra tíc tắc trong đầu ngay lúc đấy chúng tôi tự nhiên biết được huyệt nằm ở đâu và hướng của huyệt quay về đâu. Trực giác bén nhậy này chúng tôi chưa từng cảm thấy trong các lần tìm huyệt trước trong chuyến đi. Hôm sau trở lại khi đứng tại huyệt trường chúng tôi ngạc nhiên các chứng ứng của huyệt rất phù hợp một cách toàn thể như được đúc khuôn. Minh đường là cánh đồng lúa mênh mông xa mãi đến bờ sông; Án gồm cận án là đám ruộng cao trông tựa lưng con rùa phơi mình trên cánh đồng, viễn án là hai ngọn đồi sát nhau hình như lưng con lạc đà hay gọi là thiên mã. Tay long là một dẫy núi dài bên tay trái hình cong cong như lưỡi liềm mà đầu lưỡi liềm lại có một ngọn núi trông như một kim tự tháp nhỏ thường gọi là bút đứng hay bút lập. Tay hổ là dẫy núi hình móc câu trông như cổ con vịt quay đầu vùng vẫy trong giòng nước. Nơi đây cũng chính là Nhập Thủ Long để dẫn khí mạch đến vùng đất kết. Nhập thủ sinh động như thế thật là hiếm thấy. Bên cạnh phía ngoài tay hổ cũng có một ngọn núi nhọn và như thế hai bên tay lòng tay hổ đều có bút đứng. Cụ Tả Ao có câu “Bút lập là bút Trạng Nguyên. Bút thích giác điền là bút Thám hoa.” Chúng tôi rất ngạc nhiên vì cuộc đất có một bút đứng hay văn phong (núi chủ về văn học) đã là hiếm mà ngôi đất này lại có cả hai. Ngoài ra còn có nào là Thiên mã và gò đồng rất nhiều trên tay long tay hổ cũng như chẩm phía sau huyệt.

Nhưng hình thể dù có đẹp đến đâu đi nữa cũng còn phải dùng đến phép Lý khí Huyền Không để phối hợp xem có thật phù hợp hay không. Ðiều lạ là ngôi đất lấy cánh đồng trước mặt làm Minh đường nhưng sau huyệt và tả hữu huyệt là một lạch nước bao quanh rồi mới đến hậu chẩm cũng là một rặng núi nhấp nhô có thể gọi là Tam thai Ngũ nhạc. Như thế là huyệt có đầy đủ những chứng ứng cần thiết Long Hổ án chẩm. Hành long thuộc dạng Văn Khúc Thủy kéo dài cả hơn 20 cây số qua cá quận huyện. Khi kết huyệt lại phù hợp với cách thức diễn tả trong Hám long kinh một chân thư về Loan đầu.
“Văn Khúc kết huyệt Chưởng tâm lạc”
hay thủy long thường kết huyệt ở giữa như lòng bàn tay và do đó lấy núi non của Long của mình làm Long Hổ Án Chẩm.

Chúng tôi dùng tay bấm quẻ Huyền không Lý khí thì lạ thay các nơi đặc biệt như bút hai bên, Thiên mã Án, Tam thai ngũ nhạc chẩn đều phù hợp với sự biến động của khí vô hình trong vận đầu của Hạ nguyên hay 60 cuối của chu kỳ tam nguyên 180 năm.

Thông thường với các môn phái khác như Tam Hợp Cửu tinh không khi nào dám lập huyệt mà lại dựa lưng vào nước gần như thế vì họ luôn luôn trông vào nước trước mặt để làm minh đường. Ðối với môn phái Chính tông thì không nhất thiết phải như thế. Chúng tôi khi lập huyệt này đã gối đầu vào lạch nước phía sau mà theo Huyền Không lý khí hóa ra lại hay vì thu được cả hình thể hữu tình cũng như khí vô hình luân lưu trong cuộc đất qua chu kỳ Tam Nguyên Cửu Vận. Cái lạch ôm quanh và rặng núi Tam thai Ngũ nhạc đều hợp thời hợp vận. Do đó sau khi học được lý khí Chánh tông thì lập huyệt định hướng cũng trở nên dễ dàng vì không còn e ngại những “kỳ hình quái huyệt” đã làm điên đầu bao nhà nghiên cứu chẳng biết xoay sở làm sao mà điểm cho đúng với Lý Khí cả.

Ngoài ra khi lập huyệt định hướng phải phối hợp với Nhập thủ mạch theo một phương pháp nhất định. Về điểm này chúng tôi may được dân địa phương dẫn đi chung quanh quan sát từng khóm cây ngọn cỏ mới nhận rõ mạch thổi vào huyệt từ đâu. Sau đó đem phương pháp hình thể Chánh Tông vào phối hợp thì quả là phải như thế. Chúng tôi hồi tưởng lại lời khẩu truyền tâm thụ của Thầy không khỏi khâm phục và nhớ mãi “...nếu không như thế thì là giả huyệt”. Lý khí chân truyền thật là giản dị đúng như các chân sư thường nhắc nhở. “Ðộc thư vạn bộ bất như khẩu quyết nhất chiêu” xin tạm dịch “Ðọc hàng ngàn quyển sách không bằng hiểu thấu đáo một câu quyết qua sự khẩu truyền”.

