PDA

View Full Version : Nguồn Gốc Khoa Tử - Vi



htruongdinh
13-10-09, 18:57
ÐÔI LỜI GIỚI THIỆU :

Sau loạt bài Tìm Hiểu Khoa Tử-Vi ở Trung-Hoa và Việt-Nam, chúng tôi được nhiều thân hữu khuyến khích nên tìm các nhà Tử-Vi thành danh để viết về tinh-hoa của các vị ấy. Chúng tôi cũng có ý định đã lâu. Hiềm vì trong ba nhà Tử-Vi đỉnh lập, mỗi vị nổi danh theo một đường. Cả ba chúng tôi chỉ "Văn kì thanh, bất kiến kì hình". Làm quen khó quá. Song chúng tôi cũng cố gắng tìm ra văn phòng ông Nguyễn-Phát-Lộc, Hoàng-Quân, tôi xin viết về tinh-hoa của hai vị này truớc. Còn chúng tôi xin Ðại Tá Nguyễn-Văn-Y, cho chúng tôi biết địa chỉ tư gia để tìm học.

Chúng tôi giới thiệu Giáo sư Hoàng-Quân trước :

Tuổi Kỷ-Mão, (1939) tháng 9 ngày 1, giờ Thìn. Học chữ Hán từ năm lên 6 tuổi với ông ngoại là một vị đại khoa bảng cổ. Rất uyên thâm cổ học Ðông-Phương. Sau khi đậu cử nhân Văn Khoa, tốt nghiệp Ðại-học Sư-phạm Sài-Gòn (1962), du học về báo chí và chính trị. Hành nghề ký giả từ năm 21 tuổi. Học tử vi từ năm 15 tuổi. Nên chỉ mới có 20 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, vì được thừa hưởng cả một sản nghiệp tinh thần về cổ học, hợp với phương pháp nghiên cứu Tây phương nên rất căn bản về Tử-Vi. Nhờ hành nghề ký giả nên có dịp đoán số Tử-Vi cho hầu hết các vị Tướng lãnh, Tỉnh trưởng, Dân biểu, Nghị sĩ . . . anh rất kinh nghiệm về các giới này. Cầm một lá số, anh liếc qua là biết ngay thân chủ có làm dân biểu, nghị sĩ, tỉnh trưởng, tướng lãnh, bộ trưởng không. Và năm nào thì làm được và năm nào thì hết. Anh rất dở về việc xem cho các giới bình dân. Anh học Tử-Vi căn bản là bộ Ðông-A Di-Sự, một bộ sách Tử-Vi rất quý, gia bảo của anh.

Dịp may đến với anh : Anh gặp giáo sư Mac Henzi, chuyên về cổ học Trung-Hoa đã giúp anh tìm ra các bộ sách :

- Tử-Vi Tinh-Nghĩa.

- Tử-Vi Ðại-Toàn.

Hai bộ sách này bị thất lạc trong dịp bát quốc xâm lăng Trung-Hoa. Giáo sư Henzi đã lục thư viện Ðông-Á châu để chụp về cho anh.

Ngược lại, anh là thầy dạy Tử-Vi cho giáo sư Henzi.

Ðiều mà anh nổi tiếng là anh chú ý nhiều đến .... (bị dấu xoá), một đặc điểm của khoa Tử-Vi đời Trần, Tống, Thanh. Cầm một lá số anh có thể cho biết cách làm cho đương số ...(bị dấu xóa) hoặc làm cho ... (bị dấu xóa) và đương số ở .......(bị dấu xóa), ở với .....(bị dấu xóa).

Hiện anh cầm đầu nhóm nghiên cứu Tử-Vi Ðông-A. Nhóm này gồm độ 40 nhà trí thức thích Tử-Vi. Mỗi tuần họp nhau một lần để trao đổi kinh nghiệm. Nhóm chia ra từng tiểu ban, nghiên cứu những lá số tùy theo nghề nghiệp : Mấy Thẩm-Phán, chuyên nghiên cứu về ở tù và kiện cáo. Mấy Bác-sĩ chuyên nghiên cứu về bệnh, tai nạn, sinh đẻ. Mấy quân nhân nghiên cứu về các số quân sự.

Sau đây, chúng tôi được giáo sư Hoàng-Quân cho phép trích đăng trên KHHB (Khoa Học Huyền Bí) tât cả tài liệu gồm 6.000 trang giấy. Chúng tôi xin đăng hai bài Nguồn Gốc Khoa Tử-Vi, để giải quyết vấn đề nhiều vị tranh luận mãi chưa ngã ngũ. Ðể độc giả thấy rõ công trình nghiên cứu của một học giả. Ðính kèm sau mỗi kỳ là một lá số của các nhân vật đương thời.



Giáo sư TRẦN-QUANG-ÐÔNG

Nguồn : tuvilyso.net

htruongdinh
13-10-09, 18:59
VẤN ÐỀ TỬ-VI SỬ TRONG HỌC THUẬT ÐÔNG PHƯƠNG

Khoa Tử-Vi xưa và nay

Từ trước đến giờ, các nhà nghiên cứu Tử-Vi thường hiểu lờ mờ về lịch sử khoa này. Ðại khái chỉ biết rằng do ông tiên Trần Ðoàn ở núi Hoa Sơn đặt ra. Rồi không tìm hiểu gì thêm nữa. Vốn có ý niệm Tử-Vi là môn học huyền bí nên người ta dễ tin rằng Trần Ðoàn là một Tiên ông trên thượng giới. Sự lầm lẫn tai hại này đã làm cho khoa Tử-Vi mất đi tính chất khoa học, hơn nữa, thành một khoa nhảm nhí như cầu hồn, ngồi đồng vậy. Bản chất Tử-Vi là một khoa học có biện chứng, có nguồn gốc. Quá trình lịch-sử của nó, không phải là không tìm được. Có một điều nan giải, cho đến nay khoa Tử-Vi thực sự do ai đặt nền móng, và hình thành vào năm nào, thì lịch sử không chứng minh được. Các văn thần nhà Thanh trong viện Tứ-khố Toàn-thư, dân biểu lên vua Cao-Tông, vào niên hiệu Càn-Long 41 (1776) nhân dịp hoàn tất bộ Tử-Vi Ðại-Toàn có đoạn :

” . . . . Khoa Tử-Vi được hình thành từ đời Ðông-Tấn, vào niên hiệu Vĩnh-Hưng nguyên niên

(304 sau Tây Lịch). Nhưng chưa đặt thành căn bản . . . ”

Xem vậy, khoa Tử-Vi có trước Trần-Hi-Di tiên-sinh gần 600 năm nhưng chỉ mới là đại lược. Sau này, Trần-Hi-Di tiên-sinh và các đệ tử của ông mới nghiên cứu đặt thành hệ thống hẳn hoi. Vì vậy, đời sau coi ông là Tổ-sư của khoa này cũng không có gì là lạ.

