Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    Trang 3/6 đầuđầu 12345 ... cuốicuối
    kết quả từ 21 tới 30 trên 52
      1. #21
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        ĐỨC


        A. Đức (德)

        Như trên đã nói, chỗ mà Lão Tử gọi bằng danh từ Đạo, bao giờ cũng dùng với hai nghĩa: cái Đạo của bản thể và cái Đạo của nhân sự. Chữ Đức 德 cũng vậy, vẫn dùng với hai nghĩa: cái Đức của Đạo, và cái Đức của cái không phải Đạo, tức là cái Đức của sự đã mất Đạo, như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín...

        “Đại Đạo phế, hữu Nhân Nghĩa” (大道廢, 有仁義) (Ch.18) (Đạo lớn mất, mới có sanh Nhân, Nghĩa). Ông lại nói: “Thất đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ...Phù Lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ...”失道而後德, 失德而後仁, 失仁而後義, 失義而後禮... 夫禮者, 忠信之薄, 而亂之首(Ch.38) (Mất đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có Nhân, mất Nhân rồi mới có Nghĩa, mất Nghĩa rồi mới có Lễ... Lễ chỉ là cái vỏ mỏng che ngoài của lòng Trung Tín và là cái đầu mối của hỗn loạn...). Lão Tử sở dĩ trọng Đạo Đức mà khinh Nhân, Nghĩa, Lễ... là khinh cái Đức của sự đã mất Đạo. Mất đạo rồi mới có Đức, chữ Đức này là “nhân sự chi đức” (人事之德) chứ không phải là cái Đức của Đạo (本體之德)(55) . Cũng như trong câu “thượng đức bất đức” (上德不德) thì chữ “thượng đức” là ám chỉ cái Đức của Đạo, còn chữ “bất đức” (不德) ám chỉ cái Đức của nhân sự, cái Đức của sự “mất Đạo Đức”.

        Đức, thuộc về cái Đức của bản thể (本體之德) là để dùng ám chỉ cái Động hữu hình của Đạo, bắt nguồn nơi Đạo, tức là cái nguyên lý tối cao tối đại và tuyệt đối, nguồn gốc của vạn vật, luôn luôn “thường tồn bất biến”. Cái Đức của nó sanh ra Vạn Vật Trời Đất. Trong những câu mà ông dùng đến chữ “thượng” như trên đây đã nói: “Thượng đức bất đức”... hoặc “bất tranh chi đạo, nhược xưng thượng đức”; “kỳ đạo nãi chân… thị vị bất tranh chi Đức” (Ch.68) v.v…, đó là ông dùng chữ Đức của Đạo, cái Đức của vua “Vô Vi”, của “bất ngôn chi giáo”, của “bất tranh nhi thiện thắng”, tức là cái Đức theo Đạo Trời, theo Đại Đạo, cái Đức của “Bản thể”, duy cái nghĩa thì tùy chỗ dùng mà có sâu cạn khác nhau thôi. Còn như khi ông bảo: “dĩ đức báo oán”, thì đức đây là chỉ về “nhân sự chi đạo” gần với những đức Nhân, Nghĩa thông thường (xem các chương 21, 23, 28, 38, 41, 54, 59, 60, 63, 68). Dù sao chữ Đức của Lão Tử dùng cũng nặng về siêu hình hơn.
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      2. #22
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        . Huyền Đức (玄德)

        Chương thứ 10 có câu: “Sanh chi súc chi, sanh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị Huyền Đức” 生之畜之, 生而不有, 為而不恃, 長而不宰, 是謂玄德 (Ch.10) (Sanh đó nuôi đó, sanh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, làm việc lớn mà không làm chủ, đó gọi là Huyền Đức). Chương 51 cũng có bàn đến hai chữ Huyền Đức:

        Huyền Đức là cái đức Huyền của Đạo: Đạo thì không phân thiện ác, thị phi, vinh nhục, nên đặt tên là Huyền nghĩa là hỗn độn, đen tối, sâu kín, hòa lẫn một màu, không thể phân biệt giữa cái vô và cái hữu, cái nội và cái ngoại, cái tịnh và cái động, cái Vô danh và cái Hữu danh: “Đồng vị chi Huyền” (同謂之玄)
        Chữ Đức 德 ở trên đây đều chỉ về cái Đạo bản thể (本體之道). Qua chƣơng 65, thì chữ Huyền Đức lại dùng để chỉ sự phải bắt chước theo cái Đạo bản thể để mà trị nước(法本體之道以治國者也) (56) tức là bàn về cái Dụng của Huyền đức
        -------------
        (56) Pháp bản thể chi đạo dĩ trị quốc giả dã. (Goldfish).
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      3. #23
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default




        A. Vô tuyệt đối


        Cũng cần phân biệt hai nghĩa khác nhau khi Lão Tử dùng đến chữ Vô (là không). Có một
        cái Vô tuyệt đối và một cái Vô tương đối, hay đối đãi.

        Chương 14 có câu:
        “Thị chi bất kiến, danh viết Di. Thính chi bất văn, danh viết Hi. Bác chi bất đắc, danh viết Vi. Thử tam giả bất khả trí cật, cố hỗn nhi vi Nhất. Kỳ thượng bất kiểu, kỳ hạ bất muội, thằng thằng bất khả danh, phục quy ư vô vật. Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng, thị vị hốt hoảng. Nghinh chi bất kiến kỳ thủ, tùy chi bất kiến kỳ hậu” (視之不見名曰夷; 聽之不聞名曰希; 搏之不得名曰微. 此三者不可致詰, 故混而為一.其上不皦, 其下不昧, 繩繩不可名, 復歸於無物. 是謂無狀之狀, 無物之象, 是謂惚恍. 迎之不見其首, 隨之不見其後) Xem mà không thấy nên gọi là Di. Lóng mà không nghe, nên gọi là Hi. Bắt mà không nắm được, nên gọi là Vi. Ba cái ấy không thể phân ra được, vì nó hỗn hợp làm Một. Trên nó không sáng, dưới nó không tối, dài dằng dặc mà không có tên, rồi lại trở về chỗ không có. Ấy gọi là cái hình trạng không hình trạng. Cái hình trạng của cái không có vật. Ấy gọi là hốt hoảng, đón nó thì không thấy đ ầu, theo nó thì không thấy đuôi (Ch.14) Ba chữ Di, Hi,Vi dùng để miêu tả sự vô đắc, vô thanh, vô hình của Đạo.

        Đó là cái Vô không có đối đãi. Vì không có đối đãi nên mới nói “không thể thấy, không thể nghe, không thể nắm, không thể kêu tên”.

        Tuy vậy, cứu cánh của nó, đâu phải là thật không, cho nên mới nói: “vô trạng chi trạng, vô tượng chi vật” (Ch.14). Nếu quả thật nó là không, một cái không tuyệt đối, thì sao gọi là có hình trạng, có hình tượng? Và chỉ vì nó không phải là thật không, nên Nó mới có thể sanh ra cái Có trên thế gian này: “Thiên hạ vạn vật sanh ư hữu, hữu sanh ư vô”(天下萬物生於有, 有生於無). Nhược bằng nó thật là chân vô” thì nó làm sao sanh ra Vạn vật? Những chữ Di, Hi, Vi đều đâu phải muốn nói hoàn toàn Vô sắc, Vô thinh, Vô hình, nhưng vì nhìn mà không thấy, lóng mà không nghe, rờ mà không đụng nên tạm gọi là “Vô vật” mà thôi vậy. Những câu nói trên giống như là câu: “Đại phương vô ngung, đại tượng vô hình” (大方無隅, 大象無形) (Vuông lớn không thấy góc, tượng lớn không thấy hình) (Ch.41). Đó đều là cái Vô không đối đãi. Văn nghĩa của những câu này rất giống nhau.
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      4. #24
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        B. Vô đối đãi:

        Chương 2 có câu: “Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thinh tương hòa, tiền hậu tương tùy” (故有無相生, 難易相成, 長短相形, 高下相傾, 音聲相和, 前後相隨) (Có với Không cùng sanh, Khó và Dễ cùng thành, Ngắn và Dài cùng sánh, Cao và Thấp cùng chiều, Giọng và Tiếng cùng họa, Trước và Sau cùng theo).