Quan sát hình thế và so sánh với các huyệt quanh vùng chúng tôi nghĩ rằng đây là huyệt chính của cuộc long. Long đình khí chỉ thủy tụ khi hành long buông mình phân ra long hổ kết huyệt trước khi ra đến bờ sông. Huyệt nằm giữa lòng bàn tay nhưng được tay hổ quay đầu thổi khí vào trông ngoạn mục như đầu con cò trong tư thế quay đầu rỉa lông. Dân địa phương cũng nhận biết đây là thế đất hình con chim. Nếu nói theo kiểu hát hình ta có thể gọi là cách “Ðại bàng ẩm thủy” hay “Bạch nhạn ẩm tuyền” co dễ hình dung.

Huyệt kết ở dạng Đột là một cái gò với dư khí thè ra như cái môi trước khi thoái khí dần vào Minh đường đúng như các sách Ðịa lý thường căn dặn Long Huyệt phải có chiên thần. Cụ Tả Ao có câu”

“Kết thoái dư khí còn xa
Phải đi trăm dặm mới ra chiên thần”

Khi đào huyệt qua hai lớp đất phía trên độ 2 tấc chúng tôi gặp lớp đất thứ ba dầy sâu độ 1 thước. Ðất đầy sinh khí tươi nhuận với đầy đủ ngũ sắc năm mầu: Trắng, Vàng, Ðỏ mầu gạch, Hồng, Xanh. Khi dùng tay rò thì đất biến thành bột tựa như cát mịn. Người không biết cũng trầm trồ khen là đất đẹp. Riêng chúng tôi cũng mừng thầm cho phúc chủ được đất đầy đủ ngũ hành.

Huyệt tọa Cấn hướng Khôn hơi nghiêng về Dần Thân để hóa đi sát khí nếu có tại các phương Ðông và Ðông Nam. Huyệt nhằm thâu lấy khí tốt tại phương Tây Nam có án lưng rùa và Thiên mã, phương Nam và Tây với Long Hổ và bút lập hay văn phong, phương Ðông Bắc với lạch nước ôm quanh và rặng núi Tam Thai Ngũ nhạc. Cách phát thế nào thì gồm Ðinh Tài, văn học, vũ chức hay công danh thành đạt khác thường. Khi nào phát thì chúng tôi luận theo lý khí chân truyền được biết sẽ phát ngay trong vận này và sẽ kéo dài hết cho đến năm 2044.

Cũng nên biết thêm năm 1995 thuộc vận thứ 7 của Hạ Nguyên dùng huyệt này thì thu được khí tốt ở những chứng ứng trên. Nhưng nếu sang đến Thượng Nguyên thì không những không thu được sinh vượng khí mà còn bị sát khí làm hại. Do đó chữ Thời có một ảnh hưởng tối quan trọng trong sự thực hiện Ðịa lý.

Gia đình phúc chủ thuộc hậu duệ của một bậc Trạng Nguyên ngày xưa cũng do mồ mả kết phát nên vẫn còn duy trì được truyền thống Ðịa Linh Nhân Kiệt. Các con cố gắng thực hiện Ðịa lý trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi nhưng cuối cùng mọi việc đều thu xếp được vẹn toàn. Cụ ông lúc còn sống trọng tình nghĩa hơi tiền tài. Suốt đời luôn luôn đứng về phe kẻ yếu; một mình can đảm dám chống lại cả một phong trào a dua theo thời thế. Cụ ông mất trong lúc không thuận lợi cho việc thực hiện “Tầm long tróc mạch” nhưng 6 năm sau các con ai cũng đồng tâm nhất trí lo cho cụ ông được toại nguyện theo truyền thống tổ tiên “sống có nhà thác có mồ”. Người con trưởng cho chúng tôi biết gia đình đã làm lễ và cụ ông đã đồng ý một cách không ngần ngại, gieo quẻ âm dương được ngay lần đầu, cho phép cải táng.

Hôm bốc mộ chúng tôi thấy quả là linh nghiệm và đúng lúc vì nắp áo quan đã mục. Gia đình làm lễ rước cụ về nơi huyệt mới đầy sinh khí phong cảnh hữu tình. Thông thường ở địa phương này vào thời gian đó hầu như ngày nào cũng mưa vào buổi chiều. Chúng tôi chỉ nhắm chọn ngày giờ theo cho được ngày lành giờ tốt nhưng lại được cả ngày nắng đến mãi nửa đêm trời mới đổ mưa. Lúc hạ huyệt khi đọc điếu văn trời có nổi cơn giông tưởng chừng sắp mưa nhưng chỉ có vẻ tỏ dấu hiệu hài lòng cho mọi việc đã được vẹn toàn. Lễ cải táng cụ là một ngày đẹp trời. Mây trắng trời xanh làn gió mát như báo hiệu điềm lành cho sự chuyển mình của một giòng họ qua giai đoạn mới.

Ngay hôm đó chúng tôi và gia đình phúc chủ không định đến thăm khu nhà người chủ đất vì mọi sự đã có sự bằng lòng giữa đôi bên. Nhưng nhờ một sự tình cờ chúng tôi và con cháu của cụ đã đến thăm người chủ đất. Từ đây họ coi nhau như anh em trong một nhà. Chúng tôi chợt nghĩ thoáng trong đầu có lẽ nào cụ ông “sống không thác thiêng” đã bảo cho gia đình biết sống theo đạo lý nên tỏ sự biết ơn kẻ đã giúp mình trong ngày cải táng.

