Bí Pháp về Lập Hướng:

Học về địa lý phong thủy, nếu đã trải qua được hai phầm tầm long và điểm huyệt thì xem như đã đi được 2/3 đoạn đường nghiên cứu, 1/3 đoạn đường còn lại là lập hướng và phân kim.
Trong ba phần trên, theo thứ tự, phần tầm long được xem là dễ học nhất, sau đó là điểm huyệt. Nhưng nhiều sách phong thủy lưu truyền lại nói rằng: "Tầm long bất dị, điểm huyệt vưu nan" nghĩa rằng: Việc tìm ra long mạch không phải dễ, việc điểm huyệt lại khó hơn nhiều. Nếu vậy, việc lập hướng và phân kim còn khó hơn gấp bội, bởi cũng có nhiều sách đã nói rằng: Lập hướng vi lý khí đệ nhất nan tự, hướng nhược bất sai tắc vô sự hĩ" nghĩa rằng: Lập hướng việc khó nhất là lý khí, nếu hướng lập không sai thì chẳng có gì đáng lo ngại. Điều đó nói lên rằng việc lập hướng và phân kim là một việc rất quan trọng.

Tôi (tác giả) là người học phong thủy ngay từ thuở nhỏ, nay đã già rồi nhưng lúc nào cũng học thêm vì sở học của mình chưa đủ trong cái mênh mông của học thuyết. Khi đi xem đất (Tầm long và điểm huyệt) và làm đất (lập hướng phân kim) vẫn thấy chưa có nhiều điểm thông suốt khi tiếp cận thực tế. Tầm long điểm huyệt thuộc phần hình thể, tuy có thể thấy được, song đôi khi vì nhãn lực chưa tinh nên vẫn chưa thấy hết mọi đặc điểm của toàn bộ cuộc đất. Việc điểm huyệt phải chần chừ vì chưa phân biệt được rõ ràng chân giả thật hư, bởi vì hình trạng của huyệt biến đổi khôn lường, còn nói về lập hướng phân kim có khi phải mất rất nhiều ngày xem đi xem lại cuộc đất. Khi về đến nhà phải vận não để xem TỌA HƯỚNG như thế nào cho hợp với SA THỦY của cuộc đất và đúng với LÝ KHÍ, ngoài ra còn phải xem đến năm tháng ngày giờ để hạ táng sao cho phù hợp với phương pháp TỌA MỆNH của khoa địa lý phong thủy âm phần.
Về Hình Thể (Sa, Thủy) của cuộc đất tuy là mắt nhìn thấy được, song cũng có người không nhìn ra, bởi vì nhãn lực tầm thường. Điều này khó tránh, bởi muốn làm được thầy địa lý giỏi phải có thiên khiếu (công năng đặc biệt trời ban cho) chứ không phải ai cũng làm được việc này. Tôi (tác giả) có nhiều học trò về môn học địa lý có học lực cao, song không phải vì có học lực cao mà xem đất được dễ dàng và tinh tường hơn những người có học lực ít hơn. Về phần lý khí vốn thuộc về lãnh vực trí tuệ, vì lý khí là lý thuyết tạo dựng nên những cuộc đất do đó nó rất trừu tượng và còn tùy thuộc vào nhiều kiến thức khác như kinh dịch, thiên văn, độn giáp v.v... rất khó mà tham thấu. Lý khí mà không thấu triệt thì không thể "làm đất" (lập hướng, phân kim). Lập hướng phân kim đúng thì mới có thể kết phát ở cuộc đất. Lập hướng sai thì mang tai hại cho gia chủ không nhỏ.