Nguyên-do không có khoa Tử-Vi sử

Nguời Tây-phương bất cứ khoa gì, dầu chính hay tà, họ cũng chép thành sử cả. Nhưng người Ðông-phương chỉ chú trọng chép hệ-thống những gì được coi là chính thư. Bốn khoa học của Ðông-phương rất giá trị bị coi là tạp thư, không được giảng dạy chính thức gồm :

- Tử-Vi.

- Ðịa lý.

- Nhâm độn.

- Bói dịch.

Lấy năm 963, niên hiệu Càn-Ðức nguyên niên đời Tống-Thái-Tổ là năm Hi-Di tiên-sinh

vào kinh làm năm khoa Tử-Vi được quảng bá, thì đến nay trải qua trên 1.000 năm, không thấy sách vở nào ghi chép về lịch sử của nó, đây thực là lạ lùng.

Xét về nguyên do ta thấy có ba :


- Trong khoảng 10 thế kỷ lưu truyền, Tử-Vi luôn luôn là một khoa bí truyền. Bậc vua chúa quan lại giữ lại làm một thuật riêng để biết kẻ trung người nịnh, vận số tốt xấu mà mưu đại sự. Các triều đại bên Trung-Hoa như Tống, Nguyên, Minh, Thanh, các triều đại Việt Nam như Trần, Lê, Nguyễn đều nghiên cứu kho Tử-Vi đếN chỗ tinh-vi, nhưng vẫn coi là một thuật riêng, không truyền ra ngoài dân gian. Bậc thứ dân may biết được lại giữ làm gia bảo, mưu cầu tư lợi, chỉ truyền cho con cháu. Nếu có truyền cho người ngoài lại truyền thiếu, hoặc truyền sai. Lâu ngày lại lâm vào tam sao thất bổn, không còn giá trị gì nữa. Do vậy, đến thế kỷ 19, khoa Tử-Vi vẫn không phổ biến quảng bá. Ðó là nguyên do thứ nhất.

Xét về nguồn gốc, khoa Tử-Vi phát xuất từ chức Chúc-Quan đời vua Hoàng-Ðế (2689 – 2597 trước Tây Lịch). Các Nho-gia coi Tử-Vi là một ma thuật, thuật số, không phải là chính thư, nên không mấy để tâm chép vào sử sách. Có nhiều Nho-gia nghiên cứu Tử-Vi nhưng coi đó là tạp khoa, học chơi mà thôi. Ngay trong bộ Tống sử (1) phần Nghệ - Văn – Chí cũng không thấy chép về khoa Tử-Vi. Ðời Minh, khoa Tử-Vi thịnh hành biết bao, thế mà bộ Minh sử cũng không thấy ghi chép một câu về khoa Tử-Vi (2). Ðó là nguyên do thứ hai khoa Tử-Vi sử không có.

- Ba là, người nghiên cứu Tử-Vi, dầu có tự chế giỏi đến đâu, khi đi sâu vào khoa Tử-Vi là mê ngay, rồi không mấy chú ý đến nguồn gốc của nó nữa. Vì nghiên cứu về Tử-Vi sử rất vất vả : thiếu thư tịch, mất thời giờ, mà không ích gì thực tiễn như nghiên cứu giải đoán vận hạn.

Khoa Tử-Vi hiện nay

Khoa Tử-Vi được truyền vào Việt Nam từ đời Trần niên hiệu Nguyên-Phong thứ 7, đời vua Trần-Thái-Tôn (1257). Nhưng cho đến gần đây, khoa Tử-Vi cũng vẫn bị những lý do chung trên mà ở trong vòng huyền bí. Từ thập niên 1960 về sau, các nhà khoa bảng cổ từ từ qui tiên. Cái quan niệm Tử-Vi là tạp khoa không còn nữa. Nhiều nhà Tân-học thông thạo Hán-văn bắt đầu chú ý đến khoa Tử-Vi sử.

Một điều đáng khuyến khích, là trong quá trình lịch-sử hóa khoa Tử-Vi tại Việt Nam lại tinh vi hơn khoa Tử-Vi tại Trung-Hoa. Không khác gì Phật-giáo ra đời ở Ấn Ðộ mà lại cực thịnh ở Trung-Hoa và Việt-Nam.

Các sách nghiên cứu về Tử-Vi ở Việt-Nam hiện xuất bản khá nhiều. Giá trị có, sai lạc có.

Nhìn chung các nhà nghiên cứu Tử-Vi hiện nay ở Việt-Nam có khuynh hướng :


- Phát triển, đại chúng hoá một khoa học cổ Ðông-phương.

- Thống nhất nguyên tắc. Thống nhất lý thuyết Tử-Vi để thành một khoa học có biện chứng nguyên lý.

- Phân biệt Tử-Vi với những tệ đoan cúng sao, giải-sao, cầu thần, giải trừ tai nạn.

- Loại bỏ những tên bịp đời, chưa học đến nơi đến chốn, dối thiên hạ làm tiền vô lương tâm.

Hiện nay, khoa Tử-Vi phổ biến đến độ trên từ vị Nguyên Thủ Quốc-Gia xuống đến thứ dân cũng đều tin khoa này. Không một ai dựng vợ, lấy chồng mà không so tuổi, không hỏi số Tử-Vi để tìm lẻ sinh khắc.

Vấn đề quan trọng là người ta đang tìm cách đưa các khoa học huyền bí Ðông-phương vào học đường. Chắc chắn khoa Tử -Vi sẽ có một chỗ đứng quan trọng nhất.


---------------------------------

(1) Tống sử là một trong 24 bộ chính sử Trung-Hoa, gồm 496 quyển, chia ra : Bản Kỉ 47 quyển. Chí 161 quyển. Biểu 32 quyển. Liệt truyện 255 quyển. Do bọn A-Lỗ-Bảo, đời Nguyên làm Tổng tài, giám tu. Nhưng thực sự do Âu-Dương-Huyền, Ngô-Tập biên soạn.

(2) Minh Sử là một trong 24 bộ chính sử Trung-Hoa. Gồm 336 quyển, chia ra : Bản Kỉ 24 quyển. Chí 75 quyển. Biểu 13 quyển. Liệt truyện 220 quyển. Mục Lục 4 quyển. Do bọn Vương-Hồng-Chử, Trương-Ngọc-Thư, Trần-Ðình-Kính vâng lệnh vua soạn vào năm Khang-Hi thứ 18.