Làm xong cuộc đất một cách tươm tất phần chúng tôi cũng như phía gia đình phúc chủ cảm thấy như là mọi việc đã được sắp đặt từ trước và chúng tôi đôi bên chỉ là những kẻ theo đó mà làm. Riêng chúng tôi trực giác nhận ra huyệt và sau đó dùng lý khí Chính tông phối hợp giữa loan đầu hình thể và khí vô hình lại phù hợp được nhiều nơi. Lúc đào đất lại được đất ngũ sắc năm màu hiếm quý. Khi chọn ngày hạ huyệt lại được ngày không mưa. Chúng tôi trộm nghĩ rằng quả là đất này có Sơn thần Thổ địa trấn giữ từ lâu và ngày nay mách cho chúng tôi để tặng cho phúc chủ. Người con trưởng cũng không ngần ngại tiết lộ cùng chúng tôi gia đình cũng có nhờ người xem quẻ dịch về cuộc đất này và quẻ ra rất tốt với lời bàn “Quả đào ngàn năm mới chín để đãi cho gia đình có phúc. Có thể thực hiện mà chờ kết quả”. Quả đào ngàn năm đây muốn nói đến huyệt kết rất qúy và hiếm như là phải cần đến ngàn năm mới có một lần.


Nguồn: www.viettribune.com

htruongdinh
16-12-09, 19:42
Ông Tổ đến Bình Ân lập nghiệp, không rõ năm nào, khoảng đầu thế kỷ XIX. Không rõ năm sinh năm mất của ông. Hiện nay, con cháu đã cải táng mộ ông ở tọa độ 330 độ, hướng Tỵ - phân kim thuộc tuần Bính Tý - Đinh Hợi - Tân Tỵ .

Không biết ông có bao nhiêu người con, hậu duệ chỉ biết một vị kế tổ, nhưng không biết được năm sinh năm mất. Mộ ông tọa trên một gò cao "đột", một bên là cánh đồng lúa,một bên là khu dân cư. Đây là ngôi mả kết phát, tọa độ 260 độ, hướng Giáp 80 độ, phân kim thuộc tuần Giáp Tý, Quý Dậu, Đinh Mẹo (năm 2006). Ông và vợ làm nông , có ba trai và một gái (chết nhỏ).

1/ Người con trai trưởng sinh năm Mậu Tuất 1898, mất năm Ất Sửu 1985. Vợ ông sinh năm Kỷ Hợi 1899, mất năm Bính Dần 1986. Mộ ông bà được táng song hồn , tọa Thân 233 độ, hướng Dần 53 độ. Phân kim thuộc tuần Bính Tý - Giáp Thân - Mậu Dần (năm 2006). Ông bà có 7 người con : người con đầu là gái, người thứ hai là trai, thứ ba -trai (chết nhỏ), thứ tư- gái, thứ năm - trai, thứ sáu - gái, thứ bảy - gái.

Người gái đầu có chồng và sống bằng nghề nông,không có gì đặc biệt.

Người thứ hai : con trai trưởng sinh năm 1924 mất 2005, là nông dân nghèo, từ 1945 đến 1954 tham gia phong trào nông dân và nuôi cán bộ Việt Minh, sau 1954 thì làm ruộng và nuôi vịt để sinh sống và cho con học hành. Ông có 8 người con : thứ nhất - trai , thứ hai - trai., thứ ba - gái, thứ tư - gái, thứ năm - gái, thứ sáu - trai, thứ bảy - trai , thứ tám - trai. Các con của ông đều khá giả, trong đó người con trai đầu định cư ở Mỹ, và người con thứ sáu (trai giữa) rất giàu có và thành công trong sự nghiệp.

Người thứ ba : gái - có chồng và sống bằng nghề nông.

Người thứ năm : con trai giữa , có học hành đôi chút, kinh tế khá giả, có 9 người con. Các con của ông đều được nuôi ăn học và thành đạt.

Người thứ sáu, thứ bảy - gái : không có gì đặc biệt

2/ Người con trai giữa : làm nông, có 6 người con : 5 người con đầu là gái, người con út là trai. Kinh tế của những người này bình thường.

3/ Người con trai út : làm nông, có một con trai, kinh tế bình thường.

longbow132004
16-12-09, 21:37
cám ơn HTD, bài viết bạn rất hay, mình qua đây cũng có dịp học hỏi thêm

htruongdinh
16-12-09, 23:02
chào longbow132004, vậy bạn thường sinh hoạt ở diễn đàn nào ?

