PDA

View Full Version : Những vấn đề thường gặp khi cho bé đón tết ở xa



PALOMA
26-01-10, 18:08
Những ngày Tết là dịp cả nhà được đi xa cùng nhau, về quê ăn Tết với ông bà hay đi du xuân. Có lẽ háo hức nhất là những thiên thần nhỏ, nhưng khi đi thay đổi môi trường bé sẽ gặp một số vấn đề về sức khỏe, tâm lý mà cha mẹ cần chú ý.

Để chuyến du xuân của bé thật vui, cha mẹ cần chú ý giữ gìn sức khỏe cho trẻ.

Trẻ con vốn luôn thích được đi chơi và tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ, vì thế chuyến du xuân với cả gia đình sẽ là khoảng thời gian để trẻ được vui chơi , hơn nữa còn tiếp thu được thêm nhiều điều mới lạ. Nhiều gia đình sẽ đưa con về quên để cùng đón Tết với ông bà. Gia đình đoàn tụ trong những ngày này là điều tuyệt vời nhất, đây là dịp để tình cảm giữa ông bà và các cháu thêm gắn kết, trẻ cũng hiểu thêm về nguồn cội của mình và cả những phong tục truyền thống trong những ngày xuân.

Tuy nhiên, khi đưa trẻ đi xa, sự thay đổi cả trong cách thức sinh hoạt, lạ nhà và khí hậu thay đổi có thể khiến trẻ chưa thể thích nghi ngay. Các bậc phụ huynh nên chuẩn bị thật tốt cho bé, cả về tâm lý lẫn những vật dụng cần thiết cho chuyến đi xa đầu năm của bé.

Những vấn đề về sức khỏe

1. Chuyến về quê sẽ kém thú vị nếu bé chưa thích ứng được với môi trường hay khí hậu ở nơi cả gia đình đến. Nếu gia đình bạn đã quen sống ở nơi có khí hậu ấm nóng trong miền Nam, thì chuyến du xuân ra các tỉnh phía Bắc đất nước với nhiệt độ thấp sẽ dễ khiến cho bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh về đường hô hấp, da bị khô hoặc nứt nẻ vì tiết trời lạnh.

Khi trời lạnh, trẻ rất dễ bị cảm, nghẹt mũi, nếu không chú ý, từ những biểu hiện này có thể dẫn đến nhiễm trùng, lan đến phế quản, phổi. Trẻ nghẹt mũi vì chất tiết làm tắc, trẻ không hít thở bằng mũi sẽ phải thở bằng miệng. Khi thở bằng miệng, không khí trẻ hít vào không được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch nên nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao. Điều quan trọng nhất là cần giữ ấm cho trẻ thật tốt. Luôn mặc ấm cho trẻ, giữ ấm cổ, ngực, mặt bằng cách đeo khẩu trang, đội nón và quàng khăn. Nếu tiết trời quá lạnh thì không nên cho trẻ ra ngoài.

Thường trẻ con rất hiếu động, không thể bắt trẻ không được chạy nhảy hay chơi đùa, nhưng nên giữ trẻ chơi trong nhà để tránh gió và khí lạnh. Việc giữ ấm cần được chú ý nhiều vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối, phòng ngủ của trẻ cần được đóng kín cửa để tránh bị gió lùa. Nhiều gia đình sưởi ấm bằng lò than đốt, nhưng đây là loại chất đốt không tốt, khí CO2 thải ra trong phòng kín có thể gây nhiễm độc, chính vì thế không nên sưởi ấm phòng trẻ bằng cách này.

Nên chú ý để trẻ không bị cảm lạnh khi đi chơi Tết.

Trời lạnh nên việc đánh thức trẻ mỗi sáng cũng là “chướng ngại vật” với cha mẹ. Thường trẻ sẽ ườn oài không muốn ra khỏi chăn ấm, nếu cha mẹ đánh thức và bế bé ra khỏi giường ngay thì bé sẽ dễ bị nhiễm lạnh. Nên gọi con dậy từ từ và nhẹ nhàng, có thể hát một bài hát vui tươi thu hút sự chú ý của bé, xoa chân và tay của trẻ cho thật ấm rồi mặc áo quần ấm cho trẻ, sau đó mới bế trẻ ra khỏi giường.

