PDA

View Full Version : Ngũ ngôn độc bộ bình chú



Thientam
09-04-14, 02:34
Ngũ ngôn độc bộ bình chú

Tác giả: Hoàng Đại Lục
nguồn kimtubinh.net

Hoàng Đại Lục bình chú:

Ở nước ta, từ xưa đến nay lưu truyền nhiều phương pháp đoán mệnh, trong đó thịnh hành nhất là thuật Tử Bình. Tử Bình sở dĩ ngàn năm không bị thay thế bởi vì thứ nhất là nó có hệ thống phương pháp luận hoàn chỉnh, độ ứng nghiệm rất cao; hai là vì người nghiên cứu rất đông đảo cung cấp nhiều phú văn mệnh lý để tham khảo, ví dự như: Kế Thiện Thiên, Hỷ Kị Thiên, Định cách cục quyết, Lục Thần thiên, Kính Vị Luận (1), Kim Bất Hoán cốt tủy ca, Tử Bình toát yếu ca, Tứ Ngôn Độc Bộ, Ngũ Ngôn Độc Bộ (2), v.v..., những phú văn này phụ trợ rất tốt cho giáo trình của người học Tử bình.


Trong nhiều mệnh lý phú văn, Ngũ Ngôn Độc Bộ (tác giả khuyết danh) có thể nói nổi bật nhất, khí thái mạch văn như thác đổ còn phương thức trình tự như mở đường dẫn lối, trong đó trình bày mệnh lý Tử bình với tính chất tinh, thô đều có, vừa đơn giản dễ hiểu vừa tóm tắt khái quát, vừa hợp giới thanh tao trí thức vừa dễ hiểu với tầng lớp thông thường khác, cho nên ảnh hưởng rất lớn đối với giới Tử Bình.

Song, người đọc vẫn mờ mịt, người thực sự đọc mà hiểu rõ thì rất ít, ngược lại, phần lớn người yêu thích Tử bình đều mất phương hướng y như đọc các tác phẩm mệnh lý lầm lạc của Nhậm Thiết Tiều, Dư Xuân Đài, Từ Nhạc Ngô. Hai mươi năm trước, người viết từng được dạy sai lầm to lớn về cái gọi là "Cân bằng dụng thần" và "Điều hậu dụng thần", làm mất 10 năm lòng vòng, lẩn quẩn về lý luận này. Sau khi trải qua vô số khó khăn và thất vọng mới hoàn toàn tỉnh ngộ, từ từ quay về chính đạo Tử Bình, mà Ngũ Ngôn Độc Bộ chính là yếu tố có tác dụng rất lớn làm tỉnh ngộ. Để hậu học không mê đường lạc lối như trên, người viết đem những chú giải của mình về Ngũ Ngôn Độc Bộ ra công bố, tin hay không, xin hai chữ tùy duyên.

Chính văn:

Hữu bệnh phương vi quý
vô thương bất thị kỳ
cách trung nhược khử bệnh
tài lộc hỷ tương tùy.


(có bệnh mới quý,
không bị tổn thương thì không có gì đặc sắc,
trong cách cục mà khử được bệnh,
tiền của, bổng lộc và may mắn luôn bên mình)



Đại Lục bình chú:

Đoạn phú này mở đầu không rào trước đón sau, nêu rõ vấn đề cốt lõi, đánh thẳng vào vấn đề quan trọng nhất, trọng yếu nhất của mệnh lý, trực tiếp đưa ra lời giải đáp đối với hai vấn đề to lớn là làm thế nào để xem phú quý bần tiện và suy đoán cát hung họa phúc, đồng thời đưa ra quan điểm luận mệnh phần lớn ngược với thường lý, xưa nay chưa hề biết tới "Hữu bệnh phương vi quý, vô thương bất thị kỳ".

Phần đông học giả mệnh lý đều tin rằng ngũ hành Bát tự quý tại cân bằng và lưu thông, tựa như lý thuyết khoa Trung Y: "thất hành tắc bệnh, bất thông tắc thống, hữu bệnh hữu thống tự nhiên tựu bất hảo" (mất cân bằng thì bệnh, không lưu thông thì đau, có bệnh, đau đớn đương nhiên không tốt). Thực ra, lời này là có phần thiên vị, bởi vì cân bằng và mất cân bằng là một cặp mâu thuẫn, cũng là quan hệ tương hỗ một âm một dương, tầm quan trọng như nhau, tại sao ta chỉ nhấn mạnh tính cân bằng? Ta thường nói "ăn ngon do tiệm, hay ho do trí tuệ", "thất bại là mẹ thành công", " muốn cơ thể trẻ nhỏ ổn định, thường thường phải cho nó chịu ba phần đói và lạnh", đây không phải đang nói đến điểm tốt của thuyết mất cân bằng hay sao? Không té ngã sao biết đi, không xuống nước sao biết bơi, không nhiễm vi khuẩn sao hình thành miễn dịch, "văn chương thường ghen số mệnh hanh thông” (3), có uất giận mới xuất hồn thơ, trong xấu ắt hẳn có điểm tốt. Cân bằng là trang thái tĩnh, mất cân bằng là trạng thái động, nước yên thì không chảy, vật bằng phẳng thì bất động thôi mà.

Sinh mệnh một khi đã sinh ra thì luôn luôn trong trạng thái động, chưa từng vượt quá trạng thái cân bằng thực sự. Bên trong cơ thể tồn tại tính mất cân bằng bẩm sinh, mà chính sự mất cân bằng này mới là yếu tố then chốt quyết định cá tính khác nhau. Có người cá tính mạnh mẽ, có người nhu nhược, có người nhanh nhẹn, có người chậm chạp, có người bướng, có người hiền, có người giỏi biểu đạt bằng lời nói, có người thạo ngôn ngữ tứ chi, có người tinh thông lý số, có người sở trường tưởng tượng, có người sở hữu nhiều nhạc cụ, có người yêu thích sự vật thần bí, Thành Long không thích đọc sách, Dương Lan (4) không thích đánh đấm, Lâm Chí Linh (5) không chơi cử tạ, Dương Lệ Bình (6) không nấu ăn, Lý Bạch không rượu không thành thơ, Cổ Long (7) không sắc khó động bút, v.v..., nếu những người này tất cả đều cân bằng, khiến Lý Bạch không uống rượu, Lý Quỳ tận lực theo nghiệp học hành, Thành Long tài giỏi như Trần Cảnh Nhuận (8), Dương Lan có khả năng đóng phim võ thuật, trình diễn tạp kỹ như Lý Liên Kiệt, vậy những người này sẽ không thích những thứ vốn dĩ năng khiếu của họ, và sẽ không có thành tựu dựa trên năng khiếu đó, rất có thể ngay cả sức khỏe hay cơ thể của họ cũng không được như vốn dĩ phải có. Chỉ có sự mất cân bằng của yếu tố cơ thể mới đưa đến sự khác biệt về thể chất, tính cách, sở thích, năng lực ghi nhớ, sức tưởng tượng, khả năng tính toán và lý luận, v.v... Có khác biệt của các mặt vừa kể cuối cùng mới dẫn đến sự khác biệt thành tựu trong sự nghiệp. Người đạt thành tựu lớn, không một ai không đem tinh lực sở hữu dồn vào một hai yếu tố đang mất cân bằng nghiêm trọng nào đó.


Bởi vậy, mệnh cách Bát tự phải có bệnh có thương tích mới tốt, vô bệnh vô thương dĩ nhiên cân bằng, nhưng lại thành tầm thường. Phải rực rỡ mới gọi là lạ, không chỉ phải có bệnh thương tích, mà còn cần lâm trọng bệnh, bị trọng thương! Cùng bác sĩ như nhau, người trị hết đau đầu không cho là giỏi, còn người trị khỏi bệnh hiểm nghèo, khởi tử hồi sinh mới là danh y quốc gia. Cùng ra tay như nhau, nhưng đánh bại mầm bệnh tựa như Củng Hán Lâm (9) không cho là hảo hán, đả bại thú dữ như Thái Sâm mới là anh hùng. Vàng thử lửa, gian nan thử sức, nước loạn mới biết tôi trung, thiên hạ đại loạn mới sinh anh hùng.


Đương nhiên, có bệnh phải có chế, vô chế thì phá cách, phá cách không nghèo cũng yểu. Cho nên viết: "Cách trung nhược khử bệnh, tài lộc hỷ tương tùy." Chú ý! chữ "cách" này hết sức quan trọng, ngàn vạn lần không thể mơ hồ bỏ qua. "Cách" này là chỉ cách cục cấu thành nguyệt lệnh dụng thần, chữ "bệnh" là chỉ bệnh của cách cục, không phải bệnh bát tự hay nhật nguyên. Rất nhiều mệnh lý học giả đều ít chú ý đến chữ "cách" này, mà sai lầm cho là Nhật nguyên và Tài Quan cần phải cân bằng, rồi suy diễn mất cân bằng là bệnh, hàn noãn (sưởi ấm), táo thấp (hanh khô) cũng cần cân bằng, mất cân bằng cũng là bệnh. Bởi vậy, cả thảy tám chữ thì họ tìm ra được một hoặc vài chữ làm cân bằng toàn cục, đem các tên này gọi thành "Cân bằng dụng thần" và "Điều hậu dụng thần". Nếu thật sự như vậy, thì Tử Bình Chân Thuyên đã không viết "Bát tự dụng thần, chuyên cầu nguyệt lệnh", Ngũ Ngôn Độc Bộ cũng sẽ không nói "Cách trung nhược khử bệnh", mà sẽ nói "Bát tự nhược khử bệnh" hoặc "Ngũ hành nhược khử bệnh" hoặc "Nhật nguyên nhược khử bệnh". Tác giả sở dĩ nói đến hai chữ "cách trung" bởi vì ở Tử Bình đều là lấy thành bại cao thấp của cách cục để luận, cho nên "Uyên Hải Tử Bình - phần Bảo pháp chi nhị" mới nói: "Thông thường xem số Tử Bình, chọn cách không chắc, mười phần sai hết chín.", phú quý bần tiện, cát hung họa phúc, tất cả đều là "cách trung", không có ngoại lệ. Chỉ có xem chuẩn được thành bại cao thấp của cách cục mới có thể định chuẩn xác mức độ phú quý bần tiện, chỉ có tìm đúng "bệnh" của "cách trung" mới có thể đoán đúng cát hung họa phúc. Mà cái gọi là "bệnh" của "cách trung" là chỉ vấn đề tổ hợp và thuần tạp của Dụng thần và Tướng thần, của Cừu thần và Hỉ thần, v.v... và vấn đề ở đây không phải là vấn đề cân bằng giữa Nhật nguyên và Tài Quan. Dù cho là Dụng, Tướng, Hỉ, hay Kị thần cũng không cần phải cân bằng, mà chỉ cần bảo vệ trạng thái "bệnh trọng hữu chế" mới là trạng thái tốt nhất.

Có điều, ý nghĩa chữ "cách" này cũng có vài loại: cách là chỉ ngoại cách, mà có khi cách là chỉ chính cách, cục chỉ ngoại cách, cách là cách mà cục là cục, cần phân biệt rõ. Nhưng xem "Uyên Hải Tử Bình", trong đó chỉ ghi "Nội thập bát cách" và "Ngoại thập bát cách", không phân tách giữa cách và cục. Ngũ Ngôn Độc Bộ chỉ dùng một chữ "cách" để bao quát hết nội cách và ngoại cách, cũng không phân nhỏ ra cách và cục. Bởi vậy, chúng ta có thể đem cách và cục gọi chung là "cách" .


Lý Thiết Bút giải thích:

Bốn câu đầu khai thông nguồn gốc luận mệnh của hệ thống Bát tự mệnh lý học, đó là "bệnh dược nguyên lý". Thế bệnh là gì, dược là gì? Ta đều biết rằng một bát tự tuyệt đối không hề có chuyện "trung hòa thực sự" (vô bệnh), hầu hết đều có bệnh: Nhật chủ cường, nhật chủ nhược, mệnh cục hàn thấp, mệnh cục viêm nhiệt, ...(hữu bệnh), tất cả đều là Bệnh của Bát tự. Thực ra thì bát tự có bệnh là hiện tượng hết sức bình thường, nếu giả sử một bát tự hoàn toàn cân bằng, không nóng, không lạnh, không cường không nhược thì khi gặp đại vận, lưu niên xảy ra việc kết hợp hình xung hại hợp với kết cấu bát tự thì sự mất trung hòa, mất cân bằng sẽ xảy ra, đương sự lập tức gặp hung hiểm chứ không có gì tốt đẹp. Quá hiển nhiên, một bát tự cân bằng hoàn toàn thì trong đời tai họa sẽ xảy ra liên miên. Cho nên Ngũ ngôn độc bộ mới mở đầu bằng câu: "hữu bệnh phương vi quý, vô thương bất thị kỳ."

Thientam
09-04-14, 02:36
Ví dụ:

Nam mệnh 1: Đinh Mão / Quý Mão / Tân Dậu / Canh Dần

Nam mệnh 2: Quý Mão / Ất Mão / Tân Dậu / Kỷ Hợi

Hai mệnh cục khi lấy "cân bằng dụng thần" để luận thì hai người đều sinh ngày Tân Dậu trong tháng Mão, mệnh 1 có một Canh kim giúp thân, mệnh 2 thì có một Kỷ thổ sinh thân, Thân vượng Thân nhược hơn kém không bao nhiêu, cho dù là cao thủ luận theo "cân bằng dụng thần" cũng khó phân cao thấp của hai mệnh. Vậy hai mệnh sẽ có kết quả giống nhau? Khác nhau to lớn! Mệnh 1 là một nông dân nghèo khó, vãn niên khi đi vận thổ kim thì vợ mất, tang con, đến nay vẫn còn trong diện "Ngũ bảo hộ" (10). Còn mệnh 2 hoàn toàn trái ngược, ông ta là đại gia có tài sản lên đến hàng tỷ đồng (NDT), giờ chói lọi như mặt trời trên cao vậy. Nguyên nhân ở đâu? Ở cách cục.

- Mệnh nông dân niên can thấu Sát lại có gốc tại chi giờ, muốn khử Quý thủy cũng không được, nếu dùng Thực Thương chế Sát để luận thì Quý thủy lại sinh Mão mộc đóng ở bên dưới, chuyển thành sinh Đinh hỏa, điều này phá đi cách cục.

- Mệnh đại gia vì không có Quan Sát, là cách cục thuần chính dụng Tài phối Ấn hỷ Tỉ, cho nên vừa gặp Ấn Tỉ vận tức thì đại phát không ngừng. Đây là hai mệnh luận theo cái gọi là "cân bằng dụng thần" để giải thích được rõ ràng ư? Có khả năng dùng Thân vượng Thân nhược suy đoán kết quả thật sự được à? Dám chắc là không thể. Tức có thể thấy được, đó là luận mệnh theo cách cục Tử Bình mới là chính đạo.


--

Chú thích:

(1) Kính và Vị là tên hai con sông, sông Kính rất trong, ngược lại sông Vị rất đục, Kính Vị là ý nói đến "trong đục" tức là ẩn dụ của "thanh trọc", một nguyên lý cơ bản của Tử Bình thuật.

(2) Tên gọi Tứ ngôn độc bộ, Ngũ ngôn độc bộ. “Độc bộ” ngoài ý nghĩa là vượt bực còn có nghĩa là bước thong thả một bước thì đọc lên 4 chữ (tứ ngôn) hoặc 5 chữ (ngũ ngôn). Thực tế Ngũ ngôn độc bộ mỗi câu là 5 chữ hết sức súc tích, ngắn gọn và tuân thủ quy luật bằng trắc.

(3) Một câu thơ của Lý Bạch, nguyên văn "văn chương tăng mệnh đạt", nghĩa là văn chương thường ghen ghét số mệnh hanh thông (thơ và số phận nhà thơ thường ngược nhau).

(4) Dương Lan, một người dẫn chương trình truyền hình xuất sắc, được mệnh danh là "Oprah Winfrey của Trung Hoa".

(5) Lâm Chí Linh, siêu mẫu kiêm diễn viên Đài Loan.

(6) Dương Lệ Bình, một trong những nghệ sĩ múa nổi tiếng nhất TQ, từng đóng trong phim Anh hùng xa điêu, vai Mai Siêu Phong.

(7) Cổ Long, nhà văn Đài Loan viết tiểu thuyết võ hiệp rất nổi tiếng.

(8) Trần Cảnh Nhuận (1933-1996), nhà toán học nổi tiếng TQ, huy chương Chern (Trần) được lập ra để vinh danh ông, một giải thưởng trao cho những nhà toán học có thành tựu đóng góp cả cuộc đời cho ngành toán.

(9) Củng Hán Lâm, diễn viên kịch nói Trung Quốc nổi tiếng.

(10) Ngũ bảo hộ, là chính sách của nhà nước TQ áp dụng đối với người già, người tàn tật, trẻ vị thành niên,... sống neo đơn, không nơi nương tựa, không có khả năng lao động, không người phụng dưỡng,... ở khu vực nông thôn.