longbow132004
17-12-09, 07:22
thực sự thì mình có lên các diễn đàn của Bình Nguyên Quân,buachu.vn ,tuviglobal..v...v nhưng chỉ xem là chủ yếu, còn mình tham gia diễn đàn và post bài ở đây do vì có quen biết với 1 thành viên ngoài đời thật và thành viên đó rủ mình tham gia

htruongdinh
20-12-09, 19:46
Trong quá trình địa kiến tạo vỏ trái đất, có những nếp gấp lớn tạo ra dãy núi cao đóng vai trò đường kinh mạch trọng yếu xuyên qua nhiều quốc gia. Đáng chú ý là đường kinh mạch lợi hại đi từ đỉnh Everest cao gần 9000m của dãy Hymalaya (nóc nhà của thế giới) qua cao nguyên Tây Tạng, qua Vân Nam, qua đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, xuống vịnh Hạ Long rồi đi đến đáy đại dương sâu nhất thế giới gần 11Km ở vịnh Mindanao Philippin. Đó cũng là mạch đất độc đáo nối từ “Cổng Trời” đầy thiên khí đến “Địa Huyệt” đầy của cải có độ cao chênh nhau ngót 20Km và là đường kinh mạch quan trọng nhất thế giới. Sau Tây Tạng, Vân Nam, thì đồng bằng Bắc Bộ nước ta là phần rất quan trọng của mạch đất này. Dãy Hymalaya chạy vòng vèo như hình con rồng lớn, đoạn đến nước ta là dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phan Xi Pan cao 3143m, đến Việt Trì mạch đất lặn xuống, tỏa ra và qua sông Đà lại xuất hiện cụm Ba Vì cao 1226m, điểm nhấn của Thăng Long núi tụ sông chầu. Trước khi Vua Lý Thái Tổ chọn nơi này dựng Kinh đô Thăng Long thì người Trung Hoa đã dòm ngó vùng đất kỳ bí này và Cao Biền Tấu Thư kiểu tự là một trong những kết quả tìm kiếm công phu nhất. Theo báo cáo của Cao Biền (nhà Đường) thì vùng đất nhỏ bé này tụ hội rất nhiều linh khí đất trời và sản sinh ra nhiều hiền tài, ông ta tìm thấy 632 huyệt chính, huyệt phát đế và 1617 huyệt bàng, huyệt phát quan. (Theo KTS Trần Thanh Vân)

Từ xưa đã có nhiều nhà địa lý Trung Quốc sang Việt Nam tìm các kiểu đất quý. Họ vượt qua bao hiểm nguy, lần theo sự vận hành, di chuyển của mạch đất để tìm kiếm chính huyệt. Long mạch vận chuyển nhiều khe, băng ngang qua hàng trăm ngàn dãy đồi núi trập trùng, quanh co mãi mới chịu ngừng lại kết tụ tại Việt Nam.

Nếu may mắn được cuộc đất quý, đất phát quan phát vương thì gia đình, dòng họ được hưởng phúc lớn. Nhưng nếu điều kiện sơn mạch, long mạch khó phát hiện được thì người ta dùng Thủy pháp trường sinh. Theo địa lý cổ truyền, người ta căn cứ vào các dòng nước chảy đến, tụ lại và chảy đi xung quanh địa điểm để xác định hướng và vị trí làm mộ. Đây là phương pháp kết hợp thủy pháp với các phương vị của "thiên bàn" và phương sinh thái của hệ trường sinh. Có 8 cục : Dương Kim, Âm Kim, Dương Mộc, Âm Mộc, Dương Thủy, Âm Thủy, Dương Hỏa, Âm Hỏa. Để xác định Long cục, có các phương pháp : Song Sơn, Huyền Không, Tam Hợp,....

Các nguyên tắc của Địa lý phong thủy :
* Định hình phong thủy : hư cấu - giả tưởng - cảnh quan
*Thực hành phong thủy : cấu tứ - tổng hợp - ứng dụng thực tiễn : Kinh dịch, Lỗ Ban, Vận Khí, Từ trường, Tú long....
*Kết quả thực hành phong thủy : thẩm thấu - tiệm cận - huyền diệu - bền bỉ

htruongdinh
18-02-10, 20:24
VÒNG TRƯỜNG SINH TRONG PHONG THỦY

Vòng Trường Sinh trong Phong Thủy được dùng vào việc xem xét cuộc đất, định vị giếng nước vv. Cách an VTS trong Phong Thủy gồm 3 bước như sau:

A/ Định ÂM/DƯƠNG cho cuộc đất:
Đứng ở giữa cuộc đất mà xem dòng nước chảy, nếu nước chảy từ TRÁI sang PHẢI thì cuộc đất thuộc DƯƠNG, ngược lại nếu nước chảy từ PHẢI sang TRÁI thì cuộc đất thuộc ÂM.

B/ Định HÀNH CỤC cho cuộc đất:
Nhìn xem dòng nước chảy về phương nào, PHƯƠNG nước chảy về đâu chính là phương MỘ. Cuộc đất có Hành Cục như sau:

+ Dòng nước chảy về phương nằm giữa khoảng từ CHÍNH BẮC đến ĐÔNG BẮC THIÊN ĐÔNG thì Mộ Khố là Sửu (Đông Bắc Thiên Bắc) và cuộc đất thuộc KIM CỤC Tỵ - Dậu - Sửu.

+ Dòng nước chảy về phương nằm giữa khoảng từ CHÍNH ĐÔNG đến ĐÔNG NAM THIÊN NAM thì Mộ Khố là Thìn (Đông Nam Thiên Đông) và cuộc đất thuộc THỦY CỤC Thân - Tí - Thìn.