(Trần-Quang-Ðông chú)

Tàì-liệu nghiêncứu :

● VIỆT-NAM :

- Văn-hóa nguyệt-san. Bộ Văn-hóa Giáo-dục và Thanh-niên.

- Giai phẩm KHHB.

- Sách Tử-Vi của Nguyễn-Phát-Lộc, Vân-Ðiền Thái-Thứ-Lang, Nguyễn-Mạnh-Bảo, Hà-Lạc Dã-Phu, Song-An Ðỗ-Văn-Lưu.

- Ðông-A Di-Sự (sách chữ Hán), bản Trần-Nguyên-Ðán.

● TRUNG-HOA :

- Tử-Vi Ðại-Toàn : (Thanh) Càn-Long.

- Tống sử : (Nguyên) Âu-Dương-Huyền.

- Minh sử : (Thanh) Trương-Ðình-Ngọc.

. . . Còn tiếp.

htruongdinh
13-10-09, 19:06
NGUỒN GỐC KHOA TỬ - VI


* TRẦN-ÐOÀN CÓ PHẢI LÀ ÔNG TỔ TỬ-VI ? HAY LÀ MỘT TIÊN ÔNG ?
* CÓ THẬT CÁC SAO TỬ-VI LÀ TINH-ÐẨU ? HAY THẦN THÁNH ?
* NHỮNG ÐIỀU TỬ-VI CẦN CHẤN-CHỈNH LẠI, SAU KHI XÉT ÐÚNG NGUỒN GỐC TỬ-VI.


( G.S Hoàng-Quân )


- - - O O O - - -



A - Nguồn gốc khoa Tử-Vi


- Tranh luận về khoa Tử -Vi hiện nay, người ta có ba giả-thuyết về nguồn gốc của nó :

- Giả-thuyết thứ nhất : Nói rằng đời người có nhiều sự kiện. Các sự kiện khi giao huy

với nhau thành ra sự kiện mới. Trong khoa Tử-Vi, mỗi sao biểu tượng cho sự kiện đó.

- Giả-thuyết thứ hai : Khoa Tử-Vi là một số sự kiện. Nguyên lý của khoa Tử-Vi không giải-thích được. Các ngôi sao chỉ giao huy trên một tờ giấy.

- Giả-thuyết thứ ba : lại cho rằng nguyên lý của khoa Tử-Vi là Dịch lý. Hi-Di tiên-sinh đã căn cứ vào Dịch lý mà san định ra Tử-Vi. Như đã trình bày ở trên : Các nhà nghiên cứu Tử-Vi ít để ý đến lịch-sử nguồn gốc của nó. Nên diễn tiến lịch-sử bị bỏ quên. Người đời nay muốn tìm, rất khó khăn, nên mới có những giả-thuyết đặt ra theo trí thông minh sâu sắc mà suy diễn.

Trở lại với nguyên lý khoa Tử-Vi, ta hãy căn cứ vào đoạn đối đáp sau đây của Tống-Thái-Tổ với Hi-Di tiên-sinh :

“ . . . . Quả nhân đã đọc Tử-Vi Tinh-Nghĩa kinh do tiên-sinh ban cho. Tiên-sinh là Thần Tiên khác phàm, trên cảm cùng trời, dưới thông cùng nhân gian. Tiên-sinh đã khải ngộ đặt ra từ bao giờ vậy ?

Ðáp :
- Không phải bần đạo đâu. Không phải bần đạo đâu. Khoa Tử-Vi uyên-nguyên từ đời Ðông-Tấn. Qua đời Lục-Triều vẫn chưa có qui-tắc nhất định. Ðời Ðường thịnh trị mấy trăm năm, không ai để tâm đến. Vừa qua thiên-hạ đại loạn, thế sự thăng trầm, chết sống vô định, nên Tử-Vi được san định lại. Bần đạo nhân học 6 khoa Thiên-Văn, Lịch-Phổ, Ngũ-Hành, Ngũ-Sự, Tạp-Chiêm và Hình-Tượng thấy cùng một gốc ở vũ-trụ biến dịch, nên tập lại vậy. Xưa kia các vị Chúc-Quan đã tốn nhiều tâm lực nghiên-cứu ra đây . . . (Triệu-thi Minh thuyết Tử-vi kinh, chương 1).

Như vậy, nguồn gốc khoa Tử-Vi rất xa, và nguyên-lý của nó ở 6 khoa và gốc ở vũ-trụ.

B – Sáu khoa tạo thành Tử-Vi

Uyên-nguyên khoa Tử-Vi là ở 6 khoa cổ trong thời kỳ văn-hóa sơ khai của Trung-Hoa. Thời đại thượng cổ Trung-Hoa : Hoàng-Ðế, Hạ-Vũ, Tây-Châu, Xuân-Thu, tính ra khoảng 2502 năm ( Từ 2752 đến 250 trước Tây-lịch) và người có sự liên-hệ quan trọng, được biểu dương bằng câu :

Thiên Nhân Tương Dữ.

Nghĩa là giữa trời và người có cùng mối liên quan với nhau.

Kinh-Thư nói : Thiên sinh chúng dân.

Kinh-Thư nói : Duy Thiên âm chất hạ dân.

Lễ-Ký nói : Vạn vật bản hồ. Thiên - Trời có toàn quyền soi xét khắp nơi, trời có phép tắc trị muôn vật, làm khuôn phép cho mọi ngươì, tức là cái nền tảng đạo đức.


Kinh-Thi nói :

Thuợng đế lâm hạ hữu hách

Giám quan tứ phương.


Lại nói :

Thiên giám tại hạ.

Thiên sinh chúng dân.

Hữu vật hữu tắc.

Kinh-Thư nói :

Thiên tự hữu điển.

Thiên trật hữu lễ.


Ấy bởi cái tư-tưởng đó mới phát sinh ra học thuật. Mà giữ về cái quan hệ học thuật ấy có hai chức quan : Quan Chúc coi việc trời, quan Sử coi việc người. Quan Chúc tức là khởi thủy của khoa Tử-Vi vậy.


a) Quan Chúc coi việc trời


Thời cổ chính trị và tôn giáo vẫn chưa phân ra hai đường. Cái chức quan coi việc Thần-quyền rất quan trọng. Như tại Ai-Cập, có chức Pháp-Lão, Do-Thái có chức Tế-Tự-Trưởng. Ấn-Ðộ phân ra làm 4 tộc : Bà-la-môn, Sát-lị là giòng Ðế-vương. Bà-la-môn chính là giòng Quan-Chúc. Tây-Tạng có chức Lạt-Ma chuyên giữ đại chính trong nước. Xưa kia Giáo-Hoàng La-mã còn có quyền trên cả vua chúa.