Thientam
09-04-14, 02:37
Lại như mệnh Tạ Đông Mẫn(11) :

Bính Ngọ / Tân Sửu / Giáp Thân / Bính Dần

Nhật nguyên chỉ có một Dần mộc ở chi giờ, tứ trụ đầy Sát, Thương, nên thân suy nhược không phải nghi ngờ. Phải hành vận nào mới tốt đây? Thuở thiếu niên, hành vận Đông phương giúp thân ắt hẳn hảo vận chứ nhỉ? Thế nhưng, mệnh chủ thuở đó do cha làm ăn thất bại, theo nghiệp sáng tác để mưu sinh, về sau tuy thi đậu vào Đại học Đông Ngô, sau khi tốt nghiệp ở lại trường giảng dạy nhưng sự nghiệp bình thường không có gì đặc sắc. Sau 60 tuổi, khi hành vận Mậu Thân Kỷ Dậu, là đất tử tuyệt của nhật nguyên, gặp thêm cả Tài Sát nữa, chẳng phải là vận nát như cháo sao? Thế nhưng, mệnh chủ ngay trong hai đại vận này thăng quan nhậm chức Chủ tịch tỉnh Đài Loan, Phó Tổng thống trong Chính phủ Đài Loan.


Còn như một nam mệnh khác:

Tân Sửu / Tân Sửu / Giáp Dần / Ất Hợi

Niên nguyệt là Quan tinh, thời là Kiếp Ấn, mà Nhật nguyên vẫn tọa Lộc, ắt phải thuộc loại bát tự tốt Thân Sát lưỡng đình, ít nhất so với mệnh Tạ Đông Mẫn thì điều kiện thân vượng Quan vượng càng phù hợp hơn. Song, Mệnh chủ học hành thất bại, sự nghiệp không thành công, vài lần ở tù, vận Mậu Tuất năm Canh Ngọ bị phán xử hình phạt tử hình hoãn thi hành án trong hai năm. Vận Đinh Dậu, năm Ất Hợi bị thương nặng trong trại giam, thiếu chút nữa chết trong tù. Thử nghĩ, hai mệnh này có thể sử dụng "cân bằng dụng thần" để luận giải được không? Dám chắc không thể. Chỉ có thể dùng cách cục Tử Bình mới có thể giải thích được.

- Mệnh Tạ Đông Mẫn dù Quan sát khá mạnh, Nhật nguyên gốc yếu, nhưng có Thực Thương chế Sát, tức cấu thành một cách tốt là Sát yêu Thực chế (Sát mời Thực chế). Xem mệnh cục, Quan sát mặc dù đương lệnh, nhưng Dần Ngọ hợp hỏa còn có lưỡng Bính thấu can, lực cũng không nhỏ, cơ bản là Sát Thực cân bằng. Cho nên thời thiếu, trung niên hành vận mộc hỏa chỉ gặp sự tốt đẹp nhỏ nhoi mà không có may mắn lớn. Lúc tuổi già hành vận thổ kim, lực Quan Sát tăng vọt, lực Thực Thương giảm mạnh, gốc Nhật nguyên hoàn toàn không có, bệnh của cách cục tăng thêm, nhưng chỉ cần một ít Thực Thương không tệ là có khả năng kiềm chế Quan Sát cường đại, đó là kỳ tích của lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; từ đó khiến Mệnh chủ đạt tới tột đỉnh sự nghiệp.

- Tứ trụ Tân Sửu dù Thân Sát lưỡng đình, nhưng Dần Hợi hợp, Ấn lại không thấu can, không thể cấu thành cách cục Sát Ấn tương sinh, thuộc bát tự phá cách. Lại hành vận Tài Sát vượng địa, Quan Sát sẽ công thân, cho nên vi phạm pháp luật dính tù tội triền miên, sống không bằng chết.


--
Chú thích:

(11) Tạ Đông Mẫn, đây là cựu Phó tổng thống của Đài Loan, đừng nhầm với diễn viên Hồng Kông Tạ Đông Mẫn đóng trong phim Bằng Chứng Thép.

Thientam
09-04-14, 02:37
Chính văn:

Dần mão đa kim sửu
bần phú cao đê tẩu
nam địa phạ phùng thân
bắc phương hưu kiến dậu.


(Dần Mão nhiều kim sửu,
giàu - nghèo - cao - thấp là do vận hạn,
đi về phương Nam sợ gặp Thân,
đi về phương Bắc đừng thấy Dậu)


Đại Lục bình chú:

Tác giả Ngũ ngôn độc bộ sau khi đề xuất dùng cách cục làm cương lĩnh luận mệnh, liền bắt đầu lấy Giáp Ất mộc nhật nguyên làm thí dụ để luận mệnh từ nhiều góc độ. Ngày Giáp sinh tại tháng Dần Mão là Nguyệt Kiếp cách. Nguyệt Kiếp không thể làm dụng, hơn nữa nó là hung thần cần phải chế hóa. Nếu bát tự nhiều kim (bao gồm Sửu vốn tàng chứa kim) thì Nguyệt Kiếp có chế, có thể cấu thành Nguyệt Kiếp dụng Quan cách.

- Đại vận nếu thuận hành, trước tiên đi về Đông phương thì Kiếp trọng Quan khinh, đa phần là nghèo khổ, sau đó đến gặp Nam phương vận là tử địa Tỉ Kiếp, hơn nữa Tị Ngọ hỏa có thể hóa Kiếp thành Thực Thương, cách biến thành Thực Thương chế Sát, cho nên có thể phát giàu có.

- Đại vận nếu nghịch hành, nhập vận Bắc phương trước thì Tỉ Kiếp làm càn, phần nhiều chủ bần khốn, sau đó vào vận Tây phương thì là Quan sát vượng địa, Tỉ Kiếp thụ chế cũng có thể làm giàu.

Bất luận Đại vận thuận nghịch, đa số đều là mệnh "tiên bần hậu phú", cho nên mới nói: "bần phú cao đê tẩu". Trường hợp sinh tháng Dần thuận hành, sợ gặp vận Thân xung đề cương (lệnh tháng) phá cách; sinh tháng Mão nghịch hành thì lại sợ gặp vận Dậu xung đề cương phá cách, nên cho rằng: "Nam địa sợ gặp Thân, Bắc phương đừng thấy Dậu". Thân Dậu này đều là phương Tây, vì sao nói thành Nam địa và Bắc phương? Ý của nó là chỉ đại vận hành theo hướng Nam hoặc hướng Bắc.


Ví dụ:

Mệnh Vệ Lập Hoàng (1897-1960) (12):

Đinh Dậu / Nhâm Dần / Ất Tị / Ất Dậu

Thiên can Đinh Nhâm hợp mộc, Tỉ Kiếp đương lệnh làm càn, may mắn có Tị Dậu hợp Sát chế Kiếp, cấu thành tổ hợp "dần mão đa kim sửu", Nguyệt Kiếp dụng Sát cách. Thời trẻ hành vận là Sát tinh tử địa, học hành không toại ý, 15 tuổi vào quân đội. Vào đại vận Mậu Tuất, sinh vượng Tài Sát, mệnh chủ thăng tiến rất nhanh, chức vị đến Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam, Tổng tư lệnh tập đoàn quân. Về già vẫn đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng CHND Trung Hoa. Thân vận phá đề cương, bệnh mất, chính là "Bắc địa sợ gặp Thân".


Một nữ mệnh:

Đinh Mùi / Nhâm Dần / Ất Sửu / Đinh Sửu

Cũng là thiên can Đinh Nhâm hợp mộc, Tỉ Kiếp hoành hành, mừng được chi ngày giờ tọa Sửu Sát, khắc chế nguyệt lệnh Dần mộc Tỉ Kiếp, thành cách Nguyệt Kiếp dụng Sát. Thời trẻ hành vận Đông phương mộc, Kiếp Nhận khó chế, mệnh chủ khổ cực đủ điều, trăm phương kế đều thất bại. Sau khi kết hôn vào năm Canh Ngọ - đại vận Ất Tị, theo chồng buôn bán làm ăn, cuộc sống dần dần chuyển biến tốt đẹp, vận Bính Ngọ gia cảnh đạt tiểu phú. Đây là điều phú văn đã nói "dần mão đa kim sửu, giàu nghèo lên xuống là do vận hạn".


Thần Phong Thông Khảo có ghi nhận mệnh của Lưu Nhị Khánh đạo nhân:

Kỷ Dậu / Bính Dần / Giáp Tý / Ất Sửu

Cũng là mệnh "dần mão đa kim sửu", nhưng mệnh chủ lại là một đạo nhân hết sức điên rồ, đáng ghét, "Bắc phương vận cơm áo tương đối tốt, nhập Tây phương vận tay chân bại liệt, trông giữ lều tranh tại bến đò, Dậu vận thì mất". Tại sao mệnh ông ta không tồn tại cái "bần phú cao đê tẩu"? Tại vì nguyệt lệnh lộ ra Bính hỏa Thực thần và Kỷ thổ Tài tinh, cấu thành Thực Thương sinh Tài cách, nhưng Kỷ thổ Tài tinh lại chuyển sinh cho Dậu kim Thất Sát đóng bên dưới, đây là cái phá cách cục, đã không thể cấu thành Nguyệt Kiếp dụng Sát cách, và Thực Thương sinh Tài cách cũng hỏng, cho nên một việc cũng không thành. Bắc phương vận, kim chìm trong thủy, khử bệnh của cách, cho nên cơm áo tương đối tốt. Tây phương vận Kị thần cướp càn cho nên bại liệt tay chân. Dậu vận Kị thần nắm quyền giữa đường, đây gọi là "Bắc phương đừng thấy Dậu", nên chết ở vận này.

Thientam
09-04-14, 02:38
Lại có một nam mệnh:

Kỷ Dậu / Bính Dần / Giáp Tuất / Tân Mùi

Cùng loại với mệnh Lưu Nhị Khánh, cũng là Dậu kim Quan tinh phá Thực Thương sinh Tài cách. Mệnh chủ ở vận Giáp Tý, năm Ất Sửu, mặc dù cũng trong vận thủy Sát tinh tử tuyệt, chỉ vì Tý Sửu hợp thổ, Dậu Sửu hợp kim, Quan Sát phá cách nghiêm trọng mà khiến phạm tội hiếp dâm, bị xử 16 năm tù giam.

--

Chú thích:

(12) Vệ Lập Hoàng, tự là Huy San, hoặc Tuấn Như, còn có biệt danh là Vệ Bách Thắng, một trong những Tư lệnh tài năng nhất của quân đội Trung Hoa dân quốc (Đài Loan). Sau do cãi lệnh Tưởng Giới Thạch không chịu rút quân mà thất trận ở mặt trận Đông Bắc nên bị Tưởng giam lỏng ở Nam Kinh; đến 1949 trốn được sang Hồng Kông khi Tưởng thất thủ Nam Kinh, đoạn tuyệt với chính quyền Đài Loan, ở đây Vệ có bỏ vốn kinh doanh nhưng thất bại nặng nề. Năm 1955 thì chạy sang đại lục, tham gia chính quyền nhân dân Trung Hoa, từng giữ nhiều chức vụ cao trong quân đội, quốc hội, được Chu Ân Lai phong tặng bốn chữ "Khởi nghĩa tướng lĩnh".

Ngày 17/01/1960, vào lúc 00:40", mất tại Bắc Kinh do bệnh tim phổi (xơ vữa động mạch vành và viêm phổi).

Thientam
09-04-14, 02:40
Chính văn:

Kiến lộc sinh đề nguyệt
Tài Quan hỷ thấu thiên
Bất nghi thân tái vượng
Duy hỷ mậu Tài nguyên.


Đại Lục bình chú:

Ở đây mang tính tổng kết điều đã nói, là chỉ cần nhật nguyên sinh ở tháng Tỉ Kiên thì lấy Kiến Lộc cách để luận. Loại Bát tự này ưa hai chữ Tài Quan thấu can hữu lực, để chế phục Tỉ Kiếp. Chỉ cần Đại vận không gặp Tỉ Kiếp vượng địa, và hành vận ở đất Tài vượng thì tất nhiên phú quý.


Ví dụ:


Mệnh Đỗ Thế Thành (13):

Canh Dần / Mậu Dần / Ất Mùi / Bính Tuất

Nguyệt lệnh là Kiếp tài, có Tài Quan thấu ra thiên can, hay hơn chính là thời can lại thấu Thương Quan, như thế thành ra Thương sinh Tài, Tài sinh Quan, Quan chế Kiếp, cấu thành thượng cách Thực Thương sinh Tài mà hỷ Quan. Cho nên mệnh chủ quan lộ hanh thông, làm quan đến Phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông , Bí thư Thành ủy Thanh Đảo, mà còn tham lam kiếm bộn tiền. Về già hành vận Giáp Thân, thiên khắc địa xung đề cương, Tài Quan cách cục đều bị phá, cho nên âm mưu bị phát giác, bị tuyên án tù chung thân, chính là ứng nghiệm "Nam địa sợ gặp Thân".


Còn mệnh của Quảng Đông - Nam Thiên Vương Trần Tế Đường (14):

Canh Dần / Mậu Dần / Giáp Tý / Bính Dần

Mệnh này và mệnh của Đỗ Thế Thành hầu như giống nhau, do nhật chi là Tý, lúc tuổi già hành vận Thân nên Thân Tý hợp và không xung đề cương (tham hợp quên xung), cho nên phú quý đến già.


Một nam mệnh:

Ất Mùi / Mậu Dần / Ất Mão / Canh Thìn

Nguyệt lệnh kiến Lộc, Tài Quan thấu thiên can, nhưng không phải là mệnh tốt. Tại sao? Bởi vì một Canh không hợp hai Ất, thành ra niên can Tỉ Kiên dễ bị phá bởi Tài tinh thấu ở nguyệt lệnh, cách cục bị hỏng. Thêm nữa, đại vận nghịch hành, cho nên cuộc sống mệnh chủ ít danh tiếng, tiền bạc kém, của cải chưa đầy đã vơi, gia kế vừa lên lại xuống, đến già vẫn chỉ là một người sống cuộc sống thanh bần. Điều may mắn là Canh kim Quan tinh có khả năng năng kiềm chân nhật nguyên Tỉ Kiếp, chủ tuổi già tốt hơn, cho nên sinh được bốn người con đều có tài.


Còn mệnh Triệu Nhữ Khiêm (15):

Ất Mão / Mậu Dần / Giáp Dần / Tân Mùi

Xem sơ thấy là bát tự phá cách do thời can Quan tinh không thể khắc chế niên can Kiếp Nhận, mà chẳng biết thời trụ và niên trụ Mão Mùi cùng hợp, Tân kim liền có thể khắc chế niên can Kiếp Nhận để hộ Tài, thành cách dụng Tài hỷ Quan. Cho nên mệnh chủ năm 16 tuổi Tân Mão trúng cử nhân, 18 tuổi Quý Tị nhậm chức Tri huyện, kim vận làm quan đến chính khanh (16).



Một nam mệnh khác:

Canh Tý / Mậu Dần / Ất Sửu / Kỷ Mão

Thân vượng Tài vượng Quan vượng, trung niên đại vận lại hành vận Nam phương là đất Tài tươi tốt, tựa hồ là mệnh đại phú đại quý. Nhưng mệnh chủ chỉ là một Chủ nhiệm Trung tâm khoa học kỹ thuật lâm nghiệp huyện, cấp bậc thấp nhất của chức tước quan trường. Mệnh này Tài tinh không bị Kiếp phá cách, vì sao không thể đại quý? Nguyên nhân ở chổ, Canh kim Quan tinh sinh Tý thủy, cấu thành Quan Ấn cách, tiếc là đại vận đông nam là đất tử tuyệt của Quan Ấn, cho nên quý khí rất nhỏ. Có thể thấy được, sai đi một chữ cách cục sẽ khác đi, mức độ phú khác liền, điều này không thể dùng phép luận Thân vượng Thân nhược mà có thể giải thích rõ ràng được.
--

Chú thích:

(13) Đỗ Thế Thành, người đã từng giữ các chức vụ Phó tỉnh trưởng, Phó Bí thư, Tỉnh trưởng rồi Phó Bí thư tỉnh Sơn Đông kiêm Bí thư thành phố Thanh Đảo. Thậm chí, Đỗ Thế Thành còn được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương năm 2002. Đỗ Thế Thành bị bắt, mất chức và bị tuyên án tù chung thân vào ngày 24-12-2006 do cáo buộc tham nhũng 62,6 triệu nhân dân tệ. Vụ án của ông Đỗ này rất nổi tiếng vì có liên quan đến một người đẹp gốc Việt là Lý Vi.

(14) Trần Tế Đường (1890-1954), một viên tướng Quốc dân đảng và quân phiệt Trung Hoa Dân Quốc. Trong Thế chiến 2, ông giữ các chức ủy viên trong Chính phủ Quốc dân, Ủy ban Quốc phòng Tối cao và Ủy ban Chiến lược, cũng như Bộ trưởng Nông Lâm trong nội các. Ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch đảo Hải Nam (thuộc Quảng Đông) sau chiến tranh. Ông chạy sang Đài Loan vào tháng 4 năm 1950, khi Hải Nam rơi vào tay quân Cộng sản, được bổ nhiệm làm Cố vấn chiến lược phủ Tổng thống. Ông mất ngày 3 tháng 11, 1954 tại Đài Loan.