+ Dòng nước chảy về phương nằm giữa khoảng từ CHÍNH NAM đến TÂY NAM THIÊN TÂY thì Mộ Khố là Mùi (Tây Nam Thiên Nam) và cuộc đất thuộc MỘC CỤC Hợi - Mão - Mùi.

+ Dòng nước chảy về phương nằm giữa khoảng từ CHÍNH TÂY đến TÂY BẮC THIÊN BẮC thì Mộ Khố là Tuất (Tây Bắc Thiên Tây) và cuộc đất thuộc HỎA CỤC Dần - Ngọ - Tuất.

* Lưu ý: Hành Cục của cuộc đất không có Thổ Cục.

C/ Lập VÒNG TRƯỜNG SINH cho cuộc đất:
Vị trí khởi và chiều VTS của cuộc đất tùy thuộc vào Hành Cục và tính Âm/Dương của cuộc đất:

1/ Kim Cục:
Dương Kim: Trường Sinh tại Tỵ. Đế Vượng tại Dậu. Mộ tại Sửu.
Âm Kim: Trường Sinh tại Dậu. Đế Vượng tại Tỵ. Mộ tại Sửu.

2/ Thủy Cục:
Dương Thủy: Trường Sinh tại Thân. Đế Vượng tại Tí. Mộ tại Thìn.
Âm Thủy: Trường Sinh tại Tí. Đế Vượng tại Thân. Mộ tại Thìn.

3/ Mộc Cục:
Dương Mộc: Trường Sinh tại Hợi. Đế Vượng tại Mão. Mộ tại Mùi.
Âm Mộc: Trường Sinh tại Mão. Đế Vượng tại Hợi. Mộ tại Mùi.

4/ Hoả Cục:
Dương Hoả: Trường Sinh tại Dần. Đế Vượng tại Ngọ. Mộ tại Tuất.
Âm Hoả: Trường Sinh tại Ngọ. Đế Vượng tại Dần. Mộ tại Tuất.

* Lưu ý:

+ Vị trí Mộ của cuộc đất (dù Dương hay Âm) luôn nằm ở phương Tứ Mộ (Thìn, Tuất, Sửu, Mùi)

+ Cuộc đất thuộc Dương có VTS đi THUẬN (chiều kim đồng hồ)

+ Cuộc đất thuộc Âm có VTS đi NGHỊCH và vị trí khởi Trường Sinh như là ứng với vị trí Đế Vượng của cuộc đất Dương có cùng Hành Cục (Hai cuộc đất Dương và Âm có 2 vị trí tương ứng khởi Trường Sinh như là đối xứng nhau qua dòng nước chảy, đồng thời hai VTS này xoay ngược chiều nhau)

**Vài nhận xét về các VTS:

+ VTS trong Phong Thủy cũng có 2 chiều thuận/nghịch giống như VTS trong Tử Vi (theo cách cũ). Khác nhau là VTS trong Phong Thủy không có xem xét hành Thổ. Và khác nhau về vị trí khởi Trường Sinh cho vòng Nghịch của cuộc đất thuộc Âm để vị trí Mộ (cũng là Mộ của dòng nước) luôn ở phương Tứ Mộ.

+ Khác với VTS trong Tử Vi và trong Phong Thủy, VTS trong Bói Dịch chỉ có 1 chiều thuận. Lý do là vì VTS trong Bói Dịch áp dụng lên chu kỳ ngày, tháng , thời tiết...nghĩa là áp dụng lên chu kỳ của thời gian. Mà thời gian thì đơn tính và trôi đi thuận chiều từ quá khứ đến tương lai.

Ứng dụng Vòng Trường Sinh Phong Thủy khi chọn vị trí làm giếng nước:

Vị trí tốt nhất cho giếng nước là ở các vị trí:
Trường Sinh
Đế Vượng
Dưỡng

Nguồn : vietlyso.com (Bài này do anh Nguyên Thanh khởi xướng, nhưng sau đó anh bận việc ở xa không tham gia diễn đàn được nữa, thời may có anh Tửu Sĩ viết tiếp một chuổi bài về 4 cục trong Tràng Sinh Phong Thủy. Vì chuổi bài này đã được các anh viết ở bên nhà tạm, nên khi mang sang đây. CT xin đăng lại dưới dạng quotation và giữ nguyên nick anh Nguyên Thanh.)

htruongdinh
18-02-10, 20:27
Phần này tham khảo từ phụ lục 3 của Dia Lý Gia Truyền , tác giả Cao Trung viet từ Tả Ao Dia Lý Toàn Thư
Thuỷ pháp :
Có 4 cục Kim Moc Thuy Hoa Cục
Mổi Cuộc Long có 6 huyệt :
Chính Sinh
Chính Vượng
Tự Sinh
Tự Vượng
Mộ hướng
Dưỡng Hướng

- Mỗi cục long dều có nước từ dâu dến Minh Dường và từ Minh Dường chảy di la thuỷ khẩu
- Nước chiều dồng hồ là thuận, ngược kim dồng hồ là nghịch
- Chính sinh của các cục Long dều giống nhau, duy chỉ có hướng và thuỷ khẩu khác nhạu Chinhvượng, tự sinh, tự vượng và mộ dưỡng cũng vậy

