Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    kết quả từ 1 tới 4 trên 4
      1. #1
        Tham gia ngày
        Apr 2013
        Bài gửi
        243
        Cảm ơn
        156
        Được cảm ơn: 147 lần
        trong 84 bài viết

        Default Góc nhìn...mù màu. Quán cơm 2000đ

        Bài viết sau của nhóm Người Tôi Cưu Mang lập ra để nói về bài viết về quán cơm 2000đ của tác giả Nguyễn Quảng hiện sống tại Anh quốc.

        [IMG]http://huyenkhonglyso.com/attachment.php?attachmentid=1053&stc=1&d=137895479 4[/IMG]
        Một quán cơm 2.000 đồng tại Sài Gòn được khai trương năm 2009
        Tôi tôn trọng sự khác biệt trong góc nhìn, nhưng dù khác thế nào đi nữa cũng không vượt ra ngoài tính đúng đắn của hiện tượng cũng như những chuẩn mực của nhân loại.

        Với bài viết của tác giả Nguyễn Quảng, tôi cho rằng đó là góc nhìn kinh tế học… phát xít, vì nó gạt bỏ con người ra ngoài, nhường chỗ cho toan tính của lợi nhuận. Bởi kinh tế học, tôn giáo, khoa học… mọi thứ cũng chỉ để phục vụ con người sao cho ngày một hạnh phúc và tốt đẹp hơn mà thôi. (Dù đôi lúc người ta vẫn mượn cái vỏ bọc đó để làm điều ngược lại). Hành trang trên con tàu tìm đến hạnh phúc của loài người không thể thiếu sự nhân văn, tình người! Những quán cơm 2.000 đồng không thể là cần câu, cũng không thể là con cá, mà chỉ đơn giản là qua từng phần cơm nhỏ bé đó hy vọng rằng sẽ nuôi dưỡng được cái tình người giữa phố chợ đông đúc.
        Điều đáng trách nhất của tác giả Nguyễn Quảng là chưa hiểu gì về quán cơm mà đã… phán! Là một trong nhiều người đầu tiên đưa ra ý tưởng cũng như xây dựng quán cơm 2.000 đồng, tôi xin bày tỏ cùng tác giả mấy điều sau:
        Quán cơm 2.000 đồng là một hoạt động từ thiện không thuộc nhà nước, nó là một dạng NGO. Mô hình này đã có ở Sài Gòn trước 1975, những năm 2000 xuất hiện trở lại một vài quán, chỗ thì bán rẻ, chỗ thì cho không. Sau đó một số quán phải ngưng vì nhiều lý do khác nhau. Quán cơm 2.000 đồng đầu tiên ra đời năm 2008 tại Lữ Gia- Tp.HCM, do chị Mai Anh là một thành viên của nhóm Người Tôi Cưu Mang (NTCM) mở ra và quản lý. Ngày 5/9/2009, quán cơm thứ hai do chính nhóm NTCM tổ chức chính thức khai trương. Sau đó mô hình được nhóm nhân rộng tại Cần Thơ và Đà Lạt. Năm 2012, anh Nam Đồng và những người bạn mở thêm vài quán nữa trên địa bàn thành phố…
        Tại sao không cho không mà lại là 2.000 đồng? Ý nghĩa của 2.000 đồng là để người nghèo đến ăn không có cảm giác bị bố thí, bởi hơn ai hết chúng tôi hiểu người nghèo cũng có lòng tự trọng của họ. Với 2.000 đồng, chúng tôi luôn nhắc nhở những em sinh viên là tình nguyện viên tại quán hãy xem người nghèo đến ăn là khách hàng, hãy đối xử tử tế với họ.
        Duy trì quán cơm để giúp người nghèo có bữa ăn ngon đã khó, nhưng cái khó hơn là bỏ công ra để chuyện trò với họ, để giải tỏa nỗi niềm hay tập cho họ những thói quen văn minh còn khó hơn. Nếu như tác giả Nguyễn Quảng một lần đặt chân đến quán cơm tại địa chỉ 14/1 Ngô Quyền, F5, Q10 thì có lẽ ông đã nghĩ khác. Những mảnh đời khốn khó, tù tội, vô gia cư… đã quen với cuộc sống chụp giật nay bỗng dưng xếp hàng ngay ngắn, biết nhường trẻ nhỏ và người già khi đến quán ăn là một kỳ công của những bạn trẻ tình nguyện nơi đây.
        [IMG]http://huyenkhonglyso.com/attachment.php?attachmentid=1054&stc=1&d=137895488 5[/IMG]
        Ý nghĩa của 2.000 đồng là để người nghèo đến ăn không có cảm giác bị bố thí, bởi hơn ai hết chúng tôi hiểu người nghèo cũng có lòng tự trọng của họ.
        Đã có vài câu hỏi là liệu có những người khá giả đến quán ăn không? Xin thưa rằng có. Nhưng con số đó theo chúng tôi thống kê là không quá 5%. Họ là ai? Trong số đó có không ít là mạnh thường quân, họ đến ăn thử để xem quán phục vụ như thế nào rồi sau đó âm thầm hỗ trợ cho quán.
        Có một dạo, ở quán có một thực khách là bà cụ già, nhà ở tận Tân Bình, đều đặn đi xe ôm hết 30 ngàn đồng để đến ăn cơm. Cụ là người có tiền, nhưng con cái đi làm tối ngày, ăn cơm một mình buồn nên cụ đến ăn tại quán để có người trò chuyện. Liệu các bạn có đủ can đảm đuổi bà cụ ra khỏi quán hay không? Rồi chuyện một cô gái giang hồ, suốt ngày chỉ biết nói tiếng… Đan Mạch, nhưng sau 6 tháng ăn ở quán, bằng sự tôn trọng và yêu thương, những người phục vụ đã làm thay đổi hoàn toàn con người này. Cô không còn rượu chè, chửi bới mà biết khoanh tay chào người lớn mỗi khi gặp, sau những giờ đi làm cô lại ghé quán phụ giúp mọi người rửa chén, sơ chế đồ ăn.
        Cũng có những bác xe ôm, chị bán ve chai… sau vài lần ghé quán đã tình nguyện rút lui để nhường những phần cơm đó lại cho những người còn nghèo khó hơn mình. Đó là chị Huệ, 20 năm bán ve chai, học ít nhưng câu nói của chị không có mùi… kinh tế học phát xít: “Vô đây mình mới thấy còn nhiều người khổ hơn mình, thôi thì mình còn kiếm được, ra ngoài mua ăn, nhường phần cơm này lại cho người khác xem như là làm phước vậy!” Rồi một chị vô gia cư, là thực khách của quán khi còn bụng mang dạ chửa, nay chị vẫn đến quán cùng con với cảm giác như được về chính ngôi nhà của mình. Tạo cho người nghèo niềm tin vào tình người, được đối xử như những người thân trong những năm tháng xa xứ mưu sinh có thể nào là điều không nên? Tặng cho họ sự vui vẻ, niềm tin để tiếp tục vượt qua khó nhọc trong cuộc sống là con cá hay cần câu?