        Chương 11 nói: “Tam thập phúc, cộng nhất cốc, đương kỳ vô, hữu xa chi dụng... Cố, hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng” (三十輻, 共一轂, 當其無, 有車之用... 故有之以為利,無之以為用) (Ba chục căm hợp lại một bầu, nhưng nhờ chỗ không, mới có chỗ dùng của xe... Bởi vậy, lấy cái “Có” để làm cái lợi, lại lấy cái “Không” đó để làm cái dụng).

        Chữ Vô dùng trên đây là cái Vô đối đãi với một cái Có, tức là chữ Vô mà người của chúng ta thường dùng. Trong sách Lão Tử chữ Vô dùng theo nghĩa ấy (nghĩa đối đãi) thật rất nhiều, không cần đơn cử ra đây làm gì.

        Tóm lại, như khi dùng các chữ Đạo Đức, Lão Tử dùng chữ Vô cũng có 2 nghĩa. Một nghĩa tuyệt đối khi ông dùng chữ Vô để chỉ Đạo, cái đạo của Bản thể như khi ông nói: “Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” (Ch.40), nghĩa là thay vì nói: “vạn vật sanh ư Đạo”. - ông nói “vạn vật sanh ư Vô”. Còn cái nghĩa tương đối của nó để dùng với cái Hữu đối đãi, tức là ông dùng theo lối thông thường. Vì Lão Tử thấy thế nhân hay tranh dành xu phụ theo cái Có đến thái quá, nên muốn lập lại quân bình, ông khuyên ta đứng vào chỗ Không. Hai câu chót ở chương 11 nói rất rõ: “Hữu chi dĩ vi lợi, Vô chi dĩ vi dụng”. Như vậy ta thấy rằng học thuyết của Lão Tử đâu phải cực đoan phản đối cái “hữu”, bất quá là vì người đời phần đông chỉ biết có cái lợi của cái hữu mà đổ xô xu phụ. Nên mới đề xướng ra sự dùng đến trọng nhiệm của cái không để cứu vớt sự chênh lệch nghiêng ngửa của xã hội. Đó là cách “bổ bất túc”, “tổn hữu dư”, để giữ lại mức quân bình của Đạo mà thôi. Ta có thể nói rằng: dùng Cương hay Nhu, dùng cái Có hay cái Không, không phải luôn luôn nhất luật, mà phải tùy theo sự bất cập hay thái quá để mà ứng dụng cho được thích ứng. Cũng như ông cực lực phản đối sự dùng đến bạo lực, nhưng ông còn nói hờ: “Nếu bất đắc dĩ mà phải dùng đến bạo lực, thì nên bình tĩnh điềm
        đạm” (Ch.31)

        Cái công dụng của cái Vô trong một xã hội náo loạn gần như đến cực điểm của thời Xuân Thu Chiến Quốc, dĩ nhiên phải có bậc thức giả đề xướng nó ra để giữ quân bình. Nhưng thiên hạ bất cứ đời nào cũng thiên về cái đạo hữu vi, nên đem cái đạo Vô vi mà đề xướng ra bất cứ ở thời điểm nào, vẫn cũng là cần thiết cả. Cho nên ta thường nghe nói cái vô dụng bao giờ cũng có chỗ đại dụng của nó, như về sau học thuyết của Trang Tử phần nhiều chứng minh “cái dụng của vô dụng” 無用之用 nơi thiên Tiêu Diêu Du. “Vì không hiểu rõ công dụng của cái Vô mà người đời cho việc làm của Y Doãn là tích cực, lấy cái trong sạch của Bá Di làm tiêu cực, và cho rằng tiêu cực là vô dụng, ấy là điều lầm to vậy”. Trong lời nói phải chăng cái Ý là cái Vô của lời nói. Lời nói là cái hữu, nhưng mà cái thực dụng của nó nơi cái Ý tức là cái Vô... của nó. “Ý tại ngôn ngoại”... Đó là chưa nói đến cái dụng của chữ Vô trong văn chương và nghệ thuật.
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      5. #25
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        Như vậy, ta thấy chỗ mà triết học Lão Tử gọi là “hữu”, “vô”, đều không giống với cái nghĩa một chiều theo nhị nguyên mà thiên hạ thường dùng: Vô là tuyệt đối không có gì cả! “Đạo ẩn mà chưa lộ hình, đó gọi là Vô vậy”

        Bàn về công dụng thiết thực của chữ Vô, ở chương XI Lão Tử nói: “Ba chục căm, hợp lại một bầu, nhưng nhờ chỗ không mới có cái dùng của xe. Nhồi đất để làm chén bát, nhờ hỗ không mới có cái dụng của chén bát. Khoét cửa nẻo, làm buồng the, nhờ chỗ không mới có cái dụng của buồng the. Bởi vậy, lấy cái “có” đó để làm cái lợi. Lấy cái”không” đó để làm cái dụng” 三十輻, 共一轂, 當其無, 有車之用. 埏埴以為器, 當其無, 有器之用. 鑿戶牖以為室, 當其無, 有室之用. 故有之以為利, 無之以為用. Bánh xe, nhờ chỗ “trống không” ở giữa mới để được cái trục, nhờ thế mà xe mới lăn được. Nên mới nói: “lấy cái không để làm chỗ dùng”!

        Nhân bàn về câu nói trên đây của Lão Tử văn hào Romain Rolland có viết: “Khi đọc đến cái tư tưởng sâu sắc trên đây của Lão Tử - tôi nghĩ ngay đến những giả thuyết mới đây của khoa thiên văn, thấy rằng cái trung tâm của bao nhiêu thế giới, chính là những khoảng trống không thăm thẳm của Vũ trụ... Các bạn sẽ bảo: đó cũng chỉ là những giả thuyết thôi! Thì cũng chẳng hơn chẳng kém gì những giả thuyết vững chắc nhất và công hiệu nhất của khoa học các anh ngày xưa. Vả lại, giả thuyết ấy cũng xác nhận hợp lý lắm vì nó thỏa hợp được với sự tiết kiệm của các luật tự nhiên trong Vũ Trụ và nó cũng ăn với
        sự điều hòa tự nhiên của các luật ấy”.

        Và đó cũng là chỗ mà Lão Tử bảo: “Hữu, sinh ư Vô” (有生於無) vậy.

        Còn về vấn đề sinh vật trong vũ trụ có ý chí hay không có ý chí, thì trái lại với người đồng thời, Lão Tử chủ trương rằng sinh vật trong vũ trụ tuyệt không có ý chí, nghĩa là sống ý cách tự nhiên không cố cưỡng.

        Chương thứ 5 ông nói: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” (天地不仁, 以萬物為芻狗) (trời đất không có lòng nhân, xem vạn vật như loài chó rơm).