2. Ngoài yếu tố môi trường, việc ăn uống của trẻ trong khi đi đến một nơi xa lạ cũng là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh đau đầu. Bảo đảm cho trẻ ăn no, đủ bữa là rất quan trọng, nhất là những lúc đi chơi trẻ thường có tâm lý ham chơi quên ăn, hoặc thức ăn ở nơi lạ không vừa ý trẻ.

Nếu gia đình về nhà ông bà hay họ hàng ăn Tết thì chế độ ăn uống của trẻ có thể đảm bảo cả về mặt dinh dưỡng lẫn vệ sinh, nhưng nếu gia đình đi du lịch,a rất có thể trẻ sẽ mắc bệnh bởi ăn thức ăn không hợp vệ sinh. Chính vì thế, việc chuẩn bị những vật dụng cá nhân dành riêng cho bé rất quan trọng như bình sữa, bình nước, khăn, thậm chí có những bé nhất định sẽ không ăn nếu không có tô, thìa của riêng mình. Cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết này để vừa đảm bảo vệ sinh lại vừa giúp bé cảm thấy không quá xa lạ khi thiếu những đồ dùng quen thuộc hàng ngày.

Nên chuẩn bị những loại thuốc thông thường như thuốc hạ sốt, men tiêu hóa, thuốc ho, băng cá nhân… để có thể dùng ngay khi cần đến. Cũng có trường hợp bé bị đi ngoài vì ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh, nếu trẻ gặp tình trạng đó cần chú ý chăm sóc thật cẩn thận. Quan trọng nhất là cần bổ sung nước cho trẻ để bù vào lượng nước đã mất. Nếu trường hợp trẻ có những dấu hiệu như miệng khô, luôn khát nước, khóc không thấy nước mắt, không muốn ăn và nôn ói, tiểu tiện ít thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở ý tế gần nhất để chữa trị.

Trong những ngày Tết, nhất là lại được về quê hoặc đi chơi xa nên nhiều bậc phụ huynh cho trẻ được thoải mái ăn vặt, bánh kẹo, mứt các loại. Đây cũng là nguyên do để đến bữa trẻ không chịu ăn, đương nhiên cũng không tránh khỏi khả năng trẻ bị đau bụng hoặc gặp vấn đề về đường tiêu hóa khi ăn uống nhiều bánh kẹo và nước ngọt. Cho trẻ thưởng thức bánh mứt ngày Tết nhưng nên hạn chế, cần cho trẻ ăn đúng bữa, với những món ăn đảm bảo dinh dưỡng để giữ gìn sức khỏe. Đi đến nơi lạ, nhiều khi thức ăn được chế biến không hợp với khẩu vị của trẻ, nếu có điều kiện, hãy nấu những món trẻ thích và theo đúng khẩu vị quen thuộc để trẻ không bỏ bữa.

3. Khi đến một nơi lạ, có một vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ có thể chưa chú ý lắm đó chính là việc trẻ dễ bị côn trùng cắn, đốt khi trẻ chạy nhảy vui chơi. Da trẻ vốn mỏng và nhạy cảm nên khi bị côn trùng cắn, đốt sẽ dễ sưng tấy. Với những gia đình về thăm quê, có thể điều kiện sinh hoạt ở quê chưa được đầy đủ nên cần chú ý đến việc tránh muỗi cho con. Với không gian ở quê rộng rãi, nhiều cây cối nên trẻ rất thích thú khi được chạy chơi, có thể trẻ sẽ bị côn trùng cắn, đốt. Nên mang theo thuốc hay kem chống muỗi để thoa cho bé, những loại thuốc làm dịu vết cắn của côn trùng cũng rất cần thiết. Nếu nơi gia đình đến là nơi có nhiều cây cối, bụi rậm thì khi trẻ ra ngoài chơi nên cho trẻ mặc áo tay dài, đi giày bốt để đề phòng rắn, rết hoặc côn trùng cắn.