        Ai đến quán thường xuyên thì sẽ thấy thực khách mới xuất hiện thêm khoảng 25 -30% mỗi ngày, trong khi số suất ăn vẫn ổn định ở mức trên dưới 500 phần/một ngày. Vậy số cũ đi đâu? Phải chăng họ đã âm thầm rút lui để nhường cho người khác?
        Và tại sao quán cơm chỉ mở mỗi tuần 3 ngày, mỗi ngày chỉ một bữa trưa mà thôi? Với mặt bằng có sẵn, con người có sẵn, nhiều khi chúng tôi cũng đắn đo muốn mở cửa nguyên tuần khi chứng kiến những ông bà cụ ráng ăn thật nhiều vào bữa trưa để chiều khỏi tốn tiền mua cơm. Dù đau xót trước cảnh đó nhưng chúng tôi đã không làm, mà vận động người khác giúp đỡ những hoàn cảnh cụ thể đó. Nếu làm thì chúng tôi vẫn chọn cách mở thêm quán với mỗi tuần 3 bữa trên địa bàn khác với ý nghĩ mỗi nơi ươm một mầm thiện. Và thực lòng mà nói, ngay từ khi mở quán chúng tôi đã mong một ngày sớm nhất quán cơm không còn vai trò của nó nữa. Đó là khi những người khốn khó đã trở thành khách hàng của những nhà hàng sang trọng, khi cuộc đời của họ đã sang trang với tình thương và những nụ cười.
        Những người thực hiện như chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng: “Lợi nhuận” từ quán cơm mang lại là trên cả mong đợi! Đó là chuỗi giá trị mà hệ thống quán cơm 2.000 đồng đã mang lại cho xã hội này, giá trị không thể giải bằng bài toán kinh tế. Đó là thêm được nhiều nụ cười trên khuôn mặt của người nhận lẫn người cho. Đó là có một sân chơi cho những bạn trẻ tình nguyện để tương lai họ không bị giam hãm trong lòng vị kỷ. Dù rằng, để có “lợi nhuận” đó chúng tôi đã phải nhiều năm lặng lẽ bước đi trước nhiều “góc nhìn khác”, nhức mình trước những bài viết của một vài nhà báo… trẻ con! Nhưng chúng tôi vẫn làm, vì đơn giản chúng tôi có niềm tin vào lòng nhân ái.
        Quán cơm 2.000 đồng của nhóm NTCM mở ra không chỉ để làm no cái dạ dày. Mà nó là cơ hội để những người thực hiện nuôi dưỡng lòng nhân cho đời. Với người nghèo, chúng tôi không chỉ cho họ một bữa ăn mà quan trọng hơn là tặng họ một vài phút được đối đãi tử tế vốn là thứ xa xỉ đối với người yếu thế. Bởi chúng tôi tin rằng chỉ có sự tôn trọng, tình yêu thương thật sự mới gieo được hạt mầm yêu thương ở mảnh đất khô cằn trong những mảnh đời không may mắn.
        Còn với những người có khả năng lo một bữa cơm ngoài chợ nhưng vẫn đến ăn cơm 2.000 đồng, chúng tôi xem họ là đối tượng cần phải cưu mang về suy nghĩ chứ không phải áo cơm! Chúng tôi vẫn tiếp đón họ với một hy vọng rằng qua trò chuyện, qua sự tử tế, tôn trọng họ sẽ thay đổi để sống biết chia sẻ hơn.
        Điều nhẫn tâm nhất là tác giả nhìn ở góc độ kinh tế để rồi xem những người nghèo khó như thứ ung nhọt cần gạt ra và vứt đi trong xã hội này. Còn về những khía cạnh khác, đã có nhiều bài phân tích, thiết nghĩ tôi không cần phải nói thêm.
        Chỉ mong rằng, những quán cơm 2.000 đồng tiếp theo nếu ra đời vẫn giữ được những tiêu chí mà những người đầu tiên tạo dựng ra nó. Và cũng mong rằng, những người làm từ thiện ở Việt Nam hãy hợp sức lại để cùng nhau làm tốt hơn. Kiểu nhà nhà làm từ thiện, nhà nhà mở quán cơm là điều không nên…
        Kính thưa tác giả Nguyễn Quảng! Chúng tôi vẫn ấp ủ một ngày nào đó trên phần cơm 2.000 đồng cho người nghèo có đính thêm một bông hoa làm từ cà rốt hay cà chua, quán được trang trí đẹp hơn, lại thêm cả nhạc nữa. Và có thể, lại thêm một ly nước ép trái cây... Bởi chúng tôi nghĩ người nghèo cũng có đủ đầy quyền của một con người! Khi đó ông đừng nói chúng tôi lại cạnh tranh với nhà hàng 5 sao nhé!
        Trong thế giới muôn màu muôn vẻ của chúng ta, thân phận con người đang được rải đều trên một phổ rất rộng, nhiều kẻ may mắn giàu sang nhưng cũng lắm kẻ bần hàn. Có người vừa sinh ra đôi mắt đã chìm trong bóng tối, có người thất bại liên tiếp dù đã hết sức vươn lên, cũng có người lâm vào cảnh cơ hàn do bởi chính lỗi của họ… Nhưng dù gì đi nữa, một khi họ đang ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chúng tôi vẫn đi về phía họ.
        Càng đến gần chúng tôi càng thấy, dường như trong những bóng dáng khắc khổ ấy có hình ảnh của cha, mẹ, anh chị em và con cái chúng tôi. Càng đến gần chúng tôi càng nhận ra rằng để giúp đỡ họ, một nhóm nhỏ như chúng tôi là không thể làm nổi.
        Trang web Người Tôi Cưu Mang được lập ra là để quy tụ nhiều người cùng chung ý nghĩ giúp người. Quán cơm 2.000 đồng lập ra đã tập họp được những trái tim biết yêu thương và sẵn lòng chia sẻ, ai cũng muốn góp bàn tay nhỏ nhắn của mình để lan tỏa tình thương, lan tỏa lòng nhân ái.
        Bài viết của tác giả Nguyễn Quảng tất nhiên không thể lay chuyển quyết tâm của những người đang có niềm tin vào lòng tốt của con người, nhưng nó có thể gây hại cho những bạn còn đang phân vân giữa ngã ba đường, khi bước chân chưa dứt khoát tiến về phía của lòng vị tha. Một lực kéo nhỏ thôi cũng làm cho họ đi về phía vị kỷ. Vì thế, tôi nói bài viết này mô tả một góc nhìn của cá nhân và đó là một góc nhìn nguy hiểm.
        Và cuối cùng, bằng sự chân thành, tôi kính mời ông Nguyễn Quảng hãy một lần đến quán để chúng tôi được phục vụ.
        Bài viết copy nguyên bản từ trang ngoài nước.
        Hình Kèm Theo Hình Kèm Theo
        Không Nguyên.