        Vương Bật giải câu này đại khái nói: “Đất, không phải vì con thú mà sinh ra rơm, nhưng con thú lại ăn rơm; không phải vì con người mà sinh ra chó, nhưng người lại ăn chó...” Thật là một sự giải thích sai lầm to tát của họ Vương. Vậy mà Nghiêm Phục 嚴復 lại hết sức thán thưởng cho rằng đó là đã quát tận thâm ý của Darwin. Kỳ thật “sô cẩu” là một thứ đồ cúng làm bằng rơm, bóng hình chó. Khi chưa cúng thì người ta trọng nó lắm, nhưng sau khi cúng xong thì lại đem vứt nó ra ngoài đường. Trang Tử ở thiên Thiên Vận 天運 có viết: “Ôi sô cẩu, lúc chưa dùng thì đựng trong giỏ, đội cho nó bằng gấm vóc, lại òn phải trai giới mà xem nó. Đến khi đã dùng xong, thì kẻ đi đường đạp lên xương sống nó mà đi, kẻ kiếm củi, lượm nó về mà nhúm lửa”. Như vậy, thì nói đến “sô cẩu” là muốn ám chỉ vật thay nhau mà tàn tạ giống như bông hoa của loài thảo mộc, xuân thì nở, thu thì rụng, rồi đến mùa xuân tới, lại trổ hoa, nhưng không còn phải là cái bông ngày hôm nay nữa. Cũng như cái hay cái phải của ngày trước, nay không còn dùng được nữa, thì bỏ đi... để cho theo kịp với cuộc sống đang chuyển của tạo hóa. Trong cái khoảng thời gian biến chuyển giữa cái sinh cái tử kia của sự vật, thì Trời Đất vốn cũng không ân gì cho riêng ai, cũng không dụng tâm mà làm gì cả (無思無為), đó chính là chỗ mà ông bảo “thiên địa
        bất nhân”, tức là cái luật biến hóa vô thường và lạnh lùng của Tạo hoá vậy.

        Chỗ mà Lão Tử cho rằng Vạn vật sinh ra là vô ý chí, lại càng rõ rệt hơn nữa ở chương 34: “Đạo lớn tràn lấp, bên phải bên trái. Vạn vật nhờ nó mà sinh ra, mà không một vật nào bị nó khước từ. Xong việc rồi, không để lại tên. Che chở, nuôi nấng muôn loài, mà không làm chủ. Thường không ham muốn, nên có thể gọi tên là Nhỏ, nhưng, được muôn vật theo về mà không tự xem là chủ, nên có thể gọi tên là Lớn” (大道氾兮, 其可左右.萬物恃之而生而不辭, 功成而不有. 衣養萬物而不主. 常無欲, 可名於小; 萬物歸焉而不主, 可名為大. 以其終不自為大, 故能成其大).

        Tóm lại, cái học của Lão Tử đều gồm vào một chữ Vô 無, ở Vũ trụ thì gọi là Vô danh 無名; ở Chánh trị và xử thế thì gọi là Vô vi 無為. Nhất thiết đều không ngoài chữ Vô.
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      6. #26
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        TỰ NHIÊN
        自然


        Chương 17: “Công thành sự toại, bách tánh giai vị ngã Tự Nhiên” (功成事遂,百姓皆謂我自然) Làm xong công việc cho dân, mà dân cứ tưởng tự nhiên tự mình làm.
        Chương 23: “Hi ngôn Tự Nhiên” (希言自然) Ít nói, để tự nhiên.
        Chương 25: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (人法地, 地法天, 天法道, 道法自然) Người bắt chước đất, đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự Nhiên.

        Chương 64: “Học bất học, phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi Tự Nhiên, nhi bất cảm vi” (學不學, 復眾人之所過, 以輔萬物之自然, 而不敢為) Học cái không học, giúp chúng nhơn hối mà trở về. Giúp vạn vật sống theo Tự nhiên, mà không dám mó tay vào. “Bất học” ở đây đồng nghĩa với chữ “Tự nhiên”, tức là Đạo.

        Trở lên bốn khoản bàn về hai chữ “tự nhiên”. Nhưng chương 25 và 64 là nói về Tự Nhiên thuộc “bản thể chi đạo” (本體之道). Còn chương 17 và 23 thì bàn về “nhân sự chi đạo”(人事之道). Hay nói một cách khác, chữ Tự Nhiên dùng nơi hai chương 17 và 23 là dùng theo nghĩa thông thường. - trái lại Tự Nhiên dùng ở chương 25 và 64 là ám chỉ về đạo.“Đạo pháp Tự Thiên”, chữ Tự Nhiên ở đây đồng một nghĩa với Bản Thể của Đạo, thường được gọi là Đạo Thể (道體).

        Hùng Lý Liêm 熊李廉 nói: “Pháp giả hữu sở phạm vi nhi bất khả quá chi vị” (法者有所範圍而不可過之謂). Bắt chước, tức là có chỗ ranh hạn không thể vượt qua được. Theo đó, ta thấy rằng Trời không thể vượt ra khỏi Đạo. Đạo không thể vượt ra ngoài Tự Nhiên. Hay nói một cách khác: Tự Nhiên sinh ra Đạo, Đạo sinh vũ trụ. Như thế ta thấy rằng bàn về nguyên lai của Vũ Trụ, Lão Tử chủ trương Vô Thần luận (無神論).
        *
        * *
        Câu “pháp Tự Nhiên” (法自然) người đời thường hiểu rất là sai lạc: cho rằng không làm gì, để mặc tới đâu hay đó và cho đó là bắt chước Tự Nhiên.
        Theo Lão Tử, Tự nhiên cũng được tượng trưng trong những cái mà ta gọi là “luật tự nhiên” của sự sống mà bất cứ một vật nào trên đời không thể vượt qua, mà sống đặng. Có sanh rồi có tử, đó là Tự nhiên. Đói thì ăn, khát thì uống, đó là Tự nhiên. Nhưng ăn uống có chừng, uống cũng có mực. Vượt qua chừng mực, là vượt quá Tự nhiên, không thể còn gọi là Tự nhiên được nữa. Bất cập hay thái quá trong việc uống ăn, cũng như trong tất cả mọi hành vi đều là sái với Tự nhiên cả. Đang cần ăn mà không ăn, đang cần không nên ăn mà ăn, đang cần phải ngủ mà không ngủ, đang cần không nên ngủ mà ngủ. Tất cả những gì sái thời lỗi tiết đều là trái với Tự nhiên, đều là những nguyên nhân làm cho thương sinh đau khổ cả.
        Người đời thường hiểu “Tự Nhiên” là cứ để y nguyên sự việc muốn xẩy ra thế nào thì hay thế đấy, phải cũng như quấy, lành cũng như dữ, tự do bành trướng ra sao cũng mặc, không cần can thiệp đến, sống mai danh ẩn tích, nghêu ngao vui thú yên hà... nghĩa là họ hiểu tự nhiên tức là không làm gì cả... Phải chăng đó là vu oan cho Lão Tử, người đã chủ trương “khứ thậm, khứ xa, khứ thái”, nghĩa là trừ khử những gí thái quá, đồng thời nâng đỡ những gì bất cập, để lập lại thế quân bình của Đạo, vì Tự Nhiên, đồng với luật quân bình... Bắt chước nó, thì phải lập lại quân bình tức là “tổn hữu dư, bổ bất túc”, đó há không phải là những việc làm của những nhà Đại Cách Mạng từ xưa đến nay trong lịch sử để lập lại công bình, hay nói đúng hơn, lập lại quân bình trong xã hội sao!
        Hành động Tự Nhiên theo Lão Tử lại cũng có nghĩa là hốt nhiên mà làm, không cố gắng, không miễn cưỡng, không cân nhắc, nghĩa là hành động đã đến mức vô tâm... không còn lệ thuộc đến một nguyên tắc hay phạm vi nhất định nào của luân lý đạo đức hay giáo lý nào bên ngoài nữa cả.