Thông thường có rất nhiều thầy địa lý phong thủy chỉ bàn đến huyệt đúng hay sai chứ không bàn đến Tọa và Hướng. Có lẽ họ tưởng rằng chỉ điểm đúng huyệt là đủ, còn hướng thì chỉ cần nhìn vào chỗ thấp có nước trừ tụ, hoặc có núi hay gò làm án là coi như lập đúng hướng rồi. Nếu chỉ có vậy thôi mà ngôi mộ được kết phát phú quý thì ai mà chẳng làm được.
Về phương diện hình thể, sa và thủy, biến hóa muôn hình vạn trạng, tuy địa hình địa cuộc, sơn sa bài trí có chỗ tương đồng song về thủy lộ lai khứ lại vô cùng khác nhau. Minh đường, án, các chứng ứng mỗi cuộc đất mỗi chỗ mỗi khác, thường không ngay thẳng với huyệt sơn khai diện hay cân đối với hai bên tả hữu của thành môn. Có cuộc đất được Sơn kề Ánh chỉnh nhưng lại không hợp với lý khí về sinh vượng mộ dưỡng. Ngược lại có những cuộc đất được cách sinh vượng mộ dưỡng, về lý khí thì không có Triều, Án hay thủy trừ tụ v.v... thật là rắc rối. Cũng có những cuộc đất huyệt tốt, cục tốt, sơn thủy thật hữu tình mà không lập được hướng cát, bỏ thì tiếc mà làm thì sợ. Cũng vì vậy mà sách dạy về lập hướng có nói rằng: Minh đường ngay chính mà án lệch thì phải căn cứ vào minh đường mà lập hướng. Lại nói: Minh đường thiên lệch mà án thì ngay chính thì phải theo án mà lập hướng, không đi ra ngoài cái gọi là Sơn tề Án chính.
Có sách lại nói: có cái huyệt tự nhiên thành ắt có cái hướng cho nó rồi, chẳng nên cầu kỳ làm khôn mà lập hướng khác làm trái chính khí tự nhiên của đất trời. Thật vậy, tôi đã thấy tại vùng núi thuộc tỉnh Đông Triều miền Bắc nước ta, vùng núi đá vôi trong tỉnh Hà Nam và vùng núi đá vôi ở vùng biển Hà Tiên, vùng núi đá Chồng ở Định Quán có những huyệt kết thiên nhiên nằm trong các hang động được hình thành một cách tự nhiên. Tất cả những huyệt trên đều chỉ có một hướng duy nhất do trời đất an bài sẳn, không thể lập hướng khác được. Thật là một điều kỳ lạ, một sự huyền diệu của tạo hóa ngoài sức tưởng tượng của con người chúng ta!

Trở lại phương pháp lập hướng thì có phương pháp của Ngọc Xích Kinh, Thanh Nang Kinh, Bát Sơn Tuyển Thủy, Cửu Tinh Phi Cung; phương pháp Đảo Trượng...Những phương pháp nầy đều có ưu và khuyết điểm riêng của chúng, không có phương pháp nào được vẹn toàn. Bởi vậy khi làm đất cần nên ứng dụng tất cả các phương pháp. Nếu thấy phương pháp nào hợp với Long, Huyệt và cục ấy được nhiều cái tốt hơn thì dùng nó.

Khi tôi (tác giả) học về phong thủy rất may là gặp được sách quý của hai vị nổi danh về địa lý phong thủy, đó là cụ Tả Ao và Hòa Chính; nhờ đó tôi đã lĩnh hội được những bí pháp về lập hướng từ lúc sớm. Đem so sánh về những sách lập hướng của hai cụ với những sách lập hướng của người Tàu thì thấy sách của hai cụ viết rất cô đọng và mạch lạc, cục nào ra cục nấy, thủy tới thủy phóng ra cửa khẩu đều có quy luật rất rõ rệt giống như những định luật về toán học ngày nay vậy. Còn đa số sách nói về lập hướng của Tàu thì bàn rất miên man, mỗi nhà bàn mỗi cách khiến người học địa lý phong thủy rất hoang mang không biết phải làm như thế nào mới đúng! Tôi cũng có dịp thảo luận với những thầy địa lý Tàu về phương pháp lập hướng, song họ cũng không thông suốt hay không muốn truyền thụ cho người Việt Nam, rốt cuộc cũng không thu được lợi ích gì về học thuật. May thay hai cụ Tả Ao và Hòa Chánh đã học được chân truyền những bí pháp về lập hướng từ hai giòng họ Quách và Cao là hai giòng họ nổi tiếng về thuật địa lý phong thủy của Tàu về thời cổ đại. Hai cụ lại viết sách truyền cho hậu thế, nên ngày nay phương pháp lập hướng phân kim này mới không bị thất truyền. Cụ Tả Ao nhờ chữa lành đôi mắt cho một thầy địa lý giòng họ Quách Phác nên đã được ông thầy địa lý Tàu truyền cho môn địa lý chính tông, còn cụ Hòa Chánh là do đích thân vua Càn Long nhà Thanh chỉ thị ông Cao Kị là cháu đời thứ 25 của ông Cao Biền truyền dạy. Khi cụ Hòa Chánh thừa lệnh chúa Trịnh sang triều cống vua nhà Thanh thì chúa Trịnh nhân đó dâng sớ khẩn cầu giúp Việt Nam bằng cách chỉ thị cho những người biết rành về phong thủy trong triều đình nhà Thanh chỉ dạy cho cụ Hòa Chánh.