Tên đăng nhập:
Bạn đã có tài khoản chưa?
Quên mật khẩu?
  • Đăng nhập / Ghi danh

    kết quả từ 1 tới 9 trên 9

      Hybrid View

      1. #1
        Tham gia ngày
        Nov 2011
        Đến từ
        Berlin
        Bài gửi
        20
        Cảm ơn
        11
        Được cảm ơn: 4 lần
        trong 3 bài viết

        Default Khoa học và tiên tri

        KHOA HỌC VÀ TIÊN TRI
        (Bài này viết từ năm 2008 cho trang web vietlyso để góp ý một số anh chị em cho rằng, một khoa học thật sự phải có khả năng tiên tri. Đã bổ sung thêm nhiều phần. Vì thì giờ có hạn, nên chưa hoàn chỉnh nhiều mặt, xin người đọc lượng thứ. )

        Xét cho cùng, khoa học ngày nay thoát thai từ những quan niệm siêu hình của loài người và hình thành hai dòng chảy lớn. Ngoài dòng chảy nổi chiếm ưu thế trong xã hội là những ngành được gọi là khoa học chính thống còn có một dòng chảy thứ hai có gốc rễ vững chắc hơn trong nhân loại nhưng luôn bị ngược đãi vùi dập bởi khoa học chính thống như vẫn thấy trong cạnh tranh sinh học đời thường. Ta tạm gọi dòng chảy này là các học thuật phi chính thống. Sự hình thành hai dòng chảy này xuất phát từ tính lưỡng diện của con người. Một mặt con người cổ sơ gắn bó và thông cảm với tự nhiên vẫn còn trong tiềm thức của chúng ta khiến chúng ta trong những hoàn cảnh nhất định dễ dàng công nhận những sức mạnh siêu nhiên, những khả năng huyền bí chi phối hành sử, số phận con người kèm theo những tín điều hay những định luật không thể suy diễn bằng lý trí. Việc vận dụng những tín điều, những quy luật siêu hình (siêu hình hiểu theo nghĩa rộng không bắt buộc phải công nhận thần quyền) thành công trong một số trường hợp được xem là những thực chứng có tác dụng tăng cường lòng tin của con người đối với những quy luật kia. Vậy mà lòng tin của con người thực sự quyết định số phận mọi Sai/ Đúng: Chứng minh có Thượng đế làm gì khi ta không tin vào Thượng đế. (Quả thật vậy, dùng phương pháp gì đi nữa để chứng minh là không có Thượng đế cũng vô ích khi người ta vẫn tin có tồn tại một đấng tối cao.) Mặt khác, con người nhờ óc thực tế dựa vào quan sát, suy diễn, xây dựng lý thuyết này nọ và cuối cùng dựng nên cả hệ thống khoa học nhằm tận dụng và cải tạo thế giới vật chất của tự nhiên và nhờ vậy đã bành trướng trên khắp trái đất đến ngày nay. Như sẽ trình bầy dưới đây, khoa học chính thống không công nhận sử dụng những thực chứng của cá nhân hay một nhóm cá nhân để kết luận tính xác thực của một hiện tượng hay tính chính xác của một quy luật, một lý thuyết. Khoa học chính thống có tên như vậy vì các ngành này dành được ưu thế trong các hệ thống chính trị, kinh tế có quyền quyết định đối với phát triển xã hội. Khoa học kỹ thuật, niềm tự hào của con người, chính là cái đem lại cho con người phương tiện, tiền của, quyền lực. Dễ hiểu là trong cuộc đời vật chất của xã hội loài người khoa học chính thống phải có vai trò chính thống.
        Mệt mỏi với cuộc sống vật chất, con người có thể sẽ tìm về hòa mình ít nhiều trong dòng chẩy thứ hai vốn chìm sâu trong bản ngã của mình nhưng đó lại là câu chuyện khác. Một đặc điểm của con người trên bình diện cá nhân cũng như xã hội là bao giờ cũng muốn biết trước tương lai. Về mặt xã hội, thế giới có nhiều viện nghiên cứu lớn đang cố gắng phát hiện phát triển của nhân loại cho từng ngành chuyên môn, về dân số cũng như về chính trị xã hội cho nhiều năm sau này. Người ta căn cứ vào những kết quả nghiên cứu đó để hoạch định chiến lược tương lai. Vì thế nếu cá nhân từng người mong muốn biết trước số phận mình cũng không có gì là lạ. Một kẻ thành công liên tục có thể tỏ ra khinh mạn khi nói đến số phận, nhưng nếu cũng kẻ ấy khuynh gia bại sản nhiều năm hẳn sẽ mong mỏi được biết bao giờ mình thoát cảnh khốn cùng. Đó là chuyện thường tình. Khoa học chính thống tuyên bố dứt khoát là không (và không có khả năng) giúp cá nhân thấy trước chắc chắn tương lai riêng mình, do đó cứu cánh tinh thần của cá nhân không thể có gì khác hơn là các học thuật phi chính thống quen thuộc tự ngàn xưa. Người ta vẫn tin rằng các thuật này có thể được ứng dụng để tiên đoán hoặc tiên tri về số phận con người. Liệu khoa học chính thống có khả năng tiên tri hay không? Để trả lời câu hỏi này trước hết ta phải hiểu khoa học chính thống (hoặc khoa học nói chung) được quan niệm như thế nào trong thời hiện đại cũng như phương pháp tiếp cận thực tại và những hạn chế trong bản chất của khoa học.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      2. #2
        Tham gia ngày
        Nov 2011
        Đến từ
        Berlin
        Bài gửi
        20
        Cảm ơn
        11
        Được cảm ơn: 4 lần
        trong 3 bài viết

        Default Khoa học và Tiên tri (tiếp tục)