(15) Triệu Nhữ Khiêm (1515-1589), người đất Thông Hải, tỉnh Vân Nam. Từ 16 tuổi đã đậu cử nhân vào khoa thi năm Tân Mão (1531), nên được gọi là “Thần đồng”. Năm 18 tuổi đã là Tri huyện Phú Thuận, Tứ Xuyên, kiêm luôn Huyện sự huyện Tử Đồng (Miên Dương, Tứ Xuyên). Thời làm quan trẻ của ông có một câu chuyện quan thanh liêm. Sau vài năm nhậm chức Tri huyện, có một vụ án xảy ra tại địa phương, số là con gái của một người bán nước La Dụng Tân là Lan Anh bị con trai của một quan lớn lừa vào tư dinh ép làm thiếp, Lan Anh không chịu nên bị đánh bằng trượng đến chết, xác bị vùi trong hoa viên. La Dụng Tân kêu oan cho con gái, bất chấp quan lớn này hối lộ, mua chuộc, Triệu Nhữ Khiêm vẫn thụ lý vụ án, thậm chí ông còn cải trang vi hành tìm bằng chứng, sau khi có được chứng cứ thuyết phục liền bắt hung thủ quy án, kết tội chết. Nhân dân lấy đó làm cảm kích hết mực vì trừ hại cho bá tánh. Nhưng cũng vì “đắc tội” với quan lớn nên ông phải từ chức hồi hương. Trước lúc trở về, dân chúng đưa tiễn rất xa, lại quyên góp cả trăm lạng gửi ông nhưng ông không nhận, chỉ nhận La Dụng Tân vì hoàn cảnh đang bơ vơ làm tùy tùng. Ông về quê mở lớp học học, xây cầu,…

(16) Chính khanh, chức quan đại thần chấp chính và là chỉ huy tối cao trong quân đội phong kiến. Trong đoạn này Hoàng Đại Lục nhầm thành năm Tân Mùi và năm Quý Dậu.

Thientam
09-04-14, 02:41
Chính văn:

Thổ hậu đa phùng hỏa
quy kim vượng ngộ thu
đông thiên thủy mộc phiếm
danh lợi tổng hư phù.


Đại Lục bình chú:

Nguyệt Kiếp cách nếu hữu Tài mà vô Quan thì cần phải hành vận đất Thực Thương vượng, đây là ý nghĩa của câu "thổ hậu đa phùng hỏa". Vì sao phải nói là "thổ dày", thổ mỏng không được à? Không thể được, bởi vì nguyệt lệnh Tỉ Kiếp như giặc cướp giữa đường, một chút ít Tài tinh nhỏ nhoi thì khó sinh tồn được, cho nên phải cần thổ dày và còn phải cần "đa phùng hỏa" để hóa tiết hung tính của Tỉ Kiếp, như thế mới có thể khiến Tài tinh đứng vững được trên gót chân, đồng thời cấu thành cách Tài hỷ Thực sinh.

Cách Nguyệt Kiếp nếu như Tài tinh ít ỏi lại không hành vận nam phương hỏa để hóa tiết Tỉ Kiếp, vậy thì chỉ đến khi vãn niên hành vận thu kim mới có thể chế phục Tỉ Kiếp, do đó mới hưởng được phúc con cái (Thực Thương). Loại bát tự này sợ nhất hành vận đông thủy, thủy mộc quá nhiều, Tỉ Kiếp lan tràn gây lụt lội, dù cho bát tự có được một chút Tài, Quan thì cái lợi danh kia cũng chỉ là hư phù.


Ví dụ một mệnh trong sách "Chi tú mệnh lý", tác giả Lý Hậu Khải:

Mậu Dần / Giáp Dần / Giáp Tuất / Giáp Tý
Ất mão - Bính thìn - Đinh tị - Mậu ngọ - Kỷ mùi - Canh thân

Nguyệt Kiếp thấu can, hữu Tài vô Quan, Tài tinh mất chổ dựa sao có thể chen chân, cho nên Tài tinh vốn đại diện cho cha và vợ bị khắc thành tật, cha người này bị mù, vợ thì bệnh tâm thần, bản thân thì ở những vận đầu mộc học hành không tốt, sự nghiệp bất thuận. Chỉ khi đến tuổi trung niên hành hỏa vận thì mới được đảm nhiệm một chức vụ bán thời gian (cấp phó phòng).


Lại như một nam mệnh:

Ất Mão / Mậu Dần / Giáp Tuất / Bính Dần

Mặc dù Tài Thực cùng thấu, cấu thành cách Thực Thương sinh Tài, nhưng niên can Tỉ Kiếp khắc phá nguyệt lệnh Tài tinh, phá hỏng cách cục. Cho nên mệnh chủ chỉ là một lão nông bình thường học xong ba năm cơ sở, ban đầu vào vận thủy, thủy mộc phù phiếm, mặc dù nắm giữ chức vị chủ nhiệm một hội nông dân cấp xã, đội trưởng đội sản xuất trong nhiều năm, nhưng đều là hư danh hư lợi, khó tránh được cảnh nghèo khó mà còn mang nổi buồn góa vợ, gánh nặng nuôi nấng 4 đứa con. Tuổi già vào kim vận, được Quan sát chế Kiếp cứu cho cách cục, con trưởng được phong hàm Thiếu tướng, vì vậy được chung hưởng phúc của người con này, chính là "quy kim vượng ngộ thu".


Lại như một nam mệnh khác:

Mậu Ngọ / Ất Mão / Ất Mùi / Mậu Dần
Bính thìn - Đinh tị - Mậu ngọ - Kỷ mùi

Rất nhiều người luận mệnh theo thuyết "cân bằng dụng thần" đều cho rằng mệnh này thân vượng Tài vượng, lại hành vận nam phương Thực Thương sinh Tài, nhất định giàu có nhất phương; mà chẳng biết rằng mệnh này Tỉ Kiếp đương quyền, vô Quan chế Kiếp, hỏa không thấu can lực mỏng, thêm vào đó sinh tháng hai thổ tử mà không được hỏa sinh, tức Thực Thương không thể hóa tiết Tỉ Kiếp một cách hữu hiệu để sinh Tài, cho nên là một bát tự phá cách. Bởi vậy, mệnh chủ sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở liền vào làm công nhân khai thác than đá trong mỏ tối tăm, năm 17 tuổi Ất Hợi thuộc đại vận Đinh Tị thiệt mạng vì sập hầm mỏ.


Còn như một nữ mệnh:

Mậu Ngọ / Ất Mão / Giáp Ngọ / Đinh Mão
Giáp dần - Quý sửu - Nhâm tý

Nhìn có vẻ cũng là một bát tự tốt Thương quan sinh Tài, chẳng biết rằng sinh tháng hai thổ tử, một ít Mậu thổ khó chịu nổi Đinh hỏa sinh, dễ bị Ất mộc cướp đoạt, cũng thuộc bát tự phá cách. Cho nên mệnh chủ vào vận Quý Sửu, năm Nhâm Ngọ bị hai tên hiếp xong rồi giết chết, do Sửu thổ Quan tinh muốn chế Nhận mà gặp phải Thương quan trùng điệp phản khắc.

Thientam
09-04-14, 02:42
Chính văn:

Giáp Ất sinh cư Mão
Kim đa phản cát tường
Bất nghi trọng kiến Sát
Hỏa địa đắc y lương.


Đại Lục bình chú:

Giáp Ất nhật sinh tại tháng Mão là Nguyệt Kiếp cách, tuy nói phải có Quan sát chế Kiếp thì cát tường, nhưng Thất Sát không nên nhiều quá, nếu như một Kiếp có ba bốn Quan Sát đến chế, chế Kiếp quá mức sẽ tổn cách hại người, cho nên "Hỷ Kị Thiên" ghi rằng: "Nguyệt lệnh tuy phùng kiến lộc, thiết kị hội Sát vi hung" (Nguyệt lệnh tuy kiến Lộc, phải tránh gặp Sát thành hung). Thông thường, cách đều hỷ thanh thuần mà kị hỗn tạp, bất kể là Dụng thần hay Tướng thần đa số thường không thanh thuần hơn nữa không chuyên nhất, trách nhiệm không rõ, những ba hòa thượng sẽ thiếu nước uống thôi, cho nên Dụng thần hay Tướng thần không nên nhiều quá. Thông thường là, một Sát chỉ có thể hợp chế một Nhận, nếu như kiến Sát trùng trùng, những Thất Sát dư thừa sẽ ở vào trạng thái vô chế, mà hung thần vô chế thì như giặc cướp hoành hành, tính mệnh thân gia khó bảo toàn được, lúc này ngược lại cần hỏa đến khắc chế những Thất Sát dư ra, cho nên mới nói: "không nên thấy nhiều Sát, hỏa địa đắc y lương". Ý tức là ở Nguyệt Kiếp cách mà Quan sát quá nhiều, chỉ có hành vận Thực Thương thanh thuần mới giảm bớt được Quan sát dư thừa, như thế mới có thể hưởng được cuộc sống sung túc, áo gấm cơm ngọc.

Còn nữa, đoạn trước đã đề cập "Nam địa sợ gặp Thân, Bắc phương đừng thấy Dậu", biểu thị Kiếp Nhận sợ xung đột, nhất là Dương Nhận khi gặp xung dễ kích động tính chất cương bạo, nhẹ thì thị phị phá tài, nặng thì mất cha, tang vợ, hoặc tang chính mình. Đã là nguyệt kiếp cách sinh tháng Dần Mão thì đại vận đều sợ Thân Dậu, bát tự nào có Thân Dậu xung nguyệt lệnh càng phải đề phòng hơn cả. Lấy Quan sát chế Tỉ Kiếp, lại phân ra xung khắc và hợp chế, hợp chế nếu so với xung khắc thì tốt hơn nhiều. Vì sao vậy? Bởi vì xung khắc biểu thị còn đang xung đột, như hai người đánh nhau chưa phân thắng bại, nếu như Nhận trọng Sát khinh, thì sẽ kích động Thất Sát công Thân, cho dù là Sát Nhận lưỡng đình (cùng mạnh như nhau), yên ổn cũng chỉ là tạm thời, một Dương nhận cương kiện bất khuất bất cứ lúc nào cũng sẽ phản công Thất Sát. Mà hợp Sát thì không giống vậy, hợp Sát như lấy dây thừng trói trâu ngựa, dù chỉ là dây ba thước của trẻ con cũng có tác dụng. Cho nên sách mệnh học mới nói là: "hợp Sát vi quý", "Dương nhận sợ xung".

Ví dụ:

Mệnh của Lục Quang Tổ (17):

Tân Tị / Tân Mão / Giáp Thân / Giáp Tuất


Giáp mộc sinh tại tháng Mão, Quan tinh trùng trùng chế Nhận, bất xung bất chiến là điều cát tường, cho nên mệnh chủ sớm ra làm quan, liên tục thăng quan làm đến Lễ bộ Thượng thư.


Một nam mệnh:

Ất Dậu / Kỷ Mão / Giáp Tuất / Tân Mùi


Cũng thuộc cách Dương Nhận dụng Quan nhưng Dậu xung Mão, phá cách. Mặc dù Mão Mùi hợp có thể giải Mão Dậu xung, nhưng gặp tuế vận phá hợp thì đại sự không ổn. Quả nhiên, khi 18 tuổi là đại vận Đinh Sửu, năm Quý Mão, mệnh chủ phạm tội hiếp dâm, bị tuyên án 17 năm tù giam. Đây chính là bởi Sửu Dậu hợp thì Mão Mùi xung chiến gây kích động hung tính của Dương Nhận.
Một nữ mệnh:

Bính Tuất / Tân Mão / Giáp Thân / Quý Dậu


Nguyệt lệnh Dương Nhận, tuy có Thân kim ám hợp, nhưng ám hợp khó giải minh xung, cho nên luận Dậu kim xung Mão mộc. Cách cục liền bị phá, mọi thứ đều bế tắc. Mệnh chủ 11 tuổi mắc bệnh tâm thần, đều trị lâu mà không khỏi, năm 42 tuổi Mậu Thìn uống lầm thuốc trừ sâu mà chết. Nếu như nệnh này hành vận Nam phương hỏa, đem Quan sát trùng trùng vây hãm vào tuyệt địa, như thế mệnh chủ sẽ tốt hơn nhiều, có khi còn kiếm được một tài sản nhỏ nữa chứ.



Chú thích:

(17) Lục Quang Tổ (1521- 1597), người Chiết Giang, do hướng về Phật giáo, nên lấy hiệu là Ngũ Đài cư sĩ, một viên quan nổi tiếng sống ở triều đại nhà Minh. Năm 1547 đậu tiến sĩ, được phong Tri huyện Tuấn (Hà Nam), sau đó liên tục thăng quan, làm đến chức Thượng thư bộ Lại (nắm sự vụ về quan lại phong kiến như bổ miễn nhiệm, điều động, thăng giáng,…). Tuổi già một lòng với Phật pháp.

Thientam
09-04-14, 02:43
Chính văn:

Hỏa kị tây phương dậu
Kim trầm phạ thủy hương
Mộc thần hưu kiến ngọ
Thủy tại mão trúng thương.

(Hỏa kị dậu ở tây phương, kim sợ chìm xuống nước, khí mộc chớ thấy ngọ, thủy trúng thương ở mão)

Đại Lục bình chú:

Xem đại vận phải chú ý vài chổ quan trọng, như Trường Sinh, Mộc Dục, Lâm Quan, Đế Vượng, Mộ khố, Tử Tuyệt, v.v..., đều là điểm phải xét ở mỗi mệnh. Đoạn văn này chính là nói đến Tử địa, tức là hỏa đến Dậu là tử, kim đến Tý là chìm, mộc đến Ngọ là cháy tiêu, thủy đến Mão bị thương. Điều này cốt yếu ở chổ Tướng, Hỉ thần đến nơi đó thì nhiều hung hiểm, còn Kị, cừu thần đến đó thì nhiều tốt đẹp.


Nam mệnh 1:

Bính Tý / Canh Tý / Ất Sửu / Kỷ Mão

Tý thủy Ấn tinh làm dụng, Canh kim Quan tinh làm Tướng, đáng tiếc Thiên can Bính hỏa Thương quan, địa chi Tý Sửu hợp, Tý Mão hình nhau mà thương Ấn, thêm nữa đại vận đến Mão, Ấn tinh bị thương lần nữa, cho nên mệnh chủ khoảng chừng 30 mắc bệnh tâm thần, sau này vẫn điên điên khùng khùng, không hôn nhân, không công việc.


Nam mệnh 2:

Mậu Thìn / Tân Dậu / Nhâm Tý / Quý Mão

Nhìn qua thì thấy Quan Ấn thành cách, ắt hẳn phải là một người có chức tước. Song, tiếc là đại vận Bắc phương, kim trầm thủy hương, phá hủy Ấn tinh, phá hỏng cách cục, cho nên mệnh chủ sau một năm tham gia quân đội thì đào ngũ về nhà làm ruộng, gia cảnh trở thành một hộ có thâm niên nghèo khổ.


Nam mệnh 3:

Bính Tuất / Bính Thân / Quý Sửu / Quý Sửu

Ấn tinh đương lệnh, có Sửu Tuất Quan sát sinh cho, thành cách Ấn nhờ Quan sinh. Bệnh của cách cục là Ấn trọng Quan khinh, đại vận nên hành vận Tài Quan vượng. Mậu Tuất vận, Quan tinh thấu thanh hữu lực, mệnh chủ đảm nhiệm cục phó Cục thuế, phát tài, tiền của cả triệu đồng, được mát mày mát mặt nhất thời. Vừa đến Hợi Tý thủy vận, kim chìm, hỏa tắt, thổ tan, dụng tướng thần đều bị thương, cách cục bị phá tận cùng, sự nghiệp lụn bại, đến nổi cuối cùng chết trong nghèo đói.

Thientam
09-04-14, 02:45
Chính văn:

Thổ tú hưu hành hợi
Lâm quan phạ tị cung
Nam phương căn hữu vượng
Tây bắc mạc tương phùng.

Đại Lục bình chú:

Vừa bàn xong hỏa kim mộc thủy thì liền nói đến thổ. Thổ tuyệt địa ở đâu? Tại Hợi, vì nơi này mộc lâm Trưởng sinh còn thổ thụ khắc. Về phần Tị, mặc dù là Lâm quan của thổ, tự đắc Lộc mà vượng, thực ra trong Tị hàm chứa 5 phần kim khí nên gặp kim sẽ biến, đây là tính "hỏa gian" (gian trá của hỏa), tùy thời cơ mà đem bán hỏa (phản bội hỏa), cho nên mới nói "sợ Tị cung", có người nói thổ Tuyệt tại Tị không phải không có lý. Ngoài hai chổ Hợi Tị ra thì thổ chỉ sợ đến phương Tây bắc vì kim trọng thổ hư (kim nặng thì thổ rỗng), thủy đại thổ tán (nước lớn thì đất tan), ngược với nam phương là sẽ thấy ngay suy nhược. Đương nhiên, ở phương Tây bắc thì cũng có khác nhau chút ít: như thổ đến Thân thì trong Thân còn có gốc Mậu; đến Dậu thì hoàn toàn không có căn khí, cho nên thổ tại Thân có lực hơn một chút so với tại Dậu; thổ đến Tuất xem qua thấy như đắc khố căn, nhưng thực ra tháng Tuất kim trọng tiết thổ, thổ tương đối suy yếu, chẳng qua nếu so với tại Thân Dậu thì hữu lực hơn một chút xíu. Về phương bắc Hợi Tý Sửu, thổ yếu nhất là ở Hợi, tiếp theo ở Tý, kế nữa mới đến Sửu. Đương nhiên, cần phải phân âm thổ và dương thổ, lực âm thổ tại đất thủy yếu hơn dương thổ, bởi vì dương thổ tương đối khá cứng cỏi, bẩm sinh vốn đủ sức khắc thủy tính.

