PDA

View Full Version : Công cụ chống tham nhũng mới



vanhoai
30-12-09, 18:24
TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN
Thứ Bảy, 21/11/2009

Công cụ chống tham nhũng mới: Một cơ hội bị bỏ lỡ

- Tại Doha (Qatar) cuối tuần qua, cơ chế hành động của công ước chống tham nhũng (UNCAC) mới chính thức được các nước thông qua. Dù được ca ngợi là bước tiến mới, công cụ mới này vẫn bị chỉ trích là thiếu sức mạnh.

“Thanh gươm công lý vừa được mài sắc hơn” - Bộ trưởng tư pháp Qatar Ali al-Marri, người chủ trì hội nghị, vui mừng tuyên bố sau khi các nước phê chuẩn cơ chế giám sát mới đối với công ước UNCAC hôm 13-11. Thỏa thuận này chỉ đạt được sau hơn một tuần bàn thảo với sự tham dự của 1.000 đại biểu đến từ 125 quốc gia. Trước đó, một loạt hội nghị bàn thảo về cơ chế giám sát này đều thất bại trong suốt bốn năm qua.

Tính “lựa chọn” làm yếu thỏa thuận

Theo cơ chế mới, cứ định kỳ 4-5 năm, các đoàn thanh sát Liên Hiệp Quốc và phi chính phủ sẽ đến thanh sát quá trình chống tham nhũng tại các nước thành viên công ước. Các phái đoàn thanh sát sẽ được tiếp cận sổ sách kế toán của các nước để xác định tính minh bạch của hệ thống.

Antonio Maria Costa, người đứng đầu văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm, khẳng định “thỏa thuận mới không chấm dứt được tham nhũng, nhưng sẽ cho chúng ta cách thức đo mức độ và biện pháp đối phó với tham nhũng”. Theo ông Costa, “kể từ giờ trở đi, các quốc gia sẽ được đánh giá bằng hành động trong đối phó với tham nhũng, chứ không phải chỉ dựa vào lời hứa”.

Công ước chống tham nhũng UNCAC ra đời từ năm 2003, trong đó yêu cầu 143 quốc gia tham gia phải ngăn cản và hình sự hóa các tội phạm về tham nhũng, thúc đẩy hợp tác quốc tế, phục hồi các tài sản bị đánh cắp và thúc đẩy các trao đổi về hỗ trợ kỹ thuật, thông tin. Công ước đã có hiệu lực từ tháng 12-2005, nhưng cơ chế giám sát - được coi là nền tảng của công ước - mới chỉ được chấp thuận tại vòng đàm phán Doha vừa rồi.

Tuy vậy, chính cơ chế này cũng đang gây tranh cãi khi yêu cầu thanh sát này chỉ mang tính “lựa chọn” và các quốc gia có thể tự đánh giá phần trách nhiệm tài chính đó của mình.

Một số tổ chức phi chính phủ như Global Witness, Tearfund, Christian Aid trong thông cáo chung đã chỉ trích “Trung Quốc, Nga và Ai Cập là các nước đang làm suy yếu đề xuất mới”.

Các nước này cùng với Algeria, Pakistan, Zimbabwe đã phản đối yêu cầu thanh sát bắt buộc với lý do việc này có thể xâm phạm chủ quyền quốc gia. Theo các tổ chức thì “do sự phản đối mà các nước đã phải nhượng bộ một thỏa thuận yếu hơn mà không đảm bảo được tính minh bạch hay trách nhiệm”.

Ông George Boden của Global Witness cho rằng: “Cơ hội lớn để biến lời hứa thành hành động đã bị mất vì sự thiếu trách nhiệm của một số nhóm nước”. Liên minh châu Âu, Na Uy, Peru, Thụy Sĩ, Mexico và Chile lo ngại nếu các biện pháp này không được áp dụng bắt buộc thì công ước sẽ không có hiệu quả.