Chúc quan Trung-Hoa có hai loại :

* Một là quan Chúc coi việc cúng tế. Ðại biểu tư-tưởng nhân dân mà tâu lên trời để cầu lấy

phúc lành. Sách Châu Quan trong thiên Xuân Quan Ðầu có nói về giòng dõi chi lưu chức quan Chúc ấy. Trong sách Tả truyện có chép, khi hỏi Tào-Uế luận chiến sự với Lỗ-Hầu, có bàn về các lễ tế thần để thắng trận.

* Hai là Quan-Chúc coi việc làm lịch. Chuyên giữ việc suy xét việc trời để ứng vào nguời.

Ðời Tam-Hoàng có sai quan Nam-Chính là Trọng coi việc trời để họp các thần. Quan Bắc-Chính là Lê coi việc đất để họp dân. Ðời vua Nghiêu có sai quan Hi-Hòa-Kính thuận việc Trời xét về trình độ Nhật-Nguyệt tinh thần mà làm ra lịch để bảo cho dân biết bốn mùa mà làm ăn. Lại xét máy toàn cơ ngọc hành để so sánh 7 chính, tức mặt trời, mặt trăng, ngũ hành tinh : Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ. Quan Chúc coi việc làm lịch có ba phần :


- Hiệp định ngày, tháng, 4 mùa làm ra lịch.

- Suy tính thủy chung năm đức để định mệnh trời. Như thiên Nghiêu-Ðiển có viết : Lịch

số trời đã thuộc về mình vua. Ðời sau nói về các vua Tam Ðại chịu mệnh trời cũng gốc ở Lịch-Học. Thiên-Hồng-Phạm có nói về Ngũ-Hành và những lời sấm vĩ đều phát nguyên từ đó.

- Xem xét tinh tuợng, bói toán, định cát hung. Ðến đời Xuân-Thu, bọn Tì-Táo, Tử-Thận đều là giòng Chúc Quan coi việc lịch.


b) Quan-Sử coi việc người

Quan Chúc, quan Sử quyền ngang nhau. Sách Châu Lễ có kể đến quan Ðại-Sử, Tiểu-Sử, Tả-Sử, Hữu-Sử, Nội-Sử, Ngoại-Sử.

- Kinh-Thi, do quan Thái-Sử đi nhặt về mà có các bài thơ Lão-Ðam (Lão Tử) cũng là quan Trụ-Hạ-Sử. Trong Hán-Thư, phần Nghệ-Văn-Chí, sử-gia Ban-Cố cũng cho rằng phái Ðạo-Gia là do Sử-Quan mà ra.


Tóm lại, tư-tưởng học thuật cổ Trung-Hoa, tư-tưởng “Thiên Nhân Tương Dữ” như sau :

Quan Chúc coi việcTrời (nguồn gốc Tử-Vi):

Quan Chúc coi việc tế tự.

Quan Chúc coi việc làm lịch (Lịch tương gia tức Thiên-Văn học. Lịch số học, tức Âm Dương. Chiêm-tinh-gia tức Phương-thuật).


Quan-Sử coi việc nguời :

Nhà Sử học về sự thực (Tổ Nho-gia).

Nhà Sử học về suy lý (Tổ Ðạo-gia)

Tất cả Thuật số đều phát xuất từ Chúc-Quan làm lịch.

c) Thuật số cổ Trung-Hoa


Trong bộ Hán-thư của Ban-Cố, phần Nghệ-Văn-Chí có đoạn :


“Thuật số do các sử gia Thần-thoại là Hi-Hòa trong nhà Minh-Ðường đã sưu tầm và duyệt lại. Công việc ấy từ lâu bị hủy đi mà không dùng nữa. Sách vở đến nay không còn đủ. Tuy vậy, có phần sách thì còn, mà nguồn thì quá cố từ lâu. Kinh Dịch có câu : Nếu người chính đáng mà không có thì đạo không thể thi hành được đầy đủ. Ðời Xuân-Thu có Lỗ có Tân-Thuận, Tống có Tử-Vi. Thời Chiến-Quốc, Sở có Cam-Công, Vệ có Thạch-Thông-Phủ. Hán có Ðường-Ðô. Ðấy là những nhà thuật số giỏi”.


Các khoa thuật số Trung-Hoa là sáu khoa mà Hi-Di tiên-sinh bảo đó là các khoa có cùng nguyên-lý. Tiên-sinh nhân học, rồi hiệp tinh-hoa thành khoa Tử-Vi. Sách Tả truyện có nói nhiều đến các khoa này.


- Khoa Thiên-văn, trong bộ Sử-Ký 130 quyển của Tư-Mã-Thiên đã dành cả quyển 28

nói về Lịch, quyển 29 nói về Thiên-quan. Trong bộ Hán-Thư, Nghệ-Văn-Chí, Ban-Cố để một chương chép về khoa Thiên-văn. Theo Ban-Cố thì Thiên-Văn dùng để xếp đặt thứ tự, biến dịch của 28 sao 5 hành tinh, Nhật, Nguyệt, nhờ đấy mà đoán ra tốt xấu. Khoa Tử-Vi đặt căn bản là vận hành tinh tú ảnh hưởng đến con người, nguồn gốc của nó là Thiên-Văn. Kinh Dịch rút từ nguyên-lý vũ-trụ tuần-hoàn, đồng nguồn gốc với Thiên-Văn, nên có câu :

Quan Thiên-Văn dĩ sát thời biến.


Nghĩa là ngắm tượng trời để xét sự thay đổi thời tiết.

(Chu Dịch, Quẻ Bí)

Nguyên-lý căn bản của Tử-Vi là Thiên-Văn. Thiên-Văn là Dịch đều có nguyên-lý là Vũ-Trụ. Chính vì vậy, có nhiều người lầm tưởng cho rằng nguyên-lý của Tử-Vi là Dịch lý cũng không lạ.

- Về Lịch-Phổ dùng vào việc đặt vị trí bốn mùa có thứ tự để tính thời tiết bốn mùa, đêm ngày, Hi-Di không mấy chú ý đến tính chất Ngũ-Hành của các sao tại 12 cung. Mà chỉ để ý đến các cách thường kết hợp lại với nhau thành môt cường lực nào đó.

- Ngoài ra, khoa Ngũ-Hành, Ngũ-Sự, Tạp-Chiêm, Hình-Tượng cũng đều có nguyên-lý Vũ-Trụ mà Hi-Di tiên-sinh rút ra để đoán vận hạn, tính tình, sống chết, thành bại của con nguời.