Thientam
09-04-14, 02:45
Nam mệnh:

Quý Tị / Ất Sửu / Nhâm Thân / Mậu Thân

Sát Ấn thành cách, Mậu thổ Thất Sát có Tị Lâm quan, tại nguyệt lệnh hữu căn, tựa hồ Sát Ấn lưỡng vượng. Thực ra không phải vậy, Tị Sửu hợp kim, Sửu là kim khố, hơn nữa xuất hiện hai chữ Thân, bát tự hầu hết là Ấn tinh, đại vận lại nghịch hành về đất thủy kim, bệnh của cách là Ấn nhiều hoàn hoàn toàn không có chế phục, mà mệnh có bệnh vô chế là bát tự phá cách, mệnh nét bét, bèo bọt. Cho nên mệnh chủ không thích học hành, là hạng người tham ăn nhác làm, không nghề nghiệp chính đáng. Vận Quý Hợi, năm Đinh Tị, dụng thần thổ tú tới Hợi, thủy đại thổ tán, Tỉ Kiếp lại xung khắc Tài tinh, Ất mộc tại Hợi đắc căn khắc Quan sát, mệnh chủ bị Tòa án xử 5 năm tù giam vì tội trộm cắp. Về sau trong Tuất vận, Quan sát hơi đắc lực, mệnh chủ phát tài hơn 100 nghìn tệ. Còn khi vừa vào vận Dậu Thân thì như bị đánh hiện nguyên hình, gia đình tan nát, xa lìa vợ con, bơ vơ một mình. Đây chính là "Tây bắc mạc tương phùng".

Thientam
09-04-14, 02:46
Chính văn:

Âm nhật triều dương cách
Vô căn nguyệt kiến thìn
Tây phương hoàn hữu quý
Duy phạ hỏa lai xâm.


(cách Âm nhật triều dương,
vô căn sinh tháng thìn
hoặc sinh phương tây thì quý,
chỉ sợ hỏa xâm phạm)


Đại Lục bình chú:

Cách gọi là "Âm nhật Triều Dương" còn có tên là "Lục âm Triều Dương", chính là mệnh cách của sáu ngày Tân sinh vào giờ Mậu Tý. Khi bát tự vô Quan sát, lấy Quý thủy tàng trong Tý ám hợp Mậu thổ ẩn trong Tị, dẫn động Bính hỏa Quan tinh nên quý.

Cổ ca:
Tân nhật đơn đơn phùng Mậu tý
Lục âm quý cách hỷ Triều dương
Bính Đinh tị ngọ hưu điền thực
Tuế vận luân phùng nhất lệ tường.

(Tân nhật chỉ khi gặp Mậu Tý là quý cách Lục âm Triều dương, sợ quan tinh Bính Đinh tị ngọ và điền thực, gặp tuế vận sẽ rõ ngay)

Cách cục này tốt nhất sinh tại tháng Thân Dậu, nếu nhật nguyên vô căn mà sinh tại tháng Thìn cũng được. Bát tự tuế vận chỉ sợ Quan sát, hư không sợ điền thực bởi vì mệnh cục không có Quan sát, tuế vận thấy Quan sát thì điền thực, liền phá cách, nên cho rằng "duy phạ hỏa lai xâm".


Ví dụ:

Mệnh của Châu Chi Bình (19):

Mậu Tý / Tân Dậu / Tân Dậu / Mậu Tý

Mệnh vô Tài, vô Quan thì không phải mệnh phú quý, phải không? Không phải vậy, Tân nhật sinh giờ Mậu Tý cấu thành Lục âm Triều dương cách, Tý thủy có thể ám hợp Bính hỏa Quan tinh ẩn trong Tị mà đắc quý, đại vận phương Bắc lại không thấy Quan sát phá cách, cho nên mệnh chủ văn chương siêu quần, xuất thân vốn là Tiến sĩ, làm quan đến chức Bố chánh sứ tỉnh Giang Tây.


Một nam mệnh:

Canh Ngọ / Giáp Thân / Tân Dậu / Mậu Tý

Bát tự có Ngọ hỏa Sát tinh, phá cách. Cho nên mệnh chủ là một lão nông nghèo khổ.


--
Chú thích:

(19) Châu Chi Bình, tự Hạc Cao, đậu Tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ 38, triều đại nhà Minh (1559). Được bổ nhiệm làm Tri huyện Lật Thủy (Nam Kinh), sau thành Tri phủ Cát An (Hoa Liên), Có công dẹp loạn ở phủ Cát An, đời làm quan của Châu Chi Bình rất hanh thông, ông đảm nhiệm rất nhiều chức vị, công việc khác nhau như Bố chánh sứ, Lang Trung chuyên coi việc khảo thí ở Bộ Lại, Nam Kinh…

Thientam
09-04-14, 02:46
Chính văn:

Ất mộc sinh cư Dậu
Mạc phùng toàn tị sửu
Phú quý khảm ly cung
Bần cùng thân dậu thủ.


(Ất mộc sinh tháng dậu,
đừng gặp đủ tị sửu,
sẽ phú quý khi ở Khảm Ly,
còn nghèo khó khi đóng thân dậu)

Đại Lục bình chú:

Ất mộc nếu sinh tại tháng Dậu là Thất Sát đương lệnh, lúc này chỉ sợ hội đủ ba chữ Tị Dậu Sửu, như vậy Thất Sát quá nhiều và quá mạnh, nếu không thể cấu thành Tòng sát cách thì mệnh không tốt. Muốn phú quý phải đi vận thủy hoặc hỏa, nghĩa là lấy Ấn hóa Sát, hoặc Thực Thương chế Sát. Bởi vì quẻ Khảm là bắc phương thủy, quẻ Ly là nam phương hỏa, cho nên mới nói "phú quý Khảm Ly cung". Nếu như Sát trọng mà không thể tòng Sát, lại hành vận Thân Dậu Sát vượng, như vậy không bần cũng yểu.

Ví dụ:

Mệnh của Hứa Thế Anh (20):

Quý Dậu / Tân Dậu / Ất Sửu / Tân Tị

Địa chi Tị Dậu Sửu tam hợp Sát cục, một niên can Quý thủy nhỏ nhoi nan hóa bè lũ Sát tinh này, nên cách cục Tòng Sát. Nhưng nếu tuế vận phù trợ Quý thủy thì có thể thành cách Sát Ấn tương sinh. Mậu vận khử Quý, năm Đinh Dậu mệnh chủ được đề bạt tiến cử làm quan. Đinh Tị vận, năm Tân Hợi xung khử Tị hỏa, mệnh chủ một bước vọt lên làm Bố chánh sứ tỉnh Sơn Tây. Năm kế Nhâm Tý, lưỡng Ấn hóa Sát, thành cách Sát Ấn tương sinh, mệnh chủ nhảy vọt lần nữa thành Đại Lý viện trưởng (Chánh tòa thượng thẩm), Bộ trưởng Tư pháp. Điều này chính là mô tả chân thực cho câu "phú quý khảm ly cung".


Một nam mệnh:

Ất Tị / Kỷ Sửu / Ất Sửu / Mậu Dần

Tị Sửu hợp kim, Sát đa Sát trọng, nhưng nhật nguyên dựa vào Dần mộc gốc mạnh để không tòng Sát, kết quả thành ra một mệnh nát vụn không ăn khớp với nhau. Thuở nhỏ hành bắc phương Ấn vận, mệnh chủ không muốn học hành, từ nhỏ đã giao du với bọn trộm cắp, lớn lên kiếm sống bằng trộm cắp. Ất Dậu vận tam hợp Sát cục, 35 tuổi gặp năm Canh Thìn, Quan sát lộ ra công thân, mệnh chủ bị vợ dùng dao chém 4 nhát vào đầu, máu me bắn đầy mặt đất, thập tử nhất sanh. Năm kế tiếp Tân Tị, tam hợp Sát cục công Thân lần thứ hai, mệnh chủ đầu tiên là tang mẹ, tiếp theo vì ăn cắp nên bị bỏ tù, bị quản giáo trại giam đánh gãy ba xương sườn, nằm viện mất mấy tháng. Năm 39 tuổi Giáp Thân, Dần Tị Thân tam hình, lại vì lập băng ăn cắp mà bị xử tù. Đây là lời chú giải thực tế cho câu "bần cùng thân dậu thủ".

Thientam
09-04-14, 02:50
Chính văn:

Hữu sát chỉ luận Sát
Vô sát phương luận Dụng
Chỉ yếu khử Sát tinh
Bất phạ đề cương trọng.


Đại Lục bình chú:

Nói đến Thất Sát, đoạn trước dù nói rất đúng về nguyệt lệnh Sát, nhưng Thất Sát không đóng ở nguyệt lệnh thì cũng là cái cần luận đến đầu tiên. Vì sao vậy? Bởi vì Sát là cái tấn công thân, nếu trước không thu xếp ổn thỏa thì nó sẽ uy hiếp sinh mệnh của mình. Như có một con hổ lớn luôn bên người bạn, bạn còn nói đến chữ danh, chữ lợi gì nữa ư? Xem Sát tức là xem bản thân có an toàn hay không, mà an toàn là nhu cầu tất yếu của mọi sinh vật, cho nên luận mệnh trước tiên phải luận Thất Sát. Hơn nữa, Sát còn đại biểu cho danh tiếng, quyền lợi, địa vị, cái này cũng là thứ không thể thiếu đối với mỗi người, cho nên cần luận nó trước tiên khi luận mệnh. Thất Sát thì vậy, còn Chính quan thì sao? Thực ra cũng giống nhau cả, vì Thất sát gọi là "Thiên quan", một loại Quan tinh thôi.

Cho nên "Uyên Hải Tử Bình", thiên "Bảo pháp 2" nói rằng: "Thông thường lấy Sát Quan bàn cách cục". "Tam Mệnh Thông Hội", chương Luận Chính quan ghi rằng: "Chọn Quan tinh không cần cố chấp vào thần ở nguyệt lệnh hoặc nguyệt can, hoặc ở thiên can của niên, nhật, thời, chỉ một chỗ có mà không bị tổn thương thì đều có thể thủ dụng". Bởi vậy, luận mệnh trước tiên cần luận Sát Quan. Nếu như Sát Quan và nguyệt lệnh thành cách, sẽ luận Sát Quan cách này đầu tiên. Nếu như Sát Quan độc lập thành cách, thì có thể bỏ nguyệt lệnh Dụng thần không dùng mà chỉ luận Sát Quan cách. Nếu như Sát Quan bất thành cách, thì mới trở lại luận nguyệt lệnh Dụng thần, đây là ý của câu "hữu Sát chỉ luận Sát, vô Sát phương luận dụng". Chỉ cần Sát hữu chế, Quan thành cách, sẽ không ngại nguyệt lệnh Dụng thần vượng cường mà lại không thành cách cục, nên cho rằng: "chỉ cần khử Sát tinh, không sợ đề cương mạnh".


Ví dụ:

Một nam mệnh:

Bính Tuất / Tân Sửu / Đinh Mùi / Quý Mão

Nguyệt lệnh là tạp khí Chánh Tài cách (Tâm kim tàng trong sửu), nhưng Tài sinh Thất Sát mà phá cách. Cũng may Quý thủy tọa Mão là có Ấn hóa Sát, có thể cấu thành Sát Ấn tương sinh cách. Cái này đã thành "không sợ đề cương trọng", cho nên mệnh chủ học hành suông sẻ, công danh làm đến chức trưởng phòng Tài chính của một tỉnh.


Một nam mệnh khác:

Quý Mão / Tân Dậu / Bính Dần / Quý Tị

Cũng là một bát tự dụng Tài bị Quan tinh phá cách, nhưng niên chi mão mộc Ấn tinh bị nguyệt lệnh xung khắc, nhật chi dần mộc Ấn tinh không thể trực tiếp hóa Quan, đều không thể cấu thành Sát Quan cách. Quan cách đã không thành, Tài cách cũng bị phá, liền biến thành một mệnh nát bét không ăn nhập vào đâu. Cho nên mệnh chủ xuất thân nông dân, trồng rau sinh sống, cả đời cực khổ, cũng khó mà thoát nghèo làm giàu, vì Quan sát tinh đại biểu cho con cháu bị phá cách, cho nên con bị di chứng sau viêm màng não, ngu ngơ ngu ngác, cái bệnh của cách cục mệnh chủ đã biến thành tâm bệnh vĩnh viễn cũng không thể dứt được.


Một nữ mệnh:

Bính Thìn / Nhâm Thìn / Đinh Tị / Quý Mão

Mệnh này nếu luận theo "Cân bằng Dụng thần" thì thuộc về một mệnh tốt Thân vượng Quan vượng, bất kể như thế nào cũng không nhìn ra đây là một mệnh bèo bọt. Nhưng lấy luận theo Tử Bình cách cục để xem thì không phải vậy. Mệnh này Quan sát cùng thấu, Thất Sát tuy có Mão mộc hóa để sinh Thân, nhưng Quan tinh nguyệt lệnh không có Ấn hóa, Ất mộc trong thìn không thấu thì hóa lực rất nhỏ, nên khó thành cách cục. Như thế thì học hành, sự nghiệp nhất định vô thành, mà khi gặp Tuế vận sinh vượng Sát Quan còn có thể gặp tai họa nặng, thuộc dạng số mệnh bất bần tức yểu. Trên thực tế, mệnh chủ sau khi học hết trung học cơ sở thì lang bạt giang hồ, không có nghề nghiệp ổn định. Canh Dần vận, Kỷ Mão niên (1999), Kỷ thổ Thương quan (Thực đa biến thành Thương) lộ ra khắc Quan, vợ chồng mệnh chủ bị bỏ tù vì tội tổ chức mại dâm. Hai năm sau tức năm Tân Tị, bị tuyên án tử hình, kết thúc tính mạng ở tuổi đôi mươi. Đây là lý do cổ nhân cho rằng cần lấy cách cục để luận mệnh, đồng thời nhấn mạnh "phàm cách dĩ Sát Quan luận chi" (thông thường lấy Sát, Quan để luận cách).



( HẾT PHẦN ĐẦU )

Thientam
09-04-14, 02:52
Chính văn:

Giáp Ất nhược phùng Thân,
Sát Ấn ám tương sinh,
mộc vượng kim diệc vượng,
quan bào tất quải thân.

(Giáp Ất gặp Thân,
tức Sát lộ Ấn tàng tương sinh
mộc vượng và kim cũng vượng
mũ mảo áo bào quàng trên người.)


Đại Lục bình chú:

Giáp Ất nhật nguyên sinh tại tháng Thân, nguyệt lệnh hàm chứa Nhâm thủy Ấn tinh và Canh kim Sát tinh, cứ cho là Sát Ấn này không thấu can, và Ấn tinh tựa hồ không sinh trực tiếp cho thân, nhưng vẫn có thể cấu thành quý cách Sát Ấn tương sinh. Vì sao vậy? Bởi vì nguyệt lệnh là đất Thai Tức của nhật nguyên, đại biểu “đồ nhà”, đồ trong nhà của mình tự nhiên có thể tùy lúc lấy ra dùng, bất tất phải tìm chổ khác. Cho nên, Sát Ấn trong nguyệt lệnh có thể chuyển hóa lẫn nhau cùng sinh nhật nguyên. Nguyên nhân do Sát Ấn không thấu, mới cho rằng "ám tương sinh".

Loại cách cục Sát Ấn ám tương sinh này cần Tài tinh sinh Quan Sát, mà lại không được nhiều Tài tinh khiến phá mất Ấn. Như Giáp Ất sinh Thân nguyệt, nếu như thổ khắp trụ, không có mộc sơ thổ (làm tơi mùn đất), thì thổ nhiều chôn kim, cho nên còn cần phải "mộc vượng", ý ở đây chính là lấy mộc sơ thổ, bảo hộ Quan Ấn. Nếu như thổ kim mộc đều cường, thì thuộc quý mệnh "quan bào tất quải thân". Cái hay vi diệu của cách này là ở chữ "ám", nếu như Ấn tinh thấu lộ, Tài đa trái lại phải lo ngại tham tài hoại Ấn.

Thientam
09-04-14, 02:52
Mệnh Âu Dương Tu: Đinh Mùi / Mậu Thân / Ất Mão / Mậu Dần

Mệnh Chu Gia Mô: Đinh Mùi / Mậu Thân / Giáp Tuất / Ất Sửu

Hai người đều thuộc cách cục này. Tỉ Kiếp ở mệnh Âu Dương Tu hơi mạnh một chút, cho nên làm quan đến Tể tướng, mà suốt đời còn là lãnh tụ của giới văn học, ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ sau. Chu mệnh mặc dù trong Mùi có mộc, hai thổ Tuất Sửu bên trên có Giáp Ất mộc, nhưng không bằng mộc đa mộc cường ở mệnh Âu Dương Tu, nên làm quan chỉ đến Lễ bộ Thượng thư.


Nhậm Thiết Tiều khi chú thích "Trích Thiên Tủy" đưa ra một mệnh:

Ất Sửu / Giáp Thân / Giáp Thìn / Kỷ Tị

Cũng thuộc cách cục Sát Ấn ám tương sinh, mệnh chủ "đăng Hoàng Giáp, yến Quỳnh Lâm, nhập Hàn Uyển, sĩ Hoàng Đường", đại quý xuất chúng. Có thể Nhậm thị luận thành Giáp Kỷ hóa thổ cách, giả sử đúng như thế, bát tự Thân kim đương lệnh, lại có Tị Sửu củng kim, tiết đi thổ khí, mệnh chủ đi hướng Đông mộc vận thì đoán không có cái quý hiển này.