Về tính nghiêm trọng của vấn nạn, bà Laura Webster của Tearfund nói: “Tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các nước tiếp tục nghèo, nguồn thu chính phủ biến mất vào trong túi của quan tham, trong khi những người nghèo nhất bị từ chối cơ hội tiếp cận đối với y tế, giáo dục và cơ hội

Bản danh sách về chỉ số tham nhũng CPI 2009 do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố hôm 18-11 cho thấy New Zealand đã vượt Đan Mạch để trở thành nước ít tham nhũng nhất trong tổng số 180 nước và vùng lãnh thổ được điều tra. Các nước đứng sau New Zealand có Đan Mạch, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sĩ. Đứng thấp nhất là các nước Somalia, Afghanistan, Myanmar, Sudan và Iraq.

Có thể thấy phần lớn các nước có thứ hạng thấp là các nước nghèo và đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Đông Âu. Tại Nga (hạng 146), chương trình chống tham nhũng của nước này đã không giúp ngăn cản các hoạt động tham nhũng, hối lộ lên tới 300 tỉ USD/năm - theo Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Cần có ý chí chính trị thật sự

Nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng về tình trạng ngày càng có nhiều hối lộ để giành các hợp đồng kinh doanh tại các nước nghèo. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nói dòng tiền từ các hoạt động hối lộ, trốn thuế và từ các hoạt động phi pháp ước tính đạt tới 1.000 tỉ USD với một nửa trong số đó đến từ các nước thu nhập thấp và trung bình. Liên Hiệp Quốc cho rằng số tài sản công được rửa tiền lên tới 1.600 tỉ USD/năm.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) cho rằng nỗ lực chống tham nhũng ở nhiều nước thất bại vì các cơ chế xã hội yếu cùng tình trạng các thể chế chính trị thiếu năng lực. “Việc đổi mới chống tham nhũng chỉ thành công với ý chí chính trị thật sự” - tổ chức này nhận định.

Theo các tổ chức phi chính phủ, nếu không có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ, sẽ không có cách nào để buộc các quốc gia tuân thủ các biện pháp của UNCAC về chống tham nhũng. Các nhà hoạt động khác thì lo ngại các nước có thể viện cớ tham gia công ước để coi là bằng chứng đã có nỗ lực, trong lúc vẫn tiếp tục bòn rút tiền của dân.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Cache/Image/436/158436.jpg


VN xếp hạng 120/180

Trên bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng 2009 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, VN xếp hạng 120/180 (Malaysia hạng 56, Thái Lan hạng 84). Báo cáo năm nay tiếp tục nhắc rằng chống tham nhũng đòi hỏi các quốc hội có quyền kiểm soát mạnh mẽ hơn; bộ máy tư pháp hiệu quả hơn; các cơ quan kiểm toán và chống tham nhũng độc lập hơn và có kinh phí đủ dùng; luật pháp phải được thực thi dứt khoát hơn; báo chí và xã hội có tiếng nói mạnh mẽ hơn...

Những khuyến cáo này không phải là mới. Gần đây trước Quốc hội, bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Tham nhũng là loại tội phạm khó thu thập chứng cứ vì liên quan đến cơ quan nhà nước. Người phạm tội đều có chức vụ, có trình độ và luôn tìm cách thông đồng, đối phó với cơ quan chức năng. Khi thu thập chứng cứ hay khi khởi tố, cơ quan điều tra đều phải xin ý kiến của cơ quan quản lý cán bộ đó”. Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng cũng cho rằng “thu thập chứng cứ cực khó, nhất là trưng cầu giám định, lại có nhiều ý kiến khác nhau”.

Chống tham nhũng, cho dù mới chỉ ở giai đoạn điều tra mà vẫn còn vấp bảng “cấm vượt qua”; điều tra xong, truy tố trước pháp luật thì lại vướng nguy cơ “án treo”. Trong khi đó, các nước có dính dáng vài vụ hối lộ hay tình nghi hối lộ với ta, như Nhật (hạng 17) và Úc (hạng 8) đã làm tất cả các công đoạn điều tra, xét hỏi, truy tố, xét xử rất nhanh, cương quyết. Phải chăng đó chính là sự khác biệt?


DU LONG


THANH TUẤN
(tổng hợp)