HOẢ CUỘC LONG- CHÍNH SINH HƯỚNG
Dăn Ngo Tuat Tam hợp)
Thuỷ tiêu Tân Tuất- Chính Mộ khố


Vì không mang hình lên dược nên tạm trình bày dưới dạng dồ ngang thay vì tròn 360 o vị trí vòng Tràng Sinh:

Giòng thuỷ lưu Khởi từ Bính Ngọ nghịch chiều kim dồng hồ dến Tân Tuất, vị trí Tràng Sinh ở Cấn Dần

Tràng Sinh Mộc Dục Quan Dới Lâm Quan Dế Vượng Suy

Cấn Dần Giáp Mão Ất Thìn Tốn Tỵ Bính Ngọ Dinh Mùi

----------------

Bệnh Tử Mộ Tuyệt Thai Dưỡng

Khôn Thân Canh Dậu Tân Tuất Càn Hợi Nhâm Tý Quý Sửu

Huyệt 1 của 6 huyệt thuộc Hoả Cuộc long (vượng, phú quí , bền lâu):

Vượng khứ nghinh sinh , chính sinh hướng
Cục thế tả toàn long thụ hữu toàn thuỷ

Lập toạ Khôn hướng Cấn kiêm Dần 3 phân . Trước phải thu Bính Ngọ Dế Vượng thuỷ, tự sau vai bên hửu vào Minh Dường, thu Tốn Tỵ Lâm Quan thuỷ, thu Ất Thìn Quan Dới thuỷ vào Minh Dường rồi dến Giáp Mão quí nhân thuỷ rồi thu Cấn Dần (cung này la hướng thượng bản vị) Tràng Sinh thuỷ dem lại minh dường vòng sang bên tả tiêu ra Tân là Mộ khố .

HOẢ CUỘC LONG- CHÍNH VƯỢNG HƯỚNG
Dăn Ngo Tuat Tam hợp)
Thuỷ tiêu Tân Tuất- Chính Mộ khố

Giòng thuỷ lưu Khởi từ Cấn Dần (Tràng Sinh ) thuận chiều kim dồng hồ dến Tân Tuất, vị trí Dế Vượng ở Bính Ngọ

=============================================
Tràng Sinh...Mộc Dục...Quan Dới...Lâm Quan...Dế Vượng...Suy

Cấn Dần......Giáp Mão...Ất Thìn.....Tốn Tỵ........Bính Ngọ....Dinh Mùi

=============================================

Bệnh...........Tử..............Mộ........... Tuyệt.........Thai...........Dưỡng

Khôn Thân...Canh Dậu...Tân Tuất...Càn Hợi......Nhâm Tý....Quý Sửu

=============================================

Huyệt thứ 2 (của 6 huyệt thuộc Hoả Cuộc) : Chính Vượng hướng (nếu dược long cha6n huyệt dích thì vượng thịnh, phát tài , bền lâu)

Sinh lai hội Vượng , chính vượng hướng
Cục thế hửu toàn long thu tả toàn thuỷ

Lập toạ Nhâm hướng Bính kiêm Ngọ 3 phân nghinh lộc.
Lập toạ Týhướng Ngọ kiêm Bính 3 phân tá lộc.
Trước phải thu nước bên tả Cấn Dần, Tràng Sinh thuỷ , Giáp Mão quí nhân thuỷ , Ất Thìn Quan Dới thủy, Tốn Tỵ Lâm Quan thuỷ, vào Minh Dường rồi thu Bính Ngọ (cung này là hướng thượng bản vị) thuỷ vào minh dường rồi vát thủy tiêu ra Tân (Mộ) khố chảy đi.

===============================================

HOẢ CUỘC LONG- TỰ SINH HƯỚNG
(Dần Ngo Tuat Tam hợp)
Thuỷ tiêu Tân Tuất- Chính Mộ khố


Giòng thuỷ lưu Khởi từ Giáp Mão(Mộc Duc) nghich chiều kim dồng hồ dến Tân Tuất, vị trí TUYÊ>T ở Càn Hợi

=============================================
Tràng Sinh...Mộc Dục...Quan Dới...Lâm Quan...Dế Vượng...Suy

Cấn Dần......Giáp Mão...Ất Thìn.....Tốn Tỵ........Bính Ngọ....Dinh Mùi

=============================================

Bệnh...........Tử..............Mộ........... Tuyệt.........Thai...........Dưỡng

Khôn Thân...Canh Dậu...Tân Tuất...Càn Hợi......Nhâm Tý....Quý Sửu

=============================================

Huyệt thứ 3 (của 6 huyệt thuộc Hoả Cuộc) :
(phát rất mau, nhân dinh nhiều, phú qúi lớn)

Dây là phép biến Cục, tá khố tiêu thủy, tự sinh hướng
Cục thế tả toàn long thu hửu toàn thuỷ

Lập toạ Tý hướng Hợi kiêm Kiền 3 phân.
Lập toạ Tốn hướng Kiền kiêm Hợi 3 phân .

Nước từ bên hữu dổ sang bên tả , lấy cung Kiền cung Hợi ngay vị trí chữ TUYỆT khởi Tràng Sinh nghĩa là tự mình hướng thượng khởi Tràng Sinh cho mình, dây gọi là Tuyệt xứ phùng sinh (ngay cung tuyệt gặp Tràng Sinh) .