        Tự nhiên đây, tóm lại, là vô tâm, vô vi: làm mà không cần để ý đến việc mình làm nữa, như người lội mà không cần để ý tranh đấu với nước, không còn để ý đến việc lội của mình nữa. Đó là hành động đến mức hoàn thiện rồi vậy. Người đời khi hành động bao giờ cũng kể đến lợi hại, phải quấy, cố gắng theo một quy củ nào, miễn cưỡng tránh những nguyên tắc nào, để cho đúng theo một khuôn mẫu bắt buộc nào... Họ là người làm mà còn để ý đến việc làm của mình.

        Làm cho người mà làm vì cân nhắc lợi hại, vì thương riêng, vì nhân đạo, vì tôn giáo bắt buộc, giáo lý cưỡng ép, làm để được tiếng khen, tránh tiếng chê... thì không còn phải là tự nhiên nữa. Hành động tự nhiên theo Đạo không phải thế, là hành động “Vô Vi” của cành hoa nở vì nở, và không thể không nở đặng, bởi đã đến thời k ỳ phải nở. Tự Nhiên đây, là “bất đắc bất nhiên” (không vậy không đặng).

        Mọi vật đều có cái “đức” của nó. Cái “đức” của mỗi vật tức là cái tánh “tự nhiên” của nó, cái bất đắc dĩ mà nó phải làm vì không thể không làm cho đặng.Vì vậy, Lão Tử cực lực phản đối những gì trở ngại sự phát triển tự nhiên ấy dù là luân lý, chế độ, tôn giáo hay giáo dục, không hợp với bản tánh tự nhiên của con người, nghĩa là Lão Tử đề cao vấn đề “ tự do” của cá nhân.Và cũng vì thế mà có người cho chủ nghĩa Lão Trang là “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ”!

        Trang Tử trong Nam Hoa Kinh, có dành riêng một chương Tiêu Diêu Du để giải thích cái nghĩa của Tự nhiên tức là Tự Do sống theo bản tính hết sức rõ ràng (62) . Vạn vật dưới trời, vật nào cũng có cái tính tự nhiên của nó. Phải biết chịu chỗ đó, tức là ta phải nhận sự “bất đồng đẳng” tự nhiên ấy của sự vật. Biết nhận sự “bất đồng đẳng” giữa vạn vật, thì ta phải biết kính trọng cái chỗ riêng biệt của mỗi vật, tức là cái tính tự nhiên của mỗi vật mà không xen vào làm trở ngại hay hư hoại sự phát triển tự nhiên của nó. Không xen vào làm trở ngại hay hư hoại cái tính tự nhiên của mỗi vật là để cho mỗi vật được sống tự do
        cái sống của nó, nghĩa là được tự do phát triển cái tính của nó.

        Cái mà ta gọi là văn minh, phần nhiều phải chăng là những khuôn khổ cần thiết đặt ra để hạn chế ngăn ngừa những hành động cá nhân ích kỷ quá khích của con người. Dĩ nhiên, tới mực nào, nó có chỗ hay của nó, là tránh cho con người những sự dẫm lên tự do cá nhân của kẻ khác, nhưng nếu quá mức, nó sẽ trở thành những cưỡng ép bó buộc làm đau khổ cho con người. Một nhà văn Tây Phương ngày nay có nói: “Une même loi pour le lion et pour le boeuf, c’est l’oppression” (W. Blake) (Một cái luật thiết lập chung cho cả loài sư tử và trâu bò, đó là áp chế).

        Chương 19 Lão Tử nói: “Kiến Tố, bảo Phác, thiểu tư quả dục” (63) (見素, 抱樸,少思寡欲) (Tỏ lòng đơn giản, giữ tính tự nhiên, ít riêng tây, ít tham dục). Đó cũng là bảo phải trở về với Tự nhiên. “Kiến Tố, bảo Phác” là gì? “Phác” 樸, là gỗ mà còn tự nhiên, chưa đẽo gọt, chưa cưa dùng. Theo Lão Tử, thì chữ “Phác” dùng để ám chỉ Đạo, cái thể “thuần phác lúc ban đầu”, cái trạng thái bản nguyên của tâm hồn (état primordial), chưa bị ảnh hưởng của xã hội làm sai lệch. Hay nói một cách khác, chưa bị luân lý, học thuyết, tập quán mà ta gọi chung là văn hóa hay văn minh làm sai lạc... bản tính. “Phác” 樸 ở đây
        cũng đồng nghĩa với Tự nhiên...

        Nhận thức được cái Bản tính đơn thuần (Tố) rồi, và mãi ôm giữ cái Bản tính tự nhiên ấy... đó là mục đích cuối cùng của ngưới học Đạo; và nhờ vậy mà lòng trở nên “ít riêng tây, ít tham dục”, mới “bảo phác” (mới giữ được cái tính thuấn phác tự nhiên), mới “kiến tố”, nghĩa là mới nhận thấy được tấm lòng trong trắng đơn thuần chưa bị ngoại giới nhuộm thêm màu sắc, hay sửa đổi thể chất, tức là Bản tính. Chữ “Tố” 素 đây, nghĩa đen là một thứ tơ thuần chất trong trắng, dùng để ám chỉ lòng đơn thuần chưa bị ngoại cảnh tập nhiễm. Bởi vậy mới nói: “Tuyệt thánh khí trí... Tuyệt nhân khí nghĩa… Tuyệt xảo khí lợi... Thử tam giả dĩ vi văn bất túc”(XXI) (絕聖棄智… 絕仁棄義… 絕巧棄利…
        此三者以為文不足). Tại sao gọi rằng tuyệt ba điều đó là chưa đủ? Là vì làm được ba điều đó, bất quá là những hành động tiêu cực, chỉ trị được cái ngọn mà không trị được cái gốc, tức là dứt được cái nguồn khêu gợi mà chưa dứt được cái lòng tham dục do sự mê chấp nhị nguyên gây nên. Tóm lại, cố ôm giữ được Đạo thì mới nhận thấy được lòng trong trắng đơn thuần và nhân thế mới bớt được sự riêng tây, bớt lòng tham dục.
        *
        * *
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      7. #27
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        Xã hội Trung Hoa cổ được xây dựng trên hai hệ thống tư tưởng truyền thống nghịch nhau, nhưng bổ túc nhau, là những hệ thống tư tưởng của Khổng học và Lão học.

        Khổng học thì gồm nắm tất cả mọi ước lệ xã hội, hay nói một cách khác, Khổng học chuyên về sự đào tạo mọi trí thức ước lệ giả tạo. Từ trẻ đến già đều được giáo dục theo một khuôn khổ luân lý nhất định với mục đích là ức chế những khuynh hướng ngông cuồng và lãng mạn, phóng túng và ích kỷ cá nhân để thích nghi với “cái giường của chàng Procuste”, tức là chế độ xã hội và chánh trị. Giá trị của cá nhân là ở nơi vai trò của các nhân ấy đối với xã hội ấy.

        Trái lại, Lão học là cái học của những kẻ đã rời bỏ cái sống giả tạo ước lệ của xã hội để trở về với đời sống thành thực của nội tâm. Sự từ bỏ những hoạt động xã hội là một cách giải thoát nội tâm khỏi hững gông cùm của những ước lệ giả tạo của chế độ và xã hội, của những lề lối suy tư miễn cưỡng và cư xử không tự nhiên. Lão học vì vậy, là một cái học đeo đuổi theo Tự nhiên, chống với nhân tạo, căn cứ trên sự hiểu biết trực chỉ vào lòng mình (直止人心) (64) . Trực tiếp với cái sống mà không cần phải trải qua một môi giới nào, hay phải theo một học thuyết hay giáo lý nào của con người bày ra cả. Chương 22 Lão Tử nói: “Hi ngôn, tự nhiên” (希言,自然) (Ít nói, để cho tự nhiên). Nói lên câu ấy, có lẽ Lão Tử muốn khuyên ta đừng dụng tâm giáo thuyết, nhồi sọ con người với những ý tưởng cá nhân, mà bắt buộc mọi người cùng theo. Đó là cách giúp con người trở về với tính thuần phác tự nhiên của mình.

        Khổng học nhắm vào việc uốn nắn con người theo một thể thức nhất định, theo những quy tắc hẹp hòi và cứng rắn của xã hội, và công việc ấy dĩ nhiên không sao tránh khỏi những va chạm vào đời sống cá nhân, gây tranh chấp và đau khổ cho cá nhân, gây nơi tâm hồn họ nhiều mặc cảm tai hại, làm cho con người sống trong những xã hội văn minh giả tạo ấy mất cả tính thành thực hồn nhiên và ngây thơ của con trẻ (亦子人心)( 65) mà chỉ có những bậc thánh, bậc hiền mới tìm lại được mà thôi. Vai trò của Lão học, trái lại, là tìm cách để phục hồi cái tâm trạng hồn nhiên “kiến tố bảo phác” ấy của con người, chẳng những bằng sự chữa trị những thái quá của sự buộc ràng về lễ giáo gây thành những “mặc cảm tội lỗi” có khi làm tăm tối cả cuộc đời, nó lại còn có sứ mạng phát huy cái đức hồn nhiên, thực thà thường gọi là “tự nhiên”, nghĩa là trở lại với cái người thật của mình. Nhiều tâm hồn quá nhạy cảm không sao chịu nổi sự đàn áp của chế độ quá khắt khe của luân lý và xã hội nên khi gặp phải những dồn ép quá nặng nề mãnh liệt biến thành những tình trạng thác loạn gây nên nhiều tội ác hết sức đau thương. Phải chăng đó là một hậu quả mà ta phải trả để bù vào những lợi ích không thể chối cãi của những xã hội có tổ chức rất quy mô theo Khổng học? Âu đó cũng là một chân lý mà Lão Tử thường nhắc nhở: không có một cái hay nào mà không có cái dở của nó kèm bên.
        *
        * *
        Tóm lại, muốn thực hiện cái Đạo nơi ta, đầu tiên phải hết sức thành thực đối với mình và đối với người. Điều trở ngại lớn nhất trên con đường giải thoát là cái sống giả dối, sống theo người mà không dám sống theo mình: phải có can đảm trở về với con người thật của mình, con người tự nhiên của mình, đừng có vì một lẽ gì mà che giấu sự thật. Nghĩa là bất cứ gặp trường hợp nào đừng ham khen, đừng sợ chê, đừng để dư luận chi phối đến đỗi không bao giờ dám sống thành thật với mình.Trong khi giao thiệp với đời, cần phải dứt tuyệt cái thói mang những mặt nạ của kẻ khác, của học thuyết này, học thuyết nọ, của giáo lý này, giáo lý kia... để mà đối xử với người.Nên nhớ: bảo cần phải trở về với Con Người Thật của mình, là bảo phải “kiến Tố, bảo Phác” nghĩa là trở về với con người vô kỷ, trở về với Chân Tánh, chứ không phải trở về sống theo cái con người ích kỷ của mình, tức là cái “con thú” hết sức vị thân vị kỷ và tham dục không bờ bến của mình (bản ngã).

        Người đời thường cho kẻ sống trong giả dối là người khéo ở, dễ được lòng người và thành ông trên con đường xử thế (66) . Trái lại, người theo con đường Giải thoát cần phải ánh xa cái thuật xử thế theo lối ấy, mà phải dám sống thành thật và hết sức giản dị, không cần cân nhắc lợi hại, không vụ thành công, không sợ thất bại, thản nhiên ở, thản nhiên đi, nghĩa là người không tham danh, không tham lợi (vô kỷ, vô công, vô danh). Tóm lại, muốn thực hiện được Con Người Thật của mình, phải dám sống thành thật xem thường khen chê của dư luận, phải có một tinh thần bất úy (67) , nghĩa là không còn biết Sợ bất cứ một cái gì cả trên đời.

        ----Bất khả đắc nhi thân,
        ----Bất khả đắc nhi sơ,
        ----Bất khả đắc nhi lợi,
        ----Bất khả đắc nhi hại,
        ----Bất khả đắc nhi quý,
        ----Bất khả đắc nhi tiện...
        -------------------(chương 56) (68).

        Người Giải thoát là người đã đạt đến trạng thái điềm đạm chi cực, nghĩa là không còn có thể lấy sự “thân”, “sơ”, “lợi”, “hại”, “quý”, “tiện”... mà dụ dỗ hay dọa nạt được nữa, tức là người không còn có một thế lực ngoại giới nào làm chuyển động tâm hồn được nữa(69)
        .
        *
        * *
        Tuy nhiên, ta không nên xem Lão học là cái học chống báng xã hội, phá rối trật tự đã an bài của xã hội, xúi giục những cuộc cách mạng bạo động, mà phải hiểu rằng nó là một phương pháp giải thoát tinh thần cá nhân trước hết, một phương pháp cách mạng nhãn quan về vấn đề Vũ trụ và Nhân sinh. Ta cũng nên biết rằng cách mạng xã hội mà dùng đến bạo động là sái rất xa vời chủ trương “bất tranh” dùng “nhu nhược thắng cương cường” của Lão Tử, vì theo ông, “cường lương giả, bất đắc kỳ tử” (Ch.42): dùng bạo động, chết bạo tàn. Cách mạng bạo động để chống độc tài và lắm khi còn đem lại cho nhân dân một thứ độc tài tàn nhẫn hơn cái chế độ độc tài mà mình mong muốn hủy diệt nữa. Giải thoát con người khỏi những gông cùm của ước lệ giả tạo xã hội đâu có nghĩa là khinh thường hay bất chấp những ước lệ ấy, mà thực sự, là không để cho mình bị lụy vì nó mà làm sai Thiên Chân, mất Thiên Tánh, mà biết dùng nó làm phương tiện, chứ không vô tâm để nó sai sử như một con cờ, bị nó xem mình như một món đồ chơi (70).

        Vì khuynh hướng của Lão học là thiên về Tự Nhiên, cho nên người ta thấy phần đông các nhà Đạo học đều là những người thích sống trong cảnh Thiên Nhiên hơn là sống giữa đời sống giả tạo của con người và tránh xa phiền lụy của những buộc ràng của Nghi Lễ...Giữa tạo vật thiên nhiên người ta cảm thấy tâm hồn thư thái, cởi mở... Dù văn minh nhân tạo có hùng vĩ đến đâu cũng không sao hùng vĩ bằng cái hùng vĩ của Thiên Nhiên, và những người gần với cái học của Lão-Trang phần nhiều là những thi sĩ và nghệ sĩ có một tâm trạng Huyền Đồng cùng tạo vật.
        ---------------
        (60) “Vô tư vô tâm”. (Goldfish).
        (61) Đại đạo phạm hề, kỳ khả tả hữu. Vạn vật thị chi nhi sinh chi bất từ. Công thành danh bất hữu. Y dưỡng vạn vật nhi vi bất chủ. Thường vô dục, khả danh ư tiểu. Vạn vật qui yên nhi bất vi chủ, khả danh vi đại. [Chữ 氾, Thiều Chửu phiên âm là “phiếm”. (Goldfish)].
        (62) Xem quyển Trang Tử Tinh Hoa (trang 82-103) và Nam Hoa Kinh (trang (105-160).
        (63) Nhập vào được chỗ đơn thuần, giữ được lòng mộc mạc, ở riêng tây, ít tham dục. Chữ “Kiến Tố” đây,
        đồng một nghĩa với chữ “Tính Tánh” của Nhà Phật.
        (64) “Trực chỉ nhân tâm”. (Goldfish).
        (65) “Diệc tử chi tâm”. (Goldfish).
        (66) Đọc quyển “Comment se faire des amis” của D. Carnegie.
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      8. #28
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        NHÂN NGHĨA THÁNH TRÍ
        仁義聖智

        Chương 19 Lão Tử viết: “Tuyệt Thánh, khí Trí, dân lợi bách bội; Tuyệt Nhân, khí Nghĩa, dân phục hiếu từ…” (絕聖棄智, 民利百倍; 絕仁棄義, 民復孝慈) Dứt Thánh bỏ Trí, dân lợi trăm phần; dứt Nhân bỏ Nghĩa, dân lại thảo lành.