      2. Có 8 Hội viên đã cảm ơn đến "Lê Điền" về bài viết có ích này:

        AnhNgoc (12-09-13),annhien (12-09-13),bmwcz1 (13-09-13),dongphuong (17-09-13),hoachithanh (12-09-13),suongbanmai (12-09-13),thulankl (19-09-13),vanhoai (12-09-13)

      3. #2
        Tham gia ngày
        Mar 2012
        Bài gửi
        639
        Cảm ơn
        446
        Được cảm ơn: 618 lần
        trong 350 bài viết

        Default Cảm động quán cơm trưa 2.000đ/suất giúp người nghèo

        GiadinhNet - Ở quán cơm xã hội này, người lao động nghèo ăn trưa gồm 3 món canh, xào, mặn cộng với cơm “bao bụng” ăn no thì thôi, thêm 1 trái chuối tráng miệng, nước đá lạnh và sự trân trọng nhiệt tình của người phục vụ, giá chỉ 2.000đ/suất.
        Đó là quán cơm xã hội Nụ cười 3 ở số 298A đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TPHCM (gần khu chế xuất Tân Thuận). Sáng nay (11/5), quán cơm chính thức khai trương phục vụ người lao động nghèo. Quán cơm Nụ cười 3 phục vụ 3 ngày/tuần vào thứ 3-5-7, từ 11h15 đến 12h45.

        [IMG]http://giadinh.vcmedia.vn/KApfKb46Gy4WbeEsMUj1GzBBXx3wB1/Image/2013/05/7-a2aac.jpg[/IMG]
        Nụ cười 3 phục vụ mọi đối tượng nghèo.

        Tại buổi khai trương quán, Giáo sư Trần Văn Khê đã hết lòng ngợi khen những người thành lập và các Mạnh thường quân, những người đã dùng trái tim nhân ái để tạo ra bữa ăn vừa ngon vừa lành giúp người lao động nghèo.

        Để khích lệ quán cơm Nụ cười 3, đồng thời bày tỏ tấm lòng của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã mời bà con lao động nghèo 320 suất cơm nhân dịp khai trương quán. Vị giáo sư không chỉ nổi tiếng về nghiên cứu âm nhạc mà còn nổi tiếng về nghiên cứu ẩm thực cũng dùng cơm với bà con lao động nghèo.

        Quán cơm xã hội Nụ cười 3 được hình thành bởi một nhóm thân hữu do nhà báo Trần Trọng Thức đại diện với sự hỗ trợ mặt bằng rộng hơn 1.000m2 của ngân hàng Eximbank. “Bước đầu hoạt động nên chúng tôi chỉ mới sửa chữa khu vực rộng hơn 200m2 làm quán cơm” - nhà báo Trần Trọng Thức cho biết.

        Ký giả lâu năm ở đất Sài Gòn, nay đảm đương vai trò chủ nhiệm quán Nụ cười 3, cũng nói thêm rằng sở dĩ chọn mặt bằng nơi đây thành lập quán vì khu vực này có nhiều người lao động nghèo nhập cư, bao gồm công nhân, phụ hồ, bán vé số, mua ve chai, honda ôm… cần được giúp đỡ.

        “Khách đến đây dùng cơm chỉ cần mua phiếu 2.000đ là được phục vụ chu đáo. Sở dĩ chúng tôi bán 2.000đ/suất là nhằm đảm bảo tư cách khách hàng của bà con lao động nghèo đến đây dùng cơm, và quán cơm phải đối xử đúng mực nhằm tôn trọng tư cách khách hàng của bà con” - chủ nhiệm quán cơm Nụ cười 3 lý giải.