Trước phải thu Giáp Mão là Dế Vượng thuỷ (theo vòng Tràng Sinh khởi ở Tuệt cung Càn , cung Hợi). Cấn Dần làLâm Quan thuỷ, Qúi Sữu là Quan Dới thủy, Nhâm Tí là quí nhân thuỷ rồi thu Càn Hợi là Tràng Sinh thuỷ (cung này là hướng thượng bản vị) vào minh dường . Phép này gọi là Tá khố tiêu nạp (mượn khố tiêu thủy khẩu) .

htruongdinh
18-02-10, 20:34
HOẢ CUỘC LONG- TỰ VƯỢNG HƯỚNG
(Dần Ngo Tuat Tam hợp)
Thuỷ tiêu Tân Tuất- Chính Mộ khố


Giòng thuỷ lưu Khởi từ Tốn Tỵ (Lâm Quan) thuận chiều kim dồng hồ dến Tân Tuất.
=============================================
Tràng Sinh...Mộc Dục...Quan Dới...Lâm Quan...Dế Vượng...Suy

Cấn Dần......Giáp Mão...Ất Thìn.....Tốn Tỵ........Bính Ngọ....Dinh Mùi

=============================================

Bệnh.............Tử...............Mộ........ ....Tuyệt..........Thai...........Dưỡng

Khôn Thân...Canh Dậu...Tân Tuất...Càn Hợi......Nhâm Tý....Quý Sửu

=============================================

Huyệt thứ 4 (của 6 huyệt thuộc Hoả Cuộc) :
(phát phú rất mau, nhâb dinh tài qúi gồm dũ, phú qúi lớn)

Dây là phép biến Cục, tá khố tiêu thủy, tự vượng hướng (tức làlối biến cục hóa Tử vi Vượng)
Cục thế hửu toàn long thu tả toàn thuỷ

Lập toạ Giáp, hướng Canh kiêm Dậu 3 phân, nghinh lộc .
Lập toạ Mão, hướng Dậu, kiêm Canh 3 phân, tá lộc .

Nước từ bên tả dổ sang bên hửu , lấy cung Canh Dậu ngay vị trí chữ TỬ hóa thành chữ Vượng dây là tự mình khởi lấy vượng hướng thượng.
Nếu Vượng ở cung Dậu thì Tràng Sinh phải ở cung Tỵ (Tốn Tỵ), dây thu Tốn Tỵ làTràng Sinh thủy, Bính Ngọ là quí nhân thủy, Dinh Mùi là Quan Dới thủy, Khôn Thân là Lâm Quan thuỷ rồi dến Canh Dậu là Dế Vượng vượng thủy (cung này là hướng thượng bản vị) vào minh dường rồi tiêu ra chữ Tân là Mộ khố, cứ tính như phép tá cục tiêu thủy này thì vượng tá cục, Tân Tuất là Suy nên gọi là Tá Suy phương xuất thủy (mượn phương suy cho nước tiêu ra) .

Bốn huyệt trên phải tiêu thuỷ ra chính Mộ khố mới dược lập hướng. Bốn hướng là :
Chính Sinh
Chính Vượng
Tự Sinh
Tự Vượng
Công thức này là Dăn Ngo Tuat Tam hợp, tức như Cấn Bính, Tân (Sanh Vượng Mộ), lấy ânm dương phối hợp làm cục.

Tuy biến cục tá khố tiêu thủy nhưng phải tiêu nạp (thu thủy và tiêu thủy) dúng với công thức của nó mới dược lập hướng, ngoại trừ không dược những hướng khác với bốn công thức trên, nếu thấy thủy dã tiêu ra Tân khố .