Thientam
09-04-14, 02:53
Một nữ mệnh:

Đinh Mùi / Mậu Thân / Ất Sửu / Kỷ Mão

Bát tự ngang ngửa mệnh Âu Dương Tu và Chu Gia Mô, đáng tiếc đại vận thuận hành, Tân Hợi vận Bính Tý niên Thân Tý hợp thủy, hóa Quan làm Ấn, nhưng Ấn lại bị Sửu thổ, Mão mộc khắc hợp, đây là tổ hợp phá cách tiên Ấn hậu Tài biến ra nhục nhã, thực tế mệnh chủ vì mắc tội cố ý gây thương tích bị Tòa án xử phạt 15 năm tù. Sau khi ra tù cách đây vài năm, làm thuê tứ xứ kiếm sống.


Nam mệnh 1:
Đinh Hợi / Mậu Thân / Ất Sửu / Nhâm Ngọ

Mặc dù cũng thuộc Giáp Ất sinh tại Thân nguyệt, nhưng Ấn tinh thấu lộ, không còn là "Sát Ấn ám tương sinh" nữa, đại vận phương nam thì xung khắc Ấn tinh, đi về phía đông thì Ấn lâm tuyệt địa, sách nói rằng: "xung Ấn tắc thân mang tâm loạn" ( xung Ấn thì thân tâm bận bịu rối loạn ) , "Ấn hành tử tuyệt tịnh tài địa, vô cứu chung vi tuyền hạ nhân" (Ấn hành vận đất tử tuyệt hoặc đất Tài tinh thì vô cứu, cuối cùng cũng xuống suối vàng). Cho nên mệnh chủ 6 tuổi gặp năm Quý Tị xung Ấn, mắc bệnh bại liệt, hơi lớn chút thì chống gậy bước chân vào giang hồ, nhiều cay đắng gian nan, về già vô danh vô lợi, không vợ không con.


Nam mệnh 2:
Mậu Tuất / Canh Thân / Giáp Tuất / Mậu Thìn

Bởi Sát tinh lộ ra, không thể luận theo Sát Ấn ám tương sinh, mà cần luận theo Giả tòng Sát cách, đại vận Bắc phương, Ấn tinh thấu thanh, nhưng gặp Tài tinh trong mệnh hồi khắc, cộng thêm Sát đến tử địa, phá hỏng Tòng Sát cách, cũng không thành Sát Ấn cách, cách cách bất nhập, cho nên mệnh chủ tuổi thơ thì mất cha, học hành vô thành, bần khốn đa tai, đến nay vẫn độc thân.

Thientam
09-04-14, 02:54
Chính văn:

Ly hỏa phạ trùng phùng,
Bắc phương phản hữu công,
Tuy nhiên nghi kiến mộc,
Vưu khủng đối đề xung.


Đại Lục bình chú:

Giáp Ất nhật nguyên sinh tại tháng Thân, hỷ Tài sinh Quan, không nên có Thực Thương nhiều khắc Quan. Nếu như Thực Thương nhiều thì hỷ vận hành phương Bắc, lấy Ấn chế Thương hộ Quan. Mặc dù nói cách cục này mừng gặp được Tỉ Kiếp, vì Quan Sát đương lệnh không sợ Tỉ Kiếp, nhưng vẫn sợ xung khắc đề cương, đề cương hỏng thì phá cách, phá cách ắt không phải mệnh tốt.

Đoạn này nói "Ly hỏa sợ trùng phùng", hỏa là Thực Thương, Quan cách thấy tức phá cách, điều này dễ dàng lý giải. Nhưng chữ "trùng" là ý gì ? Chẳng lẽ còn cần phải có vài Thực Thương mới có thể khắc phá được một Quan tinh nguyệt lệnh? Sách Tử Bình không phải đã nói Quan cách sợ xung, sợ hợp, sợ hình, sợ nhiều, sợ hỗn tạp, cùng với kị thấy Thương quan đấy sao? Không phải đã nói Thực thần nhất vị tọa chổ vững chắc (hữu căn, đắc lộc,…) cũng tổn hại Quan cách đó sao? Vì sao chổ này còn nói phải trùng kiến Thực Thương mới có thể phá nổi Quan cách? Tra duyệt sách Tử Bình, thấy "Luận chư cách hữu cứu quyết" cho rằng: "Thân hỷ viêm thần phạ thổ tinh" (chi Thân hỷ khí hỏa, nhưng sợ khí thổ), thiệt không dzậy ! hóa ra tháng Thân có tính chất đặc thù, Thân kim hàm thủy, hoặc có thể ví Thân kim có underwear chống lửa, thông thường hỏa bất túc (yếu, không đủ mạnh) thì khắc được, còn nếu như thổ nhiều thì ngược lại Nhâm thủy bên trong bị uy hiếp. Đương nhiên, hỏa nhiều quá thì Thân kim cũng ngại, mặc áo chống lửa vẫn sợ bị nhét vào trong lò luyện.

Thientam
09-04-14, 02:54
Nam mệnh 1:

Giáp Ngọ / Nhâm Thân / Ất Tị / Quý Mùi

Cách là Ấn nhờ Quan sinh, nhưng địa chi Tị Ngọ Mùi hội hỏa cục có phá Quan tinh không?

Không phá !

- Một là, vì can hỏa không thấu ra, không có "đại diện pháp nhân" thì chia rẽ mạnh ai nấy làm, Tị hỏa này vốn là "điệp viên hai mang", thấy kim thủy đương quyền sẽ đảo hướng Tị Thân hợp thủy, còn thấy Ngọ Mùi cũng có thể nhập cùng thế thổ;

- Hai là, đại vận Tây bắc, Ấn tinh có thể khử Thương cứu Quan. Cho nên, mệnh chủ học hành suông sẻ, nhiều năm đảm nhiệm Chánh văn phòng tòa án cấp cao, Chánh thanh tra huyện, Chánh án tòa, Chủ tịch huyện. Mãi đến vận Mậu Dần xung đề cương liền bị Trung Cộng xử tử trong cuộc thanh trừng phản cách mạng. Chính là ứng nghiệm của hai câu "Bắc phương phản hữu công" và "Vưu khủng đối đề xung".

Thientam
09-04-14, 02:58
Nam mệnh 2:

Ất Tị / Giáp Thân / Ất Tị / Kỷ Mão

Thân kim Quan tinh đương lệnh, hai Tị hỏa tuy không thấu can, nhưng không có thổ hóa tiết mà còn được mộc sinh phù, Tị hỏa này chính là kẻ hai mặt, gió chiều nào theo chiều đó, tuế vận mà hỏa vượng thì là hỏa, còn kim vượng liền chuyển theo kim. Mệnh chủ thuở nhỏ hành vận Ngọ hỏa, học hành bất toại, không có sự nghiệp ổn định. Mãi đến Tân vận, vào năm Canh Ngọ 25 tuổi mới vào làm một cảnh sát tép riu ở cơ quan quản lý hộ tịch quê nhà. Ở tại Tị vận thăng làm phó trưởng đồn, rồi Trưởng một phòng ở công an quận. Có thể thấy được Tân Tị vận, Tân kim thấu can, kim vượng lên, Tị hỏa đại thể hướng về kim, cho nên gặp năm Ngọ hỏa không lo trái lại còn khoái chí, đây đúng là ý của "phản hỷ viêm thần". Canh Thìn vận kim cũng vượng, gặp năm Nhâm Ngọ mệnh chủ thăng làm Phó trưởng công an quận. Thìn vận, Thân Thìn hợp thủy, 40 tuổi là năm Ất Dậu, Ất Canh hợp, Thìn Dậu hợp, Tị Dậu hợp, Quan sát trùng trùng Ấn không thể hóa, Thực không thể chế, đại phá cách cục, mệnh chủ đang muốn thăng trưởng công an quận nhưng vì nữ sắc chết uổng mệnh.

Thientam
09-04-14, 02:58
Chính văn:

Bát nguyệt Quan tinh vượng
Giáp phùng thu khí thâm
Tài thần kiêm hữu trợ
Danh lợi tự nhiên hanh.


Đại Lục bình chú:

Giáp mộc sinh tại tháng tám, Dậu kim Quan tinh đương lệnh, đắc thời thì vượng, mặc dù vượng cũng không được khắc, ngược lại cần Tài sinh. Điều này thuyết cân bằng luận không thể giải thích được, vì sao? Bởi vì chỉ cần Quan tinh không nhiều, không có Sát hỗn cục, vô xung vô hình, vô Thực Thương khắc hợp, lại có Ấn hóa Quan sinh Thân thì cấu thành cách cục, đó chính là mệnh số tốt đẹp theo lời Nguyệt Đàm Phú: "Quan vượng Tài diệc vượng, phú quý áp hương đảng". Vì vậy, Bảo Pháp ghi: "Phùng Quan khán Tài", có Quan mà vô Tài Ấn thì gọi là "cô Quan vô phụ", phá cách; còn hữu Ấn vô Tài mặc dù thành cách nhưng quý khí không lớn, ít cơ may phát tài. Như một viên quan không có quyền quyết định chi tiêu ngân khố, chỉ là một hư quan không có tiếng nói.

Mệnh của học giả Ngô Mai (*):

Giáp Thân / Quý Dậu / Giáp Tý / Canh Ngọ

Mặc dù Quan Sát vượng thành cách, nhưng bát tự vô Tài, đại vận lại là Bắc phương thủy địa, Tài tinh vẫn vô khí, Quan vô Tài sinh, cách cục không cao. Mệnh chủ một bụng thi thư, bác học đa tài, nhưng đi thi Cử nhân ba lần đều không đậu, buộc phải làm trợ tá cho người ta. Sau chán nản, lần lượt đến Đại học Đông nam, Đại học Trung Sơn, Đại học Quang Hoa, Đại học Kim Lăng giảng dạy. Mặc dù Sát trọng thì danh tiếng lớn, ngay cả các nhân vật tên tuổi nổi danh khắp thiên hạ như Chu Tự Thanh (1898-1948), Điền Hán (1898-1968), Trịnh Chấn Đạc, Tề Yến Minh, Mai Lan Phương, Du Chấn Phi, v.v... đều là tiểu đồ đệ của ông, nhưng bản thân ông bởi vì bát tự không có Tài để mà hoàn thành ước nguyện.

Chú thích:

(*) nhà biên kịch, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo dục, nhà bình luận và sáng tác hí kịch nổi tiếng Trung Quốc.


Một nam mệnh:

Quý Tị / Tân Dậu / Giáp Tý / Giáp Tuất
Canh thân - Kỷ mùi - Mậu ngọ - Đinh tị - Bính thìn - Ất mão

Quan Ấn cách, tiếc rằng Tuất Tài không thể trực tiếp sinh Quan tinh, quý khí giảm mạnh. Người viết đã từng đoán cho hai người cùng bát tự này, một người là trạm trưởng Trạm phòng dịch huyện, người kia là bí thư một cơ quan hành chánh, đều là quan lại chức vụ nhỏ, không phát về tài.


Còn mệnh Ông Phương Cương:

Quý Sửu / Tân Dậu / Giáp Tý / Giáp Tuất
Canh thân - Kỷ mùi - Mậu ngọ - Đinh tị - Bính thìn - Ất mão

Bát tự này khác hai bát tự trên chỉ một chữ, bảy chữ còn lại và đại vận đều giống nhau. Song, Ông Phương Cương làm quan đến chức Nội các Đại học sĩ, đại quan nhất phẩm, khác biệt do một chữ Sửu này. Sửu là thấp thổ Tài tinh, hành vận nam phương thì có khả năng hối hỏa sinh kim, vả lại do hàm kim nên hành vận đông phương mộc cũng không sợ mộc khắc, vì lẽ đó cái quý của mệnh Quý Sửu vượt xa hai mệnh Quý Tị.


Mệnh của Hoàng Dĩ Lâm:

Đinh Tị / Kỷ Dậu / Giáp Tý / Mậu Thìn

So với mệnh Quý Tị và Quý Sửu sai biệt không nhiều, khác nhau chỉ là nhiều Tài hơn một chút so với mệnh Quý Tị, nhưng lại không bằng mệnh Quý Sửu vốn có sẳn chữ Sửu tác dụng to lớn, cho nên cũng là mệnh quý, làm đến Tri phủ Vũ Xương (thuộc tỉnh Vũ Hán ngày nay), đúng là cái quý của mệnh thấp hơn mệnh Quý Sửu mà đứng trên mệnh Quý Tị.

Thientam
09-04-14, 02:59
Chính văn:

Khúc trực sinh xuân nguyệt,
Canh Tân can thượng phùng,
Nam Ly suy phú quý,
Khảm địa khước vi hung.


Hoàng Đại Lục bình chú:

Sách "Mệnh học tân lương", phần Ngũ hành vượng suy ca ghi rằng:

"Giáp Ất nhật can hỷ sinh xuân,
mộc tại xuân sinh chi diệp vinh.
Như ngộ Nhâm Quý thân vô dụng,
cánh ngộ Canh Tân lợi danh thành...

…mộc cường bất phạ kim đao tiễn,
Bính Đinh hỗn tạp đa bần tiện."

Ý nghĩa tức là Giáp Ất mộc sinh tại mùa xuân, Tỉ Kiếp hung thần đương quyền, phải được Quan Sát khắc chế để hình thành Nguyệt Kiếp dụng Quan cách, như thế thì tất nhiên danh thành lợi tựu (danh tiếng, lợi lộc đều có). Nhưng nếu đồng thời có cả Canh Tân Quan Sát lại có Bính Đinh Thực Thương chế Quan Sát, hoặc Nhâm Quý Ấn tinh thấu can hóa tiết Quan Sát, vậy là phá hỏng cách Nguyệt Kiếp dụng Quan, cho nên mới nói: "Bính Đinh hỗn tạp đa bần tiện", "như ngộ Nhâm Quý Thân vô dụng". Nếu như Thực Ấn không thấu, cấu thành Nguyệt Kiếp dụng Quan cách, thì hỷ mệnh cục có Tài Thương Quan, ở đây tức là đoạn trước đã nói: "nhất kiến Tài Quan, tự nhiên phát phúc". Không chỉ có như thế, đại vận đi nam phương thì Tài đáo vượng địa, Tài vượng có khả năng tiết Tỉ Kiếp mà sinh Quan Sát, cho nên viết: "Nam Ly suy phú quý". Sợ là sợ hành đại vận bắc phương, Tài vào tuyệt địa, kim trầm thủy hương, Tỉ Kiếp ngang ngược càn rỡ, nên nói "Khảm địa khước vi hung". Đương nhiên, nếu như Quan Sát chế Kiếp quá nặng, hành vận bắc phương sinh phù Tỉ Kiếp đang nhỏ nhoi cũng là việc tốt, tóm lại cần phải khử bệnh của cách.

Nếu như không có Quan Sát chế Kiếp, vậy thì thấu Nhâm Quý Ấn tinh thì có thể cấu thành chuyên vượng cách, hoặc là thấu Bính Đinh Thực Thương cũng có thể cấu thành Thực Thương tiết tú cách, cả hai đều thuộc cách cục văn tú (nhân tài văn học, nghệ thuật).

Thientam
09-04-14, 03:00
Mệnh Dận Tự:

Tân Dậu / Tân Mão / Giáp Ngọ / Tân Mùi
Canh dần - Kỷ sửu - Mậu tý - Đinh hợi

Con trai thứ tám của hoàng đế Khang Hy, xưng là Bát Gia. Tứ trụ này là Dương Nhận dụng Quan cách. Kỷ Sửu vận 27 tuổi, vào Mậu Tý niên, Tài vượng sinh Quan, mệnh chủ tuân mệnh làm Đại nội tổng quản. Sau xoay chuyển nhanh chóng bởi Tý Sửu hợp, Dậu Sửu hợp và xung Dương Nhận, mệnh chủ bị Khang Hy trách mắng tính cách nhu nhược gian dối, vọng tưởng đại chí, bãi trừ thân phận bối lặc (dân tộc Mãn, họ của vua nhà Thanh), giáng xuống làm tông thất không dùng đến. Thẳng đến Đinh vận 41 tuổi vào năm Tân Sửu, có Đinh hỏa kiềm chế Quan Sát đang quá mạnh, mới được tin tưởng giao việc lại lần nữa, phong làm Thân vương, Thủ tướng sự vụ kiêm đảm nhiệm Thượng thư Phan viện (đối ngoại). Năm 42 tuổi nhập Hợi vận, Dương Nhận đắc sinh phù, Quan tinh đáo tử địa, nan chế Kiếp Nhận, mệnh chủ tùy tiện làm càn, nhiều lần bị Ung Chính trách mắng, hai lần bị giáng chức. Cuối cùng vào 45 tuổi năm Ất Tị bị Ung Chính dùng Tứ thập điều đại tội (qui định bốn mươi tội lớn) cho bắt giam lại, cắt bỏ tư cách con vua, tước bỏ tông tịch, cải tên thành "A kỳ lạp" (con heo thúi), tháng chín cùng năm bệnh chết trong ngục. Thật sự là "Khảm địa khước vi hung".



Mệnh Trình Tiềm (1883-1968):

Quý Mùi / Ất Mão / Giáp Tuất / Tân Mùi

Dương Nhận dụng Quan cách. Hay ở chổ Quan tinh đắc gốc Nhận tại nhật chi thông qua Mão Tuất hợp mà chế nguyệt Nhận một cách chặt chẽ, thành cách và thuộc cao cách. Quý thủy Ấn thấu vô căn, lại có Tỉ Kiếp hóa tiết, thành ra cách không tổn hại gì. Càng đẹp hơn, Địa chi đa thổ, tuy hành thủy vận cũng không thể trực tiếp tiết hao Quan tinh, nên mệnh chủ vào Nhâm Tý vận 34 tuổi Bính Thìn niên đảm nhiệm Chủ tịch tỉnh Hồ Nam. Năm sau Đinh Tị thấu Thương quan, thua trận phải bỏ chức. Năm 38 tuổi Canh Thân đảm nhiệm Thứ trưởng lục quân trong chính phủ Quảng Châu (Chính phủ Tôn Trung Sơn). Tân Hợi vận 46 tuổi Mậu Thìn niên đảm nhiệm Chủ tịch tỉnh Hồ Nam lần nữa.

Chú thích:

Wikipedia

Trình Tiềm (1883-1968), một vị tướng phục vụ hai triều đại Trung Hoa. Sau khi hoàn tất việc tại một trường tư thục và thi đỗ vào năm 1889, Trình đến Nhạc Lộc thư viện tại Trường Sa. Tại đây ông bắt đầu tìm hiểu được tình hình chính trị đương thời và quyết định bỏ văn học võ. Năm 1903, khi 21 tuổi, ông được nhận vào trường quân sự Hồ Nam. Không lâu sau, năm 1904, ông du học Nhật Bản, rồi gặp Hoàng Hưng và Tống Giáo Nhân, các lãnh tụ Quốc dân đảng tương lai, và trở nên hứng thú với lý tưởng của họ; do đó năm 1905, Trình gia nhập Đồng minh hội của Tôn Dật Tiên, quyết lật đổ nhà Thanh và hiện đại hóa nước Trung Hoa.

Tốt nghiệp năm 1908, Trình trở về Trung Hoa, được giao nhiệm vụ huấn luyện Tân quân tại Tứ Xuyên. Sau khi Cách mạng Tân Hợi nổ ra, Trình tham gia Khởi nghĩa Vũ Xương; rồi tham gia Trận Trường Sa ngay sau đó.

Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Trình được bổ nhiệm làm Đốc quân Hồ Nam. Tuy nhiên, khi Viên Thế Khải âm mưu thao túng Dân Quốc, Trình định khởi nghĩa nhưng thất bại, phải chạy sang Nhật Bản, rồi gia nhập Quốc dân đảng và vào học tại Đại học Waseda.

Không lâu sau, Viên Thế Khải khôi phục đế chế, dẫn đến Chiến tranh Hộ quốc; Trình trở về Hồ Nam tham gia lực lượng khởi nghĩa của Thái Ngạc. Trong phong trào Hộ pháp, ông được bổ nhiệm làm tư lệnh quân đội Trường Sa, rồi Thứ trưởng Chiến tranh trong Chính phủ Quảng Châu của Tôn Dật Tiên. Ông được cử huấn luyện quân đội tại Quảng Châu, rồi tham gia Chiến tranh Bắc phạt. Từ năm 1925-1927, ông là Tư lệnh Quân đoàn 6, và trong một thời gian ngắn giữ chức Chủ tịch Chính phủ tỉnh Hồ Nam năm 1928. Năm 1926, ông cũng được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng.

Thientam
09-04-14, 03:05
Một nam mệnh:

THỰC QUAN THỰC
Bính Ngọ / Tân Mão / Giáp Ngọ / Bính Dần

Vốn thuộc Dương Nhận dụng Quan cách, chỉ vì Quan tinh không có gốc, không có nguồn, Thực Thương tịnh thấu, khử Quan mà dụng Thực. Đại vận nam phương, Thực Thương khử sạch Quan tinh, mệnh chủ làm làm đến chức Phó thị trưởng (Phó chủ tịch UBND thành phố). Ứng với câu "nam Ly suy phú quý".

Một nữ mệnh:

THỰC QUAN ẤN
Bính Tuất / Tân Mão / Giáp Thân / Quý Dậu
Canh dần - Kỷ sửu - Mậu tý - Đinh hợi

Trụ này vốn thuộc Dương Nhận dụng Quan cách, nhưng bởi vì Ấn Thực tịnh thấu, cách cục không thanh thuần, vận hành khảm địa (khảm thủy), Nhận trọng nan chế, mệnh chủ sự nghiệp, học hành đều không thành. Năm 11 tuổi thời liền mắc bệnh tâm thần, lúc tỉnh lúc điên. Đinh Hợi vận, năm 41 tuổi (Đinh Mão), Hợi Mão hợp Nhận, xung khắc Dậu kim và Quý thủy, mệnh chủ lần thứ hai tái phát bệnh tâm thần, năm kế Mậu Thìn hợp mất Quý thủy, uống nhầm thuốc trừ sâu mà chết. Đây là loại mệnh thuộc về "Bính Đinh hỗn tạp đa bần tiện".

Mệnh của Hoàng Quang Thăng:

THƯƠNG QUAN THỰC
Bính Dần / Canh Dần / Ất Dậu / Đinh Sửu

Nguyệt thấu ra Thực Thương, tức lấy Thực Thương này làm dụng, thành cách Thực Thương chế Sát, làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư. Mệnh này vì sao "Bính Đinh hỗn tạp" mà không "bần tiện"? Nguyên nhân ở chổ mệnh này không thuộc cách Nguyệt Kiếp dụng Quan.

Mệnh của Lưu Kiến Quần:

ẤN KIẾP KIẾP
Quý Mão / Ất Mão / Giáp Tý / Ất Sửu

Dương Nhận trùng điệp vô chế, phải chăng thuộc về mệnh phá cách "như ngộ Nhâm Quý thân vô dụng"? Không phải ! Bởi vì Tỉ Kiếp vô chế vô tiết, ngược lại còn có Ấn sinh, liền cấu thành Khúc Trực chuyên vượng cách. Cho nên mệnh chủ sự nghiệp, học hành thuận buồm xuôi gió, làm quan đảm nhiệm nhiều chức viện trưởng các viện của Trung Hoa dân quốc như Quốc phủ giám sát viện, Khảo thí viện, Ngũ viện (tương đương năm bộ thuộc chính phủ), v.v....

Thientam
09-04-14, 03:06
Chính văn:

Giáp Ất sinh tam nguyệt,
Canh Tân Mùi Tuất tồn,
Sửu cung Nhâm Quý vị,
Hà lự kiến vô căn.

(Giáp Ất sinh tháng ba, sinh tồn được với Canh Tân Mùi Tuất; còn sinh tháng Sửu và có Nhâm Quý, sao phải lo rầu vô căn chứ !)


Đại Lục bình chú:

Giáp Ất mộc sinh tháng Thìn, Tỉ Kiếp càng vượng, nhất là Ất mộc sinh tại Thìn nguyệt, chính là Dương Nhận đương quyền. Bởi vậy cũng hỷ Canh Tân Tuất Mùi vốn là Quan Sát Tài tinh, so với tháng Dần Mão thì khác nhau không nhiều. Thường trường hợp này cũng kị Ấn nhiều.

Còn như Giáp Ất mộc sinh tại tháng Sửu, mộc cũng lâm Quan Đới, Nhâm Quý Ấn tinh tại Sửu cũng hữu khí, thì không sợ Giáp Ất mộc vô căn, cũng như hỷ Quan Sát. Cho nên sách Uyên Hải Tử Bình, thơ quyết Thập Nhị nguyệt kiến hậu ghi rằng: "Giáp mộc sinh cư Sửu nguyệt trung, vô căn kim thủy bất hiềm hung".


Mệnh của Dư Triều Quý:

KIẾP SÁT SÁT
Ất Mùi / Canh Thìn / Giáp Tuất / Canh Ngọ

Nguyệt thấu Dương Nhận, có Sát tinh Canh kim chế nó, thành cách Nguyệt Kiếp dụng Sát. Vô Ấn tiết Sát, có Thương mà không thấu nên cách cục thanh thuần. Mệnh chủ khi 16 tuổi liền tòng quân, sau làm quan đến bậc nhất phẩm Tổng binh trấn Hải Môn (thuộc huyện Hải Thông, tỉnh Giang Tô). Đúng là quý mệnh "Canh Tân Tuất Mùi tồn".



Chú thích:

Dư Triều Quý (1835-1904), tự Đỉnh Thần, người Tân Châu, Hồ Bắc. Năm 1851, Hồng Tú Toàn khởi nghĩa chống nhà Thanh tại Kim Điền (sử gọi là cuộc Khởi nghĩa Kim Điền), Dư liền tòng quân hưởng ứng, sau do mẫn cán lập công được thăng Lan Linh Thiên Tổng (chỉ huy một nghìn quân, chức vị tương đương tứ phẩm đô ti). Năm 1862, phụng mệnh đem quân trấn áp khởi nghĩa nông dân ở Chiết Giang, liên tục hạ được các thành Kim Hoa, Đồng Lư, Thiệu Hưng, Lan Khê, Phú Dương, được Tả Tông Đường khen ngợi, theo đó thăng tam phẩm giữ lại Chiết Giang, từ đây Dư cũng thiện hải chiến. Tháng 02/1864 bình được Dư Hàng, thuộc Hàng Châu, được thăng quan nhị phẩm Phó Tướng, tức Tiến thủ đức Thanh...


…Tiểu sử oai hùng còn dài…

Đến tháng 07/1897 thì từ chức, tháng 8 về kinh được vua Quang Tự hai lần tiếp kiến, năm này quay lại Định Hải nhậm chức quan nhất phẩm Đề đốc Tổng binh. Năm 1900 chiến tranh Nga - Nhật bùng nổ, theo phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, phụng mệnh "Cần Vương". Năm 1904 chiến tranh Nga - Nhật bùng nổ, tuy lâm trọng bệnh nhưng ông vẫn thống lĩnh quân sỹ ngày đêm luyện tập trấn giữ, cố thủ. Năm này ông mất ngay trong nhiệm sở chỉ huy.

Thientam
09-04-14, 03:06
Nam mệnh 1:

QUAN QUAN TÀI
Canh Dần / Canh Thìn / Ất Mùi / Kỷ Mão

Có Quan vô Ấn, dường như không thành cách, chỉ vì nguyệt lệnh Dương Nhận, liền cấu thành Nguyệt Kiếp dụng Quan cách. Nhưng Quan tinh vô căn, tam hội Kiếp cục, Tài tinh thụ chế, Thương quan vô lực, cách cục không cao. May mắn có Canh kim cái đầu (trùm đầu), Kiếp Nhận thời không thể tùy tiện làm càn. Cho nên mệnh chủ sự nghiệp, hôn nhân đều rất ổn định, vẫn có chức vụ kế toán tại một cục.



Nam mệnh 2:

SÁT SÁT THƯƠNG
Canh Dần / Canh Thìn / Giáp Thân / Đinh Mão

Kiếp Nhận không thấu, vốn có Canh kim cái đầu cũng không sao cả, nhưng can giờ thấu Đinh hỏa chế Sát, thành thử Kiếp Nhận ở vào trạng thái vô chế, đây là một mệnh phá cách sự nghiệp vô thành, tiền tài bất tụ. Mệnh chủ không học được liền đi làm lính. Chưa hết hai năm (quân ngũ), liền bị loại ngũ. Hồi hương làm nông nhưng lại không an phận, liền làm bậy. Vào vận Giáp Thân, năm Quý Dậu chế hóa cùng xuất hiện phá cách, Quan Sát công thân nên bị tù một năm. Vận Đinh Dậu, năm Đinh Sửu, Sát trọng hữu chế, lừa được người ta trị giá tài sản hơn trăm ngàn đồng, tiêu xài hoang phí hết sạch ngay sau đó. Về sau vẫn chuyên lừa gạt bịp bợm, sống một cuộc sống cùng cực, nghèo khổ.

Thientam
09-04-14, 03:09
Một nữ mệnh:

QUAN QUAN THƯƠNG
Canh Tuất / Canh Thìn / Ất Mão / Bính Tuất

Đây cũng là Bính hỏa khử Quan không hoàn toàn, khiến cho Kiếp Nhận vô chế, thành mệnh phá cách. Mệnh chủ trình độ văn hóa tiểu học, không nghề nghiệp chức vụ, thỉnh thoảng đi làm thuê. Vận Đinh Sửu, chồng mắc bệnh tâm thần, không có tiền điều trị, cuộc sống lâm vào cảnh khốn cùng liền dứt áo bỏ đi hành nghề mại dâm kiếm sống, không hẹn ngày về.


Nam mệnh 3:

ẤN KIẾP SÁT
Quý Mùi / Ất Sửu / Giáp Tuất / Canh Ngọ
Giáp tý - Quý hợi - Nhâm tuất - Tân dậu - Canh thân - Kỷ mùi - Mậu ngọ

Giáp mộc sinh tại tháng Sửu mặc dù vô căn, nhưng do Giáp mộc tại Sửu là đất Quan Đới, lại có Quý thủy Ấn tinh thấu can, cấu thành cách Ấn nhờ Sát sinh. Cho nên, mệnh chủ sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, tại kim vận giữ chức vụ lãnh đạo một huyện, danh cao lộc dày, đủ uy phong hơn hai mươi năm (vận Tân dậu, Canh thân).

Thientam
09-04-14, 03:10
Chính văn:
Mộc mậu nghi kim hỏa,
Thân suy quỷ tác hình,
Thời phân tây dữ bắc,
Khinh trọng biện đông tây.

( Mộc tốt cần kim hỏa,
Thân suy bị quỷ hình,
Thời phân Tây cùng Bắc,
Nặng nhẹ phân Đông Tây)

Đại lục bình chú:
Tiếp theo đoạn văn trên, nói Giáp Ất mộc sinh ở mùa Xuân, nếu như mộc nhiều mộc vượng, lại vui mừng có Quan Sát chế Tỉ Kiếp, hoặc Thực Thương hóa tiết Tỉ Kiếp. Đương nhiên, nếu là Quan Sát quá nhiều, chế Kiếp thái quá, thì Quan Sát sẽ tấn công thân, khiến mệnh chủ không bần cũng yểu. Lại như kim cũng nhiều, hỏa cũng vượng, cũng có thể cấu thành Thực Thương chế Sát cách, chỉ cần phân rõ Quan Sát và Thực Thương ai nhẹ ai nặng, phân rõ đại vận là phương Đông hay là phương Tây, là có lợi cho Quan Sát hay là có lợi cho Thực Thương.

Mệnh Sử Di Viễn: Giáp Thân/ Bính Dần/ Ất Mão/ Tân Tị.
Thuộc mệnh mộc thịnh có chi là kim hỏa, mệnh chủ ở vận Mậu Thìn năm Đinh Mùi gặp Tài sinh Quan Sát tì được Tiến sĩ. Vận Tân Mùi năm Mậu Thìn làm quan tới chức Thừa tướng, độc quyền triều chính. Lại có một nam mệnh có bát tự y như vậy, tốt nghiệp đại học có tiếng, vận Tân Mùi làm quan tới chức Bí thư Tỉnh ủy, trở thành chư hầu một phương.

Một nam mệnh: Nhâm Thân/ Nhâm Dần/ Ất Mão/ Đinh Sửu.
Cũng thuộc mệnh mộc thịnh có kim hỏa. Nhưng mà Dần Thân xung, Đinh hỏa lại bị Nhâm thủy hợp hóa thành Kiếp, cách cục rất thấp. Mệnh chủ văn hóa tiểu học, chỉ có công tác ở Trạm phát điện ở nông thôn, bình thản như nước, chẳng có được một điểm chấm trong vòng tròn.

Một nữ mệnh: Kỷ Dậu/ Đinh Mão/ Ất Dậu/ Ất Dậu.
Nguyệt Kiếp dụng Sát cách. Nhưng mà một Kiếp lại có ba Sát chế, lại còn gặp xung khắc, chỗ này lại thuộc nơi gọi là "Thân suy quỷ tác hình" mệnh như bị nhào nặn. Mệnh chủ từ bé thân thể suy nhược nên nhiều bệnh tật, vận Mậu Thìn năm Canh Thân, 11 tuổi liền mắc bệnh gan mà chết yểu. Có thuyết luận cân bằng nói, mệnh này thân nhược không thắng Tài Sát, mới đưa đến đoản mệnh. Như vậy, chúng ta hãy trở lại xem một chút phía trước chỗ mệnh của Vệ Lập Hoàng: Đinh Dậu/ Nhâm Dần/ Ất Tị/ Ất Dậu. Cũng là có vài Sát chế một Kiếp, nhưng mệnh chủ ở đại vận Mậu Tuất năm Đinh Sửu, gặp chuyên nhất Tài Sát thăng quan làm Tổng Tư lệnh một đoàn quân, Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam. Như vậy giải thích như thế nào chứ? Chính vì lẽ đó mà xung hay không xung nguyệt lệnh, vấn đề phá hay không phá cách, thì không có thể giải thích như câu "Thân suy quỷ tác hình" .

Thientam
09-04-14, 03:10
Chính văn:
Thời thượng bào thai cách,
Nguyệt phùng ấn thụ thông,
Sát quan vận hành trợ,
Chức vị liệt tam công.