        Bà Mỹ Liên, người từng đảm nhiệm vai trò giám đốc nhà hàng một khu lịch lớn ở TPHCM, nay nghỉ hưu cũng tham gia sáng lập và điều hành quán cơm Nụ cười 3, nói rằng một suất cơm trị giá 14.000đ (không tính tiền công bởi đa số người tham gia trên tinh thần thiện nguyện). Với mỗi suất cơm bán đi, Nụ cười 3 bù lỗ 12.000đ.

        “Bữa ăn nào cũng đảm bảo đủ 3 món canh, xào, mặn. Ví như hôm nay là gà kho xả (mỗi suất 3 miếng thịt gà), canh cải chua nấu với tôm khô thịt bằm và củ sắn xào”-cựu giám đốc nhà hàng cho biết chi tiết.

        Chưa đến 11h15 thì bà con lao động nghèo đã đến rất đông. Chị Thảo, một phụ nữ cùng mẹ chồng bôn ba từ Bình Định vào TPHCM mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu, nói trong khi chờ đến giờ cơm rằng chị và những người cùng cảnh vô cùng phấn khởi.

        “Ăn no 3 buổi trưa trong tuần chỉ tốn 6.000đ thì không thích sao được. Hôm thứ 5 vừa rồi đến đây ăn, người ta đối xử với mình chu đáo, tế nhị lắm. Ăn ở ngoài 15.000đ/dĩa cơm mà người ta còn không vui vẻ với mình bằng ở đây”-chị Thảo cười tươi cho biết.
        Anh Thái, một người bị tật ở chân ở Phú Yên vào TPHCM kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo, nói rằng anh được ăn no là tốt lắm rồi: “Chỉ với 2.000đ mà ăn no được là quý rồi, huống chi phần ăn ở đây đầy đủ ngoài sức tưởng tượng. Phải chi họ bán suốt tuần thì hay cho người lao động nghèo như tui quá”.

        Nụ cười 3 đã “bán thử” 2 buổi trước khi khai trương chính thức hôm nay. Buổi đầu tiên bán thử thu hút 120 bà con lao động nghèo, buổi thứ 2 con số này tăng lên gấp đôi. Vì vậy buổi khai trương hôm nay dự trù 320 suất phục vụ bà con. Mỗi buổi bán quán cơm Nụ cười 3 phải huy động 20-30 nhân viên là những người thích làm việc thiện nguyện.
        Huỳnh Thiện Nhân, một thanh niên đang kinh doanh tại gia đình ở TPHCM, người đã huy động 17 bạn bè và người thân thông qua facebook đến phục vụ quán vào ngày khai trương, nói rằng đã có 15 người cam kết đến phục vụ quán thiện nguyện vào mỗi thứ 7. Sức trẻ và lòng nhiệt thành của những người như Huỳnh Thiện Nhân đã góp một phần vào sự thành công của Nụ cười 3.

        [IMG]http://giadinh.vcmedia.vn/KApfKb46Gy4WbeEsMUj1GzBBXx3wB1/Image/2013/05/1-a2aac.jpg[/IMG]

        Giáo sư Trần Văn Khê dùng cơm tại Nụ cười 3 nhằm động viên, khích lệ các thành viên sáng lập quán.
        [IMG]http://giadinh.vcmedia.vn/KApfKb46Gy4WbeEsMUj1GzBBXx3wB1/Image/2013/05/2-a2aac.jpg[/IMG]

        Chị Thảo rất phấn khởi khi biết một địa chỉ thiết thực hỗ trợ người lao động nghèo.
        [IMG]http://giadinh.vcmedia.vn/KApfKb46Gy4WbeEsMUj1GzBBXx3wB1/Image/2013/05/3-a2aac.jpg[/IMG]

        Bà con chờ đến giờ cơm rất đông trong ngày khai trương.
        [IMG]http://giadinh.vcmedia.vn/KApfKb46Gy4WbeEsMUj1GzBBXx3wB1/Image/2013/05/4-a2aac.jpg[/IMG]

        Anh Thái nói nếu quán phục vụ suốt tuần thì hay quá.
        [IMG]http://giadinh.vcmedia.vn/KApfKb46Gy4WbeEsMUj1GzBBXx3wB1/Image/2013/05/5-a2aac.jpg[/IMG]

        Bà con lao động nghèo được phục vụ tận tình với giá 2.000đ/suất cơm.
        [IMG]http://giadinh.vcmedia.vn/KApfKb46Gy4WbeEsMUj1GzBBXx3wB1/Image/2013/05/6-a2aac.jpg[/IMG]

        Bữa cơm ngon và lành như Giáo sư Khê nói, khiến người lao động nghèo không chỉ ấm lòng mà còn no bụng.

        Mô hình quán cơm xã hội Nụ cười đã có 2 quán trước đó do nhà báo Nam Đồng điều hành. Trong đó, Nụ cười 1 tại Q. Tân Phú qua 7 tháng hoạt động đã nâng số suất cơm phục vụ bà con lao động nghèo đến 500 suất/ngày và phục vụ 6 ngày/tuần.
        “Lập quán không khó mà duy trì quán mới là chuyện khó. Chúng tôi chỉ hy vọng nhanh chóng vận động thêm nhiều Mạnh thường quân chung tay hỗ trợ để Nụ cười 3 không chỉ duy trì hoạt động dài hơi mà còn sớm gia tăng số suất cơm phục vụ, gia tăng số ngày phục vụ trong tuần, để bà con lao động nghèo có bữa trưa thường nhật, ấm lòng no bụng để lo việc mưu sinh” - nhà báo Trần Trọng Thức chia sẻ.