Vấn đề về tâm lý
Đối với trẻ nhỏ, những gì quen thuộc đều được định nghĩa là an toàn, do đó trẻ có thể sẽ dễ hoảng sợ khi phải đến nơi xa lạ và tiếp xúc với nhiều người lạ. Để khắc phục nỗi sợ này, cha mẹ cần nhẹ nhàng giải thích, ở bên trẻ khi con cần mình và luôn thể hiện cho bé thấy bé luôn an toàn vì có ba mẹ gần bên.

Cho trẻ về thăm họ hàng, người lớn thường thể hiện sự mừng vui bằng cách ôm, hôn và hỏi han vồ vập trẻ khiến trẻ sợ. Nhiều bé không nói chuyện hay chẳng chịu đi chơi mà chỉ quấn bố mẹ. Gia đình sum vầy nên đông người là không tránh khỏi, người lớn trò chuyện với nhau mà đôi khi không chú ý đến trẻ vẫn còn đang rất lạ lẫm trước không gian xung quanh, điều đó cũng khiến cho trẻ không thoải mái và khó hòa nhập được cùng mọi người.

Trước khi cho trẻ về quê, cha mẹ nên trò chuyện, kể cho bé nghe về ông bà và họ hàng ở quê. Có thể cho bé xem hình của mọi người để bé cảm thấy những gương mặt ấy dần trở nên quen thuộc. Những lần chuyện trò với ông bà qua điện thoại cũng là cách để trẻ làm quen với ông bà. Khi về quê, có thể dặn người lớn nên từ tốn và tỏ ra bình thường khi chào đón trẻ. Thái độ vui vẻ, thoải mái và thân thiện của mọi người nhưng không quá vồ vập sẽ giúp cho trẻ không cảm thấy quá bỡ ngỡ. Nếu gia đình còn có nhiều đứa trẻ khác, chúng sẽ nhanh chóng bắt chuyện với nhau và trẻ sẽ hòa nhập với gia đình lớn nhanh hơn. Luôn chú ý đến cảm xúc của trẻ, nếu trẻ vẫn còn sợ, hãy trò chuyện với trẻ để giúp trẻ cảm thấy thoải mái và quên dần cảm giác xa lạ.

Những món đồ chơi thân thuộc của trẻ sẽ giúp bé cảm thấy có “đồng minh” khi phải ngay lập tức tiếp xúc với nhiều người, nhiều thứ xa lạ. Đừng quên con gấu bông, chiếc xe hơi hay cái khăn yêu thích của bé ở nhà. Đây chính là lúc những “người bạn không lời” thân thiết này phát huy tác dụng.

Nếu gia đình đi chơi du lịch, đến những nơi hoàn toàn xa lạ thì người lớn càng cần phải chú ý đến bé hơn. Luôn ở gần bé, chuyện trò hoặc cùng chơi trò chơi với con nếu bé quấy khóc. Vì bé không có ai thân quen ngoài bố mẹ khi đến một nơi xa lạ nên điều bé cần nhất chính là cảm giác yên tâm và được an toàn, vì thế có thể bé sẽ chẳng hào hứng với các trò chơi hay bạn mới. Tỏ ra khó chịu vì sự nhút nhát của con là thái độ ít tích cực nhất, nên nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu là bạn sẽ luôn ở gần bé.

Tuyệt đối không nên để trẻ đi một mình ở khu mua sắm, công viên vui chơi đông người để tránh bé có thể đi lạc. Cũng nên dạy con học thuộc những thông tin như tên bé, tên ba mẹ, địa chỉ nhà, những thông tin này rất có ích khi bé đi lạc.

Đảm bảo về sức khỏe và tâm lý thật tốt để cả nhà, nhất là những thiên thần nhỏ, để có một chuyến du xuân thật vui là điều cần thiết mà lại không quá khó để thực hiện. Với những bước chuẩn bị chu đáo, những ngày nghỉ Tết sắp đến sẽ là những ngày nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái và trên hết là tình cảm của những thành viên trong gia đình thêm gắn kết.



sưu tầm từ Internet