Đại lục bình chú:
Gọi là "Thời thượng bào thai cách" còn gọi là "Nhật thời bào thai cách", 《 Uyên Hải Tử Bình 》trong và ngoài có 36 cách đều không dùng, duy chỉ có《 Tam Mệnh thông hội 》có một chương luận là "Bào thai phùng ấn thụ" . Cách này yêu cầu nguyệt lệnh cùng can giờ phải là Ấn thụ, và can giờ Ấn thụ ở vị trí thai tại chi ngày. Trong sách đưa ra ví dụ: Canh Dần/ Tân Mão/ Bính Thân/ Ất Dậu, nói mệnh này nguyệt lệnh có Mão mộc và can giờ Ất mộc đều là Ấn tinh, mà Ất mộc ở chi ngày Thân lại là ở vị trí Thai. Thế nhưng, nhật nguyên Bính hỏa sinh ở giờ Dậu, chỉ có thể là giờ Đinh Dậu mà không phải là giờ Ất Dậu, đương nhiên là một ví dụ sai. Trên thực tế, nhật nguyên Bính hỏa có can giờ là Ấn thụ chỉ có giờ Giáp Ngọ và giờ Ất Mùi, mà ở chi ngày lại vừa đúng nằm ở vị trí Thai thì chỉ có ngày Bính Thân giờ Ất Mùi. Có lẽ do cổ nhân sao chép nhầm, trong sách nguyên bản có thể là giờ Ất Mùi. Nhật nguyên Đinh hỏa thì chỉ có ngày Đinh Dậu giờ Giáp Thìn. Nhật nguyên mộc thì chỉ có ngày Giáp Ngọ giờ Nhâm Thân, ngày Ất Tị giờ Quý Mùi. Nhật nguyên thủy thì có ngày Nhâm Dần, giờ Tân Sửu, giờ Tân Hợi, cùng với ngày Quý Mão giờ Canh Thân. Nhật nguyên kim thì có ngày Canh Tý giờ Mậu Dần, ngày Tân Hợi giờ Kỷ Sửu và giờ Kỷ Hợi. Nhật nguyên thổ chỉ có ngày Mậu Tý giờ Bính Thìn, ngày Kỷ Hợi giờ Đinh Mão. Loại mệnh cục này chính xác là không lấy nguyệt lệnh thủ dụng định cách mà có thể hưởng lộc lâu dài đứng hàng Tam Công ư? Đừng ngại, chúng ta đi tìm các ví dụ thực tế như sau:

Mệnh Thái Loan: Bính Thân/ Mậu Tuất/ Tân Hợi/ Kỷ Sửu.
Làm quan tới Huyện Ủy Kiến Dương, hàng cửu phẩm.
Nam mệnh 1: Đinh Dậu/ Quý Mão/ Đinh Dậu/ Giáp Thìn.
Một bí thư Thị ủy, làm quan ở văn phòng, không có thực quyền.
Nam mệnh 2: Bính Tuất/ Đinh Dậu/ Nhâm Dần/ Tân Sửu.
Làm quan tới Phó trưởng Huyện.
Nam mệnh 3: Canh Dần/ Nhâm Ngọ/ Mậu Tý/ Bính Thìn.
Là trưởng tộc không mẫu mực, cả ngày chỉ ăn nhậu chơi bời, cuộc sống sung sướng, đậy đủ, 35 tuổi bệnh chết.
Nam mệnh 4: Nhâm Thìn/ Bính Ngọ/ Mậu Tý/ Bính Thìn.
Là Nông dân, và làm cả đèn cầy, chỉ là đồng tiền mua bán nhỏ, không phát tài.
Nam mệnh 5: Giáp Thân/ Mậu Thìn/ Canh Tý/ Mậu Dần.
Lão thái nông, bần khốn.
Nữ mệnh 1: Quý Mão/ Giáp Tý/Ất Tị/ Quý Mùi.
Vận Bính Dần xuống phía Nam làm thuê, lưu lạc làm kỹ nữ, 20 tuổi năm Quý Hợi chết do bệnh phổi.
Nữ mệnh 2: Giáp Dần/ Mậu Thìn/ Canh Tý/ Mậu Dần.
Làm nữ uốn tóc và bán dâm.

Tường thuật 8 mệnh ở trên đều là cách Bào Thai, nhưng không có người nào làm đến vị trí Tam Công, đại đa số đều thuộc về gia tộc bần khốn. mặc dù thế giới to lớn, nhất định có thể tìm ra vài người có cách Bào Thai đại phú, đại quý, thế nhưng các mệnh này tại vì sao lại là mệnh nghèo chứ? Đáp án chỉ có một, đó là không thể chỉ bằng một Thời thượng có Bào Thai đều luận quý. Loại này có nguyệt lệnh là cách cục Ấn thụ, thông thường chỉ cần có vận Sát Quan trợ giúp, ít nhiều thì cũng có được một điểm quý khí, vì vậy mà thuật lại ba mệnh ở trên là tiểu quý cũng không phải là ngày giờ có Bào Thai thì mới quý. Nếu không, thì không có cách nào giải thích các mệnh tạo này không quý mà trái lại là bần yểu được. Ví dụ thực tế chứng minh, loại này Tử Bình không thủ cách, không đủ tin để dùng.

Thientam
09-04-14, 03:11
Chính văn:
Nhị tý bất xung ngọ,
Nhị dần bất xung thân,
Nhị ngọ bất xung tý,
Nhị thân bất xung dần.

Đại lục bình chú:
Giải thích về cách cục cơ bản, tác giả mới bắt đầu nói đến bát tự sinh khắc, chế hóa, một vài vấn đề chi tiết, trọng điểm thông thường là chỗ mệnh thư không có luận cùng vấn đề liên quan. Chỗ này là mượn Tý Ngọ xung và Dần Thân xung để thuyết minh một quy tắc sinh khắc, tức là: một không xung hai. Tại sao một không xung hai chứ? Người ta nói phủ nhận, chê cười, chẳng lẽ hai người chẳng lẽ hai người không đánh được một người ư? Thực ra là lý giải đối với chữ "Xung" nghĩa gốc của nó vẫn chưa đúng. Gốc của chữ Xung nghĩa là chỉ đối diện với phương vị xung khắc. Thí dụ như thiên can có Bính Nhâm xung, Đinh Quý xung, mà không có Mậu Nhâm xung và Kỷ Quý xung, nguyên nhân thì là phương vị của Mậu và Nhâm, Kỷ và Quý cũng không phải là đối diện, do đó mới không xung. Giống như kim nam châm không thể cùng lúc chỉ cả hai hướng Ngọ. Mời xem ví dụ thực tế:

Nam mệnh 1: Canh Tý/ Kỷ Mão/ Đinh Dậu/ Kỷ Dậu.
《 Nguyệt Đàm phú 》 nói: "Độc Ấn phùng Tài, định đoán hồn quy địa ngục." là đúng mệnh này. Nếu như hai Dậu có thể xung một Mão, như vậy, mệnh chủ e rằng khi sinh ra đời cùng tháng cùng năm có tháng Dậu đều bị chết yểu, thế nhưng lại không có, thậm chí cùng với bệnh nặng lâu dài cũng không có. Đến 15 tuổi gặp vận Canh Thìn năm Ất Mão, hai Mão xung hai Dậu, mệnh chủ mắc bệnh ban đỏ mụt lở loét thì mới chết. Mão mộc là gan, Tý thủy là máu, Mão hình Tý và Dậu xung Mão, gan huyết đều tổn thương, cho nên mắc bệnh.
Nam mệnh 2: Kỷ Hợi/ Nhâm Thân/ Quý Hợi/ Nhâm Tuất.
Ấn dựa Quan sinh cách. 21 tuổi vào vận Kỷ Tị, bởi vì lưu niên một đường kim thủy, Tài tinh không đủ để xác lập, mệnh chủ khó mà thành hôn. Đến 28 tuổi năm Bính Dần, một Tị xung một Hợi, còn lại ở dưới thì một Hợi cùng với Thái tuế Dần mộc tác hợp, Chính Tài tiến vào Thê cung, lại còn Dần Tị Thân tam hình cưỡng chế Thân kim xung Dần mộc, mệnh chủ mới có hỉ hoa chúc ( Tân hôn). Năm sau Đinh Mão, Hợi Mão hợp, vợ chồng bình an vô sự. 30 tuổi năm Mậu Thìn, Thìn Tuất xung, mở to khố thủy, nhiều thủy xung Tị hỏa, vợ bị tai nạn xe cộ mà chết.
Nữ mệnh 1: Ất Dậu/ Mậu Dần/ Canh Thân/ Giáp Thân. Dần mộc Thiên Tài là phụ tinh nắm lệnh, đã bị Kiếp Nhận quá nặng bao vây tấn công, may mắn ở hai Thân không xung một Dần, lại thêm Dần mộc ôm Bính hỏa quyết tử mà kháng cự, nếu không, mệnh chủ lúc ra đời e rằng sẽ bị tang cha. Tại sao lúc sau này Thân kim mới khởi phát xung Dần mộc chứi? Là do gặp đại vận hợp khử một Thân kim vậy. Quả nhiên, ở trong vận Kỷ Mão, Canh Thìn cha bình an không có việc gì, mà khi đến vận Tị, hợp khử một Thân, đồng thời lại có tam hình Dần mộc, song song là hợp Dậu kim Dương Nhận chuẩn bị công kích Dần mộc, lưu niên Ất Mão xung động Dương Nhận, người cha bệnh gan mà chết.
Nữ mệnh 2: Đinh Dậu/ Quý Sửu/ Đinh Mùi/ Canh Tuất. Có trụ tháng và ngày Sửu Mùi xung, vì Dậu Sửu hợp mà giải xung. Nhưng bát tự Thất Sát không có chế, ẩn tàng tai họa là rất lớn. 21 tuổi vận Mão năm Mậu Ngọ, Mậu Quý hợp, Ngọ Mùi hợp, Thất Sát được chế mà thành hôn. Năm sau vận chuyển Bính Thìn, lưu niên Kỷ Mùi, trực tiếp cùng với đề cương thiên khắc địa xung, em gái chồng bị người cưỡng dâm, người em gái phải khởi tố, tên cưỡng dâm phẩn nộ mà hạ sát cả gia đình người chồng ( bản thân chồng, em chồng và cả cha mẹ)! Là năm do có 2 Mùi xung một 1 Sửu, là do trước có Dậu Sửu hợp giải xung vậy.

Thientam
09-04-14, 03:12
Chính văn:
Đắc nhất phân tam cách,
Tài quan ấn thụ toàn,
Vận trung phùng khắc phá,
Nhất mệnh tang hoàng tuyền.

Đại lục bình chú:
Một nguyệt lệnh có địa chi, tàng can cùng thấu can là Tam Nguyên, phối hợp năm ngày giờ mà thành cách cục. Chỗ Tam Nguyên này gọi là "Tam mệnh", cũng gọi là "Tam cách" . Chỗ Tam Cách này hỉ nhất là có ba vật Tài Quan Ấn, người xưa gọi là "Tam bảo". Nguyệt lệnh có Tam Bảo, được một thì xuất thân cao quý, có thành sự nghiệp. Tam bảo chỉ là: (1) Không thể nhiều, vật nhiều thì tiện; (2) Không thể hỗn tạp, vật tạp thì trọc; (3) Không thể gặp xung hình, khắc phá và hợp hóa. Không đạt được (1) thì phá cách, phá cách thì không bần cũng yểu, trừ phi có nhiều chữ mới giảm, (2) tạp thì phải có chữ để thanh cách, (3) hình xung, khắc phá, hợp hóa, có chữ để ứng cứu.

Mệnh Trương Học Lương: Tân Sửu/ Quý Tị/ Nhâm Tý/ Canh Tý.
Nguyệt lệnh Tị hỏa có tàng Bính Mậu Canh là tam bảo Tài Quan Ấn, dù có Tý Quý Kiếp Nhận khắc Tị hỏa, may mắn là có Tị ôm lấy Mậu thổ, có thể hợp khắc Tý Quý thủy, cách cục không phá. Cho nên mệnh chủ sau khi ra đời, cha là Trương Tác Lâm được triều đình gọi mời làm quan. Trong lúc mệnh chủ 19 tuổi thì cha bổ nhiệm làm trưởng doanh trại. 20 tuổi thăng Lữ trưởng. 23 tuổi thăng Quân trưởng. 25 tuổi thăng Thượng tướng. Người gọi là "Thiếu soái" . Chỗ này rất nhiều quân nhân dù cả đời mũ quan cũng không đến tận tay, thế mà anh ta chỉ mới ra đời đã được toại nguyện. Dựa vào cái gì vậy? Hoàn toàn là dựa vào có Vua, có quân đội của cha! Hoàn toàn dựa vào nguyệt lệnh có Bính hỏa và Mậu thổ!
Mệnh Tăng Văn Đạt: Đinh Mão/ Ất Tị/ Nhâm Tý/ Ất Tị.
Trong Nguyệt lệnh có tam bảo Tài Quan Ấn, cách thành Tài hỉ Thực sinh. Mệnh chủ do là cháu đời thứ 54 của họ Tăng, 14 tuổi liền kế nghiệp tước vị Tiến sĩ Ngũ kinh (tức 5 thứ kinh điển Nho giáo: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu) Hàn Lâm Viện, từ đây ngồi ở nhà mà hưởng bổng lộc, cưới 4 bà vợ, sinh ra 8 đứa con, thật là quá sung sướng.
Mệnh Bạch Tĩnh: Quý Hợi/ Đinh Tị/ Quý Hợi/ Giáp Dần.
Dần mộc hợp khử một Hợi, lại còn có một Hợi xung Tị hỏa, hỉ Thực Thương và Quan Sát chế kiếp để cứu cách. Đầu vận Mậu Ngọ, Kỷ Mùi, Quan Sát có lực mà chế Kiếp hộ Tài, mệnh chủ học nghiệp thuận lợi, sau khi tốt nghiệp Hí kịch, trước sau ra diễn rất nhiều kịch bản trên điện ảnh như 《 Huyết sắc Tương tây 》, 《 Công Phu Vịnh Xuân 》, 《 Cổn Cổn huyết mạch 》, 《 Tự cổ anh hùng xuất thiếu niên 》…, là nữ vai diễn nhân vật chính đứng đầu 30 người được nêu danh khen thưởng, đứng thứ 11 cuộc thi biểu diễn Hội học thuật Điện ảnh Trung Hoa giải thưởng Kim Phượng Hoàng. Nhưng gặp Thân vận năm Nhâm Thìn, kim thủy liên thủ đến phá cách, mệnh chủ chết thảm do người chồng sát hại đúng lúc độ tuổi xuân xanh.

Thientam
09-04-14, 03:12
Chính văn:
Tiến khí tử bất tử,
Thoái khí sinh bất sinh,
Chung niên vô phát vượng,
Do khủng thiểu niên hình.

Đại lục bình chú:
Bát tự tuy có thể dụng Tài Quan Ấn, nhưng cần phải luận vượng suy, lại cần chú ý đến trạng thái tiến khí và thoái khí. Thí dụ như Giáp mộc ở tháng Tuất, giống như cành lá bị khô héo, không được thủy sinh, nhưng bởi vì ở tháng Hợi là trường sinh, tháng Tuất thì lấy ở nơi trạng thái Thai Dưỡng, sinh khí sau đó tiến, cho nên gọi là "Tiến khí", tuy tử mà không tử, gặp sinh là sống. Mà Giáp mộc sinh ở tháng Tị, sinh khí sau đó thoái, tuy gặp thủy sinh cũng khó sống, lại không dùng thuyết ngũ hành ở đất tử tuyệt. Bởi vậy, ngũ hành thoái khí gặp sinh khó khởi, nếu như là dụng tướng thần gặp thoái khí, tức là dù cho đại vận đến đất sinh vượng cũng khó phát vượng, thời kỳ thiếu niên e rằng liền gặp vận tai họa.
Mệnh Trần Gia Canh: Giáp Tuất/ Giáp Tuất/ Tân Hợi/ Nhâm Thìn.
Dụng Ấn hỉ Thực sinh Tài cách. Giáp mộc Tài tinh ở tháng Tuất là mất lệnh, nhưng tiến khí là không tử, sau đến vận Đông phương phù khởi, mệnh chủ phát tài cự vạn, trở thành nổi tiếng thương nhân kiều bào. Mà đến vận Canh Thìn Tỉ Kiếp thấu xuất tranh Tài, Tài tinh lại đến đất suy địa, mệnh chủ phá tổn đủ điều. Tới vận Tân Tị Tài tinh thoái khí, Thực Thương đến đất tuyệt địa, tiền tài mất hết mà chết.
Mệnh Trần Hiểu Húc: Giáp Thìn/ Giáp Tuất/ Tân Hợi/ Quý Tị. Cùng với mệnh Trần Gia Canh gần giống nhau, chỉ là đại vận nghịch hành, mệnh chủ ở vận Tân Mùi năm Nhâm Thân mở công tý kinh doanh, gặp năm Ất Hợi sinh phù Tài tinh, tài phát ức vạn. Vận Canh Ngọ Thực Thương Tài tinh đều thoái khí, cho nên tiêu tan sự nghiệp.
Một nam mệnh: Giáp Dần/ Quý Dậu/ Canh Tý/ Tân Tị. Nhìn sơ qua thân cường Thực vượng mà sinh Tài, đại vận lại là Đông Bắc phương đất Tài vượng, hặn là đặc biệt sinh ra đại phát? Thế nhưng mệnh chủ sớm có tang cha, vì nghèo mà ở rễ nhà vợ. Trong vận Ất Hợi đi học khổ sở, cũng chỉ là được Tú tài. Sau này liên tục thi không đậu, cả nhà cũng nghèo chỉ còn có bốn bức tường. Tại sao đến đất Tài vượng lại không phát tài chứ? Nguyên nhân là do ở tháng 8 mộc khô, khó nhận sinh phù.