        Mạnh thường quân quan tâm đến đời sống bà con lao động nghèo có thể đến dùng bữa cơm tại Nụ cười 3 để tự nhận xét mô hình quán cơm xã hội này. Nụ cười 3 có dành riêng phòng dùng cơm có tên gọi Hảo tâm nhằm mục đích kêu gọi sự đóng góp của mạnh thường quân khi đến đây. Quý vị Mạnh thường quân cũng có thể liên hệ số điện thoại của Nụ cười 3 (08-6273-4353) để gặp gỡ chủ nhiệm Trần Trọng Thức và các thành viên.

        Đỗ Bá

      4. Có 3 Hội viên đã cảm ơn đến "hoachithanh" về bài viết có ích này:

        dongphuong (17-09-13),huyruan (13-09-13),Lê Điền (13-09-13)

      5. #3
        Tham gia ngày
        Mar 2012
        Bài gửi
        639
        Cảm ơn
        446
        Được cảm ơn: 618 lần
        trong 350 bài viết

        Default Quán cơm 2000đ của các thành viên website: nguoitoicuumang.com

        Đây là quán cơm 2000đ đã được khai trương năm 2008. Không biết hiện nay quán này có còn hoạt động hay không. Nhân đọc được bài này tôi xin đưa lên đây để các bác có thể thấy hoạt động từ thiện trong xã hội có muôn màu muôn vẻ. Ai muốn tìm hiểu hãy search google với từ khóa "quán cơm 2000" sẽ có nhiều giải đáp.

        Cứ vào độ 10 giờ trưa là hàng trăm người dân sinh viên nghèo có mặt tại quán cơm 14/1 Ngô Quyền, phường 5, quận 10, TP. HCM để được xếp hàng mua phiếu cơm giá rẻ. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng khi về đây họ cảm nhận được chút ám áp của tình người tình đời khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

        Ý tưởng giúp người nghèo từ một bài báo

        Anh Hoàng Mạnh Hải là người đầu tiên khởi xướng diễn đàn nguoitoicuumang.com với mục đích kêu goi cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ người nghèo, người khó khăn mưu sinh tại TP.HCM. Ban đầu anh đọc bài báo kể về chuyện một cô gái trẻ phải thay cha mẹ nuôi ba người anh trai điên dại. Cha mẹ cô mất vì những vết thương chiến tranh để lại cho cô mấy sào ruộng, và ba anh trai điên dại, cô phải thực hiện nhiều vai trò khác nhau như vừa làm ruộng, khi rảnh đi làm phụ hồ kiếm thêm tiền trang trải thuốc men viện phí cho các anh, khi lại vào viện chăm sóc các anh mình khi trái gió trở trời.

        [IMG]http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/huebt/2011/T11/tuan2/xh/nguoiduatin-101.JPG[/IMG]
        Toàn cảnh buổi ăn

        Thông cảm với những người có hoàn cảnh thương tâm quanh mình, nhiều cư dân mạng đã tự nguyện đóng góp tiền của công sức để lập nên quán cơm 2000 đồng, với mục đích giúp đỡ những người vô gia cư, người khó khăn, sinh viên học sinh nghèo có một phần ăn trưa có giá 2000 đồng.

        Anh Nguyễn Hồng Ánh, người trực tiếp quản lý bếp ăn và là một trong mười thành viên ban quản trị quán ăn cho biết: "Nói lấy 2000 đồng là nhằm động viên tinh thần người nghèo là chính, an ủi họ để họ không cảm thấy mắc nợ ai, họ sẽ vui vẻ hơn khi tới quán ăn chứ thực ra một phần cơm của quán chúng tôi bình quân chi phí một phần ít nhất cũng 12 ngàn đồng rồi. Hồi đầu chúng tôi cũng lo lắm, vì nguồn vốn sẽ rất lớn trong khi người đóng góp lại có hạn, không ổn định. Nhưng điều kỳ diệu nhất là mọi người biết chia sẻ, họ vạch ra kế hoạch rõ ràng, đóng tiền từng tháng như là một việc cần thiết của họ".

        "Hiện ban quản trị có khoảng 10 thành viên chuyên môn phục vụ cho quán, còn những mạnh thường quân khác họ yêu cầu không cho biết tên vì mục đích của hpj là giúp người chú không thích phô trương bản thân. Mỗi ngày quán nấu khoảng 500 phần cơm, những hôm hết có khi lại phải nấu thêm, hoặc gấp quá chạy đi mua thêm", anh Ánh cho biết.

        Theo tìm hiểu của chúng tôi, quán cơm 2000 đồng được mở năm 2008 vớ giá 2000 đồng phục vụ đông đảo bà con nghèo không phân biệt giàu nghèo, già trẻ hay gái trai, bất cứ ai khó khăn là có thể đến xếp hàng mua phiếu ăn. Thức ăn được vệ sinh sạch sẽ, các khâu chế biến được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên thực khách an tâm khi bước chân tới quán. Ngoài phần ăn chính như một món mặn cá, thịt, hoặc trứng còn có canh, rau. Bên cạnh đó còn có thêm phần trái cây tráng miệng là rau câu, thanh long, hoặc chuối thực khách được phục vụ chu đáo như thượng đế. Thường ngày mọi người xếp hàng để mua vé rất trật tự văn minh chứ không xảy ra chen lấn làm ảnh hưởng mọi người.