        I. Khoa học là gì?
        Phật giáo nói đến Tam bảo: Có Phật có Pháp làm gì khi không có Tăng chúng. Tương tự như vậy ta có thể suy diễn định nghĩa Khoa học (tự nhiên) chính là toàn thể cộng đồng khoa học gia cùng khối lượng tri thức khoa học đã tích lũy cũng như toàn thể các hệ thống phương pháp và phương tiện (cơ sở nghiên cứu, trang thiết bị, vật liệu...) nghiên cứu để nhận thức thực tại, nhận thức vũ trụ. Mục đích trực tiếp của khoa học là thu hoạch tri thức để tổng hợp và hệ thống hóa, khái quát hóa kiến thức về thực tại với hệ quả là vận dụng chúng để đem lại những quyền lợi vật chất cho con người. Những hệ thống tri thức này được xem là những bước tiếp cận đến thực tại và được xem là Đúng khi được đa số những người có chuyên môn khoa học (trong một lĩnh vực khoa học tự nhiên nhất định) tán thành. Einstein nhận định rằng Khoa học chỉ là những hành sử hàng ngày tinh tế hơn. Nhận định đó phiến diện: Hành sử hàng ngày thường không mang tính hệ thống hoặc thường dựa trên những tin tưởng ngầm nhất định. Khi anh thản nhiên gắp thức ăn vào miệng, anh đã ngầm tin rằng, anh sẽ không đưa nó vào lỗ mũi. Hoạt động khoa học trái lại mang tính hệ thống và chương trình. Vậy hoạt động khoa học trước hết phải có phương pháp khoa học, thể hiện ra ở tính hệ thống, tính chương trình trong tiến hành nghiên cứu khoa học và sử lý kết quả. Khoa học cũng mang tính kế thừa. Tính kế thừa này có được nhờ tính hệ thống và sự thống nhất nhận định của cộng đồng khoa học với mục đích đưa vào áp dụng và phổ biến rộng rãi. Vì thế khoa học chính thống bao giờ cũng là khoa học của số đông. Nhìn vào tương lai, con người luôn tìm cách mở rộng và chỉnh lý nhãn quan của mình trước tự nhiên nên ngày càng tiệm cận hơn đến thực tại đa dạng của vũ trụ, cũng vì vậy khoa học là một quá trình mở, trái ngược với những lý thuyết siêu hình giáo điều, trơ gan cùng tuế nguyệt không thể tiếp nhận nổi nhận thức mới. Từ những định nghĩa, những quan niệm trên đây của cộng đồng khoa học và triết học ta có thể phát biểu những yêu cầu sau đây đặt ra cho khoa học (chính thống):
        Khoa học
        1. Phải có phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể có tính hệ thống, tính chương trình;
        2. Những nhận thức thu được trong nghiên cứu khoa học phải đảm bảo hai yêu cầu là tính khả chấp (hợp với nhận thức chủ quan những người làm khoa học khác) và tính khả nghiệm (có thể chứng nghiệm bởi người làm khoa học khác dù họ ở nơi nào trên trái đất);
        3. Là một quá trình mở để cộng đồng khoa học gia tham gia, đóng góp, bổ sung;
        4. Không chấp nhận chân lý tuyệt đối, do đó xây dựng những thuyết, học thuyết ... và dùng những thuyết này làm phương tiện để khai triển nhãn quan và đi sâu hơn vào thực tại;
        5. Luôn hướng đến những nhận thức có mức khái quát cao hơn hoặc chính xác hơn, do đó có một độ tin cậy cao hơn.
        Nếu xét riêng một ngành khoa học nào đó, ta thấy có những đặc trưng sau:
        Mục đích: Phục vụ loài người nói chung, bao gồm giải thích hiện tượng, đề xuất giải pháp cho một vấn đề và đưa ra dự báo cho sự phát triển một sự kiện. Muốn vậy ngành khoa học đó phải có một vùng đối tượng được định nghĩa, phân lập cụ thể, có một hệ thống xuất phát điểm hay một hệ tiên đề để dựa vào đó mà phát triển tiếp và có đường lối nghiên cứu, đưa ra được những nhận thức đã hệ thống hóa hoặc khái quát hóa và có phương pháp nghiên cứu đặc trưng của ngành. Tóm lại, ngành khoa học đó phải có sức sống nội tại để vượt qua những thăng trầm của thời đại.
        Phương pháp nghiên cứu của một ngành khoa học phải thể hiện những khả năng:
        - Phân tích mô tả đối tượng dựa trên các kết quả quan sát, đo lường, thống kê;
        - Chẩn đoán, giải thích dựa vào các kết quả hệ thống hoá nhận thức, phát hiện quy luật, phát biểu định luật;
        - Dự báo sự kiện trên cơ sở các hệ thống nhận thức, các quy luật, định luật đã phát hiện, các lý thuyết và mô hình tương tự đã xây dựng.
        Các lý thuyết và mô hình đó phải thoả mãn các điều kiện:
        - Có tính bao quát để bao trùm một loại đối tượng, một lĩnh vực nhất định.
        - Có tính lặp lại để xét mức tin cậy của kết quả nghiên cứu.
        - Có tính công khai của một hệ thống mở; có khả năng được kiểm chứng lại bởi người khác, tại nơi khác, vào thời điểm khác .
        - Lý thuyết phải được phát biểu sao cho có thể dùng chính nó để chứng minh rằng nó không đúng (falsification).
        - Một lý thuyết phải đủ và không tự mâu thuẫn (mâu thuẫn nội tại) và có thể chứng nghiệm bằng cách dựa vào nó để đưa ra một chẩn đoán (hoặc một dự báo) về một hiện tượng chưa được quan sát. (Một lý thuyết hoàn chỉnh và thể hiện đúng trong thực nghiệm chưa chắc đã đúng, nhưng được xem là sai khi một phép chứng nghiệm sử dụng nó cho thấy kết quả không đúng).
        - Lý thuyết không được mâu thuẫn với hệ thống tri thức khoa học hiện có (mâu thuẫn ngoài). Yêu cầu này cho thấy rằng khó mà khiêu vũ được một mình bên ngoài đám đông.
        - Dạng hoàn chỉnh nhất của một lý thuyết là khi lý thuyết đó được đặt trên cơ sở một hệ tiên đề đầy đủ, không phụ thuộc lẫn nhau. Những tiên đề này xuất phát từ trí não của một người hay được xây dựng do một nhóm người, được xem là những nguyên tắc, nguyên lý cơ bản, không thể và do đó không có chứng minh. Đây chính là vùng "hỗn mang chi sơ" cho thấy xuất sứ của khoa học cũng siêu hình, chẳng hơn gì các học thuật gọi là huyền học như phong thủy, tử vi, tử bình, thái ất … với thái cực bát quái là những thứ cũng chỉ xuất phát từ trí não một hoặc vài người được công nhận là thông thái và nếu tin vào họ hoặc vào sự sáng suốt của họ thì phải chấp nhận. Với những quy ước từ hệ tiên đề nhà khoa học có thể rút ra những quy luật này, định lý nọ. Khi ứng dụng các quy luật này trong thực tế nếu không mang lại thực chứng sẽ dẫn đến xét lại, bổ sung, chỉnh lý hoặc vất bỏ hệ tiên đề.
        - Ngay những khoa học được gọi là khoa học "thực nghiệm" cũng phải có tính hệ thống, tính khả chấp và tính khả nghiệm rộng rãi, tuy rằng các khoa học này được phép có một vùng „dung sai“ lớn trong kết quả vận dụng. Một thí dụ điển hình là y học. Đó chính là cái khác biệt chủ yếu giữa „khoa học chính xác“ và các "học thuật phi chính xác" như hiện tượng học, tâm linh học... vì trong các khoa học này nhận thức thu được mang tính chủ quan của cá nhân (nhờ cảm ứng, trực giác, khả năng tâm linh ...) nên không thể hoặc rất khó được chứng nghiệm, kiểm tra bởi người khác, đó là chưa nói đến tính lặp lại. Krishnamurti đã lấy một thí dụ rất dễ hiểu là không ai mô tả được vị của một cốc nước chanh và do đó không ai biết được người khác uống nước chanh có cảm thấy mùi vị như mình hay không. Nhiều người cùng nói rằng lá cờ kia màu đỏ, nhưng chắc chắn màu đỏ lá cờ được cảm nhận mỗi người mỗi khác. Chỉ mới bước vào ngưỡng cửa của vị giác và thị giác mà nhận thức đã mang tính chủ quan đến như vậy! Vì thế có lẽ không nên gọi những học thuật này là khoa học để tránh lẫn lộn với trường phái khoa học chính thống hiện hành của các môn khoa học chính xác.
        Chính vì những tính năng nói trên, ta chứng kiến „khoa học“ chủ yếu dưới dạng các hoạt động khoa học của một cộng đồng khoa học với tính cách một hiện tượng văn hóa xã hội. Những đóng góp tập thể của các nhà khoa học trong các thế kỷ qua dẫn đến sự phát triển thống nhất của khoa học với phân ngành chuyên môn phong phú ngày nay. Trong những cuộc hội thảo khoa học người ta truyền đạt những nhận thức, kinh nghiệm và kiểm tra đánh giá những nhận thức kinh nghiệm đó. Từ đó hình thành một nhãn quan khoa học nhất quán với một hệ thống thuật ngữ cần thiết. Cái gọi là Khoa học trên đây rõ ràng không thể tách khỏi cộng đồng khoa học và do đó Nó là khoa học của đám đông hoặc khoa học của xã hội. Đó là hệ quả rút ra từ hiện tượng xã hội của Khoa học chính thống.
        Từ những yêu cầu đặt ra cho một lý thuyết, một chuyên ngành khoa học đã nói trên, ta thấy một lý thuyết được công nhận là đúng phải có khả năng dự báo trong một chừng mực nhất định về một sự kiện, hiện tượng sẽ xẩy ra trong tương lai dựa trên cơ sở những kinh nghiệm, nhận thức đã thu nhận từ các đối tượng cùng loại hoặc tương tự (được mô tả bởi cùng dạng hệ phương trình vi phân chẳng hạn) và đã được khái quát hóa thành định luật, quy luật. Như vậy Dự báo tuy là một suy diễn từ lý thuyết nhưng thực ra xuất phát từ thực tế các sự kiện đã quan sát, quan trắc và tất nhiên chỉ có giá trị khi được phát biểu trước khi sự kiện được suy diễn xẩy ra (sự kiện đó không được phép là một sự hiển nhiên tầm thường). Để đảm bảo một mức tin cậy nhất định cho dự báo, khoa học phải tiến hành các thí nghiệm để đánh giá tính lặp lại của một sự kiện (đã biết) được diễn giải từ lý thuyết, đồng thời phải đánh giá được ảnh hưởng các yếu tố nhiễu và khả năng phân lập, hạn chế ảnh hưởng nhiễu. Vì tính lặp lại của các kết quả đo, quan sát (dưới các ảnh hưởng nhiễu không thể khống chế) có thể đánh giá trong một phạm vi nào đó theo thống kê toán nên các dự báo có một độ tin cậy hay một xác suất xẩy ra nhất định. Do đó, trong khoa học chỉ có thể nói đến dự báo mà không thể nói đến tính tiên tri. Nếu tiên tri là khả năng biết trước chắc chắn sự xuất hiện của một „hiện tượng không ngờ“ trong không thời gian nào đó thì vì lý do bản chất của khoa học - như đã trình bầy trên - không ngành khoa học nào có khả năng tiên tri.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      3. #3
        Tham gia ngày
        Nov 2011
        Đến từ
        Berlin
        Bài gửi
        20
        Cảm ơn
        11
        Được cảm ơn: 4 lần
        trong 3 bài viết