Chỗ Nhậm Thiết Tiều ghi chú trong《 Trích Thiên Tủy 》 một mệnh:
Canh Thìn/ Quý Mùi/ Ất Mùi/ Quý Mùi.
Ấn dựa Quan sinh cách. Mặc dù tháng 6 thủy khô, Quý thủy lại tọa ở trên Mùi thổ, nhưng vì tháng Mùi thủy tiến khí, thoái mà không thoái, lại thêm trong Mùi có Ất mộc chế thổ hộ thủy, cách thành mà cao, cho nên mệnh chủ ở trong vận Tây phương kim thủy năng lực làm quan bị ngăn cản, cảnh ngộ làm quan chỉ an hòa.

Thientam
09-04-14, 03:13
Chính văn:
Thời thượng Thiên Tài cách,
Can đầu kị Tỉ kiên,
Nguyệt sinh phùng chủ vượng,
Quý khí phúc lộc thâm.

Đại lục bình chú:
Gọi là "Thời thượng Thiên Tài cách" tức là cách cục có chi giờ là Thiên Tài. Cách này chỉ cần một vị Thiên Tài, nếu có ba vị là phá cách, cũng không nên có Kiếp Nhận đoạt Tài, hỉ có Quan tinh hộ Tài. Thi Quyết nói: "Thời thượng Thiên Tài mộ vị tốt, không gặp xung phá hưởng vinh hoa. Bại tài Kiếp Nhận không nên gặp, phú quý song toàn sánh Thạch gia." Thông thường trong mệnh thư đều nói, Chính Tài cùng Thiên tài, đều hỉ thân vượng mà kị Kiếp Nhận. Khác nhau là, Chính Tài không hỉ Quan tinh, mà Thiên Tài hỉ Quan tinh, cho nên có nói "Thân cường tài vượng đều là phúc, nếu mang Quan tinh càng quá tốt". Ở rất nhiều trong sách Tử Bình, chỉ có 《 Tử Bình Chân Thuyên 》không ghi chép cách này. Bởi vì cách này dành cho Tử Bình là "Bát tự dụng thần, chuyên cầu nguyệt lệnh" và "Phàm cách dĩ sát quan luận chi" ( Thông thường thì cách lấy Quan Sát mà luận) quy tắc thủ dụng lấy chống lại ngang ngược. Hơn nữa, vẫn còn chỗ tự mâu thuẫn lẫn nhau, dù cho đã nói "Nguyệt sinh phùng chủ vượng" (Chủ vượng gặp tháng sinh), lại nói "Bại tài kiếp nhận hoàn vô ngộ" (lại không gặp Bại Tài Kiếp Nhận), thử nghĩ nếu như bát tự, tuế vận đều không có Tỉ Kiếp, thân vượng lại từ đâu mà đến? Nếu như đem hai chữ "Nguyệt sinh" lý giải nguyệt lệnh là Ấn thụ, như vậy Thời thượng Thiên Tài lại không phải là "Tiên ấn hậu tài, phản thụ kỳ nhục" ( Trước Ấn sau Tài, trái lại là xỉ nhục) ư? Hoặc như nói Ấn tinh nhiều mà hỉ Tài, vậy không lại là khử Ấn tựu Tài cách ư? Có chăng cần phải lập Thời thượng Thiên Tài cách ? Nếu như Ấn tinh nắm lệnh, lại thấy Quan tinh, thì vừa phải luận Sát Ấn cách, vừa phải bỏ Sát Ấn mà luận Thời thượng Thiên Tài ư? Do vậy, Đại Lục thừa nhận như 《 Tử Bình Chân Thuyên 》 không lấy cách làm theo phương pháp này.
Mệnh Trương Hi Văn: Kỷ Dậu/ Bính Tý/ Nhâm Dần/ Ất Tị.
Chỗ này là con của tác giả《 Thần Phong Thông Khảo 》Trương Thần Phong. Đem bản thân mệnh tạo của anh ta thuộc Thời thượng Thiên Tài cách. Thân vượng, Tài không bị xung phá, can năm lại mang Quan tinh. Nhưng mà mệnh chủ "Phú quý song toàn" sao? Trái lại, thỏa đáng phú quý đều không đủ. Bản thân kể lại rằng: "Tôi là người học tập và rèn luyện chỗ tu hành vậy, cũng không liên quan tới thuật này, là nối tiếp chí nguyện của cha tôi, mà biên tập sách này". Bản thân anh ta phân tích mệnh nói: "Thông thường Nhâm thủy hỉ Tài Quan, sinh tháng Tý là thấy Nhận, nếu hành Tài Quan vận, là người tay trắng tự lập nghiệp hưng thịnh. Nhưng mà hai mộc hại Quan Sát, có hai kim ngăn cản, bát tự có Tị chứa thổ không nhiều, cho nên chủ không quý... Hành vận Quý cha mẹ gặp phải tai họa, vợ con gặp thay đổi... vào vận Dậu, hỏa thổ đều bại, nên không toại nguyện vậy". Nhìn, người đã qua trung niên không còn thấy tượng một điểm phú quý tích tụ, chỉ có làm nhà sư. Thực ra, mệnh này có hai mộc cũng không thể tổn thương Quan Sát, nguyên nhân chủ yếu không có phú quý là Nguyệt Kiếp dụng Thực sinh Tài, mà Tị hợp Dậu hóa Tài thành Ấn, Quan tinh hư phù vô căn, vừa phá Thực Thương sinh Tài cách, vừa không thành Quan Ấn cách, thuộc về hoàn toàn xa lạ cách bần mệnh.

《 Uyên Hải Tử Bình • Thời thượng Thiên Tài cách 》đưa ra mệnh Lý Tham Chính: Canh Dần/ Ất Dậu/ Giáp Tý/ Mậu Thìn. Nguyệt lệnh có Quan Sát, thiên can Sát có Kiếp hợp, địa chi Sát có Ấn hóa, vừa nhìn hiểu là Sát Ấn tương sinh là quý cách, tại sao có lý do cần lấy Thời thượng Thiên Tài luận cách chứ? Lại có lưu trong thư mệnh: Đinh Hợi/ Mậu Thân/ Nhâm Thân/ Bính Ngọ. Sở dĩ mệnh này quý là đúng sách, cũng không phải là Thời thượng Thiên Tài mang đến quý khí, mà là cấu thành Tài sinh Sát nhược cách và Khử Ấn tựu Tài cách. Thực ra, chỉ cần Nguyệt lệnh thành cách, Thời thượng Thiên Tài phá cách cũng một nhất dạng đại quý. Giống như ở trước mệnh của Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Quách Mạt Nhược: Nhâm Thìn/ Tân Hợi/ Nhâm Tý/ Bính Ngọ. Thời thượng Thiên Tài dĩ nhiên gặp Tý Nhận xung phá, can đầu lại có Tỉ kiên đại kị, trước hai bước đại vận lại là Nhâm Tý, Quý Sửu, Kiếp Nhận hoành hành, xem nói mệnh chủ lại không có qua một ngày tốt. Nhưng sự thực mệnh chủ ở trên sinh ở gia đình giàu có, qua thiếu niên cơm áo đều không có lo, cuộc sống vui sướng. Là tại sao chứ? Bởi vì mệnh họ Quách thuộc chuyên vượng cách, can tháng có Ấn, cho nên thiếu niên có hưởng phúc ấm cha mẹ, mà học nghiệp ưu tú.

Thientam
09-04-14, 03:14
Chính văn:
Vận hành thập tái số,
Thượng hạ ngũ niên phân,
Tiên khán lưu niên tuế,
Thứ tri vãng lai tuần.

( Số vận hành 10 năm,
Trên dưới phân 5 năm,
Trước xem Tuế lưu niên,
Sau hiểu tuần qua lại.)

Đại lục bình chú:
Mấy câu nói đó là bàn về tuế vận. Ở dưới tình huống thông thường, đại vận phân ra can chi mà luận, trên dưới phân ra 5 năm quản cát hung. Lưu niên Thái tuế thì coi cát hung một năm. Tiếp theo, còn phải hiểu đại vận thuận nghịch, là vì hướng Đông khử Tây, hay là vì hướng Tây đến Đông, cho nên nói "Vãng lai" . Một vận can chi cộng lại quản lý 10 năm, cho nên nói là "Tuần" . Nhưng thông thường thì sự việc đều có đặc thù, giống như có hai công nhân trực 2 ca, bạn trực ca ngày, tôi trực ca đêm, ở dưới tình huống thông thường tất cả đều phải trực ca, nếu gặp tình huống nđặc biệt, thí dụ như cấp trên đi kiểm tra hoặc gặp sự cố đột xuất …, thì rất có thể gặp điều động hoán đổi lẫn nhau trực ca hoặc cả hai người cùng trực một ca. Hơn nữa, đại vận là kéo dài nguyệt lệnh, là quản lý ngũ hành vượng suy, thí dụ như vận một tiến vào Ất Dậu, bát tự có mộc hỏa tức nhập vào tử địa, thủy đến bại địa, kim đến vượng địa, thổ đến bệnh địa. Không như chỗ này luận, thì trong vận Ất thì khó hiểu ngũ hành vượng suy của bát tự vậy. Cho nên, đem can chi đại vận phân ra trên dưới 5 năm mà luận, chủ yếu là chỉ ngũ hành sinh khắc, chế hóa, mà không phải ngũ hành vượng suy.
Mệnh Lâm Bưu: Đinh Mùi/ Tân Hợi/ Mậu Tý/ Canh Thân.
Tài hỉ Thực sinh mà phối Ấn. 9 tuổi đến vận. 59 tuổi vào vận Ất Tị, Quan tinh thấu rõ sinh Ấn tinh, lưu niên Bính Ngọ, Đinh Mùi, vượng Ấn chế Thương, mệnh chủ trở thành Phó Thống soái là một người lão luyện, quyền thế nghiêng triều vậy, uy danh đầy trời, dân chúng cả nước sáng sớm mỗi ngày đều phải cầu nguyện ông ấy cho hai vị lão nhân gia vạn thọ vô cương, thân thể tráng kiện. Lưu niên kế tiếp tuy là Mậu Thân, Kỷ Dậu, Canh Tuất, thổ kim tiết hỏa khắc mộc, chỉ vì mệnh vận mộc hỏa liên thủ kháng cự thổ kim, ở cách là không có tổn hại, mệnh chủ vẫn ngang nhiên uy phong vô hạn. Không còn hi vọng 64 tuổi một vòng gặp vận đến Tị hỏa, lưu niên lại vướt qua Tân Hợi, Ấn tinh thiếu căn gặp Hợi thủy xung khắc, đại phá cách cục, mệnh chủ chạy trốn không thành, đồng thời cùng vợ con mình đều chết.
Mệnh Hàn Phục Củ: Tân Mão/ Canh Dần/ Canh Ngọ/ Kỷ Mão.
Tòng Sát cách. 2 tuổi 11 tháng vào vận. Sau 23 tuổi vào vận Đinh Hợi, Quan tinh thấu rõ chế Kiếp, dần dần được gặp gỡ, đang lúc 10 năm từ Trung đội trưởng tới Sư trưởng. 33 tuổi vào vận Bính Tuất thăng chức Quân đoàn trưởng, Chủ tịch tỉnh Hồ Nam. Vận Tuất tam hợp Sát cục, nhậm chức Chủ tịch tỉnh Sơn Đông 8 năm. 43 tuổi vào vận Ất Dậu, vận Ất cách không có tổn hại, 45 tuổi năm Ất Hợi vẫn được thăng chức làm Thiếu tướng Lục Quân, ủy viên Ban chấp hành Trung ương. 46 tuổi năm Đinh Sửu, nói như ở trên là không tiến vào Dậu vận, nhưng chữ Thái tuế như Vua, có thể điều động tất cả mệnh cục, đại vận, là năm hợp động Dậu kim Dương Nhận, cùng Tài Sát xung khắc, phá mất Tòng Sát cách, mệnh chủ vì thất thủ Sơn Đông bị đưa lên Tòa án Quân sự, phán xử tử hình.

Thientam
09-04-14, 03:15
Chính văn:
Thời thượng nhất vị quý,
Tàng tại chi trung thị,
Nhật chủ yếu cương cường,
Danh lợi phương hữu khí.

Đại lục bình chú:
Gọi là "Thời thượng nhất vị quý cách", là chỉ cách cục bát tự chỉ có một vị Thất Sát ở địa chi trụ giờ. Quyết nói: "Thời thượng Thất Sát là Thiên Quan, thân cường có chế xem như mệnh tốt. Chế quá hỉ gặp vận Sát vượng, ba phương đắc địa phát khách khí. Gốc không có chế phục vận cần thấy, đủ không sợ nhiều Sát hình xung, nếu là thân suy hành Sát vận, xác định mệnh bần hàn." Ý tức là: Thời thượng có một vị Thất Sát, nếu có chế phục thì là mệnh tốt, nhưng không nên chế phục thái quá. Mệnh cục nếu như không có chế phục, thì cần hành vận chế Sát mới phát. Mệnh cục nếu như chế Sát thái quá, thì lhông có sợ đến vận Sát nhiều Sát vượng. Cách này tối kị thân nhược Sát nhiều, cho nên nói nhấn mạnh "Nhật chủ yếu cương cường, danh lợi phương hữu khí."
Nhưng mà, đoạn văn phía trước có nói "Hữu sát tiên luận sát, vô sát phương luận dụng" ( Có Sát thì luận Sát, không có Sát mới luận dụng), thì đã bao quát chi giờ ở bên trong đã có Sát, nếu như hiện tại lại đem Sát ở chi giờ thành lập một cách, như vậy ngoài ra vẫn có thể thành lập"Niên thượng nhất vị quý cách", "Nguyệt thượng nhất vị quý cách", "Nhật thượng nhất vị quý cách", nếu không, thì có là phép tắc thủ cách "Hữu sát tiên luận sát" không? Do vậy, chúng ta cũng có thể mang cách này "Thời thượng nhất vị quý cách" cùng với năm tháng ngày tất cả một vị quý cách đều nhập vào Sát cách, không có lý do chỉ có đem thành lập một cách.
Còn nữa, đoạn nói này còn có một điều sai lầm, chính là vừa Sát cần có chế, như vậy, thì là vấn đề mang Sát chế nặng chế nhẹ, cùng với thân cường, thân nhược không có trực tiếp quan hệ với nhau. Một câu nói "Nhật chủ yếu cương cường, danh lợi phương hữu khí" rất dễ dàng khiến cho kẻ hậu học sinh ra ngộ nhận, vì đã có thân cường thì mới có thể đảm nhận Sát. Thực ra, Sát nếu không có chế, thân lại cường cũng là mệnh phá cách. Chỉ cần Sát vượng có chế, tức là nhật chủ vô căn cũng là mệnh tốt. Tôi nói là không tin, mời xem ở dưới một vài ví dụ thực tế, thì hiểu chỗ tác giả nói là không sai.

Thientam
09-04-14, 03:16
Mệnh Hàn Hàn: Nhâm Tuất/ Kỷ Dậu/ Kỷ Dậu/ Đinh Mão.
Trong vận Hợi Tý thủy trở thành 80 nhân vật là hoàng hậu thay chồng thống lĩnh ba quân, được danh lợi lớn.
Mệnh Ngô Thiết Thành: Mậu Tý/ Ất Mão/ Kỷ Mão/ Ất Sửu.
Trong vận Canh Thân, Tân Dậu nhậm chức Chủ tịch tỉnh Quảng Đông, Phó viện trưởng Viện Hành chính.
Mệnh Giang Đăng Tuyển: Tân Tị/ Tân Sửu/ Mậu Thân/ Giáp Dần.
Tốt nghiệp trường Sĩ quan Nhật Bản. Vận Đinh Dậu, nhậm chức Tổng Tư lệnh Quân Đoàn.
Mệnh Tôn Hồng Y: Nhâm Thân/ Tân Hợi/ Mậu Thìn/ Giáp Dần.
Trong vận Giáp Dần, Ất Mão làm quan nhậm chức Tổng trưởng Giáo dục, Tổng trưởng Nội vụ.
Mệnh Đoan Mộc Chương: Canh Thìn/ Mậu Tý/ Kỷ Mão/ Ất Hợi.
Nhiều lần giữ chức vụ quan trọng trong Quân Giới, vận Quý Tị nhậm chức xa hơn, Huyện trưởng Thang Khê nhiều năm.
Mệnh Nghiêm Nột: Tân Mùi/ Kỷ Hợi/ Kỷ Sửu/ Ất Hợi.
Xuất thân Tiến sĩ. Kim vận làm quan tới Thượng thư Lại Bộ, vận Ất Mùi nhậm chức Tể tướng.
Mệnh Cát Thủ Lễ: Ất Sửu/ Kỷ Mão/ Mậu Thân/ Giáp Dần.
Xuất thân Tiến sĩ, trong vận thủy kim làm quan tới Thượng thư Lễ Bộ, Hình Bộ.
Mệnh Lý Quế Như: Canh Tý/ Mậu Tý/ Mậu Dần/ Giáp Dần.
Xuất thân Tiến sĩ, làm quan tới Thượng thư Lại Bộ.
Mệnh Lưu Thuận Chinh: Canh Tuất/ Ất Dậu/ Mậu Dần/ Giáp Dần.
Trong vận thủy trở thành Tiến sĩ, làm quan tới Lang trung Hình Bộ.
Mệnh Cố Hiến Thành: Canh Tuất/ Ất Dậu/ Mậu Thìn/ Giáp Dần.
Tý vận năm Kỷ Mão được tiến cử, năm sau Canh Thìn được Tiến sĩ. Làm quan tới Ngự sử Đô Sát.

(Hết)