        [IMG]http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/huebt/2011/T11/tuan2/xh/nguoiduatin-102.JPG[/IMG]
        Một bà già mua vé cơm

        Theo anh Nguyễn Hồng Ánh, người trực tiếp quản lý quán cơm cho biết: "Khi quán cơm mới mở nhiều người không tin, cứ nghĩ đó chỉ là tin đồn nhảm chứ thời buổi này làm gì có cơm 2000 đồng, ai hâm tới mức đó mà chịu lỗ khi kinh doanh, nên họ đã giả vờ người nghèo đến ăn thử. Họ đi xe hơi hẳn hoi nhưng gửi cách đó một đoạn, đi bộ tới, tất nhiên là họ ăn mặc giản dị theo kiểu dân nghèo đến vẫn xếp hàng mua vé rồi ngồi ăn như ai đàng hoàng. Đến ăn cơm xong, mấy hôm sau đăng ký trở thành mạnh thường quân đóng góp cho quán cơm. Điều bất ngờ là họ đóng hàng tháng như một việc làm tự nguyện và trở thành một trong những thành viên quan trọng cho ban tổ chức".

        Tấp nập cả kẻ nghèo lẫn người giàu

        Quán cơm là nơi hội tụ của nhiều thành phần khác nhau, cũng không ai xác minh là người này nghèo hay khó khăn như như thế nào, mà , cũng không ai bắt buộc phải thế này thế kia mới được mua vé, ngược lại rất thoải mái tự do tự nguyện. Em Nguyễn Văn Tân, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Sài Gòn là khách thường xuyên của quán, cho biết: "Nhà em thuộc diện nghèo, bố mẹ lại làm nông, gia đình có ba anh em đang đi học, em cũng phải vất vả lắm mới học được, ngày em đi học, tối thì đi làm thêm ở quán ăn để có tiền đóng học phí. Từ ngày nghe tin quán cơm 2000 đồng mở em tranh thủ đến đây ăn để dành tiền mua thêm tài liệu phục vụ chuyện học tập”.

        [IMG]http://xmedia.nguoiduatin.vn/public/data/images/huebt/2011/T11/tuan2/xh/nguoiduatin-10.JPG[/IMG]
        Phía bên ngoài quán

        Nguyễn Văn Út, 40 tuổi, quê Hậu Giang nhưng lên Sài Gòn làm nghề phụ hồ kiếm sống, vừa ăn vừa kể: "Nhà tôi dưới quê không có nghề nghiệp gì, lại nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học, tôi phải tìm lên thành phố làm nghề phụ hồ kiếm sống, ngày cũng được 100 ngàn đồng, lại phải chi phí tiền thuê nhà trọ tiền điện tiền nước sống sao nổi ở thành phố, phải tằn tiện để còn có chút ít gửi về cho con đi học. Do đó tôi cứ tranh thủ đạp xe bên Tân Bình qua đây ăn cơm 2000 đồng để đỡ phần nào chi phí. Tôi cũng không ngờ thời buổi này lại có những quán cơm rẻ tiền giúp những người nghèo khổ như chúng tôi".

        Hay như em Huỳnh Thanh Tý, 11 tuổi, mẹ làm nghề gom ve chai, cha phụ hồ, cứ đến trưa thứ 3, 5, 7 là cả nhà lại tìm về quán cơm 2000 đồng để bớt đi chi phí đắt đỏ của cuộc sống thành thị xa hoa, chị Tuyết, mẹ Tý cho biết thêm: "Đây là quán cơm lý tưởng cho những người nghèo như chúng tôi, giúp chúng tôi vượt qua những tháng gian khó khi mới chân ướt chân ráo lên thành phố kiếm sống, nhà tận Hậu Giang nhưng vì vỡ nợ phải bán hết gia sản lên đây mưu sanh qua ngày.

        Không những người đến ăn mới có hoàn cảnh, mà ngay cả những người đến giúp phục vụ cũng gặp vấn đề khó khăn về tinh thần, như em Huỳnh Văn Mẫn cha mẹ chia tay, em phải ở với bà ngoại, sống thiếu thốn tình cảm, học hết lớp sáu bỏ nhà đi lang thang, nhưng khi tới đây, em phục vụ ở khu vực bếp, làm rất vui vẻ, em nhận ra được cuộc sống này có nhiều người còn khổ hơn mình nhiều nhưng vẫn cố sống tốt.

        Đến với quán cơm, Mẫn nhận ra nhiều bài học cho cuộc sống, vài tuần nữa là em sẽ theo ba sang định cư ở Mỹ tiếp tục con đường học hành của mình, quán lại mất đi một tay phụ bếp giỏi nữa. Hầu hết các bạn sinh viên nghèo tìm về tình nguyện tại quán rất đông, có em hoàn cảnh quá nên ban quản trị sắp xếp giờ làm trả lương phụ cấp thêm để các em đi học, Nguyễn Văn Hùng là sinh viên năm ba Đại học Mở TP.HCM từng làm thời gian dài tại quán, trách việc đi chợ rất giỏi, đồng thời em cũng có một khoản thu nhập phụ giúp cho việc học hành.

        Điều đáng ngạc nhiên hơn khi quán cơm thành lập với mục đích cưu mang người nghèo nhưng lại không ít kẻ đủ đầy lại cố giành đất, cụ Tôn Ngọc Bích, năm nay 88 tuổi, có con cái đầy đủ, cuộc sống sung túc ở Bình Tân nhưng con trai cụ lại nỡ nói với mẹ: "Mẹ nằm làm gì suốt ngày, dậy mà đi ăn cơm 2000 đồng kìa, không hết đó, đi không tôi chở đi”, bà Bích thuật lại lời con trai.

        Bà còn hào hứng kể: "Con tôi cũng ông này ông kia chứ bộ, ở nhà ăn uống có người hầu hạ nhưng tôi không thích, tôi ở riêng rồi, đi ăn ở đây tôi thấy ngon hơn, nhiều hôm tôi sợ trễ nên quyết định đón taxi đi cho lẹ, hồi đầu tôi đi ngoài đường nghe chị bán trái cây chỉ có quán cơm 2000 đồng, tôi nghĩ, ủa chứ thời buổi này sao có cơm giá đó chứ, chắc cơm không quá, nhưng tôi thử vào ăn, thấy ngon nên cứ đến ăn đây thường xuyên”. Không chỉ riêng bà Bích, theo phản ánh của một số người dân sống xung quanh thì họ cũng bắt gặp khá nhiều người đi xe tay ga, gửi ở đằng xa rồi đến quán để tận dụng bữa cơm 2000 đồng.

        Trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Nguyễn Hồng ánh cho biết: "Chúng tôi không đề cập tiêu chuẩn này nọ để được vào ăn, hầu hết khách đến chỉ là những người nghèo, họ đến ăn những lúc khó khăn, còn khi họ vượt qua giai đoạn gian khổ họ nhường lại cho người khác, và thường thì khi họ quay lại họ thường góp một túi gạo hay mấy chục ngàn, có người nhiều hơn. Mục đích của quán chúng tôi là muốn làm lan tỏa những tấm lòng nhân ái giữa người với người để người nghèo còn tin tưởng rằng trên đời này vẫn còn nhiều người tốt vẫn có nhiều niềm vui”.

        Lành Nguyễn

      6. #4
        Tham gia ngày
        Mar 2012
        Bài gửi
        639
        Cảm ơn
        446
        Được cảm ơn: 618 lần
        trong 350 bài viết

        Default Chuyện “đỡ lắm” ở quán cơm Nụ Cười

        Bài này được đăng vào ngày 22/10/2012 trên Dân trí. Không biết bây giờ quán này còn hoạt động hông...Mong sao tất cả các quán này vẫn còn hoạt động...

        11h, quán cơm xã hội Nụ Cười (6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) mới bắt đầu bán phiếu. Nhưng mới hơn 10h, tôi thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi, gầy gò, áo quần bạc thếch, đứng trước cửa quán.

        [IMG]http://dantri4.vcmedia.vn/I3KdHJtU0B3ELPKGaTLe/Image/2012/10/quannucuoi-2bef2.jpg[/IMG]

        Khách đến ăn tại quán cơm xã hội Nụ Cười - Ảnh: T.ĐẠM

        Ông im lặng chăm chú đọc những tấm bảng treo trước quán: “Cơm trưa 2.000 đồng - vào cửa tự do”; thực đơn: “Gà kho gừng - Xào chua ngọt - Canh cải thịt bằm - một miếng đu đủ - Cơm canh không hạn chế - Trà đá miễn phí - Giữ xe miễn phí”.

        Thấy ông đứng ngoài nắng, một cô tình nguyện viên vội bước ra mời ông vào. Ông cứ chần chừ rồi rụt rè hỏi: “Thiệt không cháu, hai ngàn?...”. Cô tình nguyện viên cười: “Dạ, thiệt mà, bác chịu khó vào ngồi đợi tí. 11h bác đến quầy này mua cái phiếu rồi vào lấy cơm...”.

        Nụ cười của khách hàng

        Có lẽ không riêng gì người đàn ông ấy, nhiều người mới đến quán lần đầu đều hỏi như vậy. Rồi khi đã mua cái phiếu 2.000 đồng và bưng khay cơm có nhiều ngăn đựng đầy đủ những món ghi trong thực đơn cùng muỗng, nĩa bọc trong miếng giấy lau trắng toát, đến ngồi ở chiếc bàn sạch sẽ... thì không hỏi nữa mà ai cũng nói: “Đỡ lắm...”.

        Như ông Nguyễn Văn Dương, 65 tuổi, đang bị bệnh gan cũng phải ráng đi làm bảo vệ ở Bệnh viện Da liễu, vừa ăn miếng đu đủ tráng miệng vừa nói: “Hôm khai trương, tôi qua thấy bữa cơm có hai ngàn mà ghi “sạch, no, ngon, thân thiện”, cứ ngờ ngờ, nhưng ăn rồi mới thấy y như vậy. Có cái quán này đỡ lắm...”. Đỡ làm sao? Ông chứng minh cụ thể: “Thường tôi ăn bữa hết 19.000 đồng, ăn ở đây dư ra được 17.000, tuần ba bữa, gom lại, bù vào tiền khám bệnh, khỏi ngửa tay xin thêm con cái...”.

        “Đỡ lắm” là hai từ tôi nghe nhiều nhất ở quán. Tôi gặp nhiều người trong số 250 khách của quán hôm ấy (mỗi buổi quán bán 250 suất, vào các trưa thứ hai, tư, sáu), hầu hết ai cũng nói đi nói lại hai từ ấy. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, cái “đỡ lắm” của người này khác với cái “đỡ lắm” của người kia, nhưng tất cả đều giống nhau là bữa cơm ở quán đều giúp họ giảm nhẹ phần nào những khó khăn, nhọc nhằn, lo toan mà họ luôn phải mang vác trên đường đời.

        Với cháu Hùng, 13 tuổi, ở Tuy Hòa, đi bán vé số, thì ngoài chuyện “ăn được miếng thịt gà kho sả ngon quá chú ơi”, cái “đỡ lắm” của cháu là “dư ra thêm được mấy chục ngàn gửi về phụ mẹ nuôi em”. Vì cha cháu mất rồi, mẹ ở quê nhà phải nuôi ba đứa em của cháu mà chỉ dựa vào gánh rau cải tròng trành…

        Ngồi chung bàn với mấy em học sinh là một người đàn ông mặc chiếc áo kaki đầy những vết bẩn, tóc loe hoe khô cháy, đi lượm ve chai. Ông tên Hùng, ở Bình Dương. Khi tôi dò hỏi một ngày lượm bán được bao nhiêu, ông không trả lời, cứ từ từ bỏ chiếc muỗng xuống, đưa tay moi vào túi quần và móc ra một mảnh giấy nhàu nát: “Không giấu gì chú, đây, lượm cả chiều với đêm hôm qua đây...”. Thì ra đó là mảnh giấy của một vựa ve chai ghi: “Mủ 3.800 - bình 1ký 8 21.500 - lon 20c 7.600 - cộng 32.900”.