        Default Khoa học và Tiên tri (tiếp theo)

        2. THUẬT TIÊN TRI

        Những đặc điểm của „khoa học chính thống“ trình bầy trong Phần I bài viết này chỉ là kết quả tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu về lịch sử khoa học hoặc triết học khoa học tự nhiên. Trọng tâm của phần I là dựa vào những đặc điểm quen thuộc đó để nêu rõ lý do tại sao khoa học chính thống với hệ thống phương pháp của nó không muốn và không thể là một phương tiện tiên tri với thuật ngữ „tiên tri “ theo đúng ý nghĩa.
        Sự thực là về mặt lịch sử các thuật tiên tri vốn được ghép chung vào siêu hình và bị phê phán đả kích trong lịch sử loài người. Người ta đã từng thân bại danh liệt, bị lên giàn hỏa theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen vì liên quan đến những học thuật này. Chẳng phải là có những tôn giáo nghiêm cấm thực hành tiên tri hay sao. Chẳng phải ở nhiều nước các học thuật này phải trang bị một cái vỏ bọc khác để xuất hiện hay sao và lúc nào cũng có nguy cơ bị tấn công, phê phán. Xã hội con người có những chuyện tức cười: Nếu ở nhiều nước châu Âu ngày nay anh có thể ngang nhiên tuyên bố tin ở Thượng đế, thậm chí còn thấy Thượng đế giáng trần nữa cũng không có ai làm gì anh, nhưng nếu anh nói là tin và đã thấy ma, người ta sẽ cho anh vào bệnh viện tâm thần ngay. Bệnh Tâm thần mê tín tập thể vào một thần linh, một tà thuyết không bị phê phán vì phần lớn người đời mê tín vào một tôn giáo, một thuyết nào đó kể cả khi thuyết đó đã được chứng minh bằng lý luận và thực tế là man thuyết, tà thuyết. Nhưng nếu anh bị các bác sĩ tâm thần lang băm vu cho là bị tâm thần cá biệt thì dù bị sử lý nhẹ anh cũng nhớ đời. Những người có khả năng chữa bệnh đặc biệt mà không phải mài quần tại giảng đường y khoa là những trường hợp điển hình bị khoa học chính thống vùi dập. Làm sao một thầy thuốc học bảy tám năm trường y ra có thể chấp nhận một người nông dân chữa được một bệnh nào đó giỏi hơn mình. Ngay bác sĩ Tôn Thất Tùng, tuy chẳng hiểu biết gì về cách chữa bệnh của ông Trương Cần (nổi tiếng một thời tại Hà Nội), cũng dựa vào vài bài trên báo nước Pháp phát biểu công khai trên báo chí phủ nhận khả năng của ông.
        Tất nhiên những cách nghĩ như vậy không còn hợp lý vì thời đại đã thay đổi, nhất là khi khoa học chính thống ngày nay đã có những khoa „đáng ngờ về tính nửa âm nửa dương“ như tâm lý học, cận tâm lý học, tinh thần kinh vv, và đã tiếp nhận những đứa con kỳ quặc khác như thuyết lượng tử, thuyết string... vào hàng ngũ của mình. Nếu không có những thuyết giáp ranh đó thì khoa học mãi là khoa học cổ điển. Để tránh sự ngược đãi dành cho các học thuật siêu hình (xin được gọi tạm như vậy để phân biệt hai dòng khoa học) các học giả cũng như những người hành nghề trong các lĩnh vực học thuật siêu hình thường đưa ra những thực chứng rất đáng tin cậy và đã qua kiểm chứng để chứng minh tính khoa học của ngành mình. Họ đã làm một việc vô ích, vì nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn đề ra cho khoa học để xét các học thuật siêu hình thì sẽ không bao giờ có sự chấp nhận của khoa học chính thống cho phép những học thuật siêu hình đứng lẫn vào hàng ngũ của mình dù có xếp hàng rổ rá đến bao giờ đi nữa. Một mặt khoa học chính thống không muốn chia sẻ ngai vàng mang lại khá nhiều quyền lợi cho mình. Mặt khác, học thuật siêu hình khác biệt khoa học chính thống như Nước với Dầu, không thể bỏ chung vào một vỏ hạt dẻ.
        Thực ra Khoa học chính thống với nhãn quan tương đối khách quan và tỉnh táo và dễ kiểm tra hơn cần thiết đóng vai trò đối trọng với học thuật siêu hình để bảo vệ sự tỉnh táo cần thiết khi bước vào những học thuật này và để tận khai thác một nửa bán cầu não vào nhận thức vũ trụ, khi các học thuật kia mang nhiều đặc điểm chủ quan khai thác phần não còn lại và cho phép con người nhận thức sáng tạo hơn khi bay bổng trong cả tiềm thức và siêu thức. Điều đáng tiếc là loài người đã vì những thành quả vật chất để nửa não này bóp nghẹt nửa não kia quá lâu.
        Trình bầy rõ những đặc điểm của các khoa học chính thống ta thấy rằng đã đến lúc những người nghiên cứu các học thuật tạm gọi là siêu hình gạt bỏ ảo tưởng ghép mình vào khoa học chính thống mà phải xác minh bản chất học thuật của ngành mình để khẳng định dòng khoa học thứ hai. Đây là một thách thức thú vị cần sự đóng góp của mọi người quan tâm, dù thuộc vào dòng chảy nào. Có lẽ thời điểm đã đến trong thế kỷ 21. Những phần dưới sẽ cố gắng chứng minh vai trò cần thiết của các học thuật siêu hình trong văn hóa nhân loại mà điển hình nhất là các học thuật tiên tri.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      4. #4
        Tham gia ngày
        Nov 2011
        Đến từ
        Berlin
        Bài gửi
        20
        Cảm ơn
        11
        Được cảm ơn: 4 lần
        trong 3 bài viết