        Chương 38 ông lại nói: “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức. Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức... Cố thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ. Phù Lễ giả, trung tín chi bạc, nhi loạn chi thủ” 上德不德, 是以有德. 下德不失德, 是以無德… 故失道而後德, 失德而後仁, 失仁而後義, 失義而後禮. 夫禮者, 忠信之薄, 而亂之首. Đức mà cao là không có đức, bởi vậy mới có Đức. Đức mà thấp là không mất đức, nên không có Đức... Vì vậy mất Đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có Nhân, mất Nhân rồi mới có Nghĩa, mất Nghĩa rồi mới có Lễ. Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của lòng trung tín, mà cũng là đầu mối của hỗn loạn...

        Tại sao Lão Tử bảo phải “dứt Thánh bỏ Trí”, “dứt Nhân bỏ Nghĩa”? Ông sở dĩ khinh Nhân Nghĩa, là vì ông trọng Đạo Đức, nên mới xem Nhân Nghĩa Thánh Trí là không đủ để thực hiện cái Đạo nơi lòng. Theo ông, Đại Đạo phế, hữu Nhân Nghĩa, Huệ Trí xuất, hữu Đại Ngụy. Lục thân bất hòa hữu hiếu từ. Quốc gia hôn loạn hữu trung thần” (Ch.18) (大道廢, 有仁義; 慧智出, 有大僞; 六親不和, 有孝慈; 國家昏亂, 有忠臣) Đạo lớn mất mới có Nhân Nghĩa, Trí Huệ sanh, mới có dối trá, lục thân chẳng hòa, mới có hiếu từ, nước nhà rối loạn, mới có tôi ngay. Dùng đến Nhân Nghĩa là khi Đạo nơi người đã mất, con người đã sống trong chia rẽ của nội tâm và ngoại giới. Bấy giớ mới có dùng đến Nhân Nghĩa để mà vá víu những cái sống riêng tư lầm lạc của tư ngã. Bấy giờ mới dùng đến trí mưu mà trị nước: “Dĩ Trí trị quốc, quốc chi tặc; bất dĩ trí trị quốc, quốc chi phúc” (Ch.65) (以智治國, 國之賊, 不以智治國, 國之福) Lấy trí mà trị nước, là cái vạ của nước, không lấy trí mà trị nước, là cái phúc của nước. Chữ Trí 智 ở đây, là do câu “dân chi nan trị, dĩ kỳ trí đa” (Ch.65) dùng làm đối chứng, và có nghĩa là “đa mưu túc trí”, mưu mẹo khôn xảo, chứ không phải là ám chỉ sự sáng suốt thực thà theo nghĩa thông thường. Những cái mà ta thường gọi là Nhân, Nghĩa,Thánh, Trí... đều là những đức tính của kẻ đã làm mất Đạo… nên Lão Tử chê nó là không đủ cho bậc Chí Nhân (至仁), vì bậc Chí Nhân là kẻ “pháp Thiên, pháp Đạo, pháp Tự nhiên”. Tức là kẻ sống theo Đạo, theo Tự nhiên.

        Hơn nữa, Đạo là cái Sống Một, người “bắt chước theo Đạo” (法道) sẽ không còn phân nhĩ ngã, nội ngoại cho nên không còn thấy có Ta có Người, mà thấy Ta là Người, Người là Ta. Còn lấy Nhân lấy Nghĩa mà xử với nhau, là vì còn thấy Đó không phải Đây, Đây không phải Đó, nghĩa là còn thấy chia lìa nhau, đó là nhãn kiến nhị nguyên, chưa phải nhận thức của con người hòa hợp cùng với Đạo Thể (本體之道). Người mà còn dùng đến Nhân Nghĩa là người đã sống xa lìa với Đạo rồi vậy: “Thất Đạo nhi hậu Đức, thất Đức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu lễ...” (Ch.38) 失道而後德,
        失德而後仁, 失仁而後義, 失義而後禮…

        Ở chương 5, Lão Tử bảo: “Thiên Địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; Thánh Nhân bất Nhân, dĩ bách tánh vi số cẩu” (天地不仁, 以萬物為芻狗; 聖人不仁, 以百姓為芻狗) Trời đất không có Nhân, coi vạn vật như loài chó rơm. Thánh Nhân không có Nhân, coi trăm họ như loài chó rơm. Chữ “bất Nhân” ở đây là ám chỉ lòng vô tư, không thiên vị của Trời đất; luật của Tự nhiên, không riêng cho vật nào cả, không vì kẻ rét mà dẹp mùa đông

        Luận về Sô Cẩu, Trang Tử viết: “Con chó rơm lúc chưa bày ra để cúng tế, thì được cất kỹ trong rương bọc bằng gấm vóc; thầy cúng chay tịnh rồi mới dám đem nó ra. Kịp khi bày ra và cúng tế xong thì lại đem quăng nó ra ngoài đường cho kẻ đi đường đạp lên trên lưng nó, kẻ lượm củi hốt về mà chụm, thế thôi! Nếu lại còn lượm nó mà đem cất giữ trong rương, mặc cho gấm vóc, thì nếu nó không làm cho ta bị chiêm bao, cũng đến làm cho ta bị bóng đè” (...) “cho nên pháp độ, lễ chế của Tam Hoàng, Ngũ Đế không cần ở chỗ giống nhau mà cần ở chỗ trị được thiên hạ, như cam, lê, bưởi, quít, tuy mùi vị khác nhau, nhưng đều ăn ngon cả. Bởi vậy, Lễ Nghĩa pháp độ là cái mà ta phải biết tùy thời mà thay đổi cho thích hợp. Nay lấy ngay như vượn khỉ mà cho mặc áo của ông Châu ắt nó cắn rứt, cào xé, vứt bỏ hết, thế mới vừa lòng cho. Xã hội chế độ xưa và nay khác nhau xa (cố mà đem cái xưa tròng vào cái nay) thì cũng như khỉ vượn mặc áo ông Châu vậy. Cho nên Tây Thi đau tim, nhăn mặt mà thiên hạ cho là đẹp. Có người đàn bà rất xấu kia, thấy thế, về bắt chước ôm tim mà nhăn mặt, những kẻ giàu trong làng thì đóng chặt cửa không dám ra, kẻ nghèo thấy nó dẫn vợ con bỏ chạy...” (Thiên Vận)

        Bình giảng câu “Thiên Địa bất nhân”, Trần Trụ viết: “Trời đất sinh vạn vật, như sinh cây cỏ. Xuân thì đâm chồi, thu thì rụng lá. Đang sinh thì quý, đang rụng thì bỏ đi. Xuân tới sinh lại, nhưng không còn là cây cỏ ngày xưa. Thánh nhân đối với trăm họ cũng thế. Trăm họ, tức là trăm quan lãnh phần thi hành chánh giáo. Trăm quan ngày nay không òn là trăm quan ngày xưa thì chánh giáo ngày xưa cũng không dùng cho ngày nay được nữa... Như thế, ta thấy Lão Tử phản đối thuyết phục cổ, như Trang Tử thường bài bác Nho Gia nói Nhân Nghĩa để tâng bốc tiên vương...”
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      9. #29
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        HỌC


        Cũng như về Nhân, Nghĩa, Thánh, Trí, Lão Tử chủ trương 絕學無憂 “Tuyệt học vô ưu” (dứt học, không lo) là tại sao?
        Có kẻ cho rằng Lão Tử chủ trương ngu dân... thực sự thì như thế nào?
        Cái “học” mà ông bảo nên “dứt” đi, tức là cái học nhị nguyên, cái học chi ly vụn vặt theo đuổi sự vật bên ngoài mà không biết trở về gốc, tức là cái Đạo nơi lòng mình. Cái học của con người thường thiên về hướng ngoại, biện phân Thiện Ác, Thị Phi, Vinh Nhục... đó là cái học xa với Đạo. Bởi vậy ông mới nói: Dứt học, không lo; dạ với ơi, khác nhau chỗ nào? Lành với dữ, khác nhau ở đâu?(絕學無憂. 唯之與阿, 相去幾何? 善之與惡, 相去若何?)

        (Tuyệt học vô ưu, duy chi dữ a, tương khứ kỷ hà? Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược hà?). Được người ta “dạ” đâu phải là vinh, bị người ta “ơi” đâu phải là nhục... Thực ra hai chữ “dạ” và “ơi” đủ đâu phân vinh nhục. Cũng như “thiện” và “ác”, khác nhau chỗ nào? Chẳng qua là bề mặt bề trái của bất cứ mọi sự vật nào trên đời... Còn chia phân Thiện Ác, Vinh Nhục... là còn sống trong cái sống chia lìa của tư ngã” xa lìa với cái Sống Một, thì tránh sao khỏi lo lự viển vông.

        Bởi vậy, ở chương 48 ông lại nói thêm: “Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn…” (為學日益, 為道日損) Theo học càng ngày càng tăng, theo Đạo càng ngày càng giảm. Tăng cái gì,tăng sự phiền phức rườm rà chi li vụn vặt. Trái lại, kẻ theo cái học về Đạo, thì trở về nguồn gốc, nên càng ngày càng tiết giảm những cái vụn vặt chi li vô cùng phiền phức, và đồng thời dục vọng càng ngày càng giảm thêm... đến mức Vô Vi...
        Đó là cái học cần phải dứt đi, để trở về với Đạo Một, và cái học cần thiết cho người là cái học trở về nguồn, tức là phải “học bất học”. Chương 64 ông nói: “Học bất học, phục chúng nhân chi sở quá” (學不學, 復眾人之所過) Học cái không thể học được, giúp cho chúng nhân hối mà trở về. Chữ “học” là chỉ sự học hành theo nghĩa thường, chữ “bất học” là ám chỉ “cái không thể học”, vì Đạo là cái bất khả ngôn luận, bất khả tư nghị...“Đạo khả đạo phi thường Đạo”. Cho nên mới nói: Bực Thánh nhân mà biết học về Đạo, thì khiến được lòng dân hối trở về với nguồn gốc. Câu: “Thị dĩ Thánh nhân, dục bất dục, ất quý nan đắc chi hóa, học bất học, phục chúng nhân chi sở quá”, cần phải dịch như thế này mới nhất trí hơn: “Bởi vậy bậc Thánh nhân, muốn cái không thể muốn, không quý của khó được, học cái không thể học, giúp chúng nhân hối mà trở về”.

        Tóm lại, về chữ Học, Lão Tử chủ trương:
        1) Không nên theo đuổi cái học la tập của Nhị Nguyên, chia lìa cái Sống Một làm hai, tức là cái học biện phân Nhĩ Ngã, Nội Ngoại, Thị Phi, Vinh Nhục, Thiện Ác v.v…
        2) Mà cần phải học cái không thể học, tức là học cái “bất khả tri”, “bất khả đạo”, “bất khả danh”, nghĩa là học về cái “trở về nguồn gốc”, tức là Đạo.
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      10. #30
        Tham gia ngày
        May 2010
        Đến từ
        Đồng Tháp
        Bài gửi
        824
        Cảm ơn
        1,310
        Được cảm ơn: 462 lần
        trong 276 bài viết

        Default

        PHẢN VÀ PHỤC
        反復


        Hai chữ Phản và Phục có thể xem là nòng cốt của học thuyết Lão Tử. Chương 40 ông nói: “Phản giả, Đạo chi động” (反者道之動) Cái động của Đạo là trở ngược lại.
        Nhưng từ cái Một biến qua Vạn hữu, từ Vạn hữu trở lại cái Một, Lão Tử quan niệm như thế nào?
        Chương 42 ông nói: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn Vật. Vạn Vật phụ Âm nhi bảo Dương, Xung khí dĩ vi hòa” (道生一, 一生二, 二生三, 三生萬物. 萬物負陰而抱陽, 沖氣以為和) (Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh Vạn Vật. Trong Vạn Vật không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau). Nhất đây là nói về Bản Thể của Đạo; Nhị là trỏ vào Âm và Dương; tức là hai nguyên lý mâu thuẫn đồng có trong mọi vật, vì trong Vạn Vật, không vật nào là không cõng Âm và bồng Dương. Giữa sự xô xát, xung đột của hai nguyên lý ấy, có một cái gì nắm giềng mối và làm cho chúng dung hòa nhau: đó là
        nguyên lý thứ Ba, cái Dụng của Đạo, chỗ mà Lão Tử gọi “xung khí dĩ vi hòa”. Điều mà ta nên để ý là “xung nhau” để mà “hòa nhau”, chứ không phải xung nhau để mà thủ tiêu lẫn nhau. Nếu không có sự đun đẩy của hai nguyên lý Âm Dương thì không có Động, mà nếu không có sự có mặt cái “thứ ba” kia, mà Lão Tử gọi là “xung khí dĩ vi hòa” thì không có một sự vật nào thành được. Cho nên mới nói: “Tam sinh Vạn Vật”.

        Có người bảo rằng cái học của Lão Tử thoát thai nơi Kinh Dịch. Lời nói ấy không phải là không có lý do. Xét kỹ thì sách của Lão Tử có sau Kinh Dịch, mà xét rõ triết lý của Kinh Dịch, nhất là ở quẻ Phục 復, thì lại thấy rõ ràng có nhiều chỗ tương đồng.

        Theo Dịch Kinh thì Dương Âm là hai nguyên lý mâu thuẫn, có những đặc tính riêng khác biệt nhau, như cương nhu, nóng lạnh, sáng tối... Tuy nghịch nhau, nhưng để mà “bổ túc” nhau , chứ không phải để mà thủ tiêu lẫn nhau. Hễ Âm cực thì Dương sinh, Dương cực thì Âm sinh, “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”, nhưng khi phản biến, thì lại biến thành đối đích của nó. Lạnh biến ra nóng, nóng biến ra lạnh, tối biến ra sáng, sáng biến ra tối.

        Tại sao Âm lại biến ra Dương, Dương lại biến ra Âm, lật qua lật lại (反復) như thế? Là vì trong Âm có ẩn phần Dương, trong Dương có ẩn phần Âm, chứ thực ra không bao giờ có một cái gì thuần Âm hay thuần Dương cả: “âm trung chi dương, dương trung chi âm”. Luật mâu thuẫn là luật đầu tiên của Kinh Dịch. Nhưng chỉ đợi lúc nào Âm hay Dương phát triển đến mức cùng cực của nó thì phần đối đích, mâu thuẫn chứa trong lòng nó mới phát sinh ra được mà thôi. Đó cũng là nhận xét chung của các nhà tư tưởng biện chứng Âu Tây như Heraclite và Hégel: “Mỗi vật đều có chứa mâu thuẫn của nó”.

        Nho gia là Trình Di bàn về quẻ Phục, cò những nhận xét sau đây là xác đáng: “Vật bất khả dĩ chung tận... Vật vô bác tận chi lý... Âm cực tắc dương sinh; dương bác cực ư thượng nhi phục ư hạ, cùng thượng nhi phản hạ dã” (Vật, không thể đến mức cùng tận được… Vật mà bị tiêu hủy đến cùng tận là điều phi lý vậy. Âm mà lên đến cực điểm thì là dọn đường cho dương sinh. Dương mà bị đẽo ở trên cùng tột, thì lại phản sanh ra ở dưới).

        [IMG]http://huyenkhonglyso.com/attachment.php?attachmentid=2460&stc=1&d=141395006 0[/IMG]

        Quẻ Phục ở liền tiếp với quẻ Bác. Quẻ Bác tượng trưng năm hào âm ở dưới và một hào dương trên cùng tột (hào thượng cửu). Dương hào ở hào thượng cửu, nơi quẻ Kiền có nói: “thượng cửu, kháng long hữu hối” (上九亢龍有悔). Dương mà lên đến cực độ, thì sẽ bị biến dịch, cho nên mới nói: “có ăn năn” (hữu hối). Trình Di bàn về quẻ Phục có câu: “vật, không trọn hết sự đẽo (bác) mà đến chỗ cùng tận của nó ở trên quẻ Bác, thì quay trở về dưới... Vật, không vật nào có thể đẽo hết được, cho nên sự đẽo mà đến cùng cực thì phải trở lại (phục).

        Nghiên cứu tường tận quẻ Phục ở Kinh Dịch, ta có thể nhận thấy rõ Lẽ Trời: “Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ” (Do quẻ Phục mà ta có thể thấy được cái Tâm của Trời Đất) (Hệ từ truyện hạ).

        Rất có thể Lão Tử nhân đó mà nghĩ ra học thuyết của ông lấy chữ Vô 無, tức là lấy Âm cực làm căn bản: “Trí hư cực, thủ tịnh đốc” (致虛極, 守靜篤). Kẻ nào đạt đến chỗ “cùng cực của Hư Không” (Chân Không) là kẻ đã đứng vững trong cái Tịnh. Hễ Âm cực thì Dương sinh, Tịnh cực thì Động sinh. Vạn sự vạn vật đều hễ phát đạt đến cực độ thì lại phản phúc biến thiên, chuyển thành đối đích của nó. Bởi vậy, ta không lạ gì chủ trương xử thế của ông luôn luôn giữ phần tiêu cực. Hào Dương của quẻ Chấn, mới thật là Dương trưởng (Trưởng nam), còn hào Dương ở quẻ Cấn, là Dương tiêu, nghĩa là hào Dương đã suy nhược đến cùng. Sự cương cường của hào Dương ở quẻ Chấn, là nguồn gốc sinh ra Vạn Vật, nên mới nói: “Vạn Vật xuất hồ Chấn” (萬物出乎震) (Quái truyện). Lấy đấy mà suy, ta thấy dụng ý Lão Tử toàn dùng phép tiêu cực là để gây được nguồn Động cường tráng nhất, cho nên ở quẻ Phục mới nói: “Phục hanh, cương phản, động nhi dĩ thuận hành...” (復亨, 剛反, 動而以順行) (Hanh là hanh thông, Phục là cương đã trở lại cường Kiện… nên Phục được gọi là hanh thông, vì cái động của hào Dương này là con đường thuận của Trời Đất. “ Phản phục kỳ Đạo, thất nhật lai Phục, thiên hành dã” (反復其道,七日來復天行也). Con đường thuận, là con đường từ dưới lên trên. Dương hào ở hào đầu tức là thuận đạo, càng ngày càng lớn lên. Nho gia là Chu Hy cũng nhận thấy: “Nội Chấn, ngoại Khôn, đó là cái tượng Dương động ở dưới mà theo đường “thuận” đi lên (...) Phục là Dương phục sinh ở dưới, Dương khí đã bị đẽo hết thì là quẻ thuần Khôn, tức là quẻ thuộc về tháng 10, mà khí Dương đã sinh ở dưới hàm ch ưa hơn tháng thì cái thể của một phần dương khí mới thành mà trở lại, cho nên tháng 11 thuộc về quẻ Phục. Khí dương đã trở lại, nên có Đạo hanh thông. Tại sao lại gọi “thất nhật lai phục”? Là vì qua tháng 5 là quẻ Cấn, một phần Âm mới sinh, và sinh sinh đến quẻ Phục là 7 hào.
        Hiểu được cái cương cường của quẻ Phục, mới rõ được thâm ý dùng phương pháp thuần tiêu cực của Lão, mới hiểu được những chủ thuyết “nhu nhược thắng cương cường”, “bất tranh nhi thiện thắng”, “vô vi nhi vô bất vi”, tuy Tịnh mà Động, nghĩa là mới hiểu rằng Vô Vi của Lão Tử đâu phải là im lìm bất động, mà là cốt dùng Tịnh cực để cho Động sinh, một cái Động cương cường của hào Dương của quẻ Chấn. Quẻ nội Chấn, nhất dương sinh, tức là tiếng sấm do âm dương xô xát nhau mà thành, nhưng đương lúc khí Dương còn nhỏ, chưa thể phát ra. Quẻ Phục, trên là Khôn, dưới là Chấn, gọi là quẻ Địa
        Lôi Phục, nghĩa là sấm ở trong lòng đất. Khí Dương mới sinh ở dưới mà còn rất nhỏ, nên cần yên lặng mà sau nó mới lớn lên được... Ở bản thân, sau khi: “trí hư cực, thủ tịnh đốc”, thì cũng nên yên lặng để mà nuôi dưỡng khí Dương. Bởi vậy ta mới thấy chủ trương của Lão Tử là thanh tĩnh Vô vi. Thanh tĩnh Vô vi là điều kiện cần thiết để phục hồi khí Dương và cũng là để nuôi khí Dương sắp sửa phát huy dương lực, chứ không phải ẩn dật để mà hưởng thú an nhàn cực lạc trong sự lười biếng ích kỷ. Trong trời đất, bất cứ một cuộc biến động lớn lao nào đều đi sau một sự cực kỳ yên lặng. Các bậc vĩ nhân trước khi khởi công làm một “đại sự” gì luôn luôn lẫn trốn một thời gian trong cô tịch. Đó là yên lặng để nuôi khí Dương như Thích ca, Jésus chẳng hạn… Xem đó, ta có thể nhận rằng Lão Tử rất có thể nhân quẻ Phục ở Dịch Kinh mà suy ra cái thuyết Vô Vi của ông, thể theo cái đầu mối của sự sinh hóa trong Trời đất bắt đầu ở chỗ cực âm, động thành quẻ Phục, sinh lực bắt đầu manh nha trong lòng Đất.
        Hình Kèm Theo Hình Kèm Theo
        Annhien.
        Tâm an, vạn sự an
        Tâm bình, thế giới bình.

      Trang 3/6 đầuđầu 12345 ... cuốicuối

      Đề tài tương tự

      1. Niên nguyệt nhật thời phi tinh & Thần Sát
        By vanhoai in forum Phong Thủy I
        Trả lời: 40
        Bài mới: 23-10-23, 16:33
      2. Trả lời: 27
        Bài mới: 18-09-16, 04:06
      3. Lưu nguyệt phi tinh
        By minhtienql in forum Tư vấn phong thủy
        Trả lời: 2
        Bài mới: 03-03-12, 16:05
      4. niên nguyệt phi tinh
        By vanhoai in forum Tư vấn phong thủy
        Trả lời: 14
        Bài mới: 26-03-10, 15:02
      5. cái cười của thánh nhân(NGUYỂN DUY CẦN)
        By vanti67 in forum Nghệ Thuật - Triết Lý
        Trả lời: 11
        Bài mới: 10-10-09, 00:16

      Tags for this Thread

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •