Bài 3: HẠN TAM TAI CÓ NÊN TRÁNH HAY KHÔNG?

Hễ gặp nạn tam tai thì thường gặp chuyện chẳng may. Bởi vậy khi khởi sự một việc trọng đại như cất nhà, mở mang việc mới… người ta thường phải tránh. Cách nhận biết hạn tam tai như sau:
- Tuổi Thân Tý Thìn gặp tam tai ở các năm Dần Mẹo Thìn.
- Tuổi Dần Ngọ Tuất gặp tam tai ở các năm Thân Dậu Tuất.
- Tuổi Tỵ Dậu Sửu gặp tam tai ở các năm Hợi Tý Sửu.
- Tuổi Hợi Mẹo Mùi gặp tam tai ở các năm Tỵ Ngọ Mùi.
Thực chất của tam tai là gì? Là 3 chữ Bệnh Tử Mộ của vòng Tràng Sinh. Ý nghĩa của 3 chữ này nói nôm na là giai đoạn già yếu sinh bệnh tật, chết chóc và chôn dưới mộ, có hàm ý xấu. Tùy theo tam hợp cục của 3 tuổi trong 12 địa chi thuộc cục nào thì sẽ có cung khởi Tràng Sinh. Cụ thể như sau:
- Tuổi Thân Tý Thìn hợp thành Thủy cục khởi Tràng Sinh tại Thân
- Tuổi Dần Ngọ Tuất hôp thành Hỏa cục khởi Tràng Sinh tại Dần
- Tuổi Tỵ Dậu Sửu hợp thành Kim cục khởi Tràng Sinh tại Tỵ
- Tuổi Hợi Mẹo Mùi hợp thành Mộc cục khởi Tràng Sinh tại Hợi
Sau khi xác định vị trí khởi Tràng Sinh rồi theo chiều thuận kim đồng hồ mà tính tiếp Mộc Dục, Quan Đới, Lâm Quan, Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng. Mỗi cụm từ theo mỗi địa chi từ Tý đến Hợi, ta sẽ thấy các chữ Bệnh, Tử, Mộ sẽ rơi đúng vào các năm đã liệt kê: Dần Mẹo Thìn, Thân Dậu Tuất, Hợi Tý Sửu, Tỵ Ngọ Mùi theo thứ tự từng tam hợp cục nêu trên.
Có người giải thích rằng bản chất của tam tai chính là do sự làm tiết khí của ngũ hành trong tam hợp cục, nghĩa là:
- Thân Tý Thìn hợp thành Thủy cục, tam tai ở năm Dần Mẹo Thìn chính là tam hội ở phương Đông thuộc Mộc, lúc này Mộc vượng làm tiết khí của Thủy cục.
- Tương tự Hợi Mẹo Mùi hợp thành Mộc cục, tam tai ở năm Tỵ Ngọ Mùi là tam hội ở phương Nam thuộc Hỏa. Hỏa vượng làm tiết khí của Mộc cục
- Tương tự Tỵ Dậu Sửu hợp thành Kim cục, tam tai ở năm Hợi Tý Sửu là tam hội ở phương Bắc thuộc Thủy. Thủy vượng làm tiết khí của Kim cục.
Đến đây tác giả (người đưa ra lý giải này) không tiếp tục giải thích trường hợp thứ tư là tuổi Dần Ngọ Tuất hợp thành Hỏa cục tam tai ở năm Thân Dậu Tuất tam hội ở phương Tây thuộc hành Kim. Thử hỏi Kim có làm tiết khí của Hỏa cục được hay không? Nếu trả lời rằng “không” thì tất nhiên sự ý giải này trở thành gượng ép, không đáng lưu tâm.
Theo ý nghĩa của chữ Bệnh, Tử, Mộ và lối giải thích trên ta thấy nó rất mơ hồ và gượng ép, không thấy có một lý lẽ nào dựa vào Dịch để chứng minh cho nên ta không cần tránh Tam Tai. Thế nhưng thay đổi cái tập quán, quan điểm của mỗi người không phải chuyện dễ dàng, ai sợ nó thì tránh, không sợ thì không tránh, chẳng ai bắt buộc .
Nhân tiện nói về vòng Tràng Sinh tôi thuyết minh thêm yếu tố “Tam Sát”. Tam Sát là gì? Là 3 chữ Tuyệt, Thai, Dưỡng của vòng Tràng Sinh. Theo “Vĩnh Cát thông thư” nói rằng Tuyệt là Kiếp Sát, Thai là Tai Sát, Dưỡng là Tuế Sát. Nếu phạm thì sẽ gây tổn hại về người và của khá nghiêm trọng. Khi làm nhà cần phải tránh. Kỵ tọa, không kỵ hướng. Kỵ động thổ hoặc tu tạo ở nơi ấy. Cách tính tam sát tổng quát như sau:
- Năm tháng ngày giờ Thân Tý Thìn tam sát tại ba phương Tỵ Ngọ Mùi ở phía Nam thuộc quẻ Ly.
- Năm tháng ngày giờ Dần Ngọ Tuất tam sát tại ba phương Hợi Tý Sửu ở phía Bắc thuộc quẻ Khảm.
- Năm tháng ngày giờ Tỵ Dậu Sửu tam sát tại ba phương Dần Mẹo Thìn ở phía Đông thuộc quẻ Chấn.
- Năm tháng ngày giờ Hợi Mẹo Mùi tam sát tại ba phương Thân Dậu Tuất ở phía Tây thuộc quẻ Đoài.
Thực chất của tam sát là gì? Là quẻ phản ngâm,là sự xung đột khí quẻ với nhau như Khảm - Ly, Ly – Khảm,Chấn-Đoài, Đoài- Chấn. Ta cần phải tránh. Diễn giải cụ thể là :
- Thân Tý Thìn thuộc Thủy cục là quẻ Khảm, tam sát tại Tỵ Ngọ Mùi thuộc quẻ Ly Hỏa tức thị xung khắc nhau.
- Dần Ngọ Tuất thuộc Hỏa cục là quẻ Ly, tam sát tại Hợi Tý Sửu thuộc quẻ Khảm Thủy tức thị xung khắc nhau.
- Tỵ Dậu Sửu thuộc Kim cục là quẻ Đoài, tam sát tại Dần Mẹo Thìn thuộc quẻ Chấn Mộc, tức thị xung khắc nhau.
- Hợi Mẹo Mùi thuộc Mộc cục là quẻ Chấn, tam sát tại Thân Dậu Tuất thuộc quẻ Đoài Kim, tức thị xung khắc nhau.
(Độc giả có thể tham cứu thêm trong sách Thẩm Thị Huyền Không học sẽ rõ ).