        Default Khoa học và Tiên tri (tiếp theo)

        3. Đặc điểm của các thuật tiên tri

        Mọi hoạt động của con người cũng như của xã hội loài người đều hướng về tương lai. Ít nhất người ta cũng có hy vọng rằng những cố gắng ngày hôm nay sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp sau này. Viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai có thể được suy diễn từ những dữ kiện hiện tại, nhưng cuộc đời vô thường, ai dám khẳng định điều mình suy diễn sẽ thực sự xẩy ra. Nhu cầu biết trước về tương lai để đưa ra quyết định hành động ứng sử cho phù hợp là mong muốn cố hữu của con người. Đó cũng là lý do phát sinh và tồn tại của các thuật tiên tri đã được kiểm chứng trong hàng ngàn năm qua.
        Tiên tri là sự biết trước (và phát ngôn ra) một sự kiện sẽ xẩy ra trong tương lai. Tiên tri thường mang tính khẳng định, hiếm khi có những tiên tri đặt ra điều kiện như nếu có sự kiện này thì sự kiện kia sẽ xẩy ra. Các tôn giáo thường lưu truyền lại nhiều tiên tri cho biến chuyển xã hội, nhưng con người cá nhân quan tâm nhiều hơn đến các tiên tri về hậu vận của chính mình. Các triều đại, các thể chế xã hội và hệ thống luật pháp… sẽ qua đi nhưng cái lo lắng về ngày mai của con người vẫn mãi tồn tại. Đó cũng là lý do tại sao các thuật tiên tri sống dai dẳng bất chấp mọi cản trở, cấm đoán.
        Một điều đáng quan tâm và cần giải thích là các tôn giáo không khuyến khích hoặc cấm ngặt sử dụng các thuật tiên tri: Một tôn giáo tin vào Thượng đế hoặc Trời, Phật vốn đã có sẵn những nhà tiên tri do các ngài chỉ định để „khải huyền“ tức là nói ra những điều huyền diệu và tín đồ một khi đã gia nhập đàn chiên do các ngài chăn dắt thì số phận lúc sống cũng như khi chết đã do các ngài an bài, có chết cũng trở về trong lòng đấng tối cao nên sự tò mò về tương lai chỉ là hệ quả của một niềm tin yếu ớt. Nhiều truyền kỳ về các cao tăng, đạo sĩ có nói đến khả năng tiên tri của các vị về xã hội cũng như tương lai của cá nhân cũng như những đóng góp của các vị vào huyền thuật, chiêm bốc, tử vi... không phải không có căn cứ lịch sử. Tuy vậy, những tiên tri của các vị này dù là trong Khải huyền của kinh Thánh, trong các câu Sấm của Trạng Trình hay của Nostradamus và bao nhiêu vị khác chỉ là những bộc lộ MỜ, mãi kích thích tính tò mò của con người, vì như thường nói „Thiên cơ bất khả tiết lộ“ mọi chiêm nghiệm của con người vế sự kiện đã xẩy ra trong phạm vi một quốc gia, một xã hội thường đi sau sự kiện. Trái lại, các học thuật tiên tri như Tử Vi, Tử Bình, Phong Thủy, Nhâm Cầm Độn Toán… lại có ý nghĩa lớn trong đời sống cá nhân vì những chứng nghiệm cho thấy các học thuật này có thể giúp cá nhân con người sợ hãi yên tâm hơn bước vào ngưỡng cửa vị lai. Chính vì vậy các học thuật này tồn tại hàng ngàn năm tới nay. Và có thể nói rằng Tồn tại tức là Hợp lý. Như vậy việc phỉ báng các học thuật tiên tri nhìn từ góc cạnh nào, khoa học hay tôn giáo, cũng vô lý, nhất là khi ta từ tiềm thức nhận ra rằng con người cần biết cái đáng biết. Thuật tiên tri bắc cầu vào vị lai, nhưng có khi cầu bắc vào quá khứ: Tiên tri có thể đưa quá khứ và vị lai về trên một bình diện. Vì như trong thuyết Yoga đã nói, bộ nhớ vũ trụ Akasha Chronicle chỉ có một bình diện thời gian, kẻ tiếp xúc được với vị lại cũng có thể tiếp xúc với dĩ vãng.
        Khác với những dự báo trong khoa học vốn dựa trên những hệ thống tri thức đã có, xây dựng trên nền tảng các dữ liệu thu thập được có liên quan trực tiếp đến đối tượng dự báo, học thuật tiên tri đưa ra những nhận định xuất phát từ những phương pháp thông tin đặc biệt hay nương tựa vào những mô hình, những hệ thống vật lý không có mối liên hệ nào với đối tượng được tiên tri. Một nhà dịch học uyên thâm nào đó có thể dùng kinh Dịch để nhận ra một sự kiện chưa xẩy ra trong đời một người, nhưng một bà già rải nắm bài Tarot hoặc một thầy mo Phi châu tung nắm xương chó mèo lẫn các mảnh chai, đá vụn cũng có thể nói ra những điều quan trọng tương tự. Ai có thể xây dựng được một thuật toán để suy diễn chính xác sự phân bố những xương chó mèo trên cát với những diễn biến xã hội hoặc đời người! Vì thế Khoa học vốn suy diễn theo quan hệ nhân quả không thể giải thích những con đường siêu hình dẫn đến các tiên tri của loại học thuật này, có mối liên hệ vật lý nào giữa cặn trong cốc cà phê hoặc cặp chân gà luộc với một sự kiện tương lai của một cá nhân hoặc một xã hội! Tuy nhiều tiên tri đã được chứng nhân tin cậy xác nhận ứng nghiệm trong phạm vi xã hội cũng như trong phạm vi cá nhân, và lẽ ra các thuật siêu hình là một nguồn gốc văn hóa của nhân loại phải được công nhận song song tồn tại cùng các khoa học cụ thể khác, nhưng do nắm được vị trí chính thống và để bảo vệ vị trí chính thống của mình, cho tới nay khoa học đã đem tất cả cố gắng để phủ nhận các huyền thuật bao gồm thuật tiên tri. Nếu không có sức sống nội tại các thuật này không thể tồn tại đến ngày nay. Sức sống nội tại của các học thuật tiên tri chính do độ tin cậy nhất định của chúng trong vận dụng.
