Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    kết quả từ 1 tới 10 trên 52

      Threaded View

      1. #11
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        B. Cái Động của Đạo


        Trời đất vạn vật do Đạo mà ra, nhưng rồi đều trở về với Đạo.

        Chương 40 ông nói: “Phản giả đạo chi Động” 反者道之動 (Trở lại là cái động của Đạo). Đó là con đường đi về. Còn con đường đi ra thì “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bảo Dương. Xung khí dĩ vi hòa” 道生一, 一生二, 二生三, 三生萬物. 萬物負 而抱陽, 沖氣以為和 (25) (Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa nhau).

        Nhất đây, là cái thể duy nhất của Đạo. Nhị, là trỏ vào hai khí âm dương, tức là hai nguyên lý mâu thuẫn nhau, nhưng bổ túc nhau đồng có ở trong mỗi vật, và vì thế mới có nói “trong vạn vật không vật nào không cõng âm và bồng dương”. Giữa sự xô xát, xung đột nhau của hai nguyên lý mâu thuẫn ấy, lại có Một cái nắm giềng mối và làm cho nó phải sống chung và dung hòa với nhau mà không thủ tiêu nhau, cái đó là nguyên lý thứ ba; cái mà Lão Tử gọi là cái Dụng của Đạo. “Xung khí dĩ vi hòa” (沖氣以為和). Tức là cái nguyên lý làm cho cái khí xung đột giữa hai nguyên lý mâu thuẫn kia điều hòa với nhau. Đến khi được cái số Ba đó, thì vạn vật mới thành hình, nên mới gọi là “Tam, sinh vạn vật” (三, 生萬物).

        Như vậy, ta thấy rằng Lão Tử có thể đã căn cứ vào Dịch học: “Thái cực sinh lưỡng nghi” để lập thành cái học “Nhất sinh Nhị” của ông. Nhưng ông chỉ mượn cái Đạo “đi ra” của Dịch, vì Dịch chủ trương Âm Dương để diễn tả cái Đạo biến đổi mà thôi. Lão Tử nhân đó, bàn về cái đạo “trở về” (phản phục), nghĩa là ông vượt cái học nhị nguyên của Dịch để chủ trương cái Đạo “quy Chân phản Phác” 歸真反樸. Theo Lão Tử, vạn vật đều động chuyển theo hai khuynh hướng nghịch nhau: Đi Ra, rồi Trở Về. Chương 16 ông nói: “Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn...” 萬物並作, 吾以觀復. 夫物芸芸, 各復歸其根… (Vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc; ôi, mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó). Mà trở về cội rễ, tức là trở về gốc Tịnh của nó (tức là trở về với Vô Vi): “Quy căn viết Tịnh, thị vị viết Phục Mạng, Phục Mạng viết Thường” 歸根曰靜, 是謂復命. 復命曰常. “Trở về cội rễ, gọi là Tịnh, ấy gọi là Phục Mạng. Mà Phục Mạng gọi là Thường”. Thường 常 tức là Đạo 道 vậy.

        Nhân quan niệm về chữ “Thường”, tức là một cái gì bất di bất dịch nắm cả giềng mối Vạn Vật Vũ Trụ, nên Lão Tử mới nghĩ đến một cái gì như là một thứ Định Mạng trong sắc giới: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất” 天網恢恢, 疏而不失(26) . Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà chẳng lọt. “Lưới trời”, tức là cái luật tự nhiên mà không vật nào trong Vũ Trụ thoát khỏi. “Thiên Đạo vô thân” 天道無親 Đạo trời không thân ai cả (Chương 79).

        Trong tất cả các luật của Tạo Hóa, thì cái luật lớn nhất và quan trọng nhất là luật “Phản Phục” 反復: hễ: “Vật cùng tắc phản”, “Vật cực tắc biến”...

        Chương 25 nói: “Thệ viết viễn, viễn viết phản” (逝曰遠, 遠曰反). Nghĩa là mỗi vật, khi mà đi đến cực độ thì phải biến; mà biến, thì lại biến trở về cái đối đích của nó. Phải biến Quấy, Nên biến Hư, Sống biến Chết, Lạnh biến Nóng, Vinh biến Nhục, Thiện biến Ác... hoặc trái ngược lại.

        Đó là một cái luật “Thường” 常, bất di bất dịch của Tạo Hóa: Cái gì lên cao, thì xuống thấp. Cho nên “hòng muốn thu rút, là sắp mở rộng đó ra, hòng muốn làm yếu đó, là sắp làm đó mạnh lên, hòng muốn vứt bỏ đó, là sắp làm hưng khởi đó, hòng muốn cướp đoạt đó, là sắp ban thêm cho đó. Ấy là ánh sáng huyền vi, mềm yếu thắng cứng mạnh” 將欲歙之, 必固張之. 將欲弱之. 必固強之. 將欲廢之, 必固興之. 將欲奪之, 必固與之. 是謂微明. 柔弱勝剛強 (Tương dục hấp chi, tất cố trương chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi. Tương dục phế chi, tất cố hưng chi. Tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi. Thị vị vi minh, nhu nhược thắng cương cường) (chương 36).