Tóm lại, nguyên-lý khoa Tử-Vi có thể tóm lược như sau :



|-----------------------------> = Dịch-lý

-Thiên-Văn

- Lịch-Phổ

Biến dịch Vũ-Trụ : - Ngũ-Hành = Tử-Vi

- Ngũ-Sự

- Tạp-Chiêm

- Hình-Tượng

htruongdinh
13-10-09, 19:12
C - Khoa Tử-Vi và tiểu-thuyết thần thoại .


Vì sự thiếu sót của Tử-Vi sử, nên hầu hết những nguời bình dân Việt-Nam đều lầm lẫn những nhân vật tiểu-thuyết Thần-kỳ chí-quái, ma trâu đầu rắn với các sao trong khoa Tử-Vi. Ðể rồi khi lo vận hạn, bầy ra cúng sao, coi như đó là những ông Thần có thể ban phước, ban ơn cho người ta. Thậm chí có nhiều nhà Tử-Vi thành danh mà cũng bị lầm lẫn, nguyên do chính vì không học sử Trung-Hoa và bị tiểu thuyết ảnh huởng đến độ tưởng thật (1)


a) Trần-Ðoàn không phải là Tiên-Ông. Trần Hi-Di là một đạo-gia tu ở Hoa-Sơn, đời

Tống-sơ. Tất cả sách vở đều chép như vậy. Nhưng đến đời Minh, phong trào chương hồi tiểu-thuyết ra đời. Nhiều tiểu-thuyết gia biến Tiên-sinh thành Trần-Ðoàn lão-tổ, có phép tắc vô cùng huyền bí, hô phong hoán vũ. Có tiểu-thuyết gia cho Tiên-sinh sống từ đời Bàn-Cổ. Ðời Ðông-Chu, Tùy, Ðường đều có xuất hiện đấu phép thu học trò. Tiên-sinh chỉ là Ðạo-gia, và trở thành Tiên trong sự tưởng tượng của người sau ông đến hơn 200 năm.

b) Các Sao trong Tử-Vi và nhân vật Thần-Thoại : Từ sự lầm lẫn Hi-Di tiên-sinh là một

Tiên ông, người ta còn lầm lẫn trầm trọng thêm nữa là lầm các Sao trong Tử-Vi với các vị thần trong Tiểu-thuyết.

Rồi khẳng định rằng Hi-Di tiên-sinh căn cứ vào nhân vật Thần-thoại đời Thương-Chu chếến tranh mà đặt cho các ngôi sao. Sự lầm lẫn tai hại này chứng tỏ không hiểu tí gì về Văn-Học-Sử và Trung-Hoa-Sử. Có ba điều chứng minh rằng Hi-Di tiên-sinh không hề căn cứ vào nhân vật đời Thương-Chu đặt tên cho các ngôi sao trong khoa Tử-Vi :

Thứ nhất : Các ngôi sao trong khoa Tử-Vi đều là những hành-tinh có thật trong Thiên-Văn. Ðọc bộ Tinh-Kinh của Cam-Hũu-Vu, hoặc của Lưu-Biểu sẽ thấy rõ tính chất tuần hành của Thiên-Hà. Tiểu-thuyết gia lấy các sao trong Thiên-Văn rồi đặt ra những nhân vật ấy là Thần của ngôi sao.

Ðáng buồn thay, có những nhà Tử-Vi khuyên người ta nên căn cứ vào nhân vật tiểu-thuyết để tìm hiểu tính chất các sao thì tránh sao khỏi sai lạc trầm trọng.


Thứ hai : Khoa Tử-Vi được phổ biến vào năm Càn-Ðức nguyên niên (963), vào đầu đời Tống. Còn nhân vật tiểu-thuyết mãi đời Minh mới xuất hiện. Không thể có việc người sống trước 2000 năm bắt chước người sau. Trong bộ Trung-Quốc Văn-Học Sử của Dị-Quân-Tả Tự-Do thư xã ấn hành tại Hương-Cảng vào niên hiệu Trung-Hoa Dân-Quốc thứ 48, chương II, Minh Ðại văn-học, trang 397 có viết :
“. . . . Minh-Sử, Nghệ-Văn-Chí chép có tới 127 bộ tiểu-thuyết được viết trong đời này, gồm 3307 cuốn . . . Nhưng xứng đáng được gọi là tiểu-thuyết có Trung-Quốc tứ đạo kỳ thư . . . Mà Tứ-Ðại kỳ-thư tiểu-thuyết đời Minh truyền đến nay còn thực nhiều. Tiến cử ra đây một bộ đó là bộ Phong-Thần Diễn-Nghĩahay còn gọi là Phong-Thần Bảng (2) . . “

Ðoạn trích dẫn trên đầy đủ chứng minh rằng nhân vật Phong-Thần được bịa đặt ra sau Hi-Di tiên-sinh đến 200 năm.

Thứ ba : Tra cứu các bộ chính sử như Kinh Xuân-Thu, Tả truyện, Chiến-Quốc sách không hề thấy nói đến tên nhân vật thần-thoại trong Phong-Thần. Bộ Sử-Ký của Tư-Mã-Thiên :

- Cuốn 4 nói về Thương Kỷ.

- Cuốn 5 nói về Chu Kỷ.

- Cuốn 33 nói về Lễ, Chu-Công thế-gia.

- Cuốn 32 nói Tề, Thái-Công thế-gia.


Chỉ thấy nói đến các nhân vật lịch-sử như : Trụ-Vương, Võ-Vương, Khương-Thượng. . .vân. vân . . . Không hề thấy nói đến Duơng-Tiễn, Lý-Tĩnh, Lý-Na-Tra, Long-Kiết công chúa, Nguyên-Soái Trương-Quế-Phương .v.v. . .

c) Kết luận. Tóm lại :

- Khoa Tử-Vi nguồn gốc ở chức Chúc quan đời cổ. Nguyên-lý của nó là vũ-trụ. Dịch lý

cũng có nguyên lý từ vũ-trụ nên nhiều người lầm tưởng khoa Tử-Vi có nguyên lý là Dịch lý.

Tiểu-thuyết gia đời Minh tưởng tượng ra những nhân vật thần-thoại, rồi cho các nhân vậtấy thành thần, trấn mỗi người một tinh tú. Không có sự liên hệ khoa-học nào giữa các nhân vật đó và những sao trong Tử-Vi. Hi-Di tiên-sinh là một đạo-gia, không phải là Tiên ông.

______________________


(1) Một giáo-sư tốt nghiệp đại học vì mê tiểu-thuyết kiếm hiệp Kim-Dung, bị xe cán gẫy ống chân, không đi nhà thương bó bột. Nằm ở nhà tập nội công như Trương-Vô-Kỵ mong xương lành. Rút cuộc chân thối phải đi cưa !