        Nhiều năm qua những người có chút tăm tiếng không ai có gan công nhận các hiện tượng siêu nhiên. Chỉ công nhận những hiện tượng không thể giải thích bằng khoa học là những hiện tượng khách quan đã đủ để thân bại danh liệt, mất hết địa vị xã hội và những quyền lợi kèm theo. Đối với những người làm khoa học đứng đắn việc bị loại bỏ ra khỏi các hoạt động khoa học là một hy sinh quá lớn khiến họ phải tránh né. Những người khác lại lấy việc chống đối triệt để những người công nhận tính khách quan của các hiện tượng siêu nhiên làm con đường tiến thân. Dựa vào các thế lực che chở họ công kích bất kể sai đúng. Những trường hợp tương tự cũng được quan sát trong sự phát triển của y học thế giới. Biết bao lương y không xuất thân từ các trường đại học y khoa đã bị cấm hành nghề, bị giam cầm. Gần đây, những người đề suất các phương pháp chữa ung thư hoặc các bệnh nan y khác được dư luận xem là hữu hiệu hoặc chứng minh những sai lầm của phương pháp quang tuyến trị liệu hay hoá dược trị liệu hoặc tiêm chủng … đã bị cấm phát biểu, bị vu là có bệnh tâm thần, thậm chí bị ám sát. Vì nếu những người bệnh nan y không chịu điều trị theo phương pháp y học chính thống mà theo các phương pháp khác thì nhiều công ty dược phẩm lớn sẽ mất nguồn lợi nhuận khổng lồ! Việc giành giật thị trường chỉ là chuyện rất bình thường, kể cả trong ngành tiên tri.
        Đặc điểm chính của các thuật tiên tri là tính siêu hình khiến người ta có thể tiếp cận nó với những quan điểm rất khác nhau và hoặc không thể lặp lại hoặc không thể được kiểm chứng bởi người khác, ở nơi khác, vào lúc khác. Như khi xem số tử vi người ta thường theo các cách cục như những công thức toán nhưng diễn giải các cách cục đó theo màu sắc cảm nhận cá nhân. Có những diễn giải mang tính huyền bí và bị phê phán khép vào loại mê tín. Mà bị phê phán là mê tín thường cũng đồng nghĩa với việc đặt ra ngoài vòng pháp luật! Các cơ quan nhà nước không có chuyên môn sâu cũng khó phân biệt ai là người có quan điểm mê tín, ai là người diễn giải lô gich theo học thuật. Đó là chưa kể khả năng, độ sâu kiến giải cũng phụ thuộc vào trạng thái tinh thần và thể chất có thể biến đổi của người kiến giải. Những biến đổi chủ quan này ảnh hưởng đến khả năng suy diễn hoặc xa hơn nữa là khả năng cảm nhận sự kiện.
        Mặt khác phải thấy rằng các thuật tiên tri với phương pháp tiếp cận siêu hình như từ tổ hợp những con bài Lenormand, bài Tarot, từ vị trí các biểu tượng sao trong lá số tử vi hay từ bố cục của các vỏ sò, mẩu xương của nhà man thuật (shamanisms) không thể luôn luôn đưa ra được những tiên tri chính xác có tính lặp lại cao, đó là chưa kể những phương pháp tiên tri có xuất sứ thô sơ, cổ xưa như lên đồng, cầu hồn. Nếu như một phương thuốc đông y có thể chữa được sáu bẩy trong số mười bệnh nhân đã đáng được trân trọng là một phương thuốc hay, thì một lời tiên tri không chứng nghiệm lại có ảnh hưởng phủ nhận đáng kể với thuật tiên tri hay cá nhân người thực hành tiên tri. Sự thực là một người tìm cứu cánh ở tiên tri thường đặt quá nhiều niềm tin vào phương pháp này (và ra quyết định theo hướng của tiên tri) nên sự thất vọng của họ khi gặp một tiên tri không linh nghiệm thường quá lớn.
        Hơn nữa, khoa học chính thống không dám nhận mình có khả năng tiên tri, những dự báo khoa học bao giờ cũng tự hiểu là nằm trong một vùng dung sai nào đó. Trong các thuật tiên tri hoặc không có vùng dung sai hoặc vùng đó không thể xác lập. Vì thế khoa học chính thống dựa vào tiêu chuẩn đặc trưng của ngành mình dễ dàng bác bỏ thuật tiên tri tuy đó là một việc phi lý. Người ta có thể dựa vào các tiêu chuẩn của khoa học đề ra cho các lý thuyết khoa học, phương pháp khoa học để nhận xét xem một thuyết mới nào đó đã đủ tiêu chuẩn để được gọi là khoa học hay chưa nhưng không thể đem những tiêu chuẩn này áp đặt lên những học thuật siêu hình khác loại, như thế chẳng khác gì ép buộc „tất cả các loại hoa cúc đều phải là cúc vạn thọ“, một cách bóp nghẹt phát triển của văn hóa nhân loại. Đến đây ta có thể đưa ra một nhận định cơ bản là không thể đem các tiêu chuẩn của khoa học đặt ra cho chính nó để phán xét các học thuật tiên tri hoặc những thuật siêu hình khác là loại học thuật có phương pháp riêng biệt dựa trên tri giác hoặc „cảm nhận“ chủ quan của cá nhân. Làm ngược lại chính là phủ nhận Tự do Tư tưởng.
        Những chế độ xã hội phủ nhận cá nhân mà mỗi người chỉ là „một cái đinh ốc trong cỗ máy của Mao Chủ Tịch“ nhất định không thể chấp nhận tự do tư tưởng, vì tự do tư tưởng chính là để khẳng định cá nhân, cũng không thể chấp nhận học thuật siêu hình vì ở đây tri giác cá nhân đóng vai trò quyết định. Mặt khác cũng cần thấy rằng, tri giác, cảm nhận cá nhân có thể sai lầm hoặc có thể bị lạm dụng. Các nhà nghiên cứu có nhận định rằng nhà tiên tri Mahomed của Hồi giáo có khi lẫn lộn giữa những điều thực sự là khải huyền với những suy diễn cá nhân của riêng ông. Khoa học chính thống với phương pháp chính xác và thực dụng giúp ta tỉnh táo trong quan sát để phân biệt những trường hợp lẫn lộn vàng thau như vậy.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      5. #5
        Tham gia ngày
        Nov 2011
        Đến từ
        Berlin
        Bài gửi
        20
        Cảm ơn
        11
        Được cảm ơn: 4 lần
        trong 3 bài viết

        Default Khoa học và Tiên tri (tiếp theo)

        Trên đây có nhắc đến khả năng cảm ứng hoặc cảm nhận của một người thực hiện thuật tiên tri. Vậy cảm ứng là gì, cảm ứng có phải là đặc điểm riêng của các thuật siêu hình không. Cảm ứng là một khả năng thuộc về tiềm năng của con người ghép nối ta với một sự việc có ý nghĩa nhất định khiến ta nhận được thông tin về sự việc ấy mà không cần sử dụng trực tiếp các phương tiện trung gian khác. Trong các công bố gần đây hiện tượng cảm ứng được xếp vào loại các hiện tượng cộng hưởng sinh học (Bioresonance). Có rất nhiều thực chứng cho thấy những người chuyên nghiên cứu các thuật tiên tri có khả năng nhập trạng thái cảm ứng cao hơn người không luyện tập. Cảm ứng mang lại những thông tin ngoại vòng ngôn ngữ. Người ta tin rằng người có khả năng cảm ứng cao có thể tiên tri trong những lĩnh vực như phong thủy, tướng mệnh… mà không cần được đào tạo về những chuyên môn này. Tuy vậy cảm ứng không nhất thiết chỉ là đặc điểm của người làm việc trong các lĩnh vực tiên tri. Sự tập trung tư tưởng cao độ của những người hoạt động trong các ngành khoa học tự nhiên có thể khiến cho trực giác trở thành một công cụ quan trọng. Nhiều nhà khoa học tự nhiên công bố rằng đã tìm ra giải đáp cho vấn đề quan tâm của mình trong giấc mơ. Ngày nay ở nhiều nước trên thế giới có những khóa huấn luyện khả năng cảm ứng để vận dụng vào những lĩnh vực khác nhau, do đó không thể cho rằng cảm ứng luôn luôn và hoàn toàn mang tính chủ quan không thể kiểm chứng. Những người thành thạo sử dụng thuật Tử Vi, Tử Bình… nói rằng lá số những người được gọi là „thầy“ trong các thuật này phải có những cách cục đặc biệt, bảo đảm những người này có khả năng cảm nhận hoặc có trực giác nghề nghiệp cao hơn người khác. Nhận xét đó có lý vì nếu những học giả nghiên cứu tử vi, lý số, độc thư vạn quyển đều có khả năng tiên tri ở một mức độ nào đó thì các thầy bói mù què trên hè phố làm sao kiếm ăn được. Tương tự, ta thấy sự vô lý khi phong tặng hay tự phong thiền sư, đại đức, thượng tọa cho mấy người tốt nghiệp khoa Phật học của một trường đại học nào đó, tuy họ chưa từng thí phát quy y, chưa từng có sư phụ trao cho y bát, chưa từng quét lá đa cửa chùa... Đó là sự lầm lẫn giữa anh học giả và kẻ tu hành chân chính.
        Sự thực là các thuật tiên tri vẫn tồn tại bất chấp mọi ngăn cản cấm đoán như một dòng nước ngầm trong mỗi dân tộc, mỗi địa phương của trái đất và là một thành phần quan trọng của văn hoá một dân tộc ảnh hưởng lớn đến xã hội, truyền thống, phong tục và trong tiềm thức chi phối ứng xử hàng ngày của cá nhân. Phủ nhận sự thực đó, xem là nó không tồn tại là một cách đối sử phi khoa học, nói theo cách nói cũ là duy tâm vì nó xuất phát từ ý muốn phủ nhận các hiện tượng khách quan này. Cách đối sử thông minh nhất, biện chứng nhất là tiếp nhận vốn học thuật cũ một cách hệ thống và tìm hiểu khai thác, lý giải và đánh giá khả năng vận dụng của các học thuật này và tận dụng chúng. Ta cũng cần thiết phải xây dựng và đưa ra những tiêu chuẩn để một học thuật có thể xếp vào hàng các học thuật siêu hình khi đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Ít nhất một ngành tiên tri cũng phải có những xuất phát điểm rõ ràng không mâu thuẫn nhau như một hệ tiên đề, có hệ thống những nguyên tắc khai thác thông tin và có những tiêu chuẩn đánh giá kết quả... Những thuật tiên tri không đảm bảo những yêu cầu hệ thống chỉ có thể xem là hiện tượng và được sắp xếp vào một lớp chuyên đề bao gồm hơn. Việc hệ thống hóa sắp xếp các thuật tiên tri sẽ giúp tập trung nghiên cứu, lý giải thấu đáo hơn về bản chất của các hiện tượng.
        Một điều may mắn cho khả năng chấp nhận các thuật tiên tri trong thời đại này là chính những phát triển của khoa học chính thống đã đang xóa nhoà vùng giáp ranh. Ta biết rằng không có ai thực sự „hiểu“ những thuyết mới nhất trong vật lý hiện đại như thuyết lượng tử. Không phải chỉ những nhà vật lý nặng về triết lý như Fridjoff Capra mà cả những nhà vật lý đang hoạt động tích cực trong những thuyết mũi nhọn của vật lý cũng nhận ra sự chuyển biến quan trọng này. Trong cuốn The Self-Aware Universe của tác giả Amit Goswami, đã phát hành từ năm 1993 do Penguin Group (USA) tác giả, một giáo sư về vật lý lý thuyết tại trường đại học Oregon đã thuyết minh rất sáng tỏ về khả năng giải quyết những nghịch lý của khoa học hiện tại nếu ta xuất phát từ quan điểm là vũ trụ có nguồn gốc tinh thần. Những thí nghiệm gần đây nhất của vật lý lượng tử đã góp phần củng cố quan điểm của Goswami. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi cũng đã tỏ ra có can đảm công nhận các hiện tượng siêu nhiên ngay trong các chương trình thông tin quần chúng mà không sợ búa rìu dư luận, chứng tỏ thời đại đã chuyển biến.
        Ngày nay khi kết quả thực nghiệm của vật lý lượng tử khiến ta phải kết luận rằng việc phân biệt duy tâm và duy vật chẳng qua chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, việc công nhận nguồn gốc tinh thần của vũ trụ thực ra chỉ là vấn đề kinh viện. Trong các lĩnh vực sinh học, y học người ta đã vượt qua những lý thuyết sơ khai về trường sinh học để đi xa hơn vào thực nghiệm và ứng dụng thuyết lượng tử kết hợp với quan điểm trường hình dạng (morphogenetic field) như Sheldrake đề xuất. Những người theo triết thuyết cổ có thể xem như đó là một cách tiếp cận đến cái gọi là tri thức vĩnh hằng Akasha được nói đến trong kinh Veda. Khoa học ứng dụng không chỉ quan tâm đến tranh biện kinh viện. Trong khi những người quan tâm đến khía cạnh triết lý còn băn khoăn suy xét, các ngành ứng dụng đã từ hàng chục năm nay đưa ra những thành quả kỹ thuật không thể giải thích bằng vật lý cổ điển.
        Tôi được chứng kiến một cuộc trình diễn trên một thiết bị chẩn đoán làm việc theo nguyên lý trường sinh học và vật lý lượng tử do một viện nghiên cứu tại liên bang Nga chế tạo. Thiết bị này mang tên Oberon và gần đây cũng được lắp ráp tại nước ngoài theo giấy phép của Nga. Sau khi máy tự động chẩn đoán toàn bộ hoạt động cơ thể của một người căn cứ vào các tần số đặc trưng của các vùng tương ứng trên cơ thể, có thể xác định loại dược liệu cần sử dụng dựa trên phát hiện tần số đặc trưng của dược liệu và sự cộng hưởng của dược liệu đó với phần thân thể cần chữa trị. Phải công nhận là những kết quả chẩn đoán của máy Oberon hoàn toàn trùng khớp với các chẩn đoán trước đây của nhiều chuyên gia và phòng thí nghiệm y học, trừ một vài hiện tượng Spondylosis ở khớp xương cổ không thấy máy cho nhận xét. Những thiết bị khác dựa vào sự tồn tại một trường morphogenetic như máy Quantec có giá khoảng 15.000,- USD còn được giới thiệu là có khả năng chẩn đoán (kể cả chẩn đoán qua các biểu tượng, hình ảnh) và điều trị từ xa. Nếu các thiết bị này làm việc - chỉ cần phần nào và có lúc - đúng như hứa hẹn, chúng đã bắt đầu thay thế những người mà ta đang gọi là nhà ngoại cảm. Có lẽ một ngày nào đó với những thông tin hình ảnh ban đầu, một thiết bị lượng tử-trường hình dạng (hoặc trường gì đi nữa) sẽ cho ta một bản nhận xét phong thủy, tử vi hoàn chỉnh kèm các đề nghị sửa đổi hợp lý. Điều kỳ diệu đó sẽ được thực hiện khi chính những phương tiện kỹ thuật có được khả năng cảm nhận – tưởng như chỉ có ở sinh vật - để tiếp cận những trường mang thông tin. Nhiều chuyện lạ ngày hôm qua rất có thể ngày mai không còn là chuyện lạ nữa, và ở những phòng nghiên cứu tuyệt mật trên thế giới này chắc chắn ta sẽ tìm thấy hoặc đợi lâu sẽ thấy phần dưới của núi băng. Các phương pháp tiên tri được nghiên cứu phát triển có hệ thống có thể chính là những con đường giúp con người thông qua những hệ thống vật lý – thông tin với những phương pháp diễn giải khách quan tiếp cận đến bí mật của tương lai.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      6. #6
        Tham gia ngày
        Nov 2011
        Đến từ
        Berlin
        Bài gửi
        20
        Cảm ơn
        11
        Được cảm ơn: 4 lần
        trong 3 bài viết