        Tóm lại, những câu như: “Ít thì lại được, nhiều thì lại mê” 少則得, 多則惑 (thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc) (Chương 22); “Gió lốc không thổi suốt một buổi mai. Mưa dào, không mưa suốt một ngày trường..” 飄風不終朝, 驟雨不終日 (Phiêu phong bất chung triêu. sậu vũ bất chung nhật) (Chương 23); “Cái rất mềm của thiên hạ, thắng cái rất cứng trong thiên hạ” 天下之至柔馳騁天下之至堅 (Thiên hạ chi chí nhu, trì sính thiên hạ chi chí kiên). (Chương 43); “Bớt là thêm, thêm là bớt” 損之而益, 益之而損 (Tổn chi nhi ích, ích chi nhi tổn) (chương 42)… đều là do cái luật Phản Phục 反復 mà ra cả! Nhưng đối với người thường, thì lại thấy rất là trái ngược, mâu thuẫn! Bởi vậy, ở chương 41, Lão Tử mới nói: “Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi” 下士聞道大笑之. Kẻ sĩ bậc thấp mà nghe nói đến Đạo, sẽ cả cười mà bỏ qua!

        Tuy vậy, nếu bảo rằng “vật cực tắc phản” thì chữ cực 極 đây phải hiểu như thế nào? Đâu là chỗ cùng cực của mỗi vật? Không thấy Lão Tử bày giải chỗ nào cả. Không nói ra, có lẽ là vì Lão Tử hiểu rằng mọi vật, vật nào cũng có cái cùng tận của nó, không có một mực độ cùng tận nào có thể làm mực độ chung cho vạn sự vạn vật trong đời. Cho nên ông mới nói: “Tri túc chi túc thường túc hĩ” 知足之足常足矣 (27). Biết đủ trong cái đủ, thì luôn luôn đủ. Cái gọi là đủ, không thể giống nhau đối với mọi người. Có khi cái mà người này thấy đủ, lại không đủ với người kia: hoàn cảnh, địa vị, sức khỏe, lớn nhỏ, thời buổi... đều khác nhau, không sao đưa ra một số lượng nào gọi là số lượng mẫu và đầy đủ cho cho tất cả mọi người mọi vật. Cái đủ của người mạnh không giống với cái đủ của người yếu. Cái vừa đủ đối với người khỏe, không còn là cái vừa đủ nữa đối với người đau, và ngay đối với chính bản thân của mình cũng vậy, cái mà hôm nay cho là đủ, ngày mai sẽ là thiếu không chừng! Lấy ngay trong việc ăn uống cũng đủ thấy rõ: cái mà ta thường gọi là món ăn vừa đủ cũng phải tùy... tùy tuổi tác, tùy sức khỏe, tùy chất bổ nhiều ít của món ăn, không sao nhất luật đặng.

        Đó là những cái mà Lão Tử gọi là “Thường” 常, nghĩa là bất biến, và luôn luôn đúng với tất cả vạn vật. Cho nên người sáng suốt phải là người thông suốt những cái luật ấy mà tuân theo: “Tri thường viết minh” 知常曰明 (Kẻ nào biết những luật “Thường” ấy là người sáng suốt).

        Và trái lại, kẻ nào không biết đến nó, sẽ bị tai họa suốt đời: “Bất tri thường, vọng tác hung” 不知常, 妄作凶. Không biết Đạo “thường” ấy, là gây hung họa (cho mình). Cho nên ai mà được Đạo “thường” ấy, suốt đời không nguy: “một thân bất đãi” 没身不殆(Chương 16).

        -----------------------
        (23) Chương 21. (Goldfish).
        (24) Đạo sinh đó, Đức nuôi đó, cấp dưỡng đó, nuôi nấng đó, đùm bọc đó, bồi sức đó, dưỡng nuôi đó, che chỡ đó. [Chương 51. (Goldfish)].
        (25) Chương 42. (Goldfish).
        (26) Chương 73. (Goldfish).
        (27) Chương 46. (Goldfish).
        thay đổi nội dung bởi: annhien, 30-06-14 lúc 18:08
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      Đề tài tương tự

      1. Niên nguyệt nhật thời phi tinh & Thần Sát
        By vanhoai in forum Phong Thủy I
        Trả lời: 40
        Bài mới: 23-10-23, 16:33
      2. Trả lời: 27
        Bài mới: 18-09-16, 04:06
      3. Lưu nguyệt phi tinh
        By minhtienql in forum Tư vấn phong thủy
        Trả lời: 2
        Bài mới: 03-03-12, 16:05
      4. niên nguyệt phi tinh
        By vanhoai in forum Tư vấn phong thủy
        Trả lời: 14
        Bài mới: 26-03-10, 15:02
      5. cái cười của thánh nhân(NGUYỂN DUY CẦN)
        By vanti67 in forum Nghệ Thuật - Triết Lý
        Trả lời: 11
        Bài mới: 10-10-09, 00:16

      Tags for this Thread

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •