Thời gian là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà triết học và khoa học tự nhiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích một cách khái quát quan niệm của Phật giáo và vật lý học hiện đại về thời gian. Theo tác giả, cách đây xấp xỉ 2600 năm, Phật giáo đã có cái nhìn khá sâu sắc, độc đáo về thời gian, trong đó có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với những kiến giải khoa học về thời gian của vật lý học hiện đại. Tuy nhiên, giữa chúng cũng có nhiều điểm dị biệt.

“Con người là một sinh vật duy nhất biết mình phải chết”. Lời của một triết gia phản ánh nỗi ám ảnh, day dứt của con người về sự sống và cái chết, cũng là những ám ảnh, day dứt về thời gian. Thời gian trôi qua vô hình nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong các biến cố lịch sử, trong các thành quả của nhân loại. Câu hỏi về thời gian vẫn hấp dẫn con người qua mọi thời đại. Bởi thế, các nhà triết học, vật lý học thường dành một vị trí nhất định cho vấn đề thời gian trong các công trình nghiên cứu của mình. Cách đây gần 2.600 năm, Phật giáo đã có một cái nhìn khá sâu sắc, độc đáo về thời gian, trong đó có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với quan niệm về thời gian của vật lý học hiện đại. Với tinh thần “cầu đồng tôn dị”, việc tìm hiểu quan niệm về thời gian trong Phật giáo và vật lý học hiện đại là để hiểu thêm về những tương đồng, dị biệt trong hai nền văn hoá Đông - Tây nhằm xây dựng một nền văn hoá nhân văn, khai phóng và dung thông trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay.(*)

1. Quan niệm về thời gian trong Phật giáo

Từ gần 2000 năm TCN, người ấn Độ đã dành một phần tâm trí của mình cho vấn đề thời gian. Trong kinh Veda - bộ kinh cổ nhất của ấn Độ và nhân loại, thời gian là vị thần Rudra huỷ diệt sự sống, bên cạnh thần Phạm Thiên sáng tạo sự sống, thần Visnu bảo vệ sự sống. Bởi thế, ám ảnh về thời gian và khát vọng vượt thoát sự ám ảnh ấy, cũng có nghĩa là khát vọng vượt thoát cái chết, kiếp luân hồi, nỗi khổ đau nhân thế luôn thường trực trong tâm hồn người ấn. Tuy nhiên, cái nhìn về thời gian của họ không giống với cái nhìn về thời gian của người phương Tây. Người ấn không đo sự vận động của sự vật trong dòng chảy của thời gian từ quá khứ đến tương lai bằng niên đại chính xác. Trong sử sách ấn Độ, thời gian của các biến cố thường chỉ được tính áng chừng. Vượt lên những biến dịch không cùng của đời sống, người ấn truy tìm một bản thể vĩnh hằng, tĩnh lặng miên viễn, không biên kiến, thị phi... Tư tưởng đó thể hiện đậm nét trong quan niệm của Phật giáo về thời gian.

Vấn đề thời gian trong Phật giáo được xem xét một cách khá toàn diện với nội hàm phong phú, sâu sắc: thời gian qua từng satna và từng kiếp; thời gian ở khía cạnh khách quan và khía cạnh chủ quan, thời gian trên phương diện tục đế (samaritil) và phương diện chân đế (paramatha) ...

a/ Kiếp và satna

Phật giáo thường dùng hai thuật ngữ làm phương tiện đo thời gian: kiếp là đơn vị đo thời gian cực đại; satna là đơn vị đo thời gian cực tiểu. Kiếp (kalpa) - đơn vị đo thời gian dài, được Phật giáo nguyên thuỷ chia thành tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp. Mỗi tiểu kiếp bằng 16.800.000 năm. Mỗi trung kiếp bằng 20 tiểu kiếp nghĩa là bằng 336.000.000 năm. Một đại kiếp bằng 4 trung kiếp (thành kiếp, trụ kiếp, hoại kiếp, không kiếp), nghĩa là bằng 1.344.000.000 năm. Sự lâu dài của một kiếp được ví như thời gian tảng đá vuông rộng 40 dặm mòn hết khi bị chiếc áo tiên đều đặn 100 năm một lần phất vào. Hay giống như một cái thành lớn có bề cao và các mặt đều rộng 40 dặm đựng đầy hạt cải, cứ 100 năm lấy ra một hạt cải, chừng nào hết thì hết một kiếp(1). Về sau, các bộ phái Phật giáo có cách phân chia về kiếp khác nhau, căn cứ vào tính chất, độ dài của sự biến đổi trong các sự vật khác nhau. Luận Đại Trí độ chia kiếp thành Tiểu kiếp và Đại kiếp; luận Đại Tì bà sa chia thành Trung gian kiếp, Thành hoại kiếp và Đại kiếp; luận Câu xá chia thành Trung kiếp, Thành kiếp, Đại kiếp và Hoại kiếp; luận Chương sở tri chia thành Trung kiếp, Thành kiếp, Trụ kiếp, Đại kiếp, Hoại kiếp, Không kiếp... Tuy nhiên, vũ trụ có vô vàn thế giới mà sự thành trụ của thế giới này là sự hoại không của thế giới khác. Bởi vậy, thời gian ở những cảnh giới khác nhau cũng khác nhau. Một kiếp trong thế giới Sabà của Phật Thích Ca bằng 1 ngày đêm trong thế giới Cực lạc của Phật Adiđà, một kiếp trong thế giới Cực lạc của Phật Adiđà bằng 1 ngày đêm trong thế giới Casa tràng của Phật Kim An Kiên...
Đơn vị đo thời gian nhỏ nhất trong Phật giáo là satna (ksana). Phật giáo nguyên thuỷ dùng khái niệm satna để chỉ sự biến đổi mau lẹ, vô thường của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới. Kinh Phật thường dùng cụm từ satna vô thường. Về sau, các bộ phái Phật giáo bàn cụ thể hơn về satna trong thuyết vi trần và thuyết satna. Trong Luận câu xá, Thế Thân định nghĩa satna là một hạn kỳ cực tiểu để một thể tính được tựu thành và biến mất ngay. Một satna bằng 1/60 lần tráng sĩ đưa cánh tay ra và xếp lại. Một satna vật chất lại bằng 16 satna tư tưởng, bởi sự biến đổi của tư tưởng nhanh hơn sự biến đổi vật chất. Theo Địa tạng pháp số, trong một niệm (một tư tưởng) có 90 satna. Trong một satna có 900 lần sinh diệt(2). 120 satna tiếp nối thành một hàng satna, 16 hàng satna thành một lạp phước, 20 lạp phước thành một giờ (Phẩm Phân biệt thế gian - Luận Câu xá).
Việc phân biệt thời gian bằng khái niệm kiếp và satna chứng tỏ năng lực cảm nhận tinh tế của Phật giáo về sự biến đổi vô thường trong thế giới vi mô và vĩ mô.