(2) Nguời Nhật có một bản đề tên Trá-Trọng-Tâm, in đời Minh. 120 hồi.

______________________


Tài liệu tham-khảo :

SÁCH CHỮ HÁN :

- Tử-Vi Tinh-Nghĩa : Trần-Ðoàn bản cơ quan nghiên cứu Ðông-Á-Châu.

- Triệu-Thị Minh-Thuyết Tử-Vi kinh: Triệu-Thị bản của cơ quan nghiên cứu Ðông-Á-Châu.

- Tung-Quốc Văn-Học sử : Dị-Quân-Tả.

- Ẩm-Băng Thất-Văn tập : Lương-Khải-Siêu.

- Trung-Quốc Triết-Học sử : Phùng-Hữu-Lang.

- Trung-Quốc Cổ Ðại Xã-Hội Nghiên Cứu : Quách-Mạt-Nhược.

SÁCH TÂY-PHƯƠNG :

- Pensée Chinoise : M. Granet.

- Naissance de la Chine : H. Glessnet Greel.

htruongdinh
13-10-09, 19:15
TRONG TỬ-VI CÓ BAO NHIÊU TINH-ÐẨU ?

SỐ TINH-ÐẨU TRONG TỬ-VI THAY ÐỔI TÙY THEO CÁC MÔN-PHÁI,

CÁC CHÍNH-THƯ VÀ TẠP-THƯ.


GIÁO-SƯ HOÀNG-QUÂN

(Ðông-A)


Nhà nghiên cứu, cầm lá số Tử-Vi lên coi, thấy nào là chính-tinh, nào là trung-tinh, nào là tạp-tinh, nào lưu-niên tinh. Nhiều vị thấy trong lá số có những sao an sai, dư sao, thiếu sao, nông nổi sửa lại. Có vị chín chắn hơn, an trên bàn tay rồi giải đoán.

Nguyên do vì đâu có những sự khác biệt như vậy ?

Xét cho kỹ, Tử-Vi Trung-Hoa có đến chục môn phái khác nhau. Biết phái nào đúng, phái nào sai mà theo ?


Vấn đề duy nhất để đi tới chân thực, chỉ có cách trở lại với nguồn gốc là chính thư của Hi-Di tiên-sinh. Các bộ sách theo đúng Hi-Di tiên-sinh được các văn-thần trong viện Tứ-Khố Toàn-Thư coi là chính thư gồm có :

- Tử-Vi Tinh-Nghĩa, do Hi-Di tiên-sinh biên soạn.

- Triệu-Thị Minh-Thuyết Tử-Vi Kinh, do Hoàng-Tộc nhà Tống biên soạn.

- Ðông-A Di-Sự, do Trần triều Việt-Nam biên soạn.

- Tử-Vi Ðẩu-Số Toàn-Thư, do La-Hồng-Tiên biên soạn.

- Tử-Vi Ðại-Toàn, do viện Tứ-Khố Toàn-Thư đời Thanh soạn.

Một số khá nhiều sách, đã bị thêm bớt sửa đổi, không còn thêm bớt theo nguyên-tắc của

Hi-Di tiên-sinh nữa, thường bị gọi là Tạp-thư :

- Tử-Vi Âm-Dương Chính-Nghĩa Bắc-Tông, do học trò Hi-Di tiên-sinh thuộc Bắc-phái biên soạn. Lã-Ngọc-Thiềm cầm đầu.

- Tử-Vi Âm-Dương Chính-Nghĩa Nam-Tông, do học trò Hi-Di tiên-sinh thuộc Nam-phái soạn. Ma-Y đạo-sĩ cầm đầu.

- Tử-Vi Thiển-Thuyết, Lưu-Bá-Ôn đời Minh-sơ biên soạn.

- Lịch-Số Tử-Vi Toàn-Thư, Hứa-Quang-Hi đời Minh-mạt biên soạn.

Trong một lá số có bao nhiêu sao ? Câu hỏi đặt ra thực khó trả lời. Có bao nhiêu sách thì

có bấy nhiêu khác biệt nhau về số sao. Trong chương này, trình bày diễn-tiến tất cả những sự khác biệt trong các sách về ốố sao trong lá số Tử-Vi. Hy vọng sự thống nhất có thể thấy được trong tương lai về số sao.

I. - SỐ SAO TRONG CHÍNH-THƯ

1) Bộ Tử-Vi Tinh-Nghĩa

Quyển 1 thiên 3 dạy cách an sao, không nói rõ có bao nhiêu sao trong một lá số. Song, xét về cách an sao thì có 93 tinh-đẩu. Ðến quyển thứ tư, phần phụ-lục các lá số chiêm-nghiệm, đến lá số nào cũng chỉ có 89 tinh-đẩu. Vì các lá số này đều không an sao Thiên-La, Ðịa-Võng, Thiên-Thương, Thiên-Sứ. Ðiều này dễ hiểu, vì sao La, Võng, Thuơng, Sứ đều ở vào các cung cố định, nên không an vào. Lại xét đến các bài phú, nói về sự kết hợp tinh-đẩu, lọc ra cũng đủ 93 sao. Vậy, Tử-Vi theo Hi-Di tiên-sinh, mỗi lá số có 93 sao.

Các bộ sao trong bộ Tử-Vi Chính-Nghĩa là :

a) Các chòm :

- Chòm Tử-Vi --- 6 Sao : Tử-Vi, Thiên-Cơ, Thái-Dương, Vũ-Khúc, Thiên-Ðồng, Liêm-Trinh.

- Chòm Thiên-Phủ --- 8 Sao : Thiên-Phủ, Thái-Âm, Tham-Lang, Cự-Môn, Thiên-Tướng, Thiên-Lương, Thất-Sát, Phá- Quân.

- Chòm Thái-Tuế : Thái-Tuế, Tang-Môn, Bạch-Hổ, Ðiếu-Khách, Quan-Phù. Chỉ có 5 Sao.

- Chòm Lộc-Tồn --- 17 Sao : Lộc-Tồn, Kình-Dương, Ðà-La, Quốc-Ấn, Ðường-Phù, Bác-Sĩ, Lực-Sĩ, Thanh-Long, Tiểu-Hao, Tướng-Quân, Tấu-Thư, Phi-Liêm, Hỷ-Thần, Bệnh-Phù, Ðại-Hao, Phục-Binh, Quan-Phủ.

- Chòm Tràng-Sinh : Tràng-Sinh, Mộc-Dục, Quan-Ðới, Lâm-Quan, Ðế-Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng.

b) Các Sao an theo tháng --- 7 Sao : Tả-Phù, Hữu-Bật, Tam-Thai, Bát-Tọa, Thiên-Hình, Thiên-Riêu, Ðẩu-Quân.

c) Các Sao an theo giờ --- gồm 8 Sao : Văn-Xương, Văn-Khúc, Ân-Quang, Thiên-Quí, Thai-Phụ, Phong-Cáo, Thiên-Không, Ðịa-Kiếp.

d) Tứ Trợ-Tinh --- 4 Sao : Hoá-Lộc, Hoá-Quyền, Hóa-Khoa, Hóa-Kị.


e) Các Sao an theo Chi --- 17 Sao : Long-Trì, Phượng-Các, Thiên-Ðức, Nguyệt-Ðức, Hồng-Loan, Thiên-Hỉ, Thiên-Mã, Hoa-Cái, Ðào-Hoa, Phá-Toái, Kiếp-Sát, Cô-Thần, Quả-Tú, Hỏa-Tinh, Linh-Tinh, Thiên-Khốc, Thiên-Hư.

f) Các Sao an theo Can --- 5 Sao : Lưu-Hà, Thiên-Khôi, Thiên-Việt, Tuần-Không, Triệt-Không.

g) Các Sao cố định --- 4 Sao : Thiên-Thương, Thiên-Sứ, Thiên-La, Ðịa-Võng.

2) Bộ Triệu-Thị Minh-Thuyết Tử-Vi Kinh

Quyển 2, Thiên 2, dạy cách an sao - Quyển 3, Thiên 1, phần tính chất các sao - Quyển 4, Thiên 5, chép các lá số chiêm-nghiệm. Tất cả đều ghi có 93 Sao, giống như bộ Tử-Vi Tinh-Nghĩa.

3) Bộ Ðông-A Di-Sự

Quyển 2 - Thiên 2, bàn về tính chất các sao. Quyển 3 chép các lá số chiêm-nghiệm, thấy ghi 88 Sao. Không ghi các sao Bác-Sĩ, Thiên-La, Ðịa-Võng, Thiên-Thương, Thiên-Sứ.

Các nhà Tử-Vi đời Trần quan niệm rằng, sao Thiên-La bao giờ cũng ở cung Thìn, sao Ðịa-Võng bao giờ cũng ở cung Tuất, sao Thiên-Thương bao giờ cũng ở cung Nô, sao Thiên-Sứ bao giờ cũng ở cung Ách, nên không cần an. Như vậy, số sao trong Ðông-A Di-Sự cũng giống như bộ Tử-Vi Tinh-Nghĩa, gồm 93 Sao. Cách an, tính chất giống nhau, không có gì thay đổi.

4) Bộ Tử-Vi Ðại-Toàn

Quyển 4 – Thiên 2 ghi rõ ràng : Trong một lá số Tử-Vi phải đúng 93 tinh-đẩu như Hi-Di tiên-sinh định. Dư, thiếu, an khán đi đều là tạp-thư, ma-thư của bọn thuật-sĩ bịa đặt ra để lừa nhau và tỏ ra là người bác-học. Song, chẳng qua . . . làm hại cho kẻ học rất nhiều, cần hủy bỏ, không cần bàn tới. Qua bao đời, khoa Tử-Vi không được san-định lại, kẻ học muốn sửa chữa sao cũng được. Giống như ngươì vẽ ma, vẽ quỉ. Vẽ thế nào, rồi bảo đó là quỉ, không ai cãi được, vì có thấy quỉ bao giờ đâu.

5) Bộ Tử-Vi Ðẩu-Số Toàn-Thư

Nói về số sao rất lờ mờ. Phần dạy cách an sao, thấy ghi có 85 sao. Các sao cũng giống như 4 bộ trên. Duy thiếu các sao sau đây : Ðào-Hoa, Phá-Toái, Kiếp-Sát, Ân-Quang, Thiên-Quí, Cô-Thần, Quả-Tú và Lưu-Hà. Nhưng khi lọc các bài phú, nói về các sao thì lại thấy nói tới sao Ðào-Hoa, Ân-Quang, Thiên-Quí. Về Tinh-đẩu, sách này chép rất lờ mờ. Nhưng trong bài biểu dâng cho vua Càm-Long, văn-thần viện Tứ-Khố Toàn-Thư liệt bộ này vào chính-thư, vì theo sát Hi-Di tiên-sinh.

htruongdinh
13-10-09, 19:17
II . - SỐ SAO TRONG TẠP-THƯ

Tạp-thư thì nhiều vô kể, song ở đây chỉ nói tới mấy bộ chính, ảnh hưởng vào học-giới Việt-Nam mà thôi.

1) Bộ Tử-Vi Âm-Dương Chính-Nghĩa Bắc-Tông

Quyển 2- Thiên 3 dạy cách an sao, thấy ghi đến 104 sao. Các sao cũng giống như chính-thư, song thêm 11 sao sau đây : Thiên-Tài, Thiên-Thọ, Thiên-Y, Thiên-Trù, Thiên-Giải, Ðịa-Giải, Giải-Thần, Thiên-Lộc, Lưu-Niên Văn-Tinh, Thiên-Quan quí-nhân, Thiên-Phúc quí-nhân.

2) Bộ Tử-Vi Âm-Dương Chính-Nghĩa Nam-Tông.

Quyển 2 –Thiên 2 dạy cách an-sao thấy ghi tới 128 Tinh-Ðẩu. Các sao cũng giống như bộ Bắc-Tông, song thêm tới 28 sao sau đây : Thái-Cực, Thiên-Xá, Niên-Khôi, Nguyệt-Khôi, Niên-Thổ-Khúc, Nguyệt-Thổ-Khúc, Thiên-Thương (nghĩa là kho lúa, khác với Thiên-Thương ở cung Nô. Như vậy trong lá số của phái này có 2 sao Thiên-Thương), Thiên-Phú, Thiên-Tiển, Ðiạ-Không, Hồng-Diệm, Phù-Trầm, Sát-Nhận - Vòng Thái-Tuế được thêm vào 7 sao nữa cho đủ 12 sao. Ðó là các sao : Thiếu-Dương, Thiếu-Âm, Tử-Phù, Tuế-Phá, Long-Ðức, Phúc-Ðức, Trực-Phù, Tứ-Phi-Tinh : Thiên-Trượng, Thiên-Dị, Mao-Ðầu, Thiên-Nhận.

3) Bộ Tử-Vi Thiển-Thuyết.