Nguồn : vietlyso.com

htruongdinh
18-02-10, 20:57
ĐỊA ĐẠO DIỄN CA CỦA CỤ TẢ AO

1. Mấy lời để truyền hậu thế
2. Ai học địa lý theo học Tả Ao
3. Một là hay học càng cao
4. Hai là cố ý, cứ lời phương ngôn
5. Ba là học thuộc Dã Đàm
6. Bốn là mở sách La Bàn cho thông
7. Chẳng qua ra đến ngoài đồng
8. Tỏ mạch, tỏ nước, tỏ long mới tường.
9. Mạch có mạch âm, mạch dương.
10. Mạch nhược, mạch cường, mạch tử, mạch sinh
11. Sơn cước mạch đi rành rành.
12. Bình dương mạch lần, nhân tình không thông
13. Có mạch qua ao, qua sông
14. Qua đầm, qua núi, qua đồng, qua non.
15. Lại có mạch phát ngôi dương
16. Nhìn xem cho tường, ấy mạch làm sao?
17. Mạch thô đi chẳng khép vào
18. Vốn đi một chiều ấy mạch phát dương
19. Ba mươi sáu mạch cho tường
20. Trước là cứ sách, sau y lời truyền.
21. Ruộng cao uốn xuống thì mạch táng trên.
22. Ruộng thấp uốn lên thì mạch táng dưới.
23. Bình dương mạch chẳng nề châm gối
24. Hề chính long thì tả hữu chiều lai
25. Đâu có chính long thì có sơn thủy gối kề
26. Nhưng trên sơn cước non cao
27. Cường long thô mạch, thế nào mới hay?
28. Tìm nơi mạch nhược long gầy.
29. Nhất thời oa huyệt, nhi thời tàng phong
30. Đất có cát địa chân long.
31. Táng cho phải phép anh hùng giàu sang
32. Nọ như dưới đất bình dương
33. Mạch thính giác điền xem tưởng mới hay
34. Bình dương lấy nước làm thầy
35. Thứ nhất khai khẩu thứ nhì ngũ long
36. Thứ ba mạch thắt cổ bồng.
37. Thứ tư sơn chỉ hồi long càng tài
38. Muốn cho con cháu tam khôi
39. Phương Nam có bút phương Đoài có nghiên.
40. Muốn cho con cháu Trạng Nguyên.
41. Thời tìm bút lập hai bên sắp bày
42. Nhất là Tân, Tốn mới hay
43. Bính, Đinh, Đoài, Cấn sắp bày đột lên.
44. Bút lập là bút Trạng Nguyên.
45. Bút thích giác điền là bút thám hoa
46. Nhìn xem cho kỹ sẽ là đất hay.
47. Khuyên ai học làm thầy Địa lý
48. Trước phải đọc sách, sau là lượng cao.
49. Dù ai khôn khéo thế nào
50. Học mà chẳng xét ấy là vô tông
51. Thắt cỏ bồng phồng ra huyệt kết.
52. Xem cho biết Mộc tiết Kim loan
53. Mộc tiết văn đỗ Trạng Nguyên.
54. Kim loan võ được tước quyền Quận Công.
55. Con Mộc vốn ở phương đông.
56. Con Kim vốn nó về dòng phương tây.
57. Xem cho biết nó mới hay
58. Táng cho phải phép thực dày vinh hoa.
59. Thắt cuông cà phi ra mới kết.
60. Xem cho biết huyệt cát huyệt hung.
61. Huyệt cát nước tụ vào lòng.
62. Đôi bên Long, Hổ uốn vòng chiều lai
63. Huyệt hung Minh Đường bất khai
64. Sơn tà thủy Sạ hướng ngoài tà thiên.
65. Táng xuống kính sảng bất yên
66. Con cháu thường thường phát bệnh ốm đau.
67. Muốn cho con cháu sống lâu.
68. Tìm nơi Huyền Vũ đằng sau cao dày.
69. Long Hổ bằng như chân tay
70. Chẳng có Tả, Hữu bằng ngay chẳng lành.
71. Kìa như đất có ngũ tinh.
72. Nhận xem cho biết tương sinh loan hoàn
73. Muốn cho con cháu nên quan
74. Thì tìm Thiên Mã phương Nam đứng chầu.
75. Muốn cho kế thế công hầu
76. Thì tìm cờ trống dàn chầu hai bên.
77. Ngũ tinh cách tú chiều nguyên
78. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa bốn bên loan hoàn.
79. Thổ tinh kết huyệt trung ương.
80. Ấy đất sinh Thánh sinh Vương đời đời
81. Thiên sơn vạn thủy chiều lai
82. Can chi bát quái trong ngoài tôn nghinh
83. Nhị thập bát tú thiên tinh.
84. Tại thiên chiếu huyệt rành rành chẳng sai.
85. Ngôi Đế Vượng mặc Trời chẳng dám.
86. Huyệt công khanh chẳng kiếm ai cho.
87. Đất khai hoa nhìn xem cho kỹ
88. Thấy thì làm chớ để lưu tâm
89. Trên sơn cước xa xăm cũng táng.
90. Dưới bình dương nửa tháng cũng đi
91. Minh sinh, ám tử vô di.
92. Coi đi coi lại quản chi nhọc nhằn.
93. Quả nhiên huyệt chính long chân
94. Tiêu sa, nạp thủy chớ lầm một ly
95. Táng chi phúc lý tuy chi.
96. Trâm anh bất tuyệt thư thi gia truyền.
97. Muốn cho con trưởng phát tiên.
98. Thì tìm long nội đất liền quá cung.
99. Thanh long liên châu cao phong.
100. Kim tinh, thổ phụ, phát dòng trưởng nam.
101. Con gái về bên hổ sơn
102. Hổ cao thì phát, sơn bàn cho thông.
103. Phản hổ con gái lộn chồng.
104. Phản long trai nó ra lòng bất nhân.
105. Vô long như người vô chân.
106. Vô hồ như đứa ở trần không tay.
107. Trong Long - Hổ lấy làm thầy trước.
108. Sau sẽ tìm thấy chỗ huyệt chôn
109. Nước chẳng tụ được kể chi
110. Kiếm ăn cũng khá xong thì lại không
111. Con trai thì ở bất trung
112. Con gái thất tiết chả dùng cả hai.
113. Thấy đâu Long Hổ chiều lai.
114. Minh Đường thủy tụ huyệt tài mới hay.
115. Tiền quan, hậu quỷ sắp bầy.
116. Án dày muốn thấp, chiều dày phải cao.
117. Xem huyệt nào làm cho phải phép.
118. Chớ đào sâu mà thiệt như không.
119. Kìa ai Địa lý vô tông.
120. Chẳng cứ đúng phép cũng dòng vô tư.
TẢ AO