        Default Khoa học và Tiên tri (tiếp theo)

        Tự nhiên đặt ra trước con người vô số hiện tượng không thể (hoặc chưa thể) giải thích bởi các ngành khoa học. Về nguyên tắc, cho đến nay chưa có cách nào tiếp cận một cách chủ động và có kiểm tra vùng trải nghiệm chủ quan của con người. Các khoa học như Tâm lý học, Tâm lý bệnh học, Tâm lý trị liệu... và những môn học nào liên quan đến tâm lý đều ít nhiều có một chân đứng khập khiễng trong vùng tranh tối tranh sáng này. Tất cả các môn học có chữ Tâm to tướng đứng trước thảy đều đáng ngờ, vì sự thực không ai biết Tâm là cái gì, dù có dịch ra tiếng nước nào đi nữa. Với người Việt ngày nay, nói đến TÂM là một cái mốt. Chưa có vị Phật nào giải thích cho ta rõ cái TÂM. Ít nhất có thể chắc chắn rằng Tâm đi đôi với sự sống của con người. Khi con người rời bỏ cõi đời, không ai nói đến còn cái Tâm nữa. Gắn với Tâm là các thuật ngữ đã bám rễ vào cuốc sống như tâm thần, tâm linh, tâm địa… là những cái mà có lẽ ta chỉ hiểu rõ hơn khi đã bước qua cửa Tử. Tuy vậy người ta không thể chối bỏ kinh nghiệm, từng trải về nội tâm của cá nhân (với những người đã từng trải, kinh nghiệm đó THẬT như trong cuộc sống thường ngày). Nghiên cứu thế giới Tinh thần hoặc Tâm linh bằng phương pháp thuần túy khoa học là điều không thể thực hiện được. Ngày nay người ta đã phải công nhận rằng ý muốn chủ quan của người tiến hành một thí nghiệm cũng ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm, tất nhiên không phải ảnh hưởng bằng cách sửa đổi kết quả như Louis Pasteur hay nhiều nhà khoa học khác.
        Những trải nghiệm chủ quan thường không thể diễn tả truyền đạt bằng các cách thông thường mà phải dùng đến những phương tiện thể hiện đặc biệt như hình ảnh, âm thanh, hoặc mô phỏng bằng ẩn dụ, bằng động tác... Những người đưa ra các thuyết siêu hình, lập ra các tôn giáo thường xuất phát từ trải nghiệm, kinh nghiệm bản thân là những bằng chứng chủ quan mà họ tin chắc chắn vào tính xác thực của chúng. Những thuyết được xây dựng trên những khởi điểm là trải nghiệm cá nhân đều xa lạ với khoa học chính thống, vì trải nghiệm không thể truyền đạt lại hay để người khác lặp lại. Các nhà truyền giáo thuyết pháp rất nhiều nhưng đều kết luận rằng, đường vào Đạo (của họ) là một cuốn kinh vô tự và càng bám chặt vào ngôn ngữ càng xa rời đạo. Những giáo thuyết này nhờ sự hưởng ứng của những người có trải nghiệm tương tự ủng hộ nên tồn tại qua thời gian. Người không có trải nghiệm cá nhân chỉ có thể đến với những thuyết này do đã đặt niềm tin của mình vào giáo thuyết đó hoặc vào những người đại diện của thuyết đó hoặc do bị thuyết phục .
        Vậy niềm tin là gì? Tin là khi ta quan niệm một cái gì đó là sự thật không cần đến các chứng nghiệm. Mặt khác niềm tin là một khả năng tâm lý đặc biệt của con người khiến ta có thể hành động (ra quyết định) bất chấp thiếu sót thông tin về đối tượng. Nếu xét kỹ, một người luôn tự hào là kẻ lúc nào cũng sáng suốt, khách quan sẽ phải thấy mình suốt ngày vẫn hành động chủ yếu dựa vào niềm tin. Nếu chỉ hành động khi biết đầy đủ và chắc chắn về đối tượng hoặc sự việc phải làm ta sẽ không làm được gì hết. Người ta cho rằng khi không bị thuyết phục mà vẫn có niềm tin thì niềm tin ấy có thể xuất phát từ tiềm thức. Nói đến tiềm thức hoặc vô thức là nói đến những cái không thể nắm bắt nên tranh luận là vô ích. Tiềm thức, vô thức là những khái niệm được xây dựng nên do các khoa học Tâm lý học, Tâm thần học và được vận dụng để giải thích các hoạt động tinh thần của con người. Nhưng cũng chính vì thế các khoa học này nằm trên vùng giáp ranh với siêu hình. Khi sử dụng thuyết Âm Dương Ngũ Hành xem hệ thống các khái niệm này là cơ sở để xây dựng những học thuyết khác như Y học, Phong Thủy, Bốc phệ... ta chỉ có thể dựa vào niềm tin về sự xác thực của chúng và lý giải rằng niềm tin đó xuất phát từ những trải nghiệm sâu xa còn lưu lại trong tiềm thức của chúng ta. Những trường hợp nghiệm đúng khi vận dụng các nguyên lý này củng cố niềm tin của ta, -nhưng như đã nói - với nguyên tắc của khoa học chính thống thì một số trường hợp đúng chưa bảo đảm tính khả tín của lý thuyết. Người ta nói rằng muốn hủy diệt một đối tượng nào chỉ cần lấy lại niềm tin đã đặt vào nó. Một khi anh đã không tin vào những điểm xuất phát dựa vào niềm tin của một học thuyết thì với anh học thuyết ấy đã sụp đổ bất chấp những chứng nghiệm là nó có khi đúng. Tại sao vậy? Tại vì cho cùng một đối tượng trên cõi đời có nhiều con đường của niềm tin xuất phát từ những vũ trụ quan khác nhau đưa đến những học thuyết tương đương. Với những nền văn minh phát triển song song nhau, mỗi học thuật tiên tri là một hiện tượng văn hóa khu vực mang phong cách tư duy truyền thống và vũ trụ quan đặc thù, được một khu vực địa cầu chấp nhận áp dụng và có một mức độ chứng nghiệm nhất định. Gia nhập vào vũ trụ quan và dòng tư duy truyền thống đó ta sẽ tiếp thu được tinh thần học thuật và vận dụng được học thuật của khu vực đó nhưng không chắc những học thuật đó có thể vận dụng thành công ở khu vực khác.
        Hãy lấy thí dụ Phong Thủy. Hãy lấy thí dụ những lều trại trên thảo nguyên Mông Cổ, tiêu chuẩn tối cao của phong thủy lều trại là phải tránh gió lạnh thảo nguyên thổi thốc vào lều. Vậy những lều dựng trên sa mạc thì sao…, chắc chắn ngũ hành, bát quái khó thể áp dụng tại những khu vực này. Người Ấn độ cũng có môn Vaastu hoàn toàn tương đương môn phong thủy của Trung quốc trong vận dụng nhưng có xuất sứ lịch sử từ kinh Veda trước đây ba ngàn năm. Cơ sở ứng dụng của Vaastu là một Mandala (đồ thức năng lượng) cho phép người Ấn căn cứ vào đó kiến thiết nhà cửa, đền đài, đô thị cho hợp với những nguyên tắc vũ trụ. Khác với Phong Thủy được bổ sung thêm thắt chủ yếu trong thế kỷ cuối, những nguyên tắc chủ yếu của Vaastu đã có từ thuở ban đầu và những quy định trong Vaastu không trùng hợp với Phong Thủy Tàu. Điều thú vị là người Ấn ngày nay không tin lắm vào Vaastu và thuật Phong thủy Trung Hoa cũng bắt đầu thịnh hành ở Ấn. Đáng tiếc, một số cuốn sách về Vaastu ngày nay chứa đựng đầy những khái niệm phong thủy cải lương kiểu Sara Rossbach. Có lẽ vì phong thủy truyền sang Ấn là do các nhà nghiên cứu phương Tây thích cải biên mọi học thuật cũ theo mốt mới. Ta có thể xem hiện tượng này là do theo mốt nhiều hơn là do nhu cầu thực sự. Ở một số nước Âu Mỹ người ta cũng rải rác nghiên cứu ứng dụng Vaastu và có những người tỏ ra vô cùng lạc quan say mê với thuật này. Người châu Âu thoát thân từ cái nôi của khoa học tự nhiên khi làm quen với Phong Thủy không gặp khó khăn trong việc chấp nhận tính môi sinh của thuyết Loan Đầu cũng như hệ phương vị Bát Quái cùng các thuộc tính Ngũ hành Âm Dương như một hệ tiên đề không thể chứng minh. Nhưng những cách suy diễn duy lý dựa hoàn toàn vào các tổ hợp số được sắp xếp bằng một thủ tục máy móc thí dụ trường hợp „hợp thập“ trong Huyền Không làm người ta khó chịu vì trộn lẫn duy lý với siêu hình. Cái chính xác số học có gì đó không hợp với những quan niệm siêu hình như chính thần, linh thần... Mặt khác, các tài liệu kinh điển về Phong Thủy chưa bao giờ nói đến thuật trấn yểm và các vật phẩm phong thủy như thiềm thừ, chó đá, sáo trúc... xa hơn nữa là bùa chú. Các nhà phương thuật hay thuật sĩ thực hành phong thủy đã gia nhập những phương tiện này – vốn xuất sứ từ man thuật, vu thuật cổ xưa - vào phong thủy. Khó thể nói đây là việc phong phú hóa hay huyền bí hóa phong thủy. Chúng ta có căn cứ để tin cùng Trương Huệ Dân rằng người xưa đã do rèn luyện công phu kiến được Khí và nhận ra được những thuộc tính của Khí phụ thuộc vào đặc điểm phương vị , môi trường, có tính Âm - Dương tương đối và đã căn cứ vào những kinh nghiệm này để tổng hợp nên môn Phong Thủy có đặc thù Trung Hoa. Những kết quả tổng hợp này có thật sự bao gồm hết được những hiện tượng phong thủy liên quan đến Khí hay không, câu hỏi này cũng chỉ có những người kiến được KHÍ mới trả lời nổi. Có cơ sở để tin rằng vẫn có những người có ít nhiều khả năng như vậy. Dù không phải ai cũng có thể kiến Khí để nắm bắt được quy luật khách quan trong phong thủy, người ta tin rằng những quy luật đó tồn tại và có thể chứng nghiệm chúng trong vận dụng các quy tắc chính của phong thuỷ. Khó khăn chủ yếu trong nhận dạng quy luật phong thủy là tính xếp chồng tác dụng quy luật mang tính khách quan với tác dụng lòng tin của con người mang lại. Và như vậy, môn phong thủy trong những khu vực văn hóa khác nhau rất có thể được chứng nghiệm khác nhau.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      7. #7
        Tham gia ngày
        Nov 2011
        Đến từ
        Berlin
        Bài gửi
        20
        Cảm ơn
        11
        Được cảm ơn: 4 lần
        trong 3 bài viết

        Default

        Bổ sung một đoạn ngắn vào cuối phần "Khoa học là gì":

        Những nhận xét được áp dụng cho các môn khoa học chính xác, khoa học tự nhiên, không luôn vận dụng được thấu đáo vào các môn ta gọi là khoa học xã hội. Cho đến nay các học giả vẫn tranh cãi về bản chất của khoa học xã hội, sao cho có thể gọi là một khoa học ngang hàng với một môn khoa học tự nhiên. Nói chung yếu tố phân biệt giữa một khoa học xã hội với một lý thuyết nào đó về cùng đối tượng là phương pháp nghiên cứu, phân tích với tính cách một công cụ chuyên dụng để tích lũy tri thức phục vụ cho mục tiêu khoa học. Phương pháp chủ yếu được sử dụng là xây dựng những lý thuyết rồi đưa vào kiểm tra trong thực tiễn. Những kết quả thu được qua thực tế vận dụng được tập hợp để xây dựng một lý thuyết bao gồm hơn hoặc một khoa học. Những lý thuyết đó phải cho phép ta vận dụng vào các vấn đề thực tiễn để nhận định và tiên liệu. Như vậy phương pháp nghiên cứu của khoa học xã hội chỉ có thể đưa đến những kết quả thực nghiệm hoặc dựa vào kinh nghiệm (empirical), dù cho có dùng những phương pháp toán như thống kế xác suất để sử lý những kết quả đó, và khoa học xã hội cuối cùng vẫn là những môn xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm và thực nghiệm. Muốn kiểm tra lại một kết quả thực nghiệm nào đó, ta phải biết phép thực nghiệm đã được thực hiện dưới những điều kiện cân đong đo đếm cụ thể nào. Qua các nhận xét trên, ta thấy các môn như xã hội học, chính trị học là một tập hợp nhiều lý thuyết nặng suy diễn hơn là thực chứng. Thực tế đó khiến người có vị trí xã hội nào đó có thể đưa ra áp dụng vào xã hội những ý tưởng của họ, đôi khi gây tai nạn cho cả xã hội. Có những cái người ta mạo nhận bừa bãi là quy luật này nọ nhưng thực ra chưa từng qua kiểm chứng trong thực tế. Các môn huyền học thuộc về lĩnh vực tri thức nhân văn nên có họ hàng nhiều hơn với những môn khoa học xã hội của khoa học chính thống nhưng rõ ràng không gây ra những tai hại giai đoạn lớn như chính trị trong thế kỷ 20 và 21 này. Tất nhiên không nên nhầm lẫn giữa các đường lối của người làm chính trị với môn khoa học chính trị, tuy người làm chính trị thường thích khoác tấm da hổ khoa học lên các quyết định của mình.
        Chào mừng bạn đến với huyền không lý số

      Đề tài tương tự

      1. Phú của ma-thị tiên sinh
        By hoa mai in forum Tử vi
        Trả lời: 9
        Bài mới: 29-06-14, 14:48
      2. KINH-DỊCH : Là Khoa-Học của Khoa-Học
        By tranbinhchuong in forum Khoa học huyền bí
        Trả lời: 0
        Bài mới: 02-05-14, 07:10
      3. Tiên tri của Khương Tử Nha
        By Boxer in forum Dịch số
        Trả lời: 3
        Bài mới: 03-07-12, 22:34
      4. Phi cơ đầu tiên bay bằng sức người
        By dhai06 in forum Khoa Học - Kỹ Thuật
        Trả lời: 0
        Bài mới: 02-10-10, 16:30
      5. Nhà thần tiên ở đâu...?!?
        By eyca2004 in forum Thư Giãn - Giao Lưu
        Trả lời: 8
        Bài mới: 27-08-09, 14:06

      Tags for this Thread

      Quuyền Hạn Của Bạn

      • Bạn không thể gửi đề tài mới
      • Bạn không thể gửi trả lời
      • Bạn không thể gửi đính kèm
      • Bạn không thể sửa bài viết của mình
      •