Quyển 1 – Thiên 4 dạy cách an-sao. Các sao cũng giống như bộ Nam-Tông, song thêm vào 13 tinh-đẩu nữa rất quái dị, không có trong Thiên-Văn, mà chỉ thấy trong các tiểu-thuyết thần- kỳ chí-quái, ma trâu đầu rắn, thành 141 tinh-đẩu. Ðó là các sao : Nam-Cực, Ðông-Ðẩu-Tinh-Quân, Bắc-Ðẩu-Tinh-Quân, Nam-Ðẩu-Tinh-Quân, Tây-Ðẩu-Tinh-Quân, Cửu-Thiên-Huyền-Nữ, Dao-Trì-Kim-Mẫu, Vũ-Tinh, Lôi-Tinh, Phong-Tinh, Thiên-Vương-Tinh, Ðịa-Tạng-Tinh, Thái-Bạch-Kim-Tinh.

4) Bộ Lịch-Số Tử-Vi Toàn-Thư

Số sao cũng giống như bộ Thiển-Thuyết, song dạy an-sao ngược lại với các bộ trên. Như sao Trường-Sinh không an ở Dần, Thân, Tỵ, Hợi mà còn thấy an cả ở Tý, Ngọ, Mão, Dậu nữa. Vòng Tử-Vi an xuôi, vòng Thiên-Phủ an nghịch .v.v. . . Số sao cũng có 128 mà thôi.

III . - SAO LƯU-NIÊN

Bất cứ thư-tịch Tử-Vi nào của Trung-Hoa đều chú ý đến sao lưu-niên : Sao lưu-niên chiếm một địa-vị rất quan-trọng trong khi giải đoán vận-hạn. Trong khi sáchTử-Vi VN không mấy chú ý.

1) Chính-Thư

Tất cả 4 bộ chính-thư (bộ Tử-Vi Ðẩu-Số Toàn-Thư nói rất lờ mờ. Phải coi phần giải đoán các lá số mới thấy nói đến), đều nói đến các sao lưu-niên sau đây :

- Vòng Lộc-Tồn gồm 15 sao. Bộ Tử-Vi Ðẩu-Số Toàn-Thư chỉ nói đến có 2 sao lưu Kình, Ðà mà thôi.

- Thiên-Khôi, Thiên-Việt. (xem phụ-lục an Khôi, Việt)

- Thiên-Mã, Vòng Thái-Tuế 5 sao.

- Thiên-Khốc, Thiên-Hư.

Tất cả gồm 25 Sao.

2) Tạp-Thư

Cũng gồm số sao trên, song thêm vào số sao nữa :

- Bộ Bắc-Tông thêm 2 sao Xương, Khúc. Thành 27 Sao.

- Bộ Nam-Tông thêm 23 sao nữa thành 50 sao. Ðó là các sao : Hỏa-Huyết, Lan-Can, Quán-Sách, Quyệt-Thiệt, Bạo-Tinh, Thiên-Ách, Thiên-Cẩu, Huyết-Nhận, Huyết-Cổ, Ngũ-Quỉ, vòng Tràng-Sinh 12 sao, Tử-Vi.

IV . - KẾT LUẬN

Căn cứ vào số sao trong thư-tịch Tử-Vi Trung-Hoa, học giới Tử-Vi có thể biết các sách Tử-Vi VN ảnh hưởng của phái nào. Khó mà tìm được những nguyên-do ảnh hưởng về điểm này hay điểm khác trong quá trình tiến triển Tử-Vi VN.

Bộ Tử-Vi khảo chúng của chúng tôi chỉ nghiên-cứu sưu-tầm chứ không đưa ra một kết luận, một đoán chừng nào, đúng với phương-pháp nghiên-cứu cổ Ðông-phương : “Nghi dĩ truyền ghi”.

________________________


Tài-liệu tham-khảo:



Tử-Vi Chính-Nghĩa : Tống, Hi-Di.

Tử-Vi Ðại-Toàn : Thanh, Càn-Long.

Triệu-Thị Minh-Thuyết Tử-Vi Kinh : Tống, Triệu-Thị.

Tử-Vi Ðẩu-Số Toàn-Thư : Minh, La-Hồng-Tiên.

Ðông-A Di-Sự : Trần, Ðông-A Việt-Nam.

Tử-Vi Âm-Dương Chính-Nghĩa Bắc-Tông : Tống, Lã-Ngọc-Thiềm và Bắc-phái.

Tử-Vi Âm-Dương Chính-Nghĩa Nam-Tông : Tống, Ma-Y và Nam-phái

Tử-Vi Thiển-Thuyết : Minh, Lưu-Bá-Ôn.

Lịch Số Tử-Vi Toàn-Thư : Minh, Hứa-Quang-Hi.

Nguồn : tuvilyso.net

htruongdinh
09-03-10, 21:41
Lại mạo muội nêu thêm một vấn đề nữa, mong rằng có ích cho những ai đang học tử vi. Các bạn có đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung chăng? Trong võ lâm có 2 bộ kinh võ thuật, 1 bộ kinh gọi là " Cửu âm chân kinh" tập trung những tuyệt chiêu võ thuật thượng thừa, những kẻ luyện thành pho kinh này đề trở thành cao thủ của võ lâm. Còn bộ kia là " Cửu dương chân kinh" là nội công tâm pháp thượng thừa, căn bản của võ học, ai luyện dược pho kinh này thì có nội công hùng hậu, nếu học thêm võ thuật thì xuất chiêu không ai đở nỗi. Còn ai học được cả 2 bộ kinh thì...hic...hic...trở thành minh chủ võ lâm !
Trở lại môn tử vi, "cửu âm chân kinh" chính là cách cục của các bộ sao, nếu ai học làu thông thì trở thành cao thủ tử vi. Còn " cửu dương chân kinh" trong tử vi chính là cái lý âm dương, ngũ hành sinh khắc chế hóa, tính lý của các sao, nếu ai thông hiểu được thì cũng trở thành cao nhân. Nếu ai học được trọn vẹn cả hai thì các bạn biết sẽ như thế nào rồi, phải không các bạn?
Nhưng tiếc thay, bộ "cửu dương chân kinh" kia đã thất lạc từ lâu lắm rồi, mỗi nhà còn lưu giữ vài ba trang còn sót làm cho kẻ hậu học không biết đường nào mà luyện công !
Các bạn có thấy trong cách luận số của những ai gọi là tiền bối hay cao thủ hiện nay đều có chút dấu vết của " cửu dương chân kinh ", đôi khi cũng rất thuyết phục, nhưng đem áp dụng rộng rãi thì vẫn còn khập khiểng, khiếm khuyết nhiều. Đó là nỗi đau khổ của môn tử vi cũng như nỗi đau khổ của người học tử vi vậy !
Ước gì tại diễn đàn này mỗi nhà góp vài trang bí kíp để lập thành bộ " Cửu dương chân kinh" thì hay biết mấy !

long nguyen quang

Nguồn : vietlyso.com