        Với số tiền ít ỏi đó, hằng ngày ông phải tìm về tận khu Vườn Chuối để ăn đĩa cơm “nhiều cơm, ít đồ ăn” và trả 12.000 đồng. Giờ đây, với ông, ăn bữa cơm 2.000 đồng “no, ngon, sạch...” tất nhiên đỡ lắm. Biết vậy, nhưng điều tôi không ngờ là nhờ những bữa cơm của quán Nụ Cười mà trong tuần qua ông... tắm được vài lần. “Có dư đồng tiền mới tắm được, mỗi lần tắm mất 5.000 đồng chớ có ít đâu...”.

        Tất nhiên, đến với quán cũng có những khách khá đặc biệt, như một anh nọ, ăn xong đứng dậy cứ gật gật đầu, hỏi quán bán đến mấy giờ rồi đi. Một đỗi sau, bất ngờ anh chở đến hai bao gạo, bỏ xuống rồi đi, không chịu nói tên nói tuổi. Một anh khác mặc quần lửng áo thun, ăn xong hỏi quán có bao nhiêu người phục vụ, không biết để làm gì, té ra anh đi mua 20 ly sữa đậu nành đem lại quán: “Cho mấy em phục vụ uống, thấy em nào cũng tận tình, thương quá...”.

        Như bốn em học sinh lớp 6, lớp 7 ăn xong chưa chịu về, cứ ngồi xầm xì với nhau, rồi một em đến quầy mua một cái phiếu nữa. Một anh tình nguyện viên ân cần hỏi: “Em ăn chưa no à? Sao không lấy cơm thêm?”. Em rụt rè đáp: “Dạ không, no lắm rồi ạ. Cho cháu mua phiếu nhưng không lấy phần ăn nữa, cháu xin góp cho quán ấy mà”.

        Nụ cười tình nguyện viên

        Trong sổ tay tình nguyện viên của quán ghi rất rõ: “Quán cơm xã hội Nụ Cười luôn chào đón những tình nguyện viên mới. Các bạn sẽ được phân công theo nhóm, và dù có thực hiện nhiệm vụ gì thì tình nguyện viên chúng ta phải thật sự hòa nhã, vui vẻ...”. Tình nguyện viên được chia làm bảy nhóm: nhóm P (bán phiếu), nhóm R (rửa khay cơm), nhóm B (bếp)...

        Mới hoạt động được năm ngày mà nhóm nào cũng thừa người. Nhiều bạn trẻ đến, quán đành phải hẹn hôm sau. Sáng sớm đến quán, xuống bếp tôi thấy ai cũng cặm cụi làm việc như trong một nhà hàng chuyên nghiệp: hai cô gái rửa rau, hai cô xắt thịt, một cô đang đun chiếc xoong to, hai cô khác tỉ mỉ lau những chiếc khay...

        Hầu hết các cô đều là sinh viên, nhân viên ở các công ty, trừ cô đang đun chiếc xoong to làm món gà kho gừng. Đó là cô Thường, bán hột vịt lộn - cháo lòng ở lề đường Hồ Xuân Hương, đối diện với quán. 12h cô mới bắt đầu bán. Bán đến tối, dọn hàng xong là mẹ con cô lại tất tả chạy qua quán làm thịt, cá, ướp sẵn đâu vào đó rồi mới về, và sáng sớm cô lại đến nấu, kho...

        9h, quán còn vắng, bỗng một chiếc ôtô màu đen bóng loáng dừng ngay trước quán. Một người ăn mặc tươm tất bước xuống, xăm xăm đi vào và không nói không rằng, anh kéo những chiếc bàn kê lại cho ngay ngắn rồi rút chiếc khăn lau bàn ghế. Hỏi ra mới biết anh là Hùng, tài xế của một công ty viễn thông. Sáng anh đưa giám đốc đến cơ quan và đánh xe về đây làm tình nguyện viên, trưa lại đến đón vị giám đốc. Anh thuộc nhóm T (trật tự), nhưng khi chưa có khách anh làm đủ việc: lau bàn ghế, chuẩn bị bình nước đá, xếp ly... Khách đến, anh đứng ngoài nắng đón khách, hướng dẫn để xe. Có khách đi xe lăn đến, anh nhanh nhẩu bế khách vào tận bàn, móc tiền mua chiếc vé và nhờ người vào lấy cơm cho khách...

        Một nội dung ghi trong sổ tay tình nguyện viên đã toát lên rất rõ ở nơi này: “Hòa nhã, vui vẻ”. Tôi thấy thêm: sự trân trọng và lòng yêu thương. Chính điều đó đã làm an lòng những người khách bước vào quán, nhất là những người khách đang rơi vào cảnh khốn khó, đói nghèo nhất trong cuộc đời này, như anh Hùng lượm ve chai đã ứa nước mắt nói: “Từ trước tới giờ mình có được ai mời chào gì đâu...”.
        Link: http://dantri.com.vn/xa-hoi/chuyen-d...uoi-654134.htm
        thay đổi nội dung bởi: hoachithanh, 16-09-13 lúc 16:28

      7. Danh sách Hội Viên đã cảm ơn "hoachithanh" về bài viết có ích này:

        thulankl (19-09-13)

      Đề tài tương tự

      1. Nhờ ACE xem giúp sim dưới góc độ Dịch Lý
        By baoq_tran in forum Tư Vấn Dịch số
        Trả lời: 26
        Bài mới: 04-03-17, 14:17
      2. Trả lời: 0
        Bài mới: 13-05-12, 21:52
      3. Ông già Noel dưới góc nhìn Dịch Lý
        By luanxaquyen in forum Dịch số
        Trả lời: 2
        Bài mới: 26-12-11, 00:37

      Tags